Ngành điện ảnh Trung Quốc phục hồi chậm chạp sau đại dịch COVID
Các nhà sản xuất phim ở Trung Quốc và Hồng Kông bị đối xử bất công, chịu sự kiểm duyệt, và bị thắt chặt tài chính
Tháng Sáu là một tháng quan trọng đối với ngành điện ảnh Trung Quốc, trong đó Liên hoan phim Quốc tế Thượng Hải hào nhoáng tuyên bố rằng sau đại dịch COVID ngành này đã phục hồi. Trong khi đó, Liên hoan phim Quốc tế Làn sóng Mới của Hồng Kông có một sự lưu ý cảnh tỉnh hơn khi các nhà tổ chức nhấn mạnh một cách rõ ràng sự kiểm duyệt của ĐCSTQ.
Hai liên hoan phim này đã mang đến một viễn cảnh về một ngành điện ảnh vốn đã không bùng nổ trở lại như mong đợi khi Trung Quốc bỏ các biện pháp hạn chế COVID vào cuối năm ngoái (2022).
Ngay sau khi Trung Quốc bỏ các hạn chế zero COVID, doanh số bán vé tăng đột biến trong dịp Tết Nguyên Đán hồi tháng Một đã khởi đầu một năm đầy hứa hẹn.
Tuy nhiên, dịp lễ Quốc tế Lao động kéo dài năm ngày của Trung Quốc vào đầu tháng Năm vốn thường mang lại sự thúc đẩy cho ngành điện ảnh thì lại tỏ ra đáng thất vọng. Khi đó, truyền thông nhà nước Sixth Tone đưa tin rằng các rạp chiếu chỉ có một nửa lượng khách hoặc hoàn toàn vắng khách, và doanh thu bán vé thấp hơn so với hai năm trước. Truyền thông Trung Quốc đưa tin lạc quan về doanh thu phòng vé nhưng số liệu này tương ứng với giá vé cao hơn.
Các chuyên gia cho rằng sự phục hồi yếu ớt này phản ánh những khó khăn kinh tế chung của Trung Quốc. Họ nói rằng một lý do sâu xa hơn đó là sự kiểm duyệt và bầu không khí sợ hãi.
Liên hoan phim: hào nhoáng giả tạo và kiểm duyệt
Liên hoan phim quốc tế Thượng Hải, kết thúc hôm 18/06, đánh dấu năm thứ 25 với sự phô trương, cũng như sự tập trung rõ ràng vào Trung Quốc và các sáng kiến của nước này, với phần quốc tế của liên hoan này ưu tiên cho các đề cử từ các quốc gia thuộc Vành đai và Con đường. Các bộ phim Nga đã được quảng bá, và liên hoan phim đã tổ chức tuần lễ khoa học viễn tưởng đầu tiên.
Trong khi đó, tại liên hoan phim Làn sóng mới lần thứ 17 của Hồng Kông, khai mạc hôm 09/06 và kéo dài đến ngày 02/07, các chủ đề phim có mang tính cá nhân và đã gây được tiếng vang với một thành phố đang chịu sự cai trị độc đoán của ĐCSTQ. Nhiều gia đình đã tan nát khi mọi người chạy trốn khỏi Hồng Kông, và ký ức về các cuộc biểu tình năm 2019 cũng như về đại dịch COVID-19 vẫn còn đau đớn.
Tờ Wall Street Journal cho biết nhiều bộ phim “phản ánh một cách tinh tế những đau thương vừa qua.” Một số phim của liên hoan có hình ảnh bị bôi đen và âm thanh bị tắt ở một số phần: “Đây KHÔNG phải là một lỗi kỹ thuật,” ban tổ chức liên hoan cho biết, mà đã được thực hiện một cách có chủ ý sau khi các nhà kiểm duyệt yêu cầu cắt một số cảnh.
Phục hồi chậm sau đại dịch COVID-19
Bất chấp sự hào nhoáng và những hoàn cảnh đó, rõ ràng là sự suy thoái kinh tế liên tục của Trung Quốc đã ảnh hưởng đến sự phục hồi của ngành điện ảnh. Doanh thu phòng vé nửa đầu năm 2023 chỉ đạt mức của năm 2016. Các nhà phân tích tin rằng tỷ lệ thất nghiệp và nợ nần cao của Trung Quốc đã khiến mọi người thận trọng hơn trong việc chi tiêu cho giải trí.
Theo trang tin tức Caixin Media của Trung Quốc, doanh thu phòng vé của Trung Quốc tính đến ngày 15/06 là khoảng 23.3 tỷ nhân dân tệ (3.3 tỷ USD), tương đương với doanh thu phòng vé từ nửa đầu năm 2016 — tức 7 năm trước — với tổng cộng là 24.3 tỷ nhân dân tệ (3.6 tỷ USD vào thời điểm đó).
Hơn nữa, doanh thu phòng vé năm nay chỉ bằng 36.8% tổng doanh thu phòng vé năm 2019 của Trung Quốc, tổng cộng là 64.3 tỷ nhân dân tệ (9.3 tỷ USD vào thời điểm đó).
Phản ánh xu hướng phòng vé quốc gia, hoạt động của nhiều công ty trong ngành điện ảnh đã phục hồi phần nào trong năm nay, nhưng tốc độ phục hồi đó chậm hơn kỳ vọng.
Ví dụ: Công ty China Film đã báo cáo rằng thu nhập hoạt động trong quý đầu tiên của năm 2023 là 1.5 tỷ nhân dân tệ (khoảng 202 triệu USD).
Con số này đánh dấu mức tăng hàng năm từ 946 triệu nhân dân tệ của năm 2022 (khoảng 141 triệu USD vào năm ngoái). Nhưng so với quý đầu tiên của năm 2019, khi hãng này kiếm được 2.2 tỷ nhân dân tệ (khoảng 323 triệu USD), thì thu nhập của hãng đã giảm gần 35%.
Nói tóm lại, mặc dù hiệu suất của công ty China Film đã cải thiện đáng kể trong quý đầu tiên của năm nay, đạt khoảng 53%, nhưng vẫn có một khoảng cách đáng kể giữa tình hình tài chính năm nay và tình hình trước đại dịch COVID-19.
Trong thời kỳ suy thoái kinh tế, thì việc thuộc sở hữu nhà nước sẽ có ích — ít nhất là trong tạm thời.
Năm chủ sở hữu hàng đầu của China Film đều là doanh nghiệp nhà nước, với cổ phần lớn nhất là Tập đoàn China Film Group Corporation, sở hữu hơn 67%.
Theo một báo cáo hồi tháng Năm của Capital Securities, mặc dù nền kinh tế Trung Quốc đang gặp khó khăn toàn diện, nhưng quyền sở hữu nhà nước mang lại cho China Films — với tư cách là một doanh nghiệp trung tâm của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) — tiếp cận các nguồn lực và bảo vệ trước rủi ro mà các công ty điện ảnh khác không có được.
Theo bảng xếp hạng ngành điện ảnh Trung Quốc của Sina Finance, mảng kinh doanh chính của China Film đứng thứ hai trong ngành sau doanh nghiệp tư nhân Wanda Film Holding Co., Ltd. Tuy nhiên, trong quý đầu tiên của năm 2023, Wanda Film đã báo cáo chưa bằng 1/6 tăng trưởng doanh thu quý đầu tiên của China Film, chỉ ở mức 8.6% so với cùng thời kỳ năm ngoái.
Nghệ thuật bắt chước cuộc sống
Sự phục hồi chậm chạp của ngành điện ảnh phản ánh sự suy thoái liên tục của nền kinh tế Trung Quốc.
Nhà bình luận chính trị tại Nhật Bản Qu Kai nói với The Epoch Times hôm 18/6, “Tỷ lệ thất nghiệp cao và nợ nần chồng chất đã góp phần khiến chi tiêu giải trí phục hồi chậm.”
Theo dữ liệu kinh tế tháng Năm do Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố, tổng doanh số bán lẻ hàng tiêu dùng trong tháng Năm tăng 12.7% so với cùng thời kỳ năm ngoái, thấp hơn 5.6% so với tháng Tư. Trong 5 tháng đầu năm 2023, đầu tư tài sản cố định quốc gia tăng 4.0% so với cùng thời kỳ năm ngoái, thấp hơn 0.7% so với tốc độ tăng 4 tháng đầu năm. Do cả tăng trưởng đầu tư và tiêu dùng đều chậm lại, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên trong độ tuổi 16-24 đã tăng lên mức cao kỷ lục 20.8%.
Ông Lý Dương (Li Yang), chủ tịch Viện Tài chính & Phát triển Quốc gia Trung Quốc, đã nêu vấn đề này tại Diễn đàn Thượng đỉnh Trường Bạch Sơn hôm 04/02: “Làm sao có sức tiêu dùng nếu thu nhập của người dân không tăng?”
“Nợ của người dân Trung Quốc quá cao,” ông Lý cho biết. “Vấn đề nợ của Trung Quốc là một vấn đề nan giải.” Ông giải thích rằng “Cứ 100 nhân dân tệ [khoảng 14 USD] kiếm được thì cần 15 nhân dân tệ [khoảng 2.10 USD] để trả nợ.”
Như một ví dụ cực đoan, ông Lý đã trích dẫn về ‘những nô lệ vay thế chấp’ của Trung Quốc, những người có thể phải trả 50% thu nhập của họ cho khoản nợ nhà ở.
Các chuyên gia trong ngành cho biết, cùng với sự tắc nghẽn trong chi tiêu của người tiêu dùng, đầu tư vào ngành công nghiệp điện ảnh của Trung Quốc đang bị thu hẹp, và những lý do này không chỉ đơn thuần là vấn đề kinh tế.
Ông Vương Trường Điền (Wang Changtian), chủ tịch của Enlight Media, cho biết tại diễn đàn khai mạc Liên hoan phim Quốc tế Thượng Hải hôm 10/06 rằng, ngành này đang mất dần các nhà đầu tư vì chính sách hiện hành về nội dung phim hạn chế các nhà sản xuất nội dung.
Bầu không khí sợ hãi bao trùm lên Hồng Kông
Thị trường điện ảnh Hồng Kông đang ở mức thấp. Tại liên hoan phim này, đạo diễn kiêm nhà biên kịch Hồng Kông Giả Thắng Phong cho biết rằng thành phố này chỉ sản xuất được khoảng 30 bộ phim mới vào năm 2022, thấp hơn rất nhiều so với thời đã qua, mà có thời điểm chứng kiến hơn 200 bộ phim được sản xuất trong một năm.
Một lý do rõ ràng là “sự thất thoát chất xám” — cuộc đào thoát của những tài năng hàng đầu sang phương Tây. Đối với những ai vẫn còn ở lại và tiếp tục ở trong ngành này, thì sản xuất phim là chỉ để cân bằng tinh tế.
Một ví dụ về thực tế này là nhà làm phim Chu Quang Uy (Kiwi Chow). Ông có bộ phim tài liệu về phong trào phản kháng năm 2019, “Cuộc Cách Mạng Của Thời Đại Chúng Ta” (Revolution of Our Times) được công chiếu lần đầu tại Cannes vào năm 2021 nhưng bị cấm chiếu ở Hồng Kông. Sau đó, ông không thể tìm được một công ty sản xuất nào tài trợ cho bộ phim mới của mình, “Hôn Lễ Chỉ Có Một Người” (Say I Do To Me), một bộ phim không liên quan gì đến chính trị.
Ông Chu nói với những người tham dự tại một liên hoan phim ở London hồi tháng Ba rằng ông đã phải đối mặt với những rào cản về kinh phí, khó thuê diễn viên và đặt phim trường, khi các địa điểm yêu cầu bảo đảm rằng bộ phim đó “sẽ không vi phạm luật an ninh quốc gia.”
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times