Nghệ thuật xây dựng mối quan hệ với cấp trên
Sự gắn kết là kết quả của việc thiết lập một kết nối cảm xúc. Tuy nhiên, các mối quan hệ trong công việc lại dễ bị tổn thương do mất các kết nối cảm xúc này. Và nó đòi hỏi bạn nỗ lực nhiều hơn để duy trì mối quan hệ đó.
Sếp của bạn hôm nay nên là người mà bạn liên lạc trong suốt quãng đời còn lại. Bạn có thể làm việc cho người này trong một thời gian ngắn, có thể một hoặc hai năm. Nhưng nếu bạn nghĩ đến bức tranh rộng hơn rằng bạn đang xây dựng mối quan hệ với những người có tầm nhìn lớn và hiểu biết nhiều, thì bạn sẽ không còn ngần ngại tạo ra mối quan hệ hài hòa với cấp trên của mình.
Lần duy nhất sếp trở thành một người xa lạ với bạn chỉ nên trong cuộc gặp đầu tiên. Nếu họ vẫn là một người xa lạ và không phải là một đồng minh hay cố vấn đáng tin cậy của bạn, điều đó có nghĩa: không ai trong hai bạn đang cố gắng để hiểu đối phương. Gắn kết với cấp trên ở một mức độ nhất định là cần thiết.
Để cải thiện mối quan hệ với sếp, sự giao tiếp giữa hai người phải diễn ra ở mức độ sâu sắc hơn lời nói; cả hai cần nỗ lực để cởi mở hơn với người kia.
Bạn nên làm và nói những điều khiến sếp suy nghĩ tốt về bạn dù ở phương diện nhân viên hay một cá nhân. Theo đó, những suy nghĩ tích cực của sếp sẽ khơi dậy những tình cảm tốt đẹp trong bạn, từ đó cả hai sẽ muốn phát triển mối quan hệ dựa trên sự quan tâm, ngưỡng mộ, vui mừng, biết ơn, tự tin, tự hào, nhiệt tình, lạc quan và hài lòng.
Mặt khác, nếu bạn hoặc sếp của bạn chỉ thờ ơ, kìm nén hoặc che giấu cảm xúc của mình, người kia có thể trở nên thất vọng vì mong muốn gắn kết của họ không được đáp ứng. Kết quả là, một trong hai sẽ có xu hướng lảng tránh dần các câu chuyện thay vì tiếp tục có mong muốn kết nối. Và sau đó, trạng thái ngắt kết nối cảm xúc là điều không tránh khỏi.
Trong một cuộc khảo sát của Harvard Business Review, phần lớn mọi người đang trải nghiệm sự mất kết nối cảm xúc với ông chủ của họ. 58% số người được hỏi cho biết họ sẽ tin tưởng một người lạ trước khi tin tưởng cấp trên của mình. Và tất nhiên, đó không phải là nền tảng lý tưởng để một mối quan hệ gắn bó bắt đầu.
Hai bên sẽ sẵn sàng hợp tác nếu cảm thấy an toàn để chia sẻ thông tin cá nhân hoặc thông tin quan trọng khác. Điều này có thể khó khăn nếu một trong hai người tỏ vẻ thờ ơ hoặc ở trạng thái phòng thủ. Nếu ông chủ của bạn không biết cách thiết lập niềm tin hoặc khiến bạn cảm thấy thoải mái, bạn phải quyết định liệu có nên gắn bó lâu dài với người sếp này hay không.
Dưới đây là một số gợi ý để bạn sẵn sàng về mặt cảm xúc và xây dựng mối quan hệ với người xung quanh:
- Hãy thư giãn và làm những người xung quanh cảm thấy thoải mái
- Hãy cởi mở, quan tâm và biết cách chấp nhận người khác
- Hãy mỉm cười và cười khi thích hợp
- Đặt câu hỏi và tích cực lắng nghe
- Thể hiện sự quan tâm, nhiệt tình và lòng biết ơn của bạn
Trung thực là một đức tính quan trọng trong công việc. Nó sẽ thúc đẩy các mối quan hệ trở nên chặt chẽ và đáng tin hơn.
Bạn có thể chọn gắn kết với ông chủ của mình trong các buổi đi chơi golf hàng tuần, những buổi “trà đá” hay tham dự các sự kiện thời trang và giải trí. Những hoạt động này cho phép mọi người tiếp xúc với nhau trên góc độ ngoài công việc. Mọi người trở thành những người bạn quen thuộc mà không ảnh hưởng hay bị tác động bởi vai trò công việc.
Nhưng nếu bạn không thể kết nối chính xác với bất kỳ ai, và điều tương tự cũng xảy ra với sếp của bạn, đó là một dấu hiệu cho thấy bạn đang cố gắng kết nối sai người hoặc thể hiện sai cách với mục đích không trong sáng, ví dụ như bạn đang quá đề cao bản thân hay lợi dụng họ.
Ví dụ, kết bạn với sếp của bạn nhằm có được thứ bạn muốn sẽ đi ngược với sự gắn bó chân chính. Bạn thấy đây là một cách để có được một ngày nghỉ đột xuất, nghỉ việc sớm, tăng lương hoặc thăng chức. Sau khi có được những gì bạn muốn, bạn trở lại với con người cũ của bạn. Điều đó hoàn toàn không nên.
Nếu bạn cảm thấy rằng hai người đã tạo ra một kết nối cảm xúc, thì khả năng lớn là sếp của bạn cũng cảm thấy như vậy. Khi ấy, hai bên cần sự thôi thúc để giao tiếp hoặc đưa sự gắn kết lên cấp độ tiếp theo.
Hậu quả của việc mất kết nối cảm xúc với sếp của bạn là sự bế tắc trong giao tiếp, hỗ trợ và cố vấn. Sau đó, bạn sẽ phải trải qua những tình huống như: bị đổ lỗi, bất đồng, tranh luận gay gắt và các hành vi bảo vệ bản thân khác.
Để ngăn chặn tình trạng này và đạt được một mối quan hệ trọn vẹn với sếp, hãy bắt đầu bằng các gợi ý sau:
- Luôn sẵn sàng khi cần
- Giao tiếp cởi mở và trung thực giúp phát triển niềm tin
- Không suy nghĩ bi quan để tránh kích hoạt cảm xúc tiêu cực
- Thể hiện sự nhiệt tình và chân thành
- Chú trọng chia sẻ, trao đổi thông tin
- Cố gắng đáp ứng nhu cầu giao tiếp giữa bạn và cấp trên
- Minh bạch về động cơ và ý định
Tuệ Tĩnh
Xem thêm: