Nghệ thuật thuần khiết và thệ ước của họa sĩ người Canada Kathy Gillis
Triển lãm trực tuyến: “Trái tim thuần khiết: Những bức tranh sơn dầu của Kathy Gillis”
Năm 1940, với tình yêu và sự hồn nhiên của tuổi thơ, bà Kathy Gillis nguyện trở thành một họa sĩ. Đó là một nghề mà mẹ của bà, Doris, từng ao ước. Căn bệnh bại liệt đã cướp đi cơ hội thực hiện ước mơ đó của bà Doris vì virus đã lan đến não, khiến bà không thể hoạt động. Bà Gillis đã chia sẻ ý định trở thành một họa sĩ với người bà đã tận tình chăm sóc mình. Đó là lời hứa lớn lao đầu tiên của bà, và hoàn thành lời hứa đó là động lực để bà vẽ tranh.
Trong triển lãm trực tuyến đầy hấp dẫn “Trái tim thuần khiết: Những bức tranh sơn dầu của Kathy Gillis” (Pure Heart: Kathy Gillis’s Oil Paintings), bà Gillis kể lại những trải nghiệm trong cuộc đời đã hình thành nên con người bà và nghệ thuật mà bà theo đuổi.
Bà Gillis cho biết rằng khi còn là một nữ sinh, bà đã sao chép tất cả các hình minh họa trong cuốn sách “How to Draw” (sách dạy vẽ) của họa sĩ Victor Perard một cách hăng say. Bà kể rằng, vào những năm 1960, khi các con ngủ giấc chiều, bà đã tranh thủ thời gian để hoàn thành một khóa học nghệ thuật phục vụ mục đích thương mại, để rồi trở thành một họa sĩ thương mại.
Bà Gillis học đại học vào những năm 1970. Bà thể hiện một cái nhìn tổng quan đầy thú vị về các khóa học nghệ thuật thị giác ở các trường đại học Mỹ vào thời điểm đó. “Đội ngũ giảng viên chủ yếu gồm các nghệ sĩ theo trường phái nghệ thuật vị niệm và ấn tượng trừu tượng. Tôi cảm thấy tuân thủ các quy tắc của họ thật dễ dàng, nhưng nó không bổ ích lắm,” bà viết. Bà tiếp thu được vài kinh nghiệm thực tế nhưng về cơ bản, thời gian học đại học đã giúp bà trân trọng các sinh viên thiếu kỹ năng hội họa đến với mình.
Lời hứa mới, thệ ước xưa
Trong triển lãm, bà Gillis nhanh chóng quay trở về năm 1998, khi bà đã sáng tạo và giảng dạy nghệ thuật được 20 năm. Năm đó, bà thực hiện một lời hứa lớn lao khác. Bà tình cờ gặp một học viên Pháp Luân Đại Pháp, đang dựng một quầy thông tin tại trường đại học nơi bà làm việc. Pháp Luân Đại Pháp là một môn tu luyện cổ xưa của Trung Quốc dựa trên nguyên lý Chân Thiện Nhẫn. Các học viên luyện một bộ năm bài tập nhẹ nhàng, trong đó có một bài thiền định.
Bà Gillis nhận ra sự sâu sắc của các bài luyện công khi học bài công pháp thứ hai. Bà đã thấy một trong những tư thế đó trên một số hiện vật cổ bà từng vẽ. “Tôi biết những tư thế này, tôi đã trải nghiệm và chia sẻ chúng với những người khác. Không hiểu sao, tôi lại tình cờ gặp được một môn tu luyện cổ xưa!” bà viết. Bà nguyện sẽ tu luyện Pháp Luân Đại Pháp trong suốt phần đời còn lại của mình.
Chỉ sau một thời gian ngắn, vào năm 1999, Trung Cộng bắt đầu đàn áp tàn bạo các học viên Pháp Luân Đại Pháp ở Trung Quốc. Bản thân là một học viên, bà Gillis buộc phải hành động. “Nếu tôi không vẽ lại sự kiện này, tôi sẽ là loại nghệ sĩ nào đây?” bà nhớ lại.
Năm 2003, bà Gillis cùng các họa sĩ từ khắp nơi trên thế giới quy tụ tại New York để sáng tác nghệ thuật nhằm nói lên sự thật về cuộc bức hại các học viên Pháp Luân Đại Pháp.
“Chúng tôi thuê và mượn không gian ở bất cứ nơi nào có thể nhưng Trung Cộng đã can nhiễu rất lớn, gồm cả đe dọa đánh bom và các âm mưu xâm phạm khác. Rõ ràng, Trung Cộng rất sợ các tác phẩm của chúng tôi. Vì đó mà giờ đây tôi nhận ra sức mạnh của nghệ thuật.”
Những bức tranh từ ‘trái tim thuần khiết’
Trong suốt sự nghiệp của mình, bà Gillis chú trọng vào những hiện tượng chưa từng thấy và không được chú ý trong cuộc sống, bao gồm các chủ đề như giấc mơ và trí tuệ cổ xưa. Bà hy vọng nghệ thuật của mình sẽ giúp mọi người chú tâm vào cuộc sống và môi trường xung quanh; với trăn trở đó, bà đã đưa 5 bức tranh vào triển lãm trực tuyến.
Bà Gillis đã vẽ bức “Thần hộ mệnh” (Guardian) vào năm 2016. Bức tranh là toàn cảnh một cô gái trẻ, một học viên Pháp Luân Đại Pháp, đang ngồi đả tọa thâm sâu, một con rồng vàng tráng lệ canh giữ bên cạnh. Ở phương Đông, rồng thường là những Thần hộ Pháp nhân từ, trái ngược với phương Tây, rồng là những sinh vật khác nhau và được coi là lực lượng hắc ám.
Nhìn chung, triển lãm là cái nhìn sâu sắc đầy cảm hứng về những nỗ lực cần thiết để trở thành một họa sĩ. Mặc dù đó là kinh nghiệm sống của riêng bà Gillis, nhưng những người đang theo đuổi một sự nghiệp sáng tạo có thể đồng cảm và tìm thấy niềm an ủi, sống đúng với tài năng thiên bẩm của mình và với thệ ước thuần khiết.
Triển lãm trực tuyến “Trái tim thuần khiết: Những bức tranh sơn dầu của Kathy Gillis” kéo dài đến ngày 29/08/2021; để tìm hiểu thêm, hãy truy cập NTDCharities.com
Sứ mệnh của Tổ Thiện nguyện Tân Đường Nhân là mang tinh hoa của các nền văn minh cổ đại tỏa sáng trở lại thông qua các triển lãm nghệ thuật và các hoạt động giáo dục, làm phong phú và cộng hưởng với các nền văn hóa đa dạng của cộng đồng người Canada.
Phương Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: