Ngày Sóc Đất: Cách nghĩ của chúng ta có thể thay đổi thế giới của chúng ta
Nếu bạn đang mắc kẹt trong một khuôn mẫu lặp đi lặp lại thì có lẽ đã đến lúc ngừng chạy trốn khỏi cái bóng của bạn
“Mọi hành động của con người đều được phát sinh từ ý nghĩ của người đó” – Đức Phật
Câu châm ngôn này được những bậc thầy về kinh doanh, những giáo sư, những nhà tâm lý học, những cố vấn hôn nhân, và thậm chí cả những nhà khoa học ca ngợi vì ý nghĩa nội hàm thâm sâu của nó.
Thoạt nhìn thì “Groundhog Day” (Ngày Sóc Đất) có vẻ như là một bộ phim hài khác của diễn viên Bill Murray, nhưng bộ phim này lại chứa đựng những thông điệp sâu sắc đáng ngạc nhiên – đến nỗi bộ phim đã truyền cảm hứng cho các cuộc thảo luận triết học, và thậm chí cả các khóa học đại học về ý nghĩa của cuộc đời. Bộ phim hài do Danny Rubin viết kịch bản và Harold Ramis làm đạo diễn ra mắt vào năm 1993 này cũng thu hút sự quan tâm của giới tôn giáo do các chủ đề phổ quát của nó.
Đạo diễn Ramis đã kể lại rằng: “Lúc đầu, tôi nhận được một bức thư gửi qua mail nói rằng, ‘Ồ, anh chắc hẳn là người theo đạo Cơ đốc, vì bộ phim thể hiện niềm tin vào đạo Cơ đốc rất tuyệt vời.’ Sau đó, các giáo sĩ Do Thái ở khắp nơi bắt đầu gọi điện cho tôi và nói rằng họ đang xem bộ phim như là bài thuyết pháp tiếp theo của họ. Và các Phật tử! Chà, tôi biết là họ sẽ thích xem bộ phim này, bởi vì mẹ vợ tôi đã sống trong một trung tâm thiền của Phật giáo trong 30 năm và vợ tôi cũng đã sống ở đó 5 năm.”
Vậy điều gì trong phim “Ngày Sóc Đất” đã gây được tiếng vang với nhiều người như vậy? Có thể đó là: khi chúng ta xem phim, chúng ta thoáng nhìn thấy một con người khác và qua đó, chúng ta đã phát hiện ra ý nghĩa đích thực của cuộc đời; đồng thời bộ phim cũng cho chúng ta thấy rằng con đường dẫn đến sự cứu rỗi thực sự nằm ở việc buông bỏ tính ích kỷ và thực sự nghĩ đến người khác – những thứ mà theo bản năng, chúng ta đều biết đó là đúng đắn.
Nội dung bề mặt của bộ phim
Bạn hãy tưởng tượng rằng mình đang sống cùng một ngày với các hành động được lặp đi lặp lại – lặp đi lặp lại – lặp đi lặp lại. (Sau những đợt phong tỏa COVID thì quá trình này có thể không kéo dài như vậy!)
Đó chính xác là tình thế khó khăn mà Phil Connors – một nhà khí tượng truyền hình ích kỷ, luôn tự cho mình là trung tâm, với mong muốn tiến lên bằng mọi giá – đã thấy mình sống trong vòng luẩn quẩn đó.
Phil miễn cưỡng đến thị trấn nhỏ Punxsutawney, Pennsylvania cùng với nhà sản xuất Rita và nhà quay phim Larry để đưa tin về sự kiện Ngày Sóc Đất (ngày 2 tháng Hai). Phil tin rằng người dân Punxsutawney là những người có đầu óc đơn giản và đáng thương, rằng sự kiện này thật lố bịch và không đáng để một người như anh đưa tin. Sau khi đưa tin về sự kiện một cách nửa vời, anh háo hức muốn thoát khỏi thị trấn nhỏ, nhưng lại bị kẹt trong một cơn bão tuyết.
Sáng hôm sau, Phil thức dậy với âm thanh của chiếc radio đồng hồ đang phát chương trình giống chương trình hôm qua và phát cho nhóm thính giả đang đi bộ đến Gobbler’s Knob như hôm qua. Đầu óc rối bời, Phil đi xuống cầu thang của nhà nghỉ và chỉ nhận ra một điều rằng những người anh gặp đều đang nói và làm giống hệt như ngày hôm qua.
Mặc dù ngày lại ngày trôi qua nhưng Phil phát hiện ra rằng anh đã bị vây hãm, sống trong sự lặp lại cái ngày mà anh coi thường đó, trong một kiểu vòng lặp thời gian siêu nhiên.
Phil đã trải qua nhiều cung bậc cảm xúc, thái độ, và trải nghiệm. Cứ như thể anh ấy đang trải qua những lần tái sinh nhỏ của chính mình, chỉ có anh ấy mới có thể nhớ rõ từng lần tái sinh như vậy.
Ban đầu, thái độ của anh ấy rõ là thô lỗ, hoài nghi và kiêu ngạo. Anh ấy chỉ nghĩ đến bản thân mình và lợi dụng người khác mà không cần suy nghĩ kỹ. Sau đó, khi nhận ra rằng anh ấy đã không phải chịu hậu quả cho các hành động của mình, anh ấy bèn vui vẻ buông thả bản thân. Từ lấy trộm tiền, dụ dỗ phụ nữ, cho đến ăn vặt, anh ấy cố gắng thỏa mãn mọi ham muốn của mình.
Nhưng những ham muốn này cuối cùng rồi cũng bị mất đi sức hấp dẫn của chúng. Phil cảm thấy buồn chán và bắt đầu lo sợ rằng mình có thể sẽ không bao giờ thoát khỏi số phận của mình.
Tương lai vô cùng mờ mịt, anh ấy trở nên tức giận, chán nản và thất vọng. Tuyệt vọng, anh ấy đã cố gắng tự tử bằng mọi cách mà anh ấy có thể nghĩ ra. Nhưng bất kể là làm gì thì sáng hôm sau Phil vẫn thức dậy với cũng người dẫn chương trình phát thanh đó, nói cùng một điều vào mỗi sáng. “Được rồi, các trại viên, hãy đứng lên và tỏa sáng, và đừng quên đồ nghề của bạn vì ngoài đó rất lạnh.” Đối với Phil, ngày nào trời cũng lạnh. Phil đã bị kẹt trong nhiều năm, có thể là nhiều thập niên ở đó. Phil đã dùng mọi biện pháp để cố gắng tán tỉnh nhà sản xuất Rita – một người ngọt ngào, tốt bụng và hào phóng. Cô có tất cả những đức tính mà Phil không có. Lúc đầu, Phil sử dụng sự lôi kéo và lừa dối để cố gắng quyến rũ cô, nhưng Rita đã nhìn ra ý định thực sự của anh và Phil luôn luôn thất bại, hết lần này đến lần khác.
Cuối cùng, trong tuyệt vọng, anh thú nhận hoàn cảnh của mình với cô. Sau khi dành cả ngày tâm sự với Phil, Rita đã nói với anh những suy nghĩ từ trong tâm của cô, “Đôi khi tôi ước mình có một nghìn kiếp sống. Tôi không biết, Phil. Có lẽ đó không phải là một tai họa. Mọi việc phụ thuộc vào cách anh nhìn nhận nó.”
Và đột nhiên, bóng đèn vụt tắt.
Phil bắt đầu nhìn nhận hoàn cảnh của mình như là một cơ hội giúp anh thay đổi. Anh trở thành một phóng viên chân thành, một nghệ sĩ dương cầm cừ khôi, học nói tiếng Pháp trôi chảy, và thậm chí trở thành một nhà điêu khắc băng bậc thầy. Anh bắt đầu nghĩ đến người khác, và sinh hoạt hàng ngày của anh ấy được sắp đặt bởi một loạt người mà anh ấy cứu thoát khỏi thảm kịch cuộc đời – như một người đàn ông lớn tuổi vô gia cư chết cóng trong giá lạnh, một cậu bé bị rơi từ trên cây xuống, và thị trưởng của thị trấn bị nghẹn tại một nhà hàng. Và khi Phil thay đổi, anh ấy bắt đầu thực sự quan tâm đến Rita.
Nội hàm của bộ phim
Không phải ngẫu nhiên mà nhà khí tượng học Phil lại trùng tên với con sóc đất Phil. Và mặc dù câu chuyện về con sóc đất chỉ là một câu chuyện rất nhỏ bé, nhưng nó lại được biết đến trên hết vì một điều – nó đã trốn tránh cái bóng của nó. Đó là điều mà nhiều người trong chúng ta làm.
Cái bóng này tượng trưng cho phần tối trong tâm hồn của mỗi chúng ta – phần mà chúng ta không muốn người khác nhìn thấy, chúng ta cố gắng phớt lờ đi, hoặc thậm chí bị nó che lấp mà chính chúng ta cũng không nhận ra. Phần tối đó là thứ mà chúng ta muốn chạy trốn bằng cách xem tivi, uống rượu hoặc luôn làm cho bản thân bận rộn đến mức không bao giờ bị bỏ lại một mình với những suy nghĩ của mình. Nhưng việc nhìn thấy cái bóng của chúng ta lại chính là điều đem lại cơ hội để giúp chúng ta làm được điều gì đó tốt hơn cho cái phần tối đó, và đó là niềm hy vọng của chúng ta. Chỉ bằng cách tìm ra và thừa nhận cái bóng của mình thì chúng ta mới bắt đầu thay đổi những điều mà bản thân không mong muốn.
Khi nhìn sâu vào nội tâm của bản thân và xem lại động lực tiềm ẩn của mình, chúng ta mới có thể thấy rằng chúng ta bị lấp đầy bởi rất nhiều những thứ không phù hợp với con người mà chúng ta thực sự muốn trở thành.
Chẳng hạn như, chúng ta cần xem xem động cơ giúp đỡ người khác của chúng ta có chân thành và trong sáng không? Hay chúng ta đang làm điều đó bởi vì chúng ta muốn được nhìn nhận theo cách tốt đẹp, hoặc có lẽ được khen thưởng theo một cách nào đó? Hoặc có thể động lực để làm những việc đó của chúng ta cuối cùng cũng chỉ là làm cho mọi thứ trở nên dễ dàng và thoải mái hơn cho chính chúng ta.
Những điều này có thể khó phân biệt, bởi vì mặc dù bề ngoài chúng ta có vẻ như đang làm điều gì đó tốt, nhưng bên trong chúng ta có thể chứa đầy những toan tính nhằm phục vụ bản thân. Tự lừa dối bản thân thường là sự lừa dối khó nhận ra nhất.
Để thay đổi thế giới của bạn, hãy thay đổi chính mình
Chỉ đến khi Phil bắt đầu nhận thấy rằng thực tế bên ngoài không thể thay đổi được thì anh ấy mới nhận ra rằng điều duy nhất anh ấy có thể thay đổi là chính bản thân mình. Nhưng nhận thức này lại xảy ra sau một quá trình bó tay rất lâu dài và đau đớn. Cuối cùng, sau khi hiểu ra rằng những mục tiêu theo đuổi của mình là vô nghĩa thì Phil đã từ bỏ tư lợi của bản thân và bắt đầu thực sự nghĩ cho người khác.
Mặc dù tất cả chúng ta đều có khả năng thay đổi cuộc sống của mình, nhưng cũng có những công việc mà tất cả chúng ta đều phải tuân theo cuộc sống thực tế bên ngoài. Có thể các chi tiết của các tình huống diễn ra khác nhau nhưng hầu hết chúng ta đều có một công việc hoặc trường học mà chúng ta phải đến, một gia đình phải chăm sóc, chúng ta phải ngủ, phải ăn, và phải làm nhiều việc khác.
Cách chúng ta chọn để cư xử và phản ứng với những tác động xung quanh, thường là điều duy nhất mà chúng ta thực sự kiểm soát được. Và những suy nghĩ, hành động của chúng ta có thể có tác động mạnh mẽ đến cách lựa chọn đó của chúng ta.
Tôi đã từng có một công việc mà đôi khi làm cho tôi và đồng nghiệp phải đối đầu với nhau. Cả hai chúng tôi đều muốn kiểm soát một số khía cạnh của sự việc, và chúng tôi đã ganh đua, cạnh tranh để mọi thứ diễn ra theo ý của mình. Cuối cùng thì tôi bắt đầu không thích đi làm. Tôi cảm thấy bế tắc và bất lực khi những vấn đề tương tự lặp đi lặp lại. Rồi một ngày tôi nghĩ: “Dù thế nào đi nữa thì mình cũng phải đi làm, ở đó vui hay buồn đều là do cách nhìn nhận của mình mà thôi.”
Với suy nghĩ đó, tình hình đã thay đổi. Khi tôi bỏ đi tính cạnh tranh và hiếu thắng với đồng nghiệp, cũng như mối quan tâm của tôi về cách người khác nhìn nhận tôi trong văn phòng, và thay vào đó là thái độ hợp tác và vui vẻ thì tôi đã ngạc nhiên trước sự thay đổi chóng vánh của môi trường xung quanh mình.
Cũng giống như Phil, việc tôi liên tục nhìn ra bên ngoài, đổ lỗi và cố gắng thay đổi người khác, đã làm cho tôi bị mắc kẹt trong vòng lặp của những kết quả tiêu cực. Tôi đã chuyển sang hành động một cách có chủ đích và khi tôi quyết định tập trung vào điều tốt, bỏ qua điều xấu, tôi đã được trải qua khoảnh khắc giác ngộ và bắt đầu nhìn cuộc sống theo một hướng khác.
Tất cả đều từ quan điểm của từng người
Tôi luôn cảm thấy thú vị khi hai người có thể chứng kiến cùng một sự kiện và rời đi với hai câu chuyện hoàn toàn khác nhau về những gì đã xảy ra. Có lẽ đó là do phần lớn chúng ta nhìn nhận thế giới theo quan điểm và nhận thức của chúng ta hơn là theo những gì đang xảy ra trên thực tế.
Vấn đề đặt ra ở đây là chúng ta tập trung sự chú ý của mình vào đâu, những thứ được gọi là chánh niệm.
Như nhà biên kịch Rubin đã chỉ ra, “Mọi người mà Phil gặp đều ẩn chứa vô số tính cách không tốt đẹp (như nhàm chán, ngu ngốc, nặng mùi, nói lắp, v.v.) và vô số tính cách tích cực (như hài hước, khôn ngoan, trung thành, xinh đẹp, v.v.). . Đây là tất cả những tính cách cùng hội tụ trong cùng một người. Vậy Phil chú ý đến những tính cách nào? Tôi xin nhắc lại một lần nữa là chúng ta định hình quan niệm của chính mình về thế giới thường xuyên hơn nhiều so với những gì chúng ta nhận ra.”
Những gì chúng ta chọn để tập trung vào sẽ thể hiện chúng ta là người như thế nào. Khi đối đầu với đồng nghiệp của mình, tôi nhận ra rằng những điều khiến tôi khó chịu về cô ấy thực ra lại là sự phản ánh những điều bên trong con người của tôi – những điều ẩn giấu mà tôi không muốn thấy, và tôi cũng thực sự không nhận ra điều đó trên bề mặt. Đó chính là cơ hội để tôi soi xét và cải thiện bản thân. Nếu tôi cứ tập trung vào mong muốn thay đổi cô ấy hơn là bản thân mình, thì có nghĩa là tôi đã bỏ lỡ cơ hội cải thiện này.
Theo mặc định, chúng ta thường muốn những khó khăn kết thúc càng sớm càng tốt. Chúng ta xem đó là những điều xấu – trong trường hợp đó, chúng ta có thể phớt lờ chúng, chạy trốn khỏi chúng, đối xử không tử tế với người khác, nuôi dưỡng sự oán giận, cảm thấy tức giận hoặc một loạt các phản ứng vô ích khác.
Khi chúng ta hiểu rằng những bài học lớn nhất của chúng ta là đến từ những khó khăn lớn nhất thì chúng ta sẽ nhìn nhận những khó khăn của mình khác đi. Khi chúng ta ngừng trốn tránh chúng, ngừng cố gắng tránh đau đớn, ngừng cảm thấy khó chịu, và thay vào đó là tìm kiếm từ nội tâm để xem chúng ta cần cải thiện ở đâu thì chúng ta sẽ tìm ra được bài học mà chúng ta muốn học.
Chuộc lỗi
Câu chuyện về Phil là câu chuyện về lòng vị tha qua gian khổ, làm tốt sẽ đem lại phần thưởng, và cuối cùng là một hành trình tâm linh hướng tới giác ngộ.
Khi Phil nhận ra rằng anh không thể làm bất cứ điều gì để tự giúp mình, anh bắt đầu quan tâm đến việc xem liệu mình có thể giúp đỡ người khác hay không. Suy nghĩ, giá trị, thái độ, cảm xúc và hành vi của anh đều thay đổi. Với sự thay đổi quan trọng này trong suy nghĩ của mình, anh ấy đã chọn con đường tự cứu bản thân, và cuối cùng đã giải thoát được bản thân khỏi nhà tù của chính mình.
Như Rubin nói, “Ngày tồi tệ nhất trong cuộc đời của Phil đã diễn ra trong những điều kiện giống hệt như ngày tuyệt vời nhất trong cuộc đời của Phil”. Không phải thị trấn, không phải con người, hoàn cảnh hay sự kiện thay đổi. Điều thay đổi duy nhất chính là Phil.
Nhưng để đến được cái đích đó không phải là dễ dàng. Phil phải học được rằng cuộc sống không phải là thứ để chống lại hay kiểm soát, mà phải xuôi theo, giống như cây liễu trong cơn bão. Câu chuyện của Phil là một quá trình thay đổi, nhưng đó là một kiểu thay đổi tốt lành – thay đổi để trở thành một người biết giúp đỡ người khác mà không mưu cầu tư lợi.
Điểm sáng của vòng lặp thời gian là đã chứng minh được rằng khi tất cả những yếu tố xung quanh chúng ta không thể thay đổi được, thì yếu tố duy nhất có thể thực sự thay đổi là chính chúng ta.
Tôi đọc được thông tin rằng khi Harold Ramis viết kịch bản cho phim, ban đầu anh ấy tưởng tượng rằng Phil cần phải mất 10,000 năm sống lại cùng một ngày để có thể đi theo con đường đúng. Nhưng cuối cùng thì Ramis đã để Phil chỉ mất khoảng 40 năm.
Không ai trong chúng ta biết mình phải làm việc bao nhiêu năm để đi cho đúng hướng. Có lẽ có một định hướng hay một khó khăn nào đó trong cuộc sống của bạn cứ lặp đi lặp lại, trong vòng lặp thời gian không bao giờ kết thúc. Và có thể, chỉ có thể thôi, nó đang cố gắng thu hút sự chú ý của bạn, cho bạn cơ hội nhìn lại bản thân để có thể vượt qua những giới hạn của chính bạn ngày hôm nay mà trở thành một người tốt hơn vào ngày mai.
Khánh Nam biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times