Nghệ sĩ múa Lê Vi: Rời bỏ ánh đèn sân khấu, tìm thấy hào quang nơi xứ người
Là một nghệ sĩ múa thành công, danh tiếng, Lê Vi quyết định dừng sự nghiệp năm 36 tuổi để theo chồng sang Pháp định cư vào năm 2003. Không bao giờ nghĩ đến việc kết hôn với người ngoại quốc, càng không nghĩ tới việc sẽ sống ở nước ngoài, nhưng Lê Vi lại cũng tin vào sự sắp đặt của số phận, nhất là khi có những mối duyên lớn trong cuộc đời đến với chị rất bất ngờ…
Cuộc hôn nhân định mệnh
Đối với Lê Vi, kết hôn với một người Pháp là một định mệnh. Vi kể rằng quen nhau một năm, trước khi về Pháp, anh Cyril cầu hôn chị, “Cyril muốn cưới Vi làm vợ.” Anh nói bằng tiếng Việt. Lê Vi trả lời: “Không! Vi không có ý định lấy người ngoại quốc.” Anh đã trả lời, “Thế thì Cyril ở đây với Vi.”
Bất ngờ vì sự giản dị và chân thành của anh, Vi mới suy nghĩ nghiêm túc về tình cảm của mình. Lê Vi thấy anh hiền lành, chất phác, trong sáng, một người đàn ông tử tế, và những điều giản dị đó đã chinh phục chị.
Tin vào sự an bài của duyên phận nên Lê Vi quyết định sang Pháp định cư. Nhưng Lê Vi không ngờ rằng số phận còn sắp đặt cho mình một mối duyên còn lớn hơn nữa …
Năm nay do đại dịch COVID-19, không về Việt Nam ăn Tết, Lê Vi chia sẻ nỗi nhớ quê hương với độc giả của EpochTimes tiếng Việt
Thời gian đầu, cứ mỗi dịp Tết đến là Lê Vi lại thấy khát khao được sống trong không khí đặc biệt ấy. Điều thú vị nhất chính là không khí chuẩn bị; ai ai cũng vô cùng háo hức và hy vọng một năm mới tốt đẹp hơn. Vậy nên dù xa quê hương đã nhiều năm, Lê Vi vẫn luôn chuẩn bị các món Tết đầy đủ như những ngày tại quê nhà: cũng mâm ngũ quả, gà luộc ngậm ớt tươi, măng miến móng giò, bóng xào, thịt đông… và đương nhiên là không thể thiếu những chiếc bánh chưng xanh. Vi thường mời vài người bạn Việt hoặc Pháp đến chung vui và không khỏi tự hào về nét văn hóa Việt rất đặc trưng này.
Nhưng dù cố gắng đến mấy chị cũng không thể lấp đầy nỗi nhớ quê nhà, nơi có những người thân yêu luôn thương nhớ mình. Phải sau hơn chục cái Tết, Lê Vi mới có dịp trở về Hà Nội chung vui cùng gia đình, để các con cảm nhận không khí ngày tết truyền thống.
Mỗi khi đoàn tụ, ba chị em Lê Vân, Lê Khanh, và Lê Vi lại hân hoan chuẩn bị Tết như ngày nào, lại cùng nhau ôn những ký ức tuổi thơ bên bếp củi hồng luộc bánh chưng, rồi những ngày đầu năm điệu đàng xuống phố đón Xuân, rạng ngời và tự hào trong tà áo dài truyền thống thăm hỏi họ hàng gần xa, và chụp hình lưu lại kỷ niệm trân quý này, …
Gặp Lê Vi, có lẽ ai cũng bất ngờ vì dù đã bước sang tuổi 50, chị vẫn giữ được nét đẹp thanh xuân, không khác nhiều so với hơn 10 năm trước, vẫn mái tóc đen dài, vẻ đẹp Á Đông đằm thắm của cô gái Hà Thành xưa, giản dị, tinh tế, dịu dàng.
Lê Vi kể rằng, bởi sinh ra và lớn lên trong một gia đình Hà Nội gốc nên cũng được thấm nhuần văn hóa người Hà Nội xưa. “Càng đi xa tôi lại càng ý thức giữ gìn và duy trì nét đẹp văn hoá truyền thống, không chỉ cho riêng mình, mà còn cho niềm tự hào dân tộc. Thực ra Lê Vi nghĩ rằng có lẽ bất cứ nơi nào trên toàn thế giới cũng đều có một tiêu chuẩn chung cho người phụ nữ: đó là chuẩn mực về đạo đức, thiên tính, và trách nhiệm đối với gia đình.”
Mối duyên nơi xứ lạ
Lê Vi quyết định dừng sự nghiệp nghệ thuật với nhiều thành công và danh tiếng. năm 36 tuổi để sang Pháp định cư (2003), toàn tâm toàn ý sống cuộc đời bình thường với chồng con bên Pháp. “Nhiều người cứ nghĩ tiếc cho tôi, nhưng tôi thì không. Tôi quan niệm trong cuộc sống nên thuận theo tự nhiên, không tham luyến điều gì. Gia đình tôi làm nghệ thuật đều sống và làm nghề vì cái tâm, chỉ muốn được trọn vẹn tình yêu với nghệ thuật mà thôi, bởi tôi không lấy vinh hoa phú quý làm thước đo giá trị cao thấp của mỗi người, cho nên tới lúc cảm thấy đủ thì có thể buông và bước sang một ngã rẽ khác thôi.”
Chị kể rằng, rời xa sân khấu, chị lại tìm thấy niềm đam mê mới, cũng liên quan đến luyện tập, hằng ngày Lê Vi luyện các bài công pháp của Pháp Luân Đại Pháp (là môn khí công Phật gia còn có tên gọi là Pháp Luân Công).
“Lê Vi tin vào duyên phận, tin vào sự an bài của số phận, rời bỏ ánh đèn lấp lánh của sân khấu ở Việt Nam, nhưng sang Pháp, Vi lại tìm thấy hào quang của Đại Pháp, Vi thấy mình may mắn vô cùng. Sân khấu cho mình danh tiếng, đam mê, nhưng Đại Pháp mới là nơi mình tìm thấy niềm vui, hạnh phúc, và sự bình an, Đại Pháp cho con người một tâm hồn thuần khiết và hướng thiện; điều đó quý giá hơn bất cứ tài sản, danh vọng hay tiền bạc nào.
Tu luyện Pháp Luân Đại Pháp khiến tôi nhận ra nghệ thuật hoàn mỹ đến từ sự hoàn thiện của nhân cách; như các nghệ sĩ của Đoàn Nghệ thuật Shen Yun, tín ngưỡng xuất phát từ nội tâm của các nghệ sĩ đã giúp họ đạt đến sự “Thuần Chân – Thuần Thiện – Thuần Mỹ.”
Năm ngoái chị về Việt Nam để biểu diễn một số điệu múa trên nền nhạc của Đại Pháp sau khi giải nghệ hơn chục năm, với mong muốn truyền cảm hứng cho mọi người về môn tu luyện này.
Tu luyện không phải là xa lánh cõi đời
“Trước đây Lê Vi cứ nghĩ phải có lý do đặc biệt thì mới phải vào chùa tu. Khi biết đến Pháp Luân Đại Pháp là một môn tu luyện giữa đời thường, Lê Vi mới hiểu ý nghĩa thực sự của tu luyện là trong mọi hoàn cảnh, đều cần chiểu theo nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn mà hoàn thiện bản thân.
Nói một cách đơn giản nhất thì Chân là thành thật; Thiện là đối đãi với mọi người bằng tâm thiện lành, đặc biệt là làm việc gì cũng đều luôn nghĩ đến người khác trước; còn Nhẫn biết kiềm chế bản thân, không tức giận, không nói lời không nên nói, là khi đối mặt với những khó khăn, nghịch cảnh trong cuộc sống biết cách đối đãi để tâm được an lành.
Theo Vi nghĩ thì đấy mới là tu luyện, không phải cứ lên chùa là mới tu. Trong đời thường lấy tu tâm làm chính, đối đãi với những người xung quanh với tâm thái hòa ái từ bi.”
Phật ở tại tâm
“Lê Vi không thường xuyên đi chùa trừ dịp đầu năm để hưởng không khí xuân mới. Vi chẳng hiểu gì về cách thức lễ bái, đến đền hay chùa hoặc ở nhà cũng chỉ có một bài khấn duy nhất học từ mẹ; đơn giản lắm nhưng cũng đủ những gì cần phải “dâng” lên Phật; rồi cũng cảm thấy yên tâm phần nào vì mẹ vẫn có câu cửa miệng rằng “chỉ cần tâm thành kính là Phật độ, cứ ở hiền là gặp lành thôi.”
Xa nhà, Lê Vi mang theo nét văn hoá đặc trưng này. Vi cũng lập bàn thờ Phật, thỉnh thoảng thắp nén nhang vào ngày rằm, mồng Một và ngày Tết truyền thống cho thêm phần ấm cúng, để xua tan cái cảm giác trống trải nơi đất khách quê người.
“Rồi đến khi có duyên đọc cuốn Chuyển Pháp Luân (cuốn sách chỉ đạo tu luyện Pháp Luân Công), ngay lập tức Vi tự biết kiểm soát hành vi, lời ăn tiếng nói, và cả suy nghĩ của mình, mọi việc đều theo Chân – Thiện – Nhẫn, sao cho thật thuần thiện theo lời Thầy dạy, và chợt nhận ra từ trước đến nay tôi toàn thắp hương cầu xin Phật thôi, chỉ vì mong cầu những điều như ý nên tôi mới lễ Phật.
“Giờ Lê Vi đã hiểu lễ chùa là để con người thể hiện tâm kính Phật. Thần Phật không nhìn vào việc chúng ta dâng Phật những gì, nhiều ít ra sao để đánh giá lòng thành của mình, mà Thần Phật chỉ nhìn nhân tâm thiện–ác, tốt–xấu.”
“Thay vì đi lễ chùa cầu tài lộc, sức khỏe danh vọng … thì người tu luyện buông bỏ những truy cầu, trừ bỏ những dục vọng ích kỷ, tâm tính không tốt để trở thành người tốt và tốt hơn nữa theo tiêu chuẩn Chân – Thiện – Nhẫn. Người ta vẫn thường nói “Phật ở trong tâm”, có nghĩa là hướng tâm mà tu, hướng nội mà tìm, tu nội mà an ngoại, chiểu theo lời Phật dạy thì Phật tính sẽ xuất lai – bởi trong mỗi chúng ta đều đã có sẵn Chân – Thiện – Nhẫn.”
Chị chia sẻ, Pháp cũng như các nước Âu Châu khác đang trải qua giai đoạn khó khăn; ai cũng thấy chán nản vì cuộc sống bị đảo lộn, bấp bênh trước dịch bệnh; nhưng Lê Vi không hoang mang lo lắng gì, “thay vào đó thì Vi chăm lo việc tu tập.”
Chị nói: “Bạn thấy đấy, cựu Tổng thống Trump và nhiều người thân cận với ông ấy bị nhiễm COVID-19, nhưng họ đều hồi phục rất nhanh. Ông ấy cũng là người có đức tin rất mạnh mẽ. Vi tu luyện nên hiểu rằng, chính khí trong tâm là phương cách tốt nhất để chống lại dịch bệnh. Tôi không thấy sợ hãi gì chuyện dịch bệnh vì hàng ngày tôi luyện năm bài công pháp, thân và tâm đều an hòa; Vi nghĩ đấy chính là năng lượng thuần chính, là sức đề kháng tốt chống lại dịch bệnh.”
Lê Vi gửi lời chúc chân thành nhất đến độc giả của Epoch Times Tiếng Việt. Năm 2020 đầy biến động đã khép lại, Lê Vi hy vọng mọi người tìm thấy sự an lành và bình yên trong chính tâm hồn mình, bằng niềm tin vào Thần Phật và chính nghĩa, để bước sang một năm mới, vận hội mới tốt đẹp và tươi sáng hơn.
Mai Khanh
Xem thêm: