Ngành vi mạch của Trung Quốc gặp khó khi ĐCSTQ không tin tưởng các giám đốc Đài Loan
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nhiều khả năng sẽ không thể tự lực sản xuất vi mạch nếu không có sự hỗ trợ từ các chuyên gia Đài Loan, trong bối cảnh căng thẳng công nghệ Mỹ – Trung. Tuy nhiên, việc ba lãnh đạo cấp cao có nhiều ảnh hưởng của Đài Loan rời khỏi hãng sản xuất vi mạch lớn nhất Trung Quốc hay hội đồng quản trị của hãng này gần đây cho thấy một thực tế —rằng Bắc Kinh không tin tưởng các giám đốc Đài loan và coi họ là “người ngoài cuộc”.
Hôm 16/11, Tập đoàn Quốc tế Sản xuất Chất bán dẫn Trung Quốc (SMIC) đã thông báo về việc thay đổi nhân sự của ba lãnh đạo điều hành cấp cao người Đài Loan. Tiến sĩ Shang-Yi Chiang thôi giữ chức vụ phó chủ tịch, thành viên hội đồng quản trị và thành viên Ủy ban hoạch định chiến lược của Hội đồng quản trị. Tiến sĩ Mong-Song Liang không còn giữ vai trò thành viên hội đồng quản trị nhưng vẫn duy trì vai trò đồng Tổng giám đốc. Và Tiến sĩ Konrad Young đã thôi giữ chức vụ thành viên hội đồng quản trị độc lập không điều hành và thành viên của Ủy ban Lương thưởng của SMIC.
Đáng chú ý nhất, họ đều là những chuyên gia hàng đầu đã làm việc nhiều năm tại công ty Taiwan Semiconductor Manufacturing Co. (TSMC), hãng sản xuất chất bán dẫn độc lập chuyên dụng lớn nhất thế giới. Khi ở TSMC, ông Chiang từng là phó chủ tịch điều hành và đồng giám đốc vận hành phụ trách giám sát nghiên cứu và phát triển (R&D); ông Liang, giám đốc R&D cấp cao; và ông Young là giám đốc hỗ trợ và tiếp thị công nghệ tiên tiến.
Những thay đổi mới dường như chỉ ra rằng Bắc Kinh không thực sự tin tưởng vào nhân tài từ Đài Loan.
Chuyên gia vi mạch hàng đầu Đài Loan rời Trung Quốc một cách thất vọng
Trước khi gia nhập SMIC, ông Chiang đã rất nổi tiếng ở Đài Loan vì những đóng góp của mình cho TSMC. Sự hiểu biết sâu sắc về chiến lược và kiến thức chuyên môn dựa trên nhiều thập kỷ kinh nghiệm trong ngành đã mang lại cho ông một danh tiếng rất được kính trọng.
Ba năm sau khi nghỉ hưu, ông Chiang chọn con đường tiếp tục sự nghiệp vinh quang của mình ở Trung Quốc đại lục. Tuy nhiên, ĐCSTQ đã không tưởng thưởng cho ông nhiều như ông ta đã từng mong đợi.
Vào khoảng năm 2018, các nền dân chủ toàn cầu bắt đầu đề phòng tham vọng thống trị công nghệ cao của ĐCSTQ, đặc biệt là khi Hoa Kỳ ban hành các hạn chế đối với ngành công nghệ nhạy cảm ở Trung Quốc. Kết quả là, tái cấu trúc ngành đã xuất hiện với trọng tâm là tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu. Một cách sắp xếp mới của chuỗi cung ứng công nghệ cao đã được hình thành để chống lại và ngăn chặn chế độ của Bắc Kinh thống trị công nghệ trong tương lai.
Trước sức ép ngày càng tăng từ bên ngoài, ĐCSTQ đã dồn lực xây dựng chuỗi công nghiệp công nghệ cao tự cung tự cấp của mình, với những khoản đầu tư to lớn. Họ thành lập một ủy ban chuyên trách để giám sát công việc dưới sự lãnh đạo của Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc — đồng minh thân cận của lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình. Mối quan tâm hàng đầu của ủy ban này là đảm bảo các sản phẩm công nghệ cốt lõi – bao gồm cả vi mạch — được sản xuất tại Trung Quốc đại lục.
Theo một tài liệu tháng 06/2014 của Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin, ĐCSTQ tuyên bố ngành công nghiệp bán dẫn của họ phải bắt kịp trình độ tiên tiến của thế giới vào năm 2030. Hơn nữa, Bộ này đã cung cấp cho các công ty Trung Quốc các ưu đãi về tài chính và thuế, khuyến khích họ tích cực thu hút nhân tài, công nghệ và vốn.
Vì vậy, việc giới thiệu nhân tài từ Đài Loan trở thành điều chắc chắn đối với chiến lược công nghệ cao của ĐCSTQ. Trung Quốc đưa ra các gói thu hút to lớn để lôi kéo các kỹ sư Đài Loan, những người có chung nền tảng văn hóa và ngôn ngữ Quan thoại — đặc biệt là những người từ TSMC.
Tại SMIC, đầu tiên ông Chiang giữ chức vụ thành viên hội đồng quản trị độc lập, dự định công ty mình mới gia nhập sẽ phát triển vi mạch đa lõi (chiplet) tích hợp back-end. Tuy nhiên, đề nghị của ông đã không nhận được sự ủng hộ vì những lý do nội bộ.
Vào mùa hè năm 2019, ông từ chức tại SMIC và gia nhập một nhà sản xuất vi mạch Trung Quốc khác là Hongxin Semiconductor Manufacturing Co (HSMC), mà không biết rằng tình hình tồi tệ hơn đang xảy ra với mình.
Với khoản đầu tư trị giá 20 tỷ USD, HSMC đã không sản xuất được một con vi mạch nào và cuối cùng, nó phải dừng hoạt động lại hoàn toàn. Tệ hơn nữa, công ty này đã thế chấp một máy in thạch bản cực tia tím sâu (DUV) có giá trị từ công ty Hà Lan Advanced Semiconductor Material Lithography (ASML), mà ông Chiang đã xoay sở giành được thông qua kết nối của mình với một ngân hàng trong nước. Ông đã nghi ngờ rằng công ty chỉ đang khai thác ảnh hưởng của ông để tìm kiếm thêm nguồn tài chính.
Trong một cuộc phỏng vấn sau đó, vị chuyên gia người Đài Loan này đã mô tả trải nghiệm của mình tại HSMC như một “cơn ác mộng.”
Vào tháng 12/2020, ông Chiang bất ngờ trở lại SMIC và giữ chức vụ phó chủ tịch. Theo các cuộc phỏng vấn của ông với các hãng truyền thông, ông tin rằng SMIC cũng sẽ phát triển các vi mạch tiên tiến và tích hợp cao cấp. Tuy nhiên, các nhà phân tích trong ngành cho biết SMIC hy vọng sẽ sử dụng mối quan hệ của ông trong ngành công nghiệp để (có được) máy in thạch bản tia siêu cực tím (EUV) của hãng ASML, nơi đang chịu sự kiểm soát của Hoa Kỳ.
Cổng thông tin Sina của Trung Quốc đưa tin vào tháng 12/2020 rằng, ngay sau khi nhận vai trò mới, ông Chiang bắt đầu chuẩn bị cho các cuộc đàm phán với ASML. Tuy nhiên, gần một năm sau, ông Bo Shen, Chủ tịch ASML Trung Quốc cho biết vào đầu tháng 11 rằng họ không thể cung cấp EUV máy in thạch bản cho bên mua Trung Quốc.
Cuối cùng, ông Chiang nhận ra rằng ông không thể đạt được tham vọng công nghệ của mình mặc dù có hiểu biết sâu sắc về chiến lược, chuyên môn, kinh nghiệm hàng chục năm trong ngành về R & D và quản lý, cũng như các quan hệ toàn cầu.
Theo Business Today có trụ sở tại Đài Loan, vị chuyên gia 75 tuổi này cho biết ông đang lên kế hoạch cho một chuyến trở lại Hoa Kỳ, không có kế hoạch nào khác ngoại trừ một cuộc nghỉ hưu yên bình.
Theo người nội bộ trong ngành: Người Đài Loan không liên quan gì đến việc ra quyết định
Trên thực tế, ông Chiang, ông Liang, và ông Yong đại diện cho tiềm năng (nhân tài) R&D trong các quy trình sản xuất vi mạch tiên tiến của Trung Quốc. Sự tham gia của họ đã tạo điều kiện cho SMIC ra nhập hàng ngũ của các công ty bán dẫn trên thế giới.
Tuy nhiên, việc SMIC không có được công nghệ in thạch bản EUV cũng khiến kế hoạch phát triển mạch tiên tiến của Mong-Song Liang bị đình chỉ. Các nguồn tin nói với Business Today hôm 17/11 rằng, giống như ông Chiang, ông Liang có khả năng sẽ rời SMIC sau khi hoàn thành hợp đồng làm việc vào năm tới, mặc dù hiện tại ông vẫn tiếp tục đảm nhiệm vai trò đồng Tổng giám đốc.
Là một cựu giám đốc R&D cấp cao của TSMC, ông Liang đã thể hiện năng lực xuất sắc trong các quy trình sản xuất vi mạch tiên tiến tại SMIC. Ông đã giúp công ty mới của mình cải thiện năng suất vi mạch 28nm, một thước đo định lượng về chất lượng của quy trình bán dẫn. Trong quý 4/2019, SMIC thông báo họ đã sản xuất đại trà vi mạch 14nm, trở thành công ty đầu tiên của Trung Quốc có thiết bị sản xuất vi mạch (IC) tiên tiến.
Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đã xác định SMIC là một công ty quân sự của Trung Cộng hôm 03/12/2020 theo Mục 1237 của Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng cho Năm Tài chính (có hiệu lực từ) 1999. Nửa tháng sau, Cục Công nghiệp và An ninh (BIS) của Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã thêm SMIC và một phần trong số các công ty con của nó vào Danh sách Đối tượng liên quan đến việc kiểm soát xuất cảng công nghệ quan trọng, với lý do lo ngại về an ninh quốc gia.
Do đó, Hoa Kỳ đã chặn SMIC phát triển các vi mạch tiên tiến dưới 10nm, khiến họ không thể nhận được máy EUV cần thiết từ ASML, vốn đang sử dụng công nghệ của Mỹ.
Để đối phó với những thay đổi bên ngoài, SMIC đã bắt đầu xây dựng các nhà máy ở Bắc Kinh, Thâm Quyến, và Thượng Hải cho loại 28nm trở lên từ tháng 07/2020 đến tháng 09/2021, như thể đang chuyển hướng trở lại các công nghệ cũ đã hoàn chỉnh.
Một người trong ngành nói với Business Today: “Đài Loan các vị có thể sẽ giúp phấn đấu để đạt được lợi nhuận [tốt hơn] .Nhưng ra quyết định không phải việc của quý vị.”
Chuyên gia Đài Loan kỳ cựu trong ngành tạo ra SMIC, kết thúc với việc từ chức
Trước khi có sự xuất hiện của ba lãnh đạo cao cấp nêu trên, đã có ông Richard Chang, một trong những chuyên gia bán dẫn Đài Loan làm việc sớm nhất trên đất Trung Quốc.
Ông Richard Chang, tốt nghiệp Đại học Quốc gia Đài Loan, lấy bằng thạc sĩ và tiến sĩ lần lượt tại Đại học Bang New York tại Buffalo và Đại học Southern Methodist. Ông gia nhập Texas Instruments Inc. vào năm 1977. Hai mươi năm sau, ông trở lại Đài Loan và trở thành chủ tịch của Tập đoàn Sản xuất Chất bán dẫn Toàn cầu (WSMC). Năm 2000, TSMC mua lại WSMC khi đó đang phát triển rất nhanh chóng trong một thương vụ chớp nhoáng trị giá 5 tỷ USD.
Một năm sau, ông Chang dẫn đầu một đội gồm hàng trăm kỹ sư từ Đài Loan và bên ngoài và thành lập SMIC tại Thượng Hải, Trung Quốc, để cạnh tranh lại với TSMC.
Nhà sản xuất vi mạch mới này đã mở rộng hoạt động nhanh chóng. Công nghệ vi mạch của công ty này đã phát triển từ 0.18 micron, 0.14 micron, 90nm ban đầu, và cuối cùng dừng lại ở 45nm vào năm 2009 khi hãng này thua trong vụ kiện của TSMC về cáo buộc ăn cắp tài sản trí tuệ.
Theo một báo cáo tháng 4/2005 trên EETimes, một tạp chí công nghiệp điện tử của Hoa Kỳ, TSMC đã trình bằng chứng nổi bật trong một đơn khiếu nại dài 72 trang rằng ông Marco Mora, phó chủ tịch SMIC Global Operations, đã gửi email cho bà Katy Liu, lúc đó là giám đốc chương trình kiểm soát chất lượng của TSMC. Trong đó, ông Mora được cho là đã yêu cầu bà Liu cung cấp chi tiết về quy trình sản xuất (loại vi mạch) từ 0.35 micron đến 0.18 micron, chương trình đào tạo, cách bố trí thiết bị phòng thí nghiệm, thông số kỹ thuật nguyên liệu, danh sách các nhà cung cấp và thiết bị, v.v.
Đơn khiếu nại này nói rằng SMIC không thể đạt được tốc độ tăng trưởng đáng kinh ngạc về mặt vi mạch tiên tiến nếu không sử dụng thông tin kỹ thuật và hoạt động của TSMC.
Cuối cùng, SMIC đã thua trong vụ kiện kéo dài 6 năm. Vào tháng 11/2009, một bồi thẩm đoàn đã phán quyết rằng SMIC đã đánh cắp và sử dụng bí mật thương mại của TSMC. Hôm 10/11 cùng năm đó, SMIC hứa sẽ trả 200 triệu USD tiền bồi thường cho TSMC trong vòng 4 năm và cho phép TSMC có được khoảng 10% cổ phần của SMIC. Hơn nữa, một thỏa thuận về việc không cạnh tranh giữa họ đã cấm ông Richard Chang làm các công việc liên quan đến vi mạch trong ba năm kể từ năm 2010.
Là một phần của một thỏa thuận dàn xếp, ông Chang phải chia tay SMIC, công ty mà ông đã thành lập và phát triển.
Nhà sản xuất vi mạch số 1 Trung Quốc chịu sự kiểm soát của các doanh nghiệp nhà nước
Tuy nhiên, theo những người trong ngành, thua kiện không phải là vụ việc cuối cùng đánh đổ ông Chang. Điều thực sự khiến ông từ chức là khi ĐCSTQ thâm nhập sâu vào cấu trúc của hãng sản xuất này.
Theo đánh giá về lịch sử 20 năm của SMIC bởi nhóm chuyên theo dõi ngành ICBANK, ngay từ năm 2001, SMIC đã đề nghị Công ty TNHH Đầu tư Công nghiệp Thượng Hải (Holdings) (SIIC) và công ty Giáo dục dạy nghề Beida Jade Bird, cả hai đều có quan hệ với ĐCSTQ, [làm cổ đông]. SIIC đã nắm giữ 13.6% cổ phần SMIC, trở thành cổ đông lớn nhất sau IPO của SMIC vào năm 2004.
Bốn năm sau, khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra, giá vi mạch lao dốc, gây tổn thất đáng kể cho SMIC. Nhà sản xuất vi mạch một lần nữa đề nghị doanh nghiệp nhà nước Datang Telecom của ĐCSTQ làm cổ đông lớn để giảm bớt áp lực. Vào tháng 11, Datang Telecom đã mua lại 16.6% cổ phần của SMIC với giá 172 triệu USD, trở thành cổ đông lớn nhất của công ty. Sau khi hoàn tất giao dịch, công ty mới này giành được quyền đề cử hai thành viên trong hội đồng quản trị 9 thành viên và một phó chủ tịch.
Một nhà phân tích đã viết vào tháng 11/2017 trên Gelonghui, một nền tảng dành cho các nhà đầu tư Trung Quốc đang tìm kiếm cơ hội ở ngoại quốc rằng, đối với các cổ đông lớn, cựu Giám đốc điều hành Chang đã hoàn thành sứ mệnh của mình vào thời điểm vụ kiện thất bại vào năm 2009.
“Miễn là những người khác cũng từ TSMC thì có thể thúc đẩy SMIC đi lên, tại sao không? Không có gì bị mất cả!” theo một nhà quản lý chuyên nghiệp đã tham gia vào hoạt động của SMIC — và nói đó là những gì rõ ràng trong tâm trí của Hội đồng Quản trị của SMIC.
Kể từ năm 2010, quyền quyết định của SMIC đã rơi vào tay các doanh nghiệp nhà nước của ĐCSTQ như Datang Telecom và SIIC.
Theo một cây viết chuyên mục: Hệ thống của ĐCSTQ cản trở sự đổi mới
Ký giả về tài chính Alexander Liao tại Hồng Kông nói với Thời báo The Epoch Times, trong hệ thống của ĐCSTQ, “Đảng coi giới tinh hoa công nghệ Đài Loan là ‘người ngoài cuộc’, sẵn sàng đuổi họ khỏi vị trí lãnh đạo công ty ngay sau khi họ hoàn thành việc nâng cấp thiết bị trong nhà máy.”
Ông Liao cho biết, các công ty nhà nước không phải là các đơn vị kinh doanh theo cách hiểu thông thường. Thay vào đó, họ tạo thành một nhánh của ĐCSTQ. Trong nội bộ, họ có một Đảng ủy hoặc chi bộ, được trao quyền quyết định về việc phát triển công ty hoặc đề bạt nhân sự. Và các tổ chức công đoàn do ĐCSTQ kiểm soát có tiếng nói cuối cùng trong các vấn đề phổ quát của nhân viên.
Ông Liao giải thích, là một tổ chức độc quyền về mặt chính trị, ĐCSTQ không bao giờ tin tưởng người ngoài, bao gồm phần lớn các công dân Trung Quốc được giáo dục tại Hoa Kỳ nhưng không được nhà nước bảo trợ, chưa kể các chuyên gia Đài Loan chưa bao giờ bị ĐCSTQ tẩy não.
Thay vào đó, các chuyên gia Đài Loan nhận thấy rằng trong nhiều trường hợp, kinh nghiệm nhiều năm của họ trong các công ty công nghệ Mỹ không phù hợp với thực tiễn của các đối tác kiểu ĐCSTQ, ông nói.
Cây viết chuyên mục này nói thêm, “Thực tế này cho thấy một trong những điểm dễ bị tổn thương nhất của ĐCSTQ khi cạnh tranh với Hoa Kỳ trong lĩnh vực công nghệ cao.”
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Ông Frank Yue là một nhà báo người Canada của The Epoch Times chuyên đưa tin về Trung Quốc. Ông cũng có bằng Thạc sĩ ngôn ngữ và văn học Anh tại Đại học Nghiên cứu Đối ngoại Thiên Tân, Trung Quốc.
Lưu Đức biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: