‘Nghệ thuật trong những chuyển động’ tôn vinh vẻ đẹp vượt thời gian của các nghệ sĩ múa
Tác phẩm của nhiếp ảnh gia Deborah Ory và Ken Browar là một bộ tư liệu tuyệt đẹp về những nghệ sĩ múa giỏi nhất trong thời đại của chúng ta.
Người ta cần những gì để chụp lại khoảnh khắc diễn ra trong vài tích tắc thể hiện vẻ đẹp của vũ điệu và thần thái của nghệ sĩ múa?
Cần ít nhất là bốn đến năm tiếng đồng hồ chụp ảnh, niềm đam mê nghệ thuật múa trọn đời, và hai nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp với tâm nguyện kể về cái đẹp.
Cuốn sách ảnh “Nghệ thuật trong những chuyển động” của hai nhiếp ảnh gia Ken Browar và Deborah Ory tôn vinh niềm đam mê trọn đời của các nghệ sĩ múa. Hơn 70 nghệ sĩ múa đẳng cấp thế giới đã được ghi hình lại – dù là họ đang bay bổng giữa không trung, đang hít thở, hay đang tạo hình trong một tư thế đơn giản – những khoảnh khắc tuyệt đẹp và lắng đọng toát lên sức sống và cá tính của người nghệ sĩ. Qua những hình ảnh đặc biệt đó, chúng ta có thể hiểu thêm về cuộc sống của các nghệ sĩ múa, hiểu về những thách thức và thành công của họ, những khoảnh khắc đầy ngạc nhiên trong sự nghiệp, và ý nghĩa của nghệ thuật múa đối với họ.
Mục đích ban đầu của Dự án Vũ đạo NYC (NYC Project) là để trang trí, nhưng rồi dự án đã trở thành một bộ tư liệu tuyệt đẹp về những nghệ sĩ múa giỏi nhất trong thời đại của chúng ta. Cuốn sách ảnh không chỉ thể hiện được sự biểu cảm mãnh liệt của các nghệ sĩ múa, mà còn cho thấy sự phối hợp sáng tạo giữa nhiếp ảnh gia và nghệ sĩ múa để ghi lại những cảm xúc đó.
“Nghề múa không kiếm được nhiều tiền, ai theo đuổi nghề múa thực sự là vì yêu thích bộ môn nghệ thuật này. Không một ai trở thành nghệ sĩ múa chuyên nghiệp mà thiếu niềm đam mê,” nhiếp ảnh gia Deborah Ory, người rất yêu nghệ thuật múa cho biết.
Cô Ory đã học múa ballet từ khi còn bé cho đến tuổi thiếu niên, và sau đó học kỹ thuật Martha Graham trước khi chuyển sang nghề nhiếp ảnh để có thể duy trì kết nối với nghệ thuật múa sau một chấn thương khiến cô không thể múa.
Cả hai con gái của cô đều học múa. Sarah, con gái lớn của cô Ory, muốn có những tấm hình của các nghệ sĩ múa ballet để trang trí cho các bức tường trong phòng. Khi cô Ory và chồng, anh Ken Browar, tìm kiếm những tấm ảnh, họ sớm nhận ra rằng những nghệ sĩ múa tài hoa ngày nay hiếm khi được chụp hình. Tất cả những tấm hình họ tìm thấy là của thế hệ trước đó.
Họ biết cách biểu diễn, họ không ngần ngại trao đi điều gì đó cho bạn.
– Anh Ken Browar, nhiếp ảnh gia
Do đó, cặp vợ chồng quyết định thực hiện dự án này. Họ liên lạc qua Facebook với một nghệ sĩ múa họ đã hâm mộ từ lâu, anh Daniil Simkin, một nghệ sĩ múa của American Ballet Theatre và anh ấy đã rất vui lòng làm người mẫu ảnh cho buổi chụp hình.
Một buổi chụp hình đã phát triển thành hàng chục buổi chụp hình, và dự án mang theo đầy đam mê – Dự án Vũ đạo NYC – đã trở thành một nỗ lực không ngừng nghỉ để giới thiệu về các nghệ sĩ múa trong thời đại của chúng ta. Hai vợ chồng đã tìm đến nhiều vũ đoàn và tìm hiểu nhiều phong cách múa với mong muốn duy nhất là miêu tả bằng hình ảnh những gì xuất sắc nhất.
Trong lời tựa của cuốn sách ảnh, nghệ sĩ Simkin đã viết “Múa là một loại hình nghệ thuật mang theo cả ngọt bùi lẫn đắng cay.” Những điệu múa sống ngắn ngủi trên sân khấu cho đến khi tấm màn nhung hạ xuống. Mỗi buổi biểu diễn đều có vẻ đẹp đặc trưng độc nhất và để lại sự luyến tiếc bâng khuâng. Theo anh Simkin, bộ ảnh này giúp ta “ghi nhớ những khoảnh khắc.”
Sự phối hợp ăn ý giữa các nghệ sĩ
Anh Browar là một nhiếp ảnh gia thời trang nổi tiếng, có nhiều tác phẩm xuất hiện trên tạp chí Vogue, Elle và nhiều tạp chí thời trang Âu Châu khác. Studio Greenpoint Loft tràn đầy tính nghệ thuật của anh vừa để chào đón khách và vừa để chụp hình. Anh chia sẻ rằng anh bắt đầu sưu tập tranh từ rất sớm, nhưng lại nhận thấy nhiếp ảnh có ý nghĩa hơn đối với anh.
Chụp ảnh là một ngôn ngữ giao tiếp khiến con người anh trở nên hoàn thiện hơn. Năm 19 tuổi, anh đã đến Paris. Trước khi quay trở về Hoa Kỳ, anh từng chụp hình những người nổi tiếng hạng A và những người mẫu cho các thương hiệu cao cấp.
Chụp ảnh một nghệ sĩ múa thì hoàn toàn khác, anh chia sẻ. Bạn làm việc với những nghệ sĩ trình diễn có tài năng tạo hình chuyên nghiệp. Vậy nên, cả quá trình yêu cầu sự phối hợp hoàn chỉnh giữa nhiếp ảnh gia và nghệ sĩ múa.
Anh Browar cho hay: “Họ biết cách biểu diễn, họ không ngần ngại trao cho bạn điều gì đó.” Anh bắt đầu quan sát các nghệ sĩ múa: cách họ giữ tư thế, cách họ di chuyển, và cả cách họ phục sức. Nhờ đó, anh đã có được nhiều thông tin về cá tính của từng nghệ sĩ múa trước khi họ bước lên sân khấu chụp hình. Các nghệ sĩ múa sẽ khởi động trước, rồi sau đó bắt đầu tạo dáng ngẫu hứng một chút.
Cô Ory cho biết cô và anh Browar, cũng như nghệ sĩ múa sẽ đưa ra một vài ý tưởng, tuy nhiên, họ không đi theo bất kỳ khuôn mẫu cứng nhắc đã định trước nào. “Điều kỳ diệu sẽ xảy ra trên sân khấu chụp hình,” cô nói.
“Mỗi hình ảnh đều có một chút khác biệt,” cô Ory chia sẻ. “Tôi không nghĩ rằng chúng tôi biết khi nào là khoảnh khắc mình mong muốn chụp sẽ đến, nhưng chúng tôi biết mình có thể nắm bắt được khoảnh khắc đó. Đôi khi chúng khiến chúng tôi khá ngạc nhiên.”
Nghệ sĩ múa sẽ thử một vài tư thế, và các nhiếp ảnh gia sẽ đưa ra một số gợi ý cho họ, rồi các nghệ sĩ cùng nhau tinh chỉnh màn trình diễn cho đến khi có được 3 hoặc 4 tấm hình mà mọi người đều hài lòng.
Anh Browar kể: “Cũng như chúng tôi, các nghệ sĩ múa rất nghiêm khắc về độ chính xác của những gì họ muốn. Bạn đang chụp lại những đường nét, và trong vũ đạo, thì cần vô cùng chuẩn xác. Họ rất chú tâm đến vị trí của bàn tay, của chân, v.v. Điều này có thể khá căng thẳng đối với các nghệ sĩ múa nhưng theo chiều hướng tốt.”
Dự án cũng là một quá trình học hỏi để phối hợp làm việc giữa anh Browar và cô Ory.
“Tôi không hiểu việc cộng tác giữa một số nhiếp ảnh gia, khi bạn nhìn thấy hai cái tên trên một tấm hình,” anh Browar thổ lộ.
“Là một nhiếp ảnh gia, bạn phải thực sự làm việc độc lập,” anh nói. Có thể có trợ lý và những người khác trên sân khấu chụp hình, nhưng công việc thường chỉ do một người thực hiện. Vì vậy, họ bắt đầu với hai máy ảnh, rồi cuối cùng là chỉ một máy. Họ thay nhau chụp hình để sử dụng thế mạnh của nhau và bổ trợ lẫn nhau.
Và những điều bất ngờ
Trên sân khấu chụp hình, thường chỉ có cô Ory, anh Browar, nghệ sĩ múa, và có thể là một chuyên gia trang điểm và làm tóc.
Lúc mới bắt đầu dự án, cặp vợ chồng hợp tác với một nhà tạo mẫu trang phục. Tuy nhiên, họ nhanh chóng nhận ra rằng không phải tất cả trang phục đều phù hợp cho múa. Không lâu sau đó, cô Ory đã đảm nhiệm việc chọn lựa trang phục.
Cô đã hỏi mượn trang phục từ các nhà thiết kế và các vũ đoàn. Có một lần, họ nhận được một chiếc váy thời trang cao cấp lấy cảm hứng từ thiên nga trị giá hàng nghìn USD được gửi đến từ Đan Mạch, được đóng gói trong một chiếc hộp của công ty chuyển phát nhanh FedEx. Đó là một buổi chụp hình với nghệ sĩ ballet Misty Copeland, một cách tình cờ đã ghi lại sự kiện trọng đại khi cô Copeland là nghệ sĩ múa người Mỹ gốc Phi Châu đầu tiên trở thành nghệ sĩ múa chính tại American Ballet Theatre, và được giao vai chính trong vở diễn “Hồ Thiên Nga.”
Chuyện là trước đó, cô Ory đã cố gắng mượn chiếc váy này nhưng không thành công. Cô đã tìm hiểu kỹ lưỡng và tìm ra tác giả của chiếc váy, một phụ nữ ở Đan Mạch đã làm ra chiếc váy lông vũ tuyệt đẹp đó. Cô Ory đã gửi cho cô ấy một tin nhắn trên Facebook, và nhà thiết kế đã trả lời lại để hỏi địa chỉ của cô Ory.
“Cô ấy là một nhà thiết kế tài năng. Cho đến nay, cô ấy vẫn đăng những tấm hình trong cuốn sách ảnh của chúng tôi, và bày tỏ rằng cô ấy rất ngưỡng mộ công việc chúng tôi làm. Tôi nghĩ đó là sự trân trọng lẫn nhau,” cô Ory chia sẻ. “Khi chúng tôi kết hôn, cô ấy đã may váy cưới cho tôi từ xa.”
Cuối cùng, họ đã gặp nhau ở New York. Qua công việc và sự tình cờ, có nhiều mối quan hệ đã được tạo dựng nên như vậy, cô Ory nói thêm.
Phần quan trọng nhất của buổi chụp hình là chụp lại được những tấm ảnh mà tất cả mọi người đều hài lòng. Đối với tất cả những nghệ sĩ tham gia, đó là kết quả của tình yêu nghệ thuật. Sau phần chụp hình, hai người thực hiện phần hỏi-đáp với các nghệ sĩ để ghi lại câu chuyện của họ, làm phong phú thêm cuốn sách. Thông qua dự án, họ đã trở thành bạn bè và những người ủng hộ cho công việc của nhau.
Ước mơ đã thành sự thật
Từ lâu, hai vợ chồng đã mơ ước tạo ra một cuốn sách ảnh. Và cuối cùng khi đã được cầm cuốn sách trên tay, cô cảm thấy đó là một khoảnh khắc rất hào hưng.
“Mơ ước đã thành sự thật,” cô nói. Việc xuất bản cuốn sách cũng không hề dễ dàng; hết nhà xuất bản này đến nhà xuất bản khác nói với họ rằng sách ảnh về nghệ thuật múa đều khó bán.
Anh Browar chia sẻ rằng: sau đó, họ nhận ra điều có ý nghĩa đối với các nghệ sĩ múa là những màn biểu diễn, là tất cả những nỗ lực của họ được kết tinh trong khoảnh khắc trên sân khấu. Còn đối với các nhiếp ảnh gia, nỗ lực đó là tạo nên một cuốn sách ảnh.
Thật tuyệt khi bạn có thể có một loại ngôn ngữ giao tiếp hoàn toàn thông qua chuyển động và phổ quát đối với tất cả mọi người.
– Cô Deborah Ory, nhiếp ảnh gia
Thông qua dự án, anh Browar cho biết anh đã được học hỏi về nghệ thuật múa, và cô Ory một lần nữa có thể tìm được cảm giác kết nối với loại hình nghệ thuật mà cô đam mê.
Đối với cô Ory, nghệ thuật múa và nhiếp ảnh đều mang tính phổ quát và lâu bền. Một tấm ảnh chính là một khoảnh khắc thời gian được đóng băng lại. Nhiều năm sau, khi nhìn vào tấm hình, người ta vẫn có thể mường tượng ra những hình ảnh và giây phút đó. Cô nhớ lại những lúc chụp ảnh các con gái tại lớp học múa, cùng lắng nghe một bản nhạc như cô đã nghe trong các lớp học múa của mình, và thực hiện các động tác giống hệt như các động tác cô đã học. Đây là những bản nhạc và những động tác đã được nhiều người lắng nghe và thực hiện năm này qua năm khác, và sẽ còn tiếp tục được lắng nghe và thực hiện trong nhiều năm tới.
“Thật tuyệt khi bạn có thể có một loại ngôn ngữ giao tiếp hoàn toàn thông qua chuyển động và phổ quát đối với tất cả mọi người. Gần như mọi nền văn hóa trên toàn thế giới đều có một số hình thức múa và giao tiếp thông qua chuyển động,” cô Ory chia sẻ.
Hai nhiếp ảnh gia cho biết rằng họ chỉ mới bắt đầu đi qua được phần bề mặt nhất của thế giới nghệ thuật múa.
Nhã Liên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: