Ngày càng nhiều công dân Anh Quốc coi Trung Quốc là mối đe dọa ‘nghiêm trọng’ tới an ninh quốc gia
Một cuộc khảo sát thường niên cho thấy ngày càng có nhiều người dân Anh coi Trung Quốc là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh của Anh Quốc và không muốn nước họ theo đuổi mối liên hệ kinh tế với Bắc Kinh.
Theo khảo sát ý kiến công chúng năm 2021 của Nhóm Chính sách Đối ngoại Anh Quốc, thì Trung Quốc, cùng với Nga “không được tin tưởng bởi đại đa số người dân Anh” và được coi là một quốc gia “cực kỳ thù địch” trên toàn cầu.
Trong số những người được khảo sát thì 41%, tăng 11% kể từ năm ngoái (2020), coi Trung Quốc là một mối đe dọa “nghiêm trọng” do những nguy cơ mà nước này gây ra cho phương Tây “xuyên suốt trong một loạt các lĩnh vực,” trong khi chỉ có 22% số người ủng hộ việc theo đuổi các mối liên kết kinh tế với Bắc Kinh.
Ngoài việc cho thấy có “một sự ác cảm đối với việc hợp tác kinh tế với Trung Quốc,” cuộc khảo sát này còn cho thấy “một mức độ ủng hộ hết sức nhỏ nhoi” đối với bất kỳ sự tham dự nào của Bắc Kinh vào cơ sở hạ tầng của Anh Quốc.
Kết luận trên có được sau một khoảng thời gian khảo sát kỹ lưỡng ở Anh Quốc về sự tham gia của Trung Quốc vào các cơ sở và các hệ thống cơ bản của nước này.
Tháng 7 năm ngoái (2020), Thủ tướng Boris Johnson đã ra lệnh loại bỏ công ty viễn thông Trung Quốc Huawei ra khỏi mạng 5G của Anh vào năm 2027 giữa những mối lo ngại về gián điệp và phá hoại.
Sau đó vào hồi tháng 10/2020, ủy ban quốc phòng Anh đã báo cáo “bằng chứng rõ ràng về sự thông đồng giữa Huawei và chính quyền Trung Cộng,” thúc giục chính phủ nước này thay vào đó loại bỏ thiết bị của Huawei ra khỏi cơ sở hạ tầng viễn thông của Anh Quốc vào năm 2025.
Sự gia tăng tinh thần bài Trung trong công chúng Anh thể hiện trong cuộc khảo sát của Nhóm Chính sách Đối ngoại phản ánh cảm giác băn khoăn lo lắng ngày càng tăng của nhiều nghị sỹ Anh về những nguy cơ an ninh do Bắc Kinh gây ra.
Tuần trước, Ủy ban Đặc biệt về Quốc phòng liên đảng đã công bố một báo cáo cảnh báo rằng chuỗi cung ứng quốc phòng của Anh Quốc đã “mở cửa cho sự can dự có khả năng mang tính thù địch của nước ngoài,” xuất phát từ nguồn đầu tư đổ vào từ Trung Quốc, Nga và các nước khác.
Báo cáo này nói rằng Trung Quốc nên bị cấm được đầu tư như vậy sau “các báo cáo về các công ty thuộc sở hữu và bị ảnh hưởng bởi các chính quyền nước ngoài có các giá trị và cách cư xử trái ngược với chúng ta và là các chính quyền được biết là có hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ.”
Bất chấp sự miễn cưỡng như đã biểu thị đối với việc hợp tác kinh tế với Trung Quốc, cuộc khảo sát của Nhóm Chính sách Đối ngoại nêu bật nhiều lập trường khác nhau của người dân Anh liên hệ đến việc nước này hợp tác với Bắc Kinh.
Cuộc khảo sát này cho biết việc hợp tác về biến đổi khí hậu, vốn được coi là “thách thức chung toàn cầu” đã được 38% đáp viên ủng hộ, trong khi hơn 1/4 số người cho biết Anh nên tiếp tục hợp tác với Trung Quốc trong các nỗ lực nghiên cứu và hơn 1/3 số người ủng hộ việc sinh viên Trung Quốc học tập tại các trường đại học của Anh Quốc.
“Những kết quả này thể hiện sự phức tạp trong lập trường về Trung Quốc với một số người Anh ưa thích sự cởi mở vì thiên hướng chủ nghĩa quốc tế, những người khác lại yêu thích sự cởi mở vì họ quan tâm đến các tiêu chuẩn và nhân quyền,” nhóm này nêu rõ.
Họ cho biết thêm, “Đồng thời, một số công dân ủng hộ việc bất hợp tác do lo ngại về an ninh.”
Khi được yêu cầu lựa chọn trong số các phương án liên hệ khác nhau đối với Trung Quốc, 40%, tỷ lệ cao nhất các đáp viên, đã ủng hộ việc can thiệp đối với Bắc Kinh về hồ sơ nhân quyền của nước này, bao gồm “các cuộc đàn áp ở Hồng Kông” và “đối xử tàn nhẫn với người thiểu số Duy Ngô Nhĩ.”
Trong khi đó, cuộc khảo sát nói rằng 15% số đáp viên đã chọn không có “bất kỳ hình thức liên hệ nào với Trung Quốc.”
Do Mary Clark thực hiện
Cẩm An biên dịch
Xem thêm: