Ngành công nghiệp hạt nhân mong muốn có những lò phản ứng mới để tăng sản lượng
Theo Viện Năng lượng Hạt nhân (NEI), hiệp hội thương mại của ngành này, thì ngành công nghiệp hạt nhân của Hoa Kỳ hiện đang lưu tâm đến việc tăng gần gấp đôi sản lượng trong vòng 30 năm tới khi các lò phản ứng cũ ngừng hoạt động.
Các thành viên đa nhiệm của viện ước tính rằng họ có thể bổ sung 90 gigawatt điện hạt nhân vào lưới điện của Hoa Kỳ. Bà Maria Korsnick, chủ tịch và giám đốc điều hành của viện, nói với The Associated Press rằng đa phần số điện năng này sẽ đi vào hoạt động vào năm 2050. Công suất điện năng như vậy tương đương với khoảng 300 lò phản ứng mô-đun nhỏ mới.
“Chúng tôi có sự đổi mới, chúng tôi có khả năng, chúng tôi có tài khéo léo của người Mỹ,” bà nói. “Không có lý do gì mà chúng tôi không thể đưa những sản phẩm này ra thị trường.”
Bà Korsnick đã dự định diễn thuyết tại hội nghị Hội đồng Năng lượng Hạt nhân của NEI hôm thứ Ba (21/06) tại Hoa Thịnh Đốn, nêu bật khả năng tăng gấp đôi sản lượng hạt nhân của Mỹ cho các nhà hoạch định chính sách và các lãnh đạo ngành. Bà Korsnick cho biết đây không phải là suy nghĩ viển vông.
Thứ nhất, sẽ có nhu cầu điện hạt nhân rất lớn khi các công ty năng lượng cố gắng đáp ứng các mục tiêu giảm thiểu carbon và những kỳ vọng của khách hàng. Thứ hai, có sự quan tâm đánh kể ở cấp tiểu bang và liên bang. Thứ ba, không giống như các lò phản ứng truyền thống, các lò phản ứng nhỏ hơn hầu hết có thể được sản xuất trong môi trường nhà máy, bà nói.
Tuy nhiên, kế hoạch này có nhiều thách thức. Vấn đề này bao gồm việc phát triển các chuỗi cung ứng, nhiều ưu đãi tài chính hơn từ chính phủ như những gì Hoa Thịnh Đốn đã cung cấp cho các dự án tái tạo trong thập niên qua, và việc cấp nhanh giấy phép cho các lò phản ứng, bà Korsnick cho biết. Bất chấp những thách thức này, người đứng đầu NEI nói rằng bà vẫn lạc quan về các cơ hội trong tương lai của điện hạt nhân.
Theo dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ (EIA), công suất phát điện hạt nhân của Hoa Kỳ đạt đỉnh vào năm 2012 khi có 104 lò phản ứng hạt nhân với công suất đầu ra 102 gigawatt.
Đến cuối năm 2021, quốc gia này có 93 lò phản ứng hạt nhân đang hoạt động với công suất đầu ra khoảng 95 gigawatt. Năm ngoái, tổng sản lượng của họ đạt 778 triệu megawatt-giờ, chiếm 19% lượng điện của Hoa Kỳ, đủ để cung cấp điện cho khoảng 70 triệu gia đình.
Trong khi đó, dự trữ thorium của Mỹ cũng nằm dưới sự giám sát của chính phủ Hoa Kỳ, với việc Bộ Năng lượng cam kết gần 1 tỷ USD cho chương trình “Làm sạch Môi trường Quốc phòng” nhằm mục đích tiêu hủy nguồn cung cấp thorium mà họ có trong tay. Thorium có thể phân hủy chất thải hạt nhân và cung cấp năng lượng sạch.
Trong một cuộc phỏng vấn với Newsweek, Thượng nghị sĩ Tommy Tuberville (Cộng Hòa-Alabama) đã kêu gọi chính phủ Mỹ dừng việc phá hủy các nguồn dự trữ thorium (U-224) của họ. Dự luật mới của ông Tuberville, “Đạo luật An ninh Năng lượng Thorium”, tìm cách tiết kiệm trữ lượng thorium của Hoa Kỳ và sử dụng chúng để phát triển các lò phản ứng hạt nhân mới.
“Chúng ta muốn trở nên xanh hơn, nhưng chúng ta muốn hiệu quả,” ông Tuberville nói. “Chúng ta muốn giảm chi phí năng lượng, và đây có thể là một lợi thế lớn cho tất cả mọi người trên toàn cầu để có thể làm điều này ngay bây giờ.”
Ông Naveen Athrappully là một phóng viên tin tức đưa tin về các sự kiện kinh doanh và thế giới cho The Epoch Times.