Nghệ sĩ Hồng Kông tổ chức triển lãm tại Anh, thoát khỏi sự kiểm duyệt của ĐCSTQ
Sau khi từ chức Ủy viên Hội đồng quận Loan Tể (Wan Chai) ở Hồng Kông, giám tuyển nghệ thuật Trương Gia Lệ (Clara Chueng) và gia đình của cô đã chuyển đến Vương quốc Anh vào tháng Bảy năm ngoái (2021). Họ cũng đã chuyển C&G Artpartment, phòng trưng bày nghệ thuật mà cô đã đồng sáng lập với người chồng họ Kim đến Anh. Sau sáu tháng, họ đã giám tuyển triển lãm nghệ thuật đầu tiên của mình ở Vương quốc Anh mang tên “Lằn Ranh Đỏ Rộng 24901 Dặm” (The 24901-Mile-Wide Red Line).
Giải thích về con số 24,901 trong tiêu đề triển lãm nói trên, cô Trương nói: “24,901 dặm (40,074 km) là chu vi xích đạo của trái đất, và ‘lằn ranh đỏ’ này chính là lằn ranh kiểm duyệt mà Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã mở rộng ra toàn thế giới. Ngoài việc trưng bày những tác phẩm không còn có thể thị hiện cho công chúng ở Hồng Kông, còn có sự góp mặt của các nghệ sĩ đến từ Myanmar và Thái Lan. Tôi muốn tiếp tục khám phá xem liệu sức mạnh của ‘Liên minh Trà Sữa’ (‘Milk Tea Alliance’) có thể được mở rộng hay không.”
Một năm trước, cô Trương, người vẫn đang giữ chức ủy viên hội đồng quận, và một nghệ sĩ ủy viên hội đồng quận khác, đã được phỏng vấn về các vấn đề chính trị “lằn ranh đỏ” do Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông gây ra thông qua việc tổ chức các cuộc triển lãm nghệ thuật của Bảo tàng M+. Trong năm sau, quyền tự do ngôn luận trên các kênh thông tấn bị hạn chế, và các nghệ sĩ Hồng Kông phải đối mặt với sự kiểm duyệt chính trị gắt gao nhất trong nhiều thập niên. Cô Trương, người chưa bao giờ nghĩ tưởng đến việc rời khỏi Hồng Kông, không có lựa chọn nào khác ngoài việc hòa vào làn sóng nhập cư, rời khỏi quê nhà sang nơi đất khách. “Mọi người đều biết rằng môi trường chính trị hiện tại không còn cho phép tất cả mọi người tham gia cùng nhau để tạo ra những thay đổi. Tôi bỏ việc và đến Vương quốc Anh để cố gắng mở ra những không gian và cơ hội khác nhau, đồng thời tiếp tục với công việc giám tuyển nghệ thuật và sáng tạo nghệ thuật.”
Cô nhận ra rằng lằn ranh đỏ kiểm duyệt của ĐCSTQ không chỉ nhắm vào Hồng Kông, mà còn mở rộng ra tất cả các nơi trên thế giới. Cô hy vọng có thể xua tan đi nỗi sợ hãi sâu thẳm trong lòng mọi người vì các nghệ sĩ có thể giãi bày thông qua nền tảng triển lãm của họ hay nội dung được thể hiện trong các tác phẩm nghệ thuật, và không ngừng ngân lên tiếng kêu thống thiết cho quyền tự do ở nơi vẫn còn tiếng nói.
Sau khi đến Vương quốc Anh, cô Trương đã liên lạc với một số nghệ sĩ đến từ các quốc gia khác nhau, chẳng hạn như Mayo Naing, Sai và Min Ma Naing từ Myanmar. Cô xúc động nói: “Thật buồn khi biết về những câu chuyện của họ, một số người trong số họ đã rời khỏi đất nước quê hương mình một hoặc hai năm trước đó để thoát khỏi sự đàn áp của nhà cầm quyền nước này, và rất khó để các tác phẩm của họ được trưng bày công khai ở quốc gia hoặc khu vực của họ. Tôi nhận ra rằng ĐCSTQ sử dụng ‘Sáng kiến Vành đai và Con đường’ về kinh tế để kiểm soát tài nguyên của các nước Đông Nam Á, cũng như kiểm soát nền văn hóa của họ. Nhiều quốc gia trong số này phải tuân theo ĐCSTQ [để duy trì] lợi ích của họ, và chế độ này đe dọa người dân của họ bằng một ‘lằn ranh đỏ’ kiểm duyệt.”
Lấy cảm hứng từ những trải nghiệm của các nghệ sĩ Miến Điện và Thái Lan, triển lãm hiện tại của C&G Artpartment là nơi trưng bày tác phẩm của những nghệ sĩ Hồng Kông và trên thế giới.
Mặc dù một số tác phẩm nghệ thuật trong triển lãm này đều đến từ Hồng Kông, nhưng chúng không thể được trưng bày ở đó. Cô Trương tin rằng các tác phẩm đó không vi phạm Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông, và không có cái gọi là “kích động”, nhưng trong môi trường hiện tại của Hồng Kông, cô không biết khi nào thì một tác phẩm nghệ thuật sẽ chạm vào “lằn ranh đỏ” này.
Cô đã đưa ra một ví dụ về một tác phẩm phản ánh vấn đề địa ốc ở Hồng Kông. Đây là một bộ phim của các tổ chức bất vụ lợi, và đã bị cấm sau khi Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông được thực thi. Bộ phim này không bị cấm vì nội dung tổng thể, mà vì có một số cảnh đường phố với khẩu hiệu phản đối, và một số cảnh cho thấy những người đấu tranh cho quyền dân chủ và nhân quyền ở cuối bộ phim.
Trong bối cảnh hiện tại, cô dự định sẽ có một số cuộc thảo luận thông qua cuộc triển lãm này: “Kỳ thực, trong môi trường Luật An ninh Quốc gia hiện hành, không phải việc đàn áp hay kiểm soát trực tiếp nội dung sáng tạo làm nảy sinh vấn đề, mà là bộ luật này đã làm nảy sinh vấn đề và bao phủ [mọi người] bằng bầu không khí khủng bố trắng. Điều đó thực sự rất đáng buồn. Quý vị có thể tưởng tượng rằng nếu Hồng Kông tiếp tục như vậy, thì nội dung sáng tạo sẽ bị thu hẹp hết mức. Nếu thực sự muốn nghệ thuật được thăng hoa, thì phải có không gian sáng tạo cho nghệ thuật, mà muốn sáng tạo thì phải có nhiều tiếng nói.”
Khi cô Trương mời các nghệ sĩ tham gia triển lãm, cô cảm thấy rằng họ đã tham gia với một tâm thái hy sinh cho nghệ thuật: “Mọi người cùng đứng trên một chiếc thuyền, không ngừng nỗ lực để tiến về phía trước, chúng tôi sẽ hy sinh [cho nghệ thuật] và kết nối với nhau. Tôi hy vọng rằng thông qua triển lãm nghệ thuật này, với sự tham gia của các nghệ sĩ khác nhau, chúng tôi có thể trưng bày những tác phẩm mà không thể được triển lãm ở đất nước mình. Đây là sợi dây liên kết giúp chúng tôi có thêm nhiều cơ hội để thấu tỏ địch thủ mà chúng tôi đang cùng nhau đối mặt.”
Cô nói rằng những gì mà ĐCSTQ đang làm hiện nay là gieo rắc một trường khủng bố trắng trên toàn thế giới để bịt miệng mọi người thông qua việc tự kiểm duyệt. Nếu mọi người cứ nhất mực tuân theo ĐCSTQ, thì đó sẽ là điều đáng buồn nhất. Những gì cô có thể làm là tạo ra một nền tảng trong không gian hạn chế mà cô có. Đầu tiên, về mặt tâm lý, cô phải thoát khỏi trường khủng bố trắng mà ĐCSTQ tạo ra và cung cấp cho nghệ sĩ cơ hội thỏa sức sáng tạo.
Cố sự truyền cảm hứng của Lư Đình
Cô Trương không có tác phẩm nghệ thuật của riêng mình cho các cuộc triển lãm ở Manchester và Sheffield, nhưng cô sẽ tiếp tục tạo ra một loạt các tác phẩm về Lư Đình (Lo Ting), một nhân vật trong truyền thuyết của Hồng Kông. Lư Đình là một bộ tộc nửa người nửa cá có thể đi lại trên cạn cũng như bơi dưới biển. Lư Đình là một thành viên của bộ tộc Lư Đình.
Ngay từ năm 1997, một số nghệ sĩ địa phương ở Hồng Kông đã tạo ra các tác phẩm nghệ thuật về câu chuyện của Lư Đình. Sau Phong trào Dù vàng năm 2014, cô Trương đã gây tiếng vang với câu chuyện của Lư Đình: “Tôi nghĩ Lư Đình, nhóm dân tộc này, có mối liên hệ tuyệt vời với người Hồng Kông chúng tôi. Họ có thể sống cả trên cạn lẫn dưới nước. Họ nhanh nhẹn và đều thể hiện ra tính cách linh hoạt và hiệu quả như người Hồng Kông. Khi đại tướng quân Lỗ Tấn chạy sang phương Nam, bản lĩnh kiên cường trước chế độ thối nát dường như đã được kế thừa trong tinh thần và chảy trong dòng máu của người dân Hồng Kông chúng tôi.” Cô tin rằng nghệ thuật có thể kết nối những con người khác nhau, vì vậy cô hy vọng sẽ truyền tải được tinh thần của người Hồng Kông thông qua truyền thuyết Lư Đình.
Sau khi cô Trương nhập cư đến Sheffield, Anh, cô vẫn tự thiết lập các gian hàng trên đường phố để kết nối người dân Hồng Kông và người dân địa phương với các loại hình nghệ thuật như thư pháp đường phố, triển lãm điêu khắc, và công trình “Bức tường Lennon.” Ý tưởng này cũng được lấy cảm hứng từ Cố sự Lư Đình: “Gần đây, tôi đã dựng các gian hàng văn hóa trên đường phố và các hoạt động văn hóa với những bằng hữu Hồng Kông khác. Tôi nghĩ đây là bước đầu tiên cho những người nhập cư mới từ Hồng Kông như chúng tôi. Mọi người nên kết nối lại với nhau và kéo các nhóm dân tộc của Hồng Kông bị chia cắt đoàn kết lại với nhau. Chúng ta cần có một nền tảng cộng đồng trước khi có thể thực hiện bước tiếp theo.”
Cô cũng đề cập đến bộ phim “Revolution of Our Times” gần đây được phát hành ở Anh, và cho biết cô rất ấn tượng về đôi găng tay mà một người biểu tình trong bộ phim đã đeo: “Anh ấy đã sử dụng đôi găng tay này trong Phong trào Dù vàng vào năm 2014, và tiếp tục xuống đường trong suốt năm 2019. Tôi nghĩ rằng đây là một lời cảnh báo đối với chúng tôi từ các đạo diễn và người sáng tạo của bộ phim này. Sau năm 2019, chúng tôi vẫn phải đeo đôi găng tay này, đừng vội vứt chúng đi, chúng tôi đang chờ đợi cơ hội tiếp theo.”
Dẫu cho đó là một buổi triển lãm nghệ thuật về kiểm duyệt chính trị hay chỉ là một gian hàng trên phố để tiếp tục kể câu chuyện về Hồng Kông, thì cô Trương vẫn cho là mọi việc cô làm đều muốn gửi gắm một thông điệp đến xã hội phương Tây: “Hồng Kông không phải là Trung Quốc.” Cô giải thích, điểm khác biệt giữa Hồng Kông và Trung Quốc đại lục là người Hồng Kông vẫn luôn ôm giữ tinh thần duy trì nền dân chủ và không chịu quỳ phục trước ĐCSTQ.
Cô chia sẻ cô hiểu rằng bây giờ đây, rất khó để nói chuyện một cách tự do ở Hồng Kông như mọi người có thể làm trước đây. Có rất nhiều hạn chế và bầu không khí ở đây bao trùm bởi khủng bố trắng. Nhưng cô đã có thể lên tiếng khi đến Anh, một đất nước tự do. Cô tin rằng “câu chuyện này vẫn chưa kết thúc” và cô không thể bỏ cuộc. Cô muốn nói với cộng đồng quốc tế rằng ở Hồng Kông vẫn còn một nhóm người tận tụy đang âm thầm chịu đựng và chờ đợi ánh bình minh.
Cô Trương hiện đang sống ở Anh nhưng cho biết cô vẫn quan tâm đến các tù nhân ở Hồng Kông: “Tôi cũng kêu gọi một số người sống ở Vương quốc Anh đồng ký tên vào bản thỉnh nguyện gửi lên Quốc hội Anh, nhằm yêu cầu chính quyền Hồng Kông thả tất cả các tù nhân chính trị, họ không có quyền tự do ngôn luận hoặc sáng tạo. Tôi cũng hy vọng rằng những người Hồng Kông đến Vương quốc Anh sẽ sử dụng lá phiếu của họ để yêu cầu chính phủ Anh phản ứng các vấn đề của Hồng Kông. Vương quốc Anh và Hồng Kông có một lịch sử lâu đời. Đừng bỏ cuộc và hãy tiếp tục giữ vững niềm tin của chúng ta.”
Bấm vào đây để biết thông tin chi tiết về các cuộc triển lãm sắp tới ở Manchester và Sheffield.
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: