Ngày Tự do Báo chí Thế giới tỏ rõ môi trường truyền thông xuống cấp ở Trung Quốc, Hồng Kông
Hoa Kỳ và Liên minh Âu Châu đã đánh dấu Ngày Tự do Báo chí Thế giới bằng việc bày tỏ quan ngại về tình trạng suy thoái không ngừng của quyền tự do báo chí ở Trung Quốc.
“Hoa Kỳ lên án việc chính quyền áp đặt đóng cửa một phần hoặc toàn bộ việc sử dụng internet, trong vô số các chiêu bài khác, để ngăn chặn việc thực hiện quyền tự do biểu đạt trực tuyến và hạn chế khả năng phục vụ công chúng của các nhà báo độc lập,” Ngoại trưởng Antony Blinken nói trong một tuyên bố hôm 02/05 về Ngày Tự do Báo chí Thế giới.
Ngày Tự do Báo chí Thế giới, được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thiết lập vào năm 1993, được tổ chức hàng năm vào ngày 03/05. Một trong những mục tiêu của ngày này là thúc đẩy các nguyên tắc cơ bản của tự do báo chí và giải quyết các thách thức đối với tự do báo chí trên toàn thế giới.
Ông Blinken lên án Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập với việc họ bắt giam nhiều phóng viên nhất trong năm 2020, trích dẫn dữ liệu từ Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (CPJ).
Hồi tháng Mười Hai năm ngoái (2020), CPJ đã công bố một báo cáo nêu tên Trung Quốc là “quốc gia bỏ tù nhà báo tệ hại nhất thế giới” trong năm thứ hai liên tiếp; nhiều người đã bị bắt vì đưa tin về đại dịch COVID-19. Một ví dụ là nhà báo công dân Trương Triển (Zhang Zhan), người đã bị kết án 04 năm tù vì “gây gổ và kích động rắc rối,” một cáo buộc phổ biến mà chế độ Trung Cộng thường sử dụng để bịt miệng những người bất đồng chính kiến.
“Tại Trung Quốc, nhiều người trong số 47 tù nhân đang bị bị bỏ tù dài hạn hoặc bị giam giữ ở khu vực Tân Cương mà không có bất kỳ cáo buộc nào được thông báo,” CPJ tuyên bố.
Giám đốc chính sách đối ngoại của EU Joseph Borrell cũng chỉ ra môi trường báo chí đang xấu đi của Trung Quốc trong tuyên bố của ông vào Ngày Tự do Báo chí Thế giới.
Ông Borrell viết: “Tôi muốn tái khẳng định cam kết của tôi và liên minh Âu Châu đối với tự do truyền thông, vốn đã bị suy giảm ở nhiều quốc gia trong đại dịch COVID-19.”
Câu lạc bộ phóng viên nước ngoài của Trung Quốc (FCCC), trong báo cáo được công bố vào tháng Ba, đã ghi lại cách chế độ Trung Cộng sử dụng các thủ đoạn bao gồm cả các biện pháp ngăn chặn coronavirus để hạn chế việc đưa tin của nước ngoài trong năm 2020. Báo cáo này, dựa trên một khảo sát với 150 thành viên, kết luận rằng quyền tự do truyền thông ở Trung Quốc “bị suy giảm đáng kể” vào năm 2020.
FCCC cho biết: “Tất cả các vũ khí quyền lực nhà nước-bao gồm cả các hệ thống giám sát được dùng để hạn chế virus coronavirus-đều được sử dụng để quấy rối và đe dọa các nhà báo, các đồng nghiệp Trung Quốc của họ và những người mà báo chí nước ngoài tìm cách phỏng vấn.
Bốn mươi hai phần trăm trong số 150 người được hỏi cho biết họ “bị yêu cầu rời đi hoặc bị từ chối tiếp cận vì lý do y tế và an toàn khi họ không gây chút rủi ro nào,” liên quan đến báo cáo về coronavirus ở Trung Quốc.
Một số phóng viên nước ngoài đã chia sẻ trong bản báo cáo nói trên về việc họ bị quấy rối hoặc đe dọa như thế nào, bao gồm cả Francesc Canals, phóng viên của hãng thông tấn Tây Ban Nha Televisió de Catalunya.
“Ở Vũ Hán, và ở Bắc Kinh, trong các bản tin không thuộc loại nhạy cảm, tôi đã bị người dân địa phương, với sự hỗ trợ của cảnh sát, buộc phải xóa những dữ liệu như cảnh quay trên đường phố, mà không có lời giải thích hợp lý nào. Ở Vũ Hán, tôi bị cảnh sát yêu cầu xóa đoạn ghi hình trên điện thoại của mình,” ông Canals nói.
Tự do báo chí ở thành phố Hồng Kông do Trung Cộng cai trị cũng đã xấu đi đáng kể trong năm 2020. Trong một tuyên bố đánh dấu Ngày Tự do Báo chí Thế giới, Câu lạc bộ Phóng viên Nước ngoài tại Hồng Kông (FCCHK) tuyên bố họ “cam kết bảo vệ tự do báo chí ở Hồng Kông và trên toàn khu vực.”
“Các nhà báo [ở Hồng Kông] đã phải đối mặt với một loạt các thách thức, bao gồm cả các hạn chế mới của cảnh sát về việc chứng nhận nhà báo, việc truy tố các thành viên của giới truyền thông, áp lực ngày càng gia tăng đối với tính độc lập biên tập của RTHK, lo ngại về thị thực và cuộc tấn công của côn đồ vào một nhà in báo,” FCCHK viết.
Nhà máy in ấn bản Hồng Kông của The Epoch Times đã bị những kẻ đột nhập cầm búa tạ tấn công hôm 12/04; đó cũng chính là cơ sở đã bị phá hoại vào tháng 11/2019, khi bốn người đeo mặt nạ phóng hỏa bên trong nhà in. Nhiều người tin rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc (Trung Cộng) đứng sau cả hai cuộc tấn công này.
Vào ngày 03/05, Hiệp hội Nhà báo Hồng Kông (HKJA) báo cáo rằng chỉ số tự do báo chí của thành phố này đối với các nhà báo đạt mức thấp kỷ lục, giảm xuống từ mức 42 vào năm 2013 xuống mức 32,1 vào năm 2020. Chỉ số này dựa trên cuộc khảo sát 367 nhà báo từ 16/02 đến 21/03.
85% các nhà báo cho rằng sự suy giảm tự do báo chí của thành phố là do chính quyền Hồng Kông đàn áp. Trong khi đó, 69% nói rằng “việc các quan chức chính quyền trung ương ngày càng nhấn mạnh việc một quốc gia hai chế độ đã khiến họ không thoải mái khi báo cáo những tiếng nói bất đồng.”
Do Frank Fang thực hiện
Thanh Xuân biên dịch
Xem thêm: