Ngành hàng không Hồng Kông đánh mất vị thế dẫn đầu vì chính sách zero COVID nghiêm ngặt
Hiện nay, nhiều quốc gia đã nới lỏng các hạn chế đi lại khi tình hình dịch bệnh trên toàn cầu lắng xuống. Nhưng Hồng Kông không nằm trong số đó vì đi theo chính sách zero COVID của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Một báo cáo gần đây do Natixis, ngân hàng đầu tư của Pháp công bố, cho biết các quy định hạn chế nhập cảnh nghiêm ngặt của Hồng Kông, lượng cư dân tiếp tục di cư sang hải ngoại và các yếu tố tiêu cực khác, đã làm giảm lưu lượng hành khách xuống chỉ còn 2% so với thời kỳ tiền đại dịch. Hiện nay, ngành hàng không xem Hồng Kông là một trong những cảng hàng không trì trệ nhất ở Á Châu. Báo cáo cho thấy Hồng Kông có nguy cơ đánh mất khả năng cạnh tranh trong lĩnh vực vận tải hàng không, nếu như các hạn chế này không được nới lỏng.
Hồng Kông từng là một trong những phi trường vận tải hàng hóa quốc tế hàng đầu và là phi trường hành khách quốc tế bận rộn thứ tư trên thế giới, chỉ sau Dubai, London, và Amsterdam. Khoảng 120 hãng hàng không đã khai thác các đường bay đến và đi từ Hồng Kông và kết nối thành phố này với hơn 200 điểm đến trên toàn thế giới. Năm 2019, 71.5 triệu người đã đi du lịch giữa Hồng Kông và hơn 200 thành phố ở hải ngoại, cũng như Trung Quốc đại lục.
Lưu lượng hành khách giảm xuống mức thảm hại nhất ở Á Châu
Theo báo cáo của Natixis, khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát vào năm 2020, các phi trường trên toàn thế giới đều bị phong tỏa và cách ly, Hồng Kông không phải là trường hợp duy nhất gặp phải tình trạng suy giảm nghiêm trọng trong hoạt động di chuyển bằng đường hàng không. Tuy nhiên, gần đây, khi mà các phi trường khác bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế phòng chống dịch COVID-19, thì Hồng Kông lại làm điều ngược lại, đó là chiến đấu với các đợt bùng phát lẻ tẻ đang tiếp diễn.
Hồng Kông đã trở thành một trong những phi trường hoạt động trì trệ nhất khi họ đi chệch hướng với những gì mà các phi trường khác đang làm. Lưu lượng hành khách của họ giảm chỉ còn 2% so với năm 2019. Mặc dù lưu lượng hàng không của Hồng Kông tăng nhẹ trong tháng Năm nhưng vẫn chưa trở lại mức bình thường.
Bà Alicia Garcia Herrero, đồng tác giả của báo cáo Natixis, nhà kinh tế trưởng của công ty về khu vực Á Châu Thái Bình Dương, cho biết vận tải hàng không đóng một vai trò quan trọng trong hoạt động ngoại thương của Hồng Kông, chiếm 42% tổng giá trị thương mại trên tất cả các tuyến vận tải. Trước khi thắt chặt các quy định về cách ly phi hành đoàn, hoạt động thương mại của Hồng Kông với Trung Quốc đại lục đang phát triển cùng tốc độ với các quốc gia Á Châu khác. Sau khi các hạn chế được áp dụng hồi đầu năm nay, hoạt động thương mại của Hồng Kông với Trung Quốc trong tháng Ba đã giảm mạnh 16% so với cùng kỳ năm ngoái (2021). Trong cùng thời kỳ, hoạt động thương mại của Trung Quốc với Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, và Đài Loan đã tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Báo cáo cho rằng các chính sách kiểm soát biên giới của quốc gia này có thể là yếu tố quyết định trong việc làm chậm quá trình phục hồi của Hồng Kông.
Trích dẫn dữ liệu so sánh từ các hãng hàng không khác, bà Herrera cho biết lưu lượng hàng không năm 2021 của Cathay Pacific tại Hồng Kông tương đương 8% mức trước dịch bệnh nhưng đã giảm xuống 2% trong tháng 04/2022. Singapore Airlines tăng lưu lượng từ 33% lên 63% so với mức trước đại dịch trong cùng thời kỳ. Đối với hàng hóa đường hàng không, tốc độ phục hồi cũng tương tự như năm ngoái, ở mức khoảng 60% so với mức trước đại dịch. Nhưng hồi tháng Tư năm nay, lượng hàng hóa của Hồng Kông giảm mạnh xuống còn 29% so với mức trước đại dịch trong khi của Singapore dần dần tăng lên 72%.
Bà Herrera cũng lưu ý rằng bên cạnh việc di cư của người dân, mức độ nghiêm trọng của vấn đề còn nằm ở vai trò của Hồng Kông trên trường thế giới và mối liên hệ của thành phố này với thế giới. Nếu Hồng Kông tiếp tục tụt hậu so với các phi trường khác, thì áp lực ngắn hạn này có thể trở thành nỗi ám ảnh thường trực. Điều này sẽ khiến Hồng Kông mất khả năng cạnh tranh trong lĩnh vực hàng không.
IATA: Hồng Kông biến mất khỏi bản đồ hàng không
Chính sách zero COVID linh hoạt của ĐCSTQ tại Hồng Kông áp dụng biện pháp cách ly dài ngày trong khách sạn đối với khách du lịch, ngay cả khi họ có kết quả xét nghiệm âm tính với virus. Hãng Cathay Pacific Airways cho biết hồi năm 2021, phi hành đoàn của họ đã lưu trú tại các khách sạn cách ly hơn 62,000 đêm và đã thực hiện 230,000 lần xét nghiệm, nhưng chỉ 16 mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính.
Hồi tháng Một, Hồng Kông đã cấm các chuyến bay đến từ chín quốc gia, bao gồm Úc, Canada, Pháp, Ấn Độ, Pakistan, Philippines, Anh, và Hoa Kỳ. Một tuần sau, chính quyền Hồng Kông đã cấm các chuyến bay từ hơn 150 quốc gia và khu vực. Trong tháng đó, Cathay Pacific chuyên chở trung bình dưới 800 hành khách mỗi ngày, tương đương với công suất tối đa của hai phi cơ đường dài Boeing 777 của hãng.
Kể từ đó, mặc dù Hồng Kông đã giảm thời gian cách ly đối với khách ngoại quốc từ ba tuần xuống còn một tuần, nhưng sự phức tạp và chi phí liên quan vẫn là yếu tố cản trở đối với nhiều người, đặc biệt là bởi vì hầu hết các quốc gia khác đã dỡ bỏ chính sách cách ly. Singapore thậm chí không yêu cầu xét nghiệm acid nucleic hoặc cách ly đối với hành khách đến và phi hành đoàn.
Hôm 01/04, Hồng Kông đã dỡ bỏ các hạn chế hàng không được áp đặt trước đó đối với chín quốc gia. Song, điều này không đủ để khôi phục hoạt động thương mại về mức trước đại dịch. Trong tháng đó, phi trường đã đón 126,000 du khách, gấp đôi số liệu của năm 2021, nhưng vẫn chưa tới 2% trong tổng số 6.5 triệu du khách mà phi trường này đã tiếp nhận vào tháng 04/2019.
Ông Willie Walsh, Tổng giám đốc Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), cho biết trong tháng Tư, Hồng Kông đã tuột mất vị thế trung tâm hàng không quốc tế của mình vì các hạn chế về chuyến bay hồi hương và chính sách cách ly hành khách nghiêm ngặt. Ông nói, “Hồng Kông hầu như biến mất khỏi bản đồ hàng không. Tôi nghĩ rằng Hồng Kông sẽ rất khó phục hồi.”
Cô Jenny Li đã viết bài cho The Epoch Times từ năm 2010. Cô đã đưa tin về các vấn đề chính trị, kinh tế, nhân quyền, và bang giao giữa Hoa Kỳ-Trung Quốc. Cô đã phỏng vấn sâu rộng các học giả, nhà kinh tế, luật sư, và các nhà hoạt động nhân quyền Trung Quốc ở Trung Quốc và hải ngoại.