Nghề thầy: Đâu chỉ giúp trẻ thành công mà còn thành nhân
Ngày Nhà giáo Việt Nam đến, không thể không tri ân những người thầy đã tận tuỵ, dốc sức trong công cuộc giáo dục học sinh, nhưng cũng không thể không “khó tính” mà nhìn nhận lại sự nghiệp “trồng người” của chúng ta.
Chưa bao giờ, việc dạy dỗ một đứa trẻ nên người lại khó khăn như vậy. Từ những đứa mới chỉ vài tuổi đầu trong nhà trẻ, cho đến những lứa đã đi qua mười mấy mùa xuân. Mỗi giai đoạn lại có cái khó riêng. Nhưng cái khó chung đều dễ nhìn thấy trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin: trẻ không chỉ học thầy, học bạn, học hàng xóm, mà còn học cả “google”, “facebook”, “youtube” v.v. Đứng trước sự chuyển biến của thời đại, nhiều cha mẹ, thầy cô và thậm chí là học sinh hoang mang, không biết thích nghi và bảo tồn sứ mệnh của giáo dục thế nào cho phải. Nếu vậy, chúng ta có thể tìm lại những lời vàng ngọc mà nhà giáo dục Hoàng Đạo Thúy để lại cho hậu thế từ thế kỷ trước – những lời xưa nhưng chưa bao giờ cũ!
Làm thầy không chỉ dạy kiến thức cho xong, mà còn như người cha người mẹ thứ hai. Cũng không quá lời khi khẳng định rằng: tương lai và sự thể hiện của thanh thiếu niên ngày nay là sản phẩm của nền giáo dục, cho dù đó là giáo dục gia đình hay giáo dục trên ghế nhà trường. Bởi chắc chắn rằng, nếu không được định hướng và dẫn dắt đúng cách từ lúc còn nhỏ, lớn lên trẻ sẽ đi chệch đường. Nếu may mắn, đứa trẻ có tố chất thì có thể lăn lộn trong “trường đời” mà trở thành phiên bản tốt hơn, nhưng con số đó không phải là nhiều. Và nếu chúng ta để con em mình rơi vào trò may rủi của giáo dục mà không có ai đồng hành như vậy, đa phần là cuộc đời chúng sẽ “thất bại” về mặt nhân cách.
Ngày nay, mở tờ báo nào ra, chúng ta cũng dễ dàng đọc được những thông tin như: gian lận thi cử, chạy điểm, chạy thành tích, thi đua lấy danh hiệu, học sinh tự sát vì áp lực học tập, cô trông trẻ bạo hành học sinh, học sinh hỗn láo với thầy cô, thầy giáo tát học sinh, nhóm nữ sinh đánh hội đồng bạn học vì ghen tuông, phụ huynh bắt cô giáo phải quỳ xuống xin lỗi học sinh, phụ huynh mệt mỏi vì phải “đi” thầy cô mỗi dịp đặc biệt v.v. Dường như mọi luân thường đạo lý đều bị đảo lộn; chúng ta không còn nhận ra đâu là đạo làm thầy, đâu là phép tắc của học trò nữa. Niềm tin giữa người với người trở nên mong manh, chỉ còn lại cảm giác lo sợ, nghi ngờ, bất an v.v.
Những điều đó không chỉ khiến bản thân người trong cuộc rối bời, đau lòng và mất phương hướng, nó còn kéo cả xã hội đi xuống giống như hiệu ứng Domino. Một mắt xích đổ là cả hệ thống cũng đổ. Và nếu cứ như vậy, tương lai của mỗi cá nhân, của gia đình và của đất nước sẽ đi về đâu? Những đứa trẻ sau này sẽ dạy con cái chúng như thế nào, nếu cuộc đời chúng gần như đã “chấm hết” từ khi còn rất nhỏ hoặc chỉ “sống trong vô định” những năm tháng sau đó?
Nhiều bậc cha mẹ Việt cho rằng chỉ cần con đạt thành tích tốt là đã yên tâm về tương lai của chúng. Nhưng giáo dục một đứa trẻ là để thành nhân, đâu chỉ thành công. Giáo dục suy cho cùng là phải hướng về con người, có khả năng sản sinh ra những thế hệ kiến tạo tương lai tốt đẹp hơn. Mà tương lai tốt đẹp ấy không chỉ có máy bay, tàu siêu tốc hay những phát kiến khoa học kỹ thuật vĩ đại, mà còn là một xã hội ngập tràn sự chân thành, thiện lương và bao dung.
Như cụ Hoàng Đạo Thúy đã xác định rõ, mục đích của giáo dục mà những người thầy theo đuổi là “đem lũ trẻ con người ta trao cho, mà rèn giũa sao cho nên người, nên người có hiếu, sau này gây được gia đình bền chặt, người dân tốt giúp được nước, người có tâm với thiên hạ, làm người biết đạo người, sống hợp với lẽ trời đất.”
Trong bối cảnh này, trọng trách của người làm thầy tăng lên gấp bội. Nếu một người thầy đào tạo và dạy dỗ một đứa trẻ thành người thì xã hội có thêm một cá nhân biết sống có ích và bớt đi một mối hiểm họa. Nếu một người thầy không làm tròn đạo thì còn nguy hiểm hơn, không chỉ một đứa trẻ mà nhiều đứa trẻ sẽ có nguy cơ bị “đào thải” vì nhân cách, và hệ luỵ của điều này thật khôn lường.
Vậy, dạy dỗ nên người một cá nhân có phải là một nhiệm vụ bất khả thi?
Cụ Hoàng Đạo Thúy đã viết những lời gan ruột trong cuốn sách “Nghề thầy” rằng: “Chúng ta mà muốn, thì chúng ta có thể đổi hẳn tương lai nòi giống. Chỉ mười năm, phải, mỗi người chỉ tận tụy mười năm, là một thế hệ thanh niên sẽ đổi khác. Huống hồ đời giáo dục của chúng ta ba mươi năm, hay hơn nữa. Đó không phải là mơ mộng. Sự thực ai cũng làm được, mà ai cũng phải làm mới được.
Chúng ta đã không quản gì đồng lương, không nhìn đến chỗ ngồi. Trong trường tiến thủ đã chỉ tranh lấy một địa vị lạnh nhạt nhất, nhưng có ích nhất. Bước vào giáo giới là chúng ta đã có mục đích: không phải đi làm để kiếm ăn thôi, không phải chỉ đi làm công. Chúng ta ‘làm thầy’.”
Những lời tâm sự đầy mộc mạc của cụ cho chúng ta hiểu sâu sắc rằng: Đã dấn thân vào con đường giáo dục là cần hiểu được sứ mệnh của người làm thầy. Dù có gặp nhiều cay đắng buồn tủi thế nào cũng đừng quên trong tay mình nắm giữ vận mệnh của rất nhiều thanh thiếu niên. Đừng vì tham lợi mà lại biến trường học thành nơi kinh doanh, tri thức thành một món hàng và học sinh như những “con tin”.
Đặc biệt, cụ nhấn mạnh vào việc phải giáo dục “Chí” cho thanh thiếu niên. Thế giới hiện đại khiến đời sống vật chất của con người trở nên đầy đủ, sung túc hơn. Nhiều “cậu ấm”, “cô chiêu” sống trong nhung lụa từ nhỏ không biết đến khó khăn, vất vả là gì, vì vậy mà đâm ra nhụt chí, thối chí. Lớp người sau lại cứ đi thụt lùi dù được tiếp xúc với nhiều tri thức và điều kiện học hỏi tốt hơn. Nhiều đứa trẻ khỏe mạnh, có tài năng nhưng lại lãng phí món quà ấy, trở thành những kẻ “ăn bám xã hội”. Nhưng đó cũng là một thiếu sót của chúng ta khi đã quá coi trọng trẻ có thông minh hay không mà quên mất rằng cần phải rèn luyện cho trẻ có “chí”.
“Ở đời làm được việc tất phải có tài học, có khéo tay. Nhưng có cái gan để quả quyết làm, có cái gan để làm luôn luôn, có cái gan để đến được kết quả tốt, là nhờ ở chí. Có tài mà không có chí thì thế nào việc cũng hỏng, vì không dám làm, làm cũng bỏ dở…”
“Nói chí thì thường nói cả khí. Chí là ý muốn làm, khí là sức mạnh để cho chí làm được. Chí khí là sức mạnh của tâm hồn. Người có chí khí thì cả quyết… Người có chí khí, có khí khái, gặp trường hợp nào cũng giữ được phẩm cách mình…” – Cụ Hoàng Đạo Thúy
Sứ mệnh làm thầy to tát vậy nhưng cũng không nằm ngoài những hành động nhỏ bé. Giáo dục học sinh tưởng đâu xa, chính là trong những điều nhỏ nhặt hàng ngày như tắm cho trẻ, dọn vệ sinh trường lớp, soạn giáo án, chấm bài, sửa bài, giao thiệp với phụ huynh v.v. Mỗi một việc đòi hỏi sự kiên nhẫn phi thường, trong đó hàm chứa cả lòng vị tha và tình yêu thương nhân loại tha thiết. Nhất là ngày nay khi trẻ vô tình hay cố ý rơi vào một “ma trận” của thông tin qua mạng xã hội và Internet, dễ cáu bẳn, mắc các bệnh về tâm lý hay dậy thì sớm thì sự tận tụy, cần mẫn này lại càng đáng quý và cấp thiết biết bao!
Dĩ nhiên, nền tảng của giáo dục trước tiên bắt đầu từ gia đình, khi người cha người mẹ trở thành người thầy đầu tiên, từ lúc con mới chỉ là bào thai trong bụng. Đặc biệt là xu hướng giáo dục tại nhà đang dần phổ biến, cha mẹ đóng cả hai vai, là người nuôi dưỡng và cũng là người thầy của con. Nhưng dù thế nào, một nhà giáo thành công không thể thiếu vắng sự hợp tác của gia đình, bởi theo cụ:
“Suốt cả trong đời học trò, sự liên lạc của gia đình và thầy học vẫn cần mật thiết. Ở bậc tiểu học, thì việc ấy rất dễ dàng. Thầy học lại thăm cha anh học trò. Cha anh học trò thăm thầy học. Đến trung học và cao học, những việc thăm hỏi khó hơn, nhưng lúc này gia đình nên làm thế nào cho cung cách của mình không trái ngược với những cung cách của nhà học. Nếu không thế, nếu gia đình coi thầy giáo như những người dưng, như những kẻ quyến rũ con mình, như những người đối với những người người ấy mình phải chống chọi thì trẻ sẽ sinh ra ranh mãnh, nó làm cho hai bên không gặp nhau, cho dễ đi nói dối cha, về nhà nói dối chú.”
Ngẫm lại, nghề giáo đúng là một nghề “cao quý”, nhưng để xứng với cái danh hiệu ấy thì mỗi người làm nghề còn phải cố gắng thường hằng. Nhất là khi các “vết đen” trong ngành giáo dục ngày càng nhiều, khi các nhà giáo không còn bàn về sứ mệnh và ý nghĩa chân chính của việc làm thầy bên mâm cơm hay cạnh chén trà, mà thay vào đó là những chuyện phiếm vô thưởng vô phạt, những áp lực tăng ca, dạy thêm, miếng cơm manh áo v.v.
Làm nghề nào cũng cần có đức hy sinh nếu muốn đóng góp cho nhân loại, đặc biệt là một nghề có tác động đến sự tồn vong của xã hội như nghề thầy. Vậy nên, những người đã theo sự nghiệp làm thầy, đừng vì chú tâm vào cái khó của mình mà đi đường tắt, mà quên đi cái “phúc” và “đạo” của chính mình. Được như vậy thì thế giới này sẽ tri ân quý vị nhiều lắm!
“Kể ra thì cái nghề của chúng ta cũng như, hay là hơn các nghề khác, cũng có lắm cái nhục và lắm cái vinh.
Thầy ngồi một nơi mà trẻ xấc láo, cha mẹ học trò lại khinh khỉnh, lườm nguýt, cô ra chợ, người ta bán đắt, hàng xóm chỉ chực chửi đổng, giữ nhau từng miếng, thì cái nghề mình cực thật, thà làm cu li đập đá còn hơn.
Những thầy đã tận tuỵ, trong lâu năm, học trò đã khá giả, làng đã sạch sẽ, thịnh vượng, nước đã thảnh thơi, lúc trẻ nhỏ vào học, mặt sáng sủa tỉnh táo; thế thì thầy cũng có thể vui lòng mà bảo rằng: ‘tiến vi quan, đạt vi sư’ người xưa nói vậy mà phải.” – Cụ Hoàng Đạo Thúy
Xem thêm: