Nghĩ cho người mắc lỗi khiến việc dữ hóa lành
Sự khoan dung là món quà lớn nhất của tâm hồn; nó đòi hỏi nỗ lực của bộ não cũng nhiều như khi bạn phải giữ thăng bằng khi đi xe đạp. (Helen Keller)
Khổng Tử nói rằng, “Nếu bạn khoan dung từ thiện, bạn sẽ có được cảm tình của mọi người”.
Đối với cổ nhân mà nói, bao dung là biểu hiện cao nhất của Thiện.
Sách “Tư trì thông giám” ghi lại câu chuyện về lòng bao dung của vua Đường Đại Tông.
Quách Tử Nghi dẹp xong loạn An Sử, trở thành người có công lớn phục hưng gia thất nhà Đường. Đường Đại Tông hết sức kính trọng Quách Tử Nghi, gả con gái là công chúa Thăng Bình cho con trai Quách Ái của Quách Tử Nghi.
Có một lần hai trẻ cãi cọ nhau, Quách Ái thấy vợ tỏ ra vẻ kiêu căng ngạo mạn của một công chúa, phẫn uất bất bình nói: “Cô có gì đặc biệt hơn người chứ? Chẳng phải là ỷ vào cha cô là Thiên tử ư? Bảo cho cô biết, giang sơn của phụ hoàng cô là do cha ta đánh bại An Lộc Sơn mà bảo toàn lại đó. Cha ta bởi xem thường ngai vàng của Hoàng đế, nếu không đã chẳng có Hoàng đế này đâu!”
Công chúa Thăng Bình nghe Quách Ái nói loạn như thế, tức khí nổi lên lập tức hồi cung bẩm báo Hoàng thượng.
Đường Đại Tông nghe con gái khiếu nại xong, thản nhiên nói: “Con còn nhỏ dại, có rất nhiều chuyện con chưa hiểu. Trượng phu của con nói đều là thật tình cả. Thiên hạ là do cha chồng của con Quách Tử Nghi bảo toàn lại đó. Nếu cha chồng con muốn làm Hoàng đế, thì đã sớm lên làm rồi, thiên hạ cũng không phải là của gia đình họ Lý chúng ta”. Ông khuyên con gái không nên bắt bẻ chồng, chụp loạn cái mũ lớn “mưu phản” lên người khác, cần phải sống hòa thuận tốt đẹp. Được Đường Thái Tông an ủi, công chúa hết giận, chủ động trở lại nhà họ Quách.
Sau khi Quách Tử Nghi biết chuyện, rất sợ hãi, nghe nói con trai khẩu xuất cuồng ngôn, gần như mưu phản, lập tức sai người bắt trói Quách Ái vào cung bái kiến Hoàng thượng, xin Hoàng đế trị tội.
Thế nhưng, Đường Đại Tông lại vui vẻ hòa nhã, không hề có ý trách tội, ngược lại còn an ủi Quách Tử Nghi: “Hai trẻ cãi nhau, có lỡ lời một chút, chúng ta già cả rồi không nên cho đó là thật, chẳng phải tục ngữ có câu: ‘Giả câm giả điếc, không tố gia ông’ ư? Làm như không nghe thấy gì là được rồi”.
Quách Tử Nghi nghe xong, trong lòng như gỡ bỏ được tảng đá nặng, cảm thấy vô cùng vui vẻ.
Có câu: “Trán của tướng quân rộng đến mức có thể phi ngựa, bụng của tể tướng rộng đến mức có thể chèo thuyền”.
Nghĩ cho người mắc lỗi khiến việc dữ hóa lành. Vậy nên Phật gia luôn giảng nghĩ cho người khác, đây là một loại trí huệ sinh ra từ tâm từ bi rộng lớn, không có lòng độ lượng không thể có loại trí tuệ thấu triệt nhân sinh như vậy.
Khổng Tử nói: “Làm chính trị thì sao phải dùng đến sát hại? Người thiện thì dân cũng sẽ thiện. Đức người quân tử như gió, đức tiểu nhân như cỏ. Cỏ trước gió thì phải nghiêng theo”.
Đối đãi với tiểu nhân thì đuổi hết diệt sạch là không cần thiết, bởi vì “người không sợ chết thì sao có thể lấy cái chết ra làm cho họ sợ được”.
Tiểu nhân nếu không có lòng liêm sỉ thì việc gì mà họ không làm? Do đó, bậc đại trương phu nhìn xa nghĩ sâu, phải giáo hóa thay đổi tính tình của họ, dùng đức để cảm hóa người, dẫn dắt họ hướng thiện. Vậy nên mới nói, có thể bao dung với tiểu nhân mới thành người quân tử.