Ngày 25/04: Tưởng niệm sự hy sinh và cống hiến vì những điều tốt đẹp hơn
Ngày 25/04 đánh dấu hai sự kiện quan trọng nổi bật. Hai sự kiện này có những điểm tương đồng, nhưng xảy ra vào những thời điểm khác nhau, ở các quốc gia khác nhau và liên quan đến các dân tộc khác nhau – người Úc, người New Zealand, người Thổ Nhĩ Kỳ, và người Trung Quốc.
Những gì đã xảy ra vào ngày 25/04/1915 tại Gallipoli, Thổ Nhĩ Kỳ, được hầu hết người Úc và người New Zealand biết đến. Ngày ANZAC tưởng nhớ sự hy sinh của 16,000 binh sĩ Quân đoàn Úc và New Zealand đã đổ bộ xuống Gallipoli. Giờ đây, ngày này cũng tưởng nhớ những người Úc và New Zealand đã từng phụng sự hoặc tiếp tục phụng sự trong các hoạt động quân sự và gìn giữ hòa bình khác. Đây cũng là một ngày quan trọng ở Thổ Nhĩ Kỳ để tưởng nhớ đến những người lính Thổ Nhĩ Kỳ đã hy sinh tại Gallipoli.
Những gì đã xảy ra vào ngày 25/04/1999 tại Bắc Kinh không được nhiều người biết đến. Tuy nhiên, đây là một ngày đáng nhớ đối với hàng triệu học viên Pháp Luân Công tại Trung Quốc và trên toàn thế giới. Pháp Luân Công hay còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp là một môn tu luyện tinh thần theo trường phái Phật gia dựa trên thiền định và các nguyên lý chân, thiện, và nhẫn.
Sự kiện dẫn đến ngày 25/04/1999
Pháp Luân Công lần đầu tiên được Ngài Lý Hồng Chí giảng dạy cho công chúng ở Trung Quốc từ tháng 05/1992 và trở nên vô cùng phổ biến do những lợi ích về sức khỏe và đạo đức. Năm 1993, Cục Công an đã mời Ngài Lý đến giảng dạy về Pháp Luân Công tại văn phòng của cơ quan này. Tháng 03/1995, Ngài Lý được Đại sứ Trung Quốc mời đến giới thiệu Pháp Luân Công tại Đại sứ quán Trung Quốc ở Pháp, và đến năm 1998, Ủy ban Thể thao Nhà nước Trung Quốc báo cáo rằng hơn 70 triệu người ở Trung Quốc theo tập Pháp Luân Công.
Sự hồi sinh của các giá trị truyền thống tinh thần và đạo đức Trung Hoa này đã là một sự tiến triển tích cực cho xã hội Trung Quốc. Nhưng những người có lập trường trung thành với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), như Chủ tịch đương thời Giang Trạch Dân, coi đó là một sự sỉ nhục đối với ý thức hệ vô thần của chủ nghĩa cộng sản. Ông Giang đã tìm cách đàn áp Pháp Luân Công và thực thi sự kiểm soát của Đảng đối với tín ngưỡng như đã được chứng kiến trong thời kỳ Đại Cách mạng Văn hóa. Đến năm 1997, các kinh sách Pháp Luân Công bị cấm ở Trung Quốc, và trong vài năm sau đó, các nhóm luyện công tại các công viên bị phá rối và Pháp Luân Công ngày càng bị phỉ báng trên các kênh thông tấn nhà nước.
Tháng 04/1999, một tạp chí ở thành phố Thiên Tân thuộc đông nam Bắc Kinh, đã đăng một bài báo phỉ báng Pháp Luân Công. Các học viên Pháp Luân Công địa phương đã tìm cách giải thích những điểm không chính xác và yêu cầu cải chính nhưng đã bị bác bỏ. Ngày 23 và 24/04, Cục Công an Thiên Tân đã sử dụng cảnh sát chống bạo động để đánh đập và bắt giữ hơn 40 người. Công an Thiên Tân nói với các học viên rằng để giải quyết vấn đề này, họ cần đến Bắc Kinh.
Điều gì đã xảy ra vào ngày 25/04/1999?
Các học viên Pháp Luân Công ở Thiên Tân và Bắc Kinh đã nghe được thông tin này và hôm 25/04/1999, hơn 10,000 người đã tập trung bên ngoài Văn phòng Kháng nghị Trung ương của Trung Quốc tại khu phức hợp Trung Nam Hải ở Bắc Kinh, cũng là trụ sở văn phòng của Tổng Bí thư ĐCSTQ và Thủ tướng Chính phủ Nhân dân Trung Hoa. Các học viên đứng hoặc ngồi tĩnh lặng trên các lối đi, cẩn thận để không cản trở những hoạt động trên các đường phố hoặc lối đi bộ.
Thủ tướng Trung Quốc đương thời Chu Dung Cơ đã cùng một số nhân viên đến gặp các học viên. Thủ tướng Chu gọi bốn học viên vào bên trong và gặp Phó Bí thư Văn phòng Kháng nghị. Các học viên giải thích tình hình và yêu cầu trả tự do cho các học viên bị giam giữ, cho xuất bản rộng rãi sách Chuyển Pháp Luân (quyển sách chính của Pháp Luân Đại Pháp), và tạo một môi trường công bằng và hợp pháp để tu luyện Pháp Luân Công.
Các vấn đề dường như đã được giải quyết và các học viên đã trở về nhà vào đêm hôm đó. Đây là lần đầu tiên kể từ sau vụ Thảm sát Thiên An Môn hồi tháng 06/1989, nhiều người Trung Quốc đã tập trung nơi công cộng để thỉnh nguyện lên chính phủ. Các quan chức ĐCSTQ sau đó đã cáo buộc đây là một “cuộc bao vây” có tổ chức gây ra mối đe dọa cho các lãnh đạo Đảng. Một số chính phủ và các hãng thông tấn phương Tây vẫn viện dẫn sai lệch luận điệu của ĐCSTQ làm một lý do để cấm Pháp Luân Công.
Cuộc chiến chống lại Pháp Luân Công
Tuy nhiên, vài tháng sau, vào ngày 20/07/1999, ĐCSTQ đã ra lệnh cấm Pháp Luân Công và bắt đầu chiến dịch như một cuộc chiến tranh nhằm “xóa sổ” hoàn toàn môn tu luyện này và các kinh sách của họ.
Trên tạp chí Geopolitical Futures hồi tháng 02/2022, ông George Friedman đã viết về bốn giai đoạn của một cuộc chiến tranh. Những giai đoạn này được thể hiện như thế nào trong cuộc chiến “xóa sổ” Pháp Luân Đại Pháp của ĐCSTQ?
Trong giai đoạn đầu – thu thập thông tin tình báo, nhằm hiểu được các ý định và khả năng của một địch thủ, ĐCSTQ đã có một tính toán sai lầm nghiêm trọng. Họ cho rằng những người thiền định ôn hòa sẽ dễ bị đe dọa để từ bỏ đức tin của họ. Sự thù hận tín ngưỡng của Đảng đã khiến cho họ mù quáng đến mức họ cho rằng các học viên Pháp Luân Công chống lại Đảng, trong khi thực tế họ đã có bảy năm hòa bình dưới sự cai trị của ĐCSTQ và chỉ mưu cầu quyền tự do để thực hành thiền định và tín ngưỡng của mình.
Trong giai đoạn thứ hai – khai mào và tham chiến, ĐCSTQ đã điều động tất cả bộ máy nhà nước bao gồm quân đội, cảnh sát, Cục Công an, ngoại giao, tư pháp, và các kênh tuyên truyền nhằm làm nhụt chí và khả năng phản kháng của các học viên Pháp Luân Công.
Trong giai đoạn thứ ba – chiếm đóng, ĐCSTQ đã không chiếm đóng lãnh thổ của các học viên Pháp Luân Công Trung Quốc bởi vì các học viên là người Hán. Thay vào đó, họ chiếm nhà cửa, doanh nghiệp, và các cơ sở nơi các học viên sinh sống hoặc làm việc và đưa họ vào các nhà tù, trại lao động, nhà tù phi pháp, và các trung tâm tẩy não để đạt được mục đích chính trị của Đảng là “xóa sổ” Pháp Luân Công.
Trong giai đoạn thứ tư – bình định, ĐCSTQ đã sử dụng tất cả các nguồn lực cưỡng chế và tàn bạo của họ để kìm hãm sự phản kháng của các học viên Pháp Luân Công và làm nhụt chí của họ bằng hình thức “cải tạo” và tra tấn để buộc họ thực thi cam kết từ bỏ Pháp Luân Công đã ký.
Tác động đến thế giới
Chiến dịch “xóa sổ” Pháp Luân Đại Pháp của ĐCSTQ đang thất bại, nhưng trong quá trình này, cuộc đàn áp đã gây tổn hại cho người dân trên toàn thế giới. Trong khi Pháp Luân Công dạy về lòng tốt và sự lương thiện thì các Đại sứ quán và Lãnh sự quán Trung Quốc ở Úc và các nước khác lại tuyên truyền phỉ báng môn tu luyện này.
ĐCSTQ sử dụng các phương thức chiêu dụ về thương mại và tài chính để làm xói mòn nền tảng đạo đức và luân lý của các nền dân chủ phương Tây bằng cách yêu cầu họ im lặng trước cuộc đàn áp hàng triệu người vốn duy trì một cách bình hòa các nguyên tắc phổ quát cho tất cả các tôn giáo chính thống.
Tại Úc, khi chúng ta đang tưởng nhớ đến tinh thần ANZAC của ngày 25/04, chúng ta cũng có thể nhớ đến tinh thần của hàng chục ngàn học viên Pháp Luân Công đã bị sát hại do tra tấn và nạn thu hoạch nội tạng tàn khốc trong cuộc đàn áp của ĐCSTQ, vốn vẫn đang tiếp diễn cho đến ngày nay.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Ông John A. Deller là một thành viên của Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp tại Úc.
Khánh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: