Nghệ thuật tỏa sáng trong những bức tranh tôn vinh Đức Chúa
Đối với cô Kristen Valle Yann, một họa sĩ người Mỹ theo trường phái nghệ thuật đại diện, thì đức tin là điều quan trọng bậc nhất. Mục tiêu của cô là tôn vinh Đức Chúa trong tất cả các việc cô làm. Cô luôn tự vấn bản thân để tìm ra cách khiến những tác phẩm nghệ thuật của mình có thể có sức cuốn hút đối với mọi người, bất kể tín ngưỡng của họ là gì.
Cô Yann là một họa sĩ 24 tuổi gốc Cuba, sống tại Florida. Cô mới đang bắt đầu sự nghiệp của mình, và háo hức khám phá những kỹ năng khác nhau của các bậc thầy hội họa trong quá khứ. Đồng thời, cô cũng say mê sáng tạo những tác phẩm có ý nghĩa, khiến người xem bị lay động theo nhiều phương cách bí ẩn. Cô hiện đang chuẩn bị cho buổi triển lãm cá nhân đầu tiên của mình.
Nghệ thuật được truyền cảm hứng từ đức tin
Là một họa sĩ theo Cơ Đốc Giáo, cô Yann tin rằng Chúa sẽ sử dụng bất cứ thứ gì cô vẽ để lay động ai đó theo cách mà cô không đoán trước được. Cô tin rằng chìa khóa [để vẽ tranh] là cởi mở và linh hoạt trong những gì bản thân mình sáng tạo ra. [Để làm được điều đó, cô cần] buông bỏ những ý tưởng của riêng mình. Và khi làm như vậy, cô được dẫn dắt bởi ý muốn của Chúa.
“Tôi tin vào ý muốn của Thượng Đế, [tôi tin rằng] Ngài mang mọi người vào cuộc đời tôi,” cô chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại.
Chẳng hạn như, mới đây tại một lớp học vẽ lấy cảm hứng từ cuộc sống, cô Yann đã sáng tác một bức ký họa chân dung. Cô dự định sẽ dùng bức ký họa làm tác phẩm trưng bày cho một buổi hội thảo mỹ thuật. Tuy nhiên, bức tranh đó đã khiến cha mẹ của người mẫu [vô cùng] yêu thích và xúc động theo cách mà cô Yann không thể làm ngơ. Vì vậy, cô đã từ bỏ dự định [ban đầu] của mình, cô cho biết.
Di sản của Cuba
Cô Yann sinh ra và lớn lên tại vùng đồng quê Tampa (Florida) với 3 người chị gái. Họ đều là bạn thân của cô. “Điều đó khá giống như trong tác phẩm ‘Những người phụ nữ nhỏ bé’ (Little Women)”, cô cười nói. Mỗi chị em đều có năng khiếu về một thứ gì đó, dù là âm nhạc, đồ thủ công, hay nấu ăn. Tuy nhiên, chỉ có cô Yann là một họa sĩ – tài năng mà cô thừa hưởng từ cha mình.
Cha của cô Yann, người từng khao khát trở thành một họa sĩ, đã khuyến khích năng khiếu nghệ thuật của cô. Ông nhìn thấy niềm đam mê hội họa của cô [con gái]. Và cha mẹ cô đã ủng hộ cô theo đuổi sự nghiệp nghệ thuật. Bởi cô lớn lên ở Hoa Kỳ, nên họ biết rằng việc trở thành một họa sĩ toàn thời gian là điều hoàn toàn có thể.
“Chúng tôi sống trong một ngôi nhà mang phong cách thời Phục Hưng đích thực. Chúng tôi ra ngoài trời và thực sự kết nối với thiên nhiên cũng như với trí tưởng tượng của mình, chúng tôi đã không ngừng sáng tạo,” cô chia sẻ.
Ông bà nội của cô Yann sống gần đó. Thường thì đại gia đình nhà cô – bao gồm các cô dì chú bác – sẽ đến thăm ông bà nội cô. Chính trong những chuyến thăm đó, cô đã được nghe ông nội cô kể về cụ nội mình, về trang trại của gia đình, và về cuộc sống trước đây của họ ở Cuba.
Cô cho biết, thực tế cuộc sống ở nước Cuba cộng sản là: dẫu bạn là một bác sĩ phẫu thuật hay là một tài xế taxi, bạn đều vô cùng nghèo khổ và phải xếp hàng nhận trợ cấp thực phẩm mỗi tháng. Bạn phải dùng giấy báo làm giấy vệ sinh. Một số người phải sống trong những ngôi nhà bẩn thỉu và không có điều hòa nhiệt độ.
Gia đình cô phản đối chế độ cộng sản của Castro. Ông bà cô đã đăng ký một chuyến bay tị nạn cho gia đình, đưa những người Cuba rời khỏi tổ quốc để đến thành phố Miami {Hoa Kỳ} trong những năm 1965 – 1973.
Kết quả của việc đăng ký là ông nội cô bị coi là thành phần chống cộng sản. Người ta đưa ông đến trại lao động cưỡng bức, nơi ông bị nô dịch trong vài năm. Ông bị buộc phải cày xới đất, [và] lao động nặng nhọc trong những điều kiện hoàn cảnh tồi tệ. Gia đình không biết ông đang ở đâu, và khi nào ông sẽ được quay về.
Trong khoảng thời gian đó, bà cô phải tìm những công việc lặt vặt, chẳng hạn như vẽ các mẫu thiết kế trên váy, để chu cấp cho gia đình. Khi ông cô được trả tự do và gia đình họ phải rời khỏi Cuba, thì cụ nội của cô đang cận kề cái chết. Gia đình phải rời đi trước khi ông cụ mất – cụ đã qua đời một tuần sau đó.
Sau khi họ rời Cuba, chế độ cộng sản đã cướp đi mọi thứ của họ. Chính quyền chiếm đoạt trang trại của gia đình và mọi người trong gia đình cô bị hủy bỏ quyền công dân. Gia đình cô đặt niềm tin vào một cuộc sống mới ở Mỹ Quốc, cô nói.
Cô Yann lặng người đi khi hồi tưởng lại những mất mát của gia đình mình. Vì những điều họ đã phải trải qua ở Cuba, cô Yann lớn lên với niềm trân trọng sâu sắc đối với những gì mà nhiều người trong chúng ta coi là hiển nhiên.
Tìm kiếm nơi đào tạo nghệ thuật chân chính
Trước khi vào đại học nghệ thuật, cô Yann đã học ở một trường cao đẳng cộng đồng. Tại đó, cô được học những kiến thức cơ bản về bố cục và kỹ thuật vẽ. Cô nhận thấy rằng các giáo sư ở đây vô cùng say mê vẽ [những bức] tranh lấy cảm hứng từ cuộc sống. Cô cho rằng [các giáo sư ở] trường đại học cũng sẽ tương tự như vậy. Tuy nhiên, [hiện thực] thì lại khác.
“Đa số họ đều phản đối nghệ thuật truyền thống. Họ nói với tôi rằng nghệ thuật truyền thống đã chết, [và] tại sao lại vẽ người bằng sơn dầu truyền thống trong khi điều đó đã lỗi thời rồi,” cô kể. Việc này khiến cô cảm thấy rất nản lòng.
Cô biết rằng việc mình có bằng cấp sẽ khiến gia đình cô tự hào, vì cô sẽ là một trong những người đầu tiên trong gia đình đạt được điều đó. Động lực này khiến cô quyết tâm tốt nghiệp đại học.
“Tuy nhiên, mỗi học kỳ trôi qua, tôi lại tự hỏi bản thân, ‘Đây là một trò đùa chăng?’ … [Trường đại học] đào tạo rất kém về mặt kỹ thuật và quá chú trọng vào cách suy nghĩ,” cô nói.
Một lời khuyên quý báu mà cô nhận được khi còn học đại học là lên các trang web để xem sơ yếu lý lịch và nơi đào tạo của những họa sĩ mà cô ngưỡng mộ. Đối với cô Yann, đó là họa sĩ Alex J. Venezia. Cô phát hiện ra rằng anh ấy cũng đã từng học đại học, nhưng rồi cuối cùng lại được đào tạo tại xưởng vẽ East Oaks Studio ở Raleigh, North Carolina.
Cô Yann đã liên lạc với xưởng vẽ để hỏi xem [họ có] khóa thực tập nào không. [Và] cô được biết rằng “trùng hợp khi đó”, họ vừa lên kế hoạch cho một chương trình thực tập mới. Cô đã tìm đến xưởng vẽ và tham gia khóa thực tập đầu tiên kéo dài 6 tháng (rồi sau đó đã chuyển thành 1 năm) của xưởng.
Học được nghệ thuật đích thực
Cô chia sẻ rằng [khóa thực tập ở] East Oaks Studio không phải là một chương trình mang tính hướng dẫn. Đó là một cộng đồng các họa sĩ cùng nhau vẽ tranh, chia sẻ kiến thức, và bình phẩm tác phẩm của nhau. Cô thấy rằng đây là một trải nghiệm vô giá.
Cô cho biết: “Tôi học bằng cách quan sát, và đó là một điều thực sự tuyệt vời bởi vì bạn không phải tiếp nhận vô số kiến thức ‘sẵn có cứng nhắc’ ngăn cản trực giác của mình” khi bạn vẽ tranh.
Cô Yann đã dành nhiều thời gian để quan sát Louis Carr, người đồng sáng lập East Oaks Studio và họa sĩ Venezia vẽ tranh. Anh Venezia là một trong những họa sĩ đương thời yêu thích của cô. Cô tin rằng việc quan sát các họa sĩ đang làm việc có ý nghĩa nhiều hơn việc đọc về các kỹ thuật vẽ tranh, bởi bạn có thể nhìn thấy [công việc] hội họa trong thực tế là như thế nào. Bạn có thể thấy cách các họa sĩ đặt cây cọ vẽ vào bảng màu, lượng màu họ lấy lên cọ vẽ, cách họ trộn màu, và thậm chí cả cách họ cầm cọ.
Cô cũng học được những điều mà cô không được dạy ở trường đại học, chẳng hạn như sự hài hòa về màu sắc và cách áp dụng các giá trị về góc cạnh cho đến hình khối, để tạo ra chiều sâu cho không gian bức tranh.
Trong vài năm qua, cô Yann đã và đang hoàn thiện những kỹ năng hội họa của mình. Nhiều tác phẩm của cô là những tác phẩm mang tính luyện tập, hơn là có ý nghĩa rõ ràng đằng sau, cô cho hay.
Bức tranh tĩnh vật đầu tiên cô Yann vẽ, “Apricot With Silver Chalice” (Những trái mơ và ly rượu bạc), là một tác phẩm luyện tập của cô. Đó là bức tranh mà cô đã sáng tác khi tham khảo một số những ý kiến đóng góp từ anh Carr và anh Venezia.
Anh Venezia khuyến khích tất cả các họa sĩ phác họa hoặc tô màu trái cây, vì điều đó có thể giúp họ [học cách] vẽ lớp da/vỏ bên ngoài. Anh đặc biệt yêu thích những trái đào, bởi lớp vỏ của loại trái cây này sao chép các thành tố trong da chúng ta, chẳng hạn như các vùng mờ, mịn và trong mờ. Cô Yann đã chọn vẽ những trái mơ và thêm một ly rượu, cũng như khăn trải bàn vào bố cục bức tranh, khiến cho tranh trở nên thơ mộng hơn. Mặc dù đó chỉ là một tác phẩm luyện tập, cô vẫn muốn tô điểm cho bức tranh trở nên đẹp đẽ.
Một số tranh tĩnh vật của cô Yann có chủ đề về dòng thời gian. Cô có hứng thú với cách mà các chủ thể biến đổi từ mới sang cũ, giống như trong các bức tranh “memento mori” và “vanitas”. Ở đó, các vật thể mang tính biểu tượng, đại diện cho sự ngắn ngủi phù du của cuộc sống và sự tất yếu không thể tránh khỏi của cái chết.
Sabin Howard, nhà điêu khắc người Mỹ, người hiện đang làm việc tại Đài tưởng niệm Quốc gia Đệ Nhất Thế Chiến ở Hoa Thịnh Đốn, đã sưu tầm các tác phẩm của cô Yann. Ông ủy thác cho cô sáng tác bức tranh “Blush Arrangement” (Sắp đặt tươi hồng) để tôn vinh nền hội họa Hà Lan mà ông yêu thích.
Trong bức tranh, cô Yann đã bắt chước các bức tranh tĩnh vật hoa của Hà Lan bằng cách thể hiện những giai đoạn khác nhau của cuộc sống. Đó là khi các bông hoa đang hàm tiếu, đang mãn khai, hay đang trong nhiều trạng thái úa tàn khác nhau. Thậm chí trong tranh còn có một con bọ rùa, bởi vì các bức tranh tĩnh vật của Hà Lan thường bao gồm cả côn trùng.
Trong bức tranh “Một thời” (For a Time), một cái tổ chim, vài hạt dẻ, cùng với những chiếc lá sồi đã bị phong hóa nằm trên một chiếc rương gỗ trống không. Cô Yann chia sẻ rằng, đó là một tác phẩm mang nhiều tình cảm tưởng nhớ, và chiếc rương là vật gia truyền từ ông nội của anh Carr.
Bức tranh “Ý Trời” (Providence) của cô là một tác phẩm khác thuộc thể loại hồi tưởng để diễn đạt sự trân trọng đối với một chú chim mà cô đã tình cờ gặp được.
Cô Yann đã luôn muốn vẽ một chú chim giống như những chú chim thường được treo lơ lửng trong các bức tranh tĩnh vật “phù phiếm” (vanitas) của Hà Lan. Tuy nhiên, việc ăn chay trường lại khiến cô gặp một tình huống khó xử về đạo đức: Cô không muốn làm hại bất kỳ sinh vật nào. Cô đã nói với chồng mình về điều đó trong một hôm họ đi dạo. Cô nghĩ rằng nếu Chúa muốn cô vẽ một con chim, thì cơ hội sẽ tự xuất hiện.
Chính trong chuyến đi dạo đó, họ tình cờ bắt gặp một con chim ốm. Họ đã di chuyển chú chim từ trên đường sang bãi cỏ – một nơi an toàn. Vào buổi tối muộn hôm đó, cô Yann phát hiện ra rằng chú chim đã chết. Và thế là bức tranh “Ý Trời” của cô ra đời.
Chúng ta có thể thấy được sự trưởng thành của cô Yann ngày hôm nay bằng cách quan sát bức tranh “Self-Portrait at 23” (Chân dung tự họa tuổi 23) mà cô đã vẽ vào tháng 01/2021. Đây là bức chân dung tự họa đầu tiên của cô kể từ thời trung học phổ thông. Cô muốn bức tranh biểu thị được rằng cô là một họa sĩ đang ở giai đoạn đầu của sự nghiệp, cũng như rằng cô vẫn đang học hỏi và vẫn đang phát triển [bản thân].
Cô Yann đã tự họa chân dung mình theo phong cách vẽ của các bậc thầy hội họa xưa. Mặc dù vậy, bức tranh không chịu ảnh hưởng trực tiếp của bất kỳ một họa sĩ nào.
Cô đặc biệt ngưỡng mộ cách mà William-Adolphe Bouguereau, họa sĩ người Pháp thế kỷ 19, vẽ da người. Vì vậy, cô đã mô phỏng lại cách vẽ đó trong bức chân dung tự họa của mình.
Trong bức tranh chân dung, cô đang nhìn hướng sang một bên. Cô không trang điểm hay đeo đồ trang sức gì, và đang đội một chiếc khăn trùm đầu màu trắng. Không có dấu hiệu nào cho thấy thời gian và không gian của bức tranh, mặc dù khăn trùm đầu của cô ám chỉ về quá khứ. Màu trắng của chiếc khăn đã giúp cô xác định độ tương phản màu sắc trong tranh, để tránh cho những vùng sáng quá sáng hoặc những vùng tối quá tối.
Vẽ tranh về trải nghiệm con người
Hiện tại, cô Yann đang sống cùng chồng ở thành phố Tallahassee, tiểu bang Florida. Cô có nguyện vọng là tận dụng tối đa khả năng nghệ thuật của bản thân để ngợi ca và tôn vinh đức tin của mình. Trong quá trình suy nghĩ tìm cách để hiện thực hóa mong nguyện đó, cô đã tìm thấy một số câu trả lời cho mình trong cuốn sách Truyền Đạo (Book of Ecclesiastes) thuộc kinh Cựu Ước, về bí ẩn của cuộc sống.
Cô Yann giải thích rằng, cũng giống như trong các bức tranh “phù phiếm” (vanitas), cuốn sách Truyền Đạo mô tả cuộc sống tựa như mây khói: Hôm nay nó còn tại đó, nhưng hôm sau nó đã tan biến; và tựa như hơi nước, nó thực sự không thể níu giữ được.
Điều mà cô Yann yêu thích ở tác phẩm Truyền Đạo là cuốn sách đưa ra khái niệm về đức tin và khiến người ta nhận ra rằng đức tin không mang tính giao dịch. “Bạn đặt niềm tin vào những điều này không có nghĩa là bạn sẽ có một cuộc sống hoàn hảo không còn đau đớn, phiền muộn và thống khổ. Mà là khi ở trong hiện thực đó, chúng ta có thể có hy vọng vào một điều gì đó vĩnh cửu cũng như một điều gì đó siêu việt cuộc sống này.”
Cô Yann hiện đang phát triển dự án triển lãm cá nhân đầu tiên của mình, với các tác phẩm lấy cảm hứng từ sách Truyền Đạo. Buổi triển lãm sẽ được tổ chức tại Phòng triển lãm Collins trên đảo Cape Cod ở tiểu bang Massachusetts.
Bức tranh đầu tiên trong loạt tranh triển lãm của cô là bức “Tiến nhập” (Enter In). Trong bức tranh là hình ảnh một người phụ nữ được nhìn từ phía sau, hơi nghiêng đầu lại. Cô ấy đại diện cho độc giả, người có nét giống cô Yann, tiến nhập vào những bài giảng của sách Truyền Đạo với tâm trí rộng mở, sẵn sàng học hỏi từ các bài học. Bức tranh cuối cùng trong loạt tranh này sẽ là một người phụ nữ hướng mặt về phía trước, đại diện cho một độc giả đã nhận được trí tuệ từ cuốn sách, và có thể là có được một góc nhìn khác [về cuộc sống].
Hiện giờ, cô Yann đang thực hiện một tác phẩm có tên là “Sự phù phiếm của việc buông thả bản thân” (The Vanity of Self-Indulgence). Những bức tranh tĩnh vật “phù phiếm” (vanitas) thường có chủ đề là: Mọi sự buông thả và ham mê trong cuộc sống sẽ sớm qua đi như là chính chúng ta vậy.
Qua triển lãm này, cô Yann hy vọng những bức tranh lấy cảm hứng từ đức tin của cô sẽ là nền tảng cho những trải nghiệm con người mà tất cả chúng ta cùng góp phần sẻ chia. Cô mong rằng những Tín hữu Cơ Đốc “có thể chiêm ngưỡng những tác phẩm này và biết rằng [cuộc sống] này không phải là đích đến cuối cùng. Và có thể, nếu bạn có một thế giới quan hoặc một nhân sinh quan khác biệt, thì [khi] bạn ngắm những tác phẩm này, [bạn sẽ] cảm thấy an tâm, bạn biết rằng bạn không đơn độc trong trải nghiệm con người đó.”
Để tìm hiểu thêm về các tác phẩm nghệ thuật của họa sĩ Kristen Valle Yann, hãy truy cập trang web KristenYann.com
Cô Lorraine Ferrier là nữ ký giả chuyên về mảng mỹ thuật và thủ công của The Epoch Times. Bài viết của cô tập trung vào các nghệ sĩ và nghệ nhân vùng Bắc Mỹ và Âu Châu, những người có phong cách chế tác thấm đẫm vẻ đẹp và các giá trị truyền thống. Cô đặc biệt quan tâm đến những ngành nghệ thuật và thủ công hiếm gặp và ít được biết đến, với hy vọng rằng chúng ta có thể bảo tồn di sản nghệ thuật truyền thống của mình. Cô sinh sống và làm việc tại vùng ngoại ô thành phố London, Anh Quốc.
Nhã Liên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: