Ngành bán lẻ Hoa Kỳ đối mặt với làn sóng phá sản tiềm năng
Theo nhiều chuyên gia, ngành bán lẻ Hoa Kỳ có thể đang đứng trước bờ vực của một làn sóng phá sản lớn khi khách hàng phải vật lộn với sức mua giảm trong bối cảnh lạm phát tăng.
Bà Sally Henry, giáo sư luật tại Trường Luật Công nghệ Texas và từng là luật sư partner tại Skadden, Arps, Slate, Meagher & Flom LLP, chia sẻ với CNBC: “Chúng ta có thể có một cơn bão hoàn hảo đang hình thành.” “Tôi sẽ không ngạc nhiên khi thấy tỷ lệ phá sản trong ngành bán lẻ tăng lên.”
Theo hãng thông tấn này, ông Perry Mandarino, đồng giám đốc ngân hàng đầu tư và trưởng bộ phận tái cấu trúc doanh nghiệp tại B. Riley Securities, tin rằng ngành bán lẻ đang trong tình trạng “thay đổi thất thường” và bối cảnh trong vòng năm năm tới sẽ “khác nhiều” so với ngày nay.
Tính đến hôm 16/06, chỉ có bốn vụ phá sản trong ngành bán lẻ được công bố dựa trên dữ liệu của S&P Global Market Intelligence. Con số này thực sự thấp so với năm 2021 khi 18 vụ phá sản được công bố vào thời điểm này. Trên thực tế, con số năm 2022 là con số thấp nhất mà công ty này đã theo dõi được trong vòng 12 năm qua.
Tuy nhiên, điều kiện kinh tế hiện nay đã khác so với năm ngoái. Năm 2021 và đầu năm 2022 được đánh dấu bằng việc chính phủ liên bang cung cấp cứu trợ dưới hình thức kích thích tài khóa. Kết quả là, người tiêu dùng nhận được chi phiếu kích cầu trong khi các doanh nghiệp có một dòng tiền vào.
Ông Bill Brandt, chủ tịch công ty quản lý cải tổ doanh nghiệp Development Specialists Inc., nói với The Street hồi tháng 12 năm ngoái: “Thật khó có thể phá sản khi tiền là miễn phí. Không thể phá sản khi mức độ can thiệp của chính phủ ở quy mô gần đây của nó.”
Mọi thứ giờ đây đã thay đổi. Chính phủ liên bang đã ngừng phát hành chi phiếu kích cầu. Trong tháng 12, lãi suất của Fed chỉ là 0.25%. Trong cả tháng Ba và tháng Năm, Fed đã tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản.
Và vào tháng Sáu, Fed đã tăng lãi suất thêm 0.75%. Chủ tịch Fed Jerome Powell đã cam kết sẽ tăng lãi suất nhiều hơn cho đến khi lạm phát giảm xuống.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng Năm trong 12 tháng, một thước đo lạm phát, đã tăng lên 8.6%, mức tăng nhanh nhất kể từ tháng 12/1981. Tỷ lệ lạm phát trong tháng Tư là 8.3% và vào tháng Ba là 8.5%.
Với tỷ lệ lạm phát cao và lãi suất của Fed tăng, khách hàng có thể sớm cảm thấy khó khăn và hạn chế chi tiêu, đây sẽ là một tin xấu đối với ngành bán lẻ.
Doanh số bán lẻ
Theo ông Chris Williamson, Trưởng phòng Kinh tế Kinh doanh tại S&P Global Market Intelligence, lĩnh vực sản xuất hàng hóa và dịch vụ đang có dấu hiệu sụt giảm. Ông Williamson cho biết trong một thông cáo báo chí ngày 23/06 rằng đã có một “sự sụt giảm đáng kể” về nhu cầu hàng hóa và dịch vụ trong tháng Sáu so với các tháng trước.
“Các doanh nghiệp đã trở nên lo ngại hơn nhiều về triển vọng khi chi phí sinh hoạt tăng và nhu cầu giảm, cũng như lộ trình tăng lãi suất ngày càng mạnh mẽ mà Cục Dự trữ Liên bang vạch ra và sự suy thoái đồng thời của các điều kiện tài chính rộng lớn hơn.”
Các chuyên gia tái cấu trúc được cho là đang chuẩn bị cho nhiều rắc rối hơn trong khắp ngành bán lẻ do những vụ phá sản. Fitch Ratings đã chỉ ra dòng mỹ phẩm Anastasia Beverly Hills, chuỗi cửa hàng quần áo nam Men’s Wearhouse, nhà sản xuất nệm Serta Simmons, và nhà sản xuất đồ thể thao Outerstuff là một số công ty có nguy cơ vỡ nợ cao nhất.
Ông Naveen Athrappully là một phóng viên tin tức đưa tin về các sự kiện kinh doanh và thế giới cho The Epoch Times.