Nghệ thuật học hỏi: Các bài học từ quá khứ cho giới trẻ của chúng ta
“Liệu có người đàn ông nào trong lịch sử mà bạn yêu thích, người mà cuộc sống của họ dường như ảnh hưởng trực tiếp đến ý thức của bạn, người mà cả những nỗi buồn và sự tôn vinh trong cuộc đời họ có ý nghĩa với cách bạn muốn sống? Một cuộc đời mà bạn có thể bằng cách nào đó ‘nhận ra?’”
Gần đây tôi hỏi cháu trai của mình rằng lớn lên cháu muốn trở thành người như thế nào.
“Người nhện,” cháu trả lời không do dự và miêu tả cho tôi nghe sức mạnh của người nhện. Người nhện có thể vung tay phóng các lưới nhện và trèo lên các tòa nhà, quấn những kẻ xấu trong lưới nhện đó. “Anh ấy thực sự mạnh mẽ, ông ạ,” cháu nói. Đó là một câu chuyện kèm theo những bước nhảy ngoạn mục, những cú đấm bay trong không trung và những ngón tay phóng ra những mạng nhện trong tưởng tượng.
Tôi nghĩ rằng nhiều đứa trẻ ở độ tuổi của cháu muốn trở thành Người nhện, Siêu nhân, Nữ thần chiến binh và những anh hùng khác. Trong trường hợp của cháu trai tôi – cháu cũng là một người hâm mộ Người dơi – cháu muốn bắt chước các nhà vô địch phim hoạt hình của mình bằng cách chiến đấu và đánh bại những kẻ bất lương. Giống như khủng long hấp dẫn một số trẻ em vì kích thước và sức mạnh của chúng, các siêu anh hùng cũng vậy.
Khi trưởng thành chúng tìm kiếm những hình mẫu khác. Văn hóa và giải trí quần chúng làm lung lay giấc mơ của một số ít. Đứa trẻ 3 tuổi yêu mến Marshall của Paw Patrol khi lớn tầm 14 tuổi lại khao khát trở thành một ngôi sao điện ảnh như Matt Damon hoặc Scarlett Johansson, một ca sĩ như Bruno Mars hoặc Adele, một vận động viên như Tiger Woods hoặc Serena Williams.
Tất nhiên, chúng thường tìm những hình mẫu gần gũi xung quanh. Chẳng hạn như: Maria bước vào lĩnh vực y học vì rất ngưỡng mộ các bác sĩ và y tá chăm sóc cho mình khi phải nhập viện với bệnh đau ruột thừa năm 12 tuổi. John đăng ký học luật vì cả hai bố và mẹ đều là luật sư. Jim gia nhập Thủy quân lục chiến vì những câu chuyện chiến tranh của chú Phil, trong khi em gái Grace học ngành giáo dục vì được truyền cảm hứng từ những kỷ niệm về giáo viên dạy tiếng anh hồi lớp 8.
Nếu nghĩ về điều này chúng ta sẽ thấy rằng tất cả chúng ta lớn lên và bắt chước những hành vi của những người xung quanh như cha mẹ và những người chăm sóc khác, anh chị em, bạn bè, giáo viên và huấn luyện viên, ngôi sao điện ảnh, sân khấu, âm nhạc và thể thao. Có thể là tốt hoặc xấu nhưng những người này trở thành hình mẫu của chúng ta.
Còn những vị anh hùng trong quá khứ thì sao? Ngày nay, họ thường bị bỏ quên trong những bài giảng trên lớp, họ bị những bậc thầy văn hóa trong thời đại chúng ta chê bai. Những nhân vật lịch sử này từng ấp ủ ước mơ về những việc làm tốt và vĩ đại, từng là hình mẫu cho đức hạnh, giờ đây dường như chẳng có ý nghĩa gì, họ bị coi thường hoặc bị trục xuất, những hình ảnh của họ bị lãng quên trong một nhà kho bụi bặm.
Tuy nhiên, trong nhiều thế kỷ, tổ tiên của chúng ta đã tìm kiếm nguồn cảm hứng và chỉ dẫn đạo đức từ những người đi trước. Ví dụ, người La Mã đã nghiên cứu “Cuộc sống của Plutarch” để tìm hiểu các bài học về đạo đức. Kể từ đó, nhiều người ở phương Tây, bao gồm từ Tổ phụ sáng lập Hoa Kỳ cho đến Theodore Roosevelt, tiếp tục học hỏi những cổ nhân nổi tiếng với hy vọng có được những đức tính tốt và tránh những tệ nạn.
Thông thường, chúng ta sẽ tìm thấy các liên kết đối với những anh hùng lịch sử. Ví dụ, thời trẻ, Napoléon Bonaparte đã nghiên cứu tính cách của các nhà lãnh đạo như Alexander Đại đế và Julius Caesar; hoặc Winston Churchill coi Bonaparte là một trong những anh hùng của mình; Thủ tướng Anh hiện tại Boris Johnson, người đã viết tiểu sử về Churchill, coi chính khách Anh vĩ đại đó là ánh sáng lịch sử hàng đầu của mình.
Tuy nhiên, ngày nay văn hóa của chúng ta dường như có ý định huỷ hoại hình ảnh các anh hùng thời xưa hơn là học tập họ. Đúng là nhiều nhà viết tiểu sử và sử gia thời trước thường bỏ qua lỗi lầm và khuyết điểm của những người nổi tiếng như Washington, Jefferson, Lee v.v., nhưng cũng có một sự thật là thế hệ chúng ta ngày nay cố tình lãng quên những đức tính tốt đẹp của họ.
Phẫn nộ trước sự không hoàn hảo của tổ tiên và bị cảm giác ưu việt hơn về đạo đức chi phối, nhiều người trong chúng ta đã tìm cách xóa bỏ những ký ức về những tổ tiên mà chúng ta coi thường quan điểm chính trị hoặc văn hóa của họ. Những nhân vật nổi tiếng đã bị loại bỏ khỏi sách giáo khoa, bị buộc tội vì những thiếu sót hoặc bị bôi nhọ thành tựu. Các bức tượng của họ bị san bằng, chân dung và tên tuổi của họ bị gỡ bỏ ra khỏi các tòa nhà công cộng.
Quá tệ.
Liệu những người trẻ trong chúng ta đã quen với sự đấu tranh và chiến thắng của những người Mỹ nổi tiếng như James Madison, Ulysses S. Grant, Booker T. Washington và Susan B. Anthony chưa? Những người đàn ông và phụ nữ này có thể đóng vai trò như những người dẫn đường. Họ cũng có thể đóng vai trò như những ngọn đèn chiếu sáng trong bóng tối của chúng ta, những con người có những đặc điểm tốt nhất đáng để noi theo.
Đây là nơi chúng ta có thể tham gia vào việc giáo dục đạo đức cho giới trẻ. Chúng ta có thể bước vào căn nhà kho mờ mịt, bị lãng quên đó, lau bụi khỏi những hình nộm và làm nó sống lại bằng sức mạnh của những trang tiểu sử.
Từ những câu chuyện của những người nổi tiếng này, thanh thiếu niên của chúng ta có thể tìm thấy sự yên tâm và sức mạnh khi bước vào tuổi trưởng thành. Nếu bạn lo lắng về việc chuẩn bị đi học đại học hoặc chuyển ra khỏi nhà, hãy học lấy sự can đảm trong “Undaunted Courage” (Lòng dũng cảm không thể khuất phục) của Stephen Ambrose với cách miêu tả tuyệt vời về Lewis và Clark, những thử thách mà họ phải đối mặt và những tính cách đã đưa họ vượt qua nghịch cảnh. Nếu bạn sợ hãi những trở ngại trên con đường của bạn? Hãy đứng thẳng lên đầy nghị lực với “A. Lincoln” của Ronald White, nói về một cậu bé nghèo khó, bằng ý chí và sự chăm chỉ, đã vươn lên làm tổng thống. Nếu bạn thất bại, bị ngã và bạn sợ không thể đứng lên được trên đôi chân của mình hãy đọc “Unbroken” (Không gục ngã), câu chuyện về Louis Zamperini, người đã phải chịu một loạt thăng trầm, bao gồm cả sự tra tấn trong trại tù binh chiến tranh của Nhật Bản.
Một số lượng sách lớn như vậy kể về cuộc đời của những nhân vật nổi tiếng dành cho thanh thiếu niên và trẻ mẫu giáo của chúng ta. Gần đây, tôi đã đến thăm thư viện công cộng ở Front Royal, Virginia. Trong phòng dành cho trẻ em, tôi đã nhìn thấy các giá đỡ dài ước chừng 72 feet và 1,200 cuốn sách viết về tiểu sử, cũng như một số loạt phim “Thời thơ ấu của những người Mỹ nổi tiếng” và cả những câu chuyện tuyệt vời khác nhau từ The ValueTales của Spencer Johnson. Ở đây cũng có một dãy tiểu sử cuộc đời để kỷ niệm những người Mỹ vĩ đại như Robert Fulton, Babe Ruth, Jackie Robinson, Ella Fitzgerald, sit Bull, Dorothy Day, Ronald Reagan, Clara Barton, Davy Crockett và Henry Clay.
Còn nữa, Stonewall Jackson, Abigail Adams, Anh em nhà Wright, v.v. rất mong muốn có độc giả.
Trong cuốn tiểu thuyết “An Education for Our Time” (Nền giáo dục trong thời đại chúng ta) của Josiah Bunting, kể về tỷ phú John Adams đưa ra kế hoạch thành lập một trường đại học độc đáo. Ông là một người ủng hộ quyết liệt cho việc nghiên cứu lịch sử và đã viết rằng: “Tất cả chúng ta có thể bắt chước những người đàn ông và phụ nữ trong lịch sử cũng giống như những người mà chúng ta biết đến trong cuộc sống.”
Trước đó trong câu chuyện này, Adams đã đặt câu hỏi này cho người bạn Robert đang giúp anh trong nỗ lực lớn này:
“Robert: liệu có người đàn ông nào trong lịch sử mà anh yêu thích, người mà cuộc sống của họ dường như ảnh hưởng trực tiếp đến ý thức của anh, người mà cả những nỗi buồn và sự tôn vinh trong cuộc đời họ có ý nghĩa với cách anh muốn sống? Một cuộc đời mà anh có thể bằng cách nào đó ‘nhận ra?’”
Với câu hỏi này tác giả Bunting cũng đã ngụ ý cho câu trả lời rằng: Bằng cách cho họ tiếp xúc với tiểu sử và lịch sử, chúng ta có thể cho những người trẻ cơ hội tương tự để học hỏi và noi theo những đức tính của những người đã đi trước.
Jeff Minick có bốn người con và nhiều cháu đang ở độ tuổi phát triển. Trong 20 năm, ông đã dạy lịch sử, văn học và tiếng Latinh cho học sinh tại Asheville, N.C. Ngày nay, ông sống và viết trên Front Royal, Va. Hãy xem JeffMinick.com để theo dõi blog của ông.
Do Jeff Minick thực hiện
Thu Dung biên dịch
Tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: