Nga, Trung Quốc phủ quyết việc bỏ phiếu của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc về các biện pháp trừng phạt Bắc Hàn
Hôm 26/05, Nga và Trung Quốc đã phủ quyết một cuộc bỏ phiếu do Hoa Kỳ thúc đẩy nhằm tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với Bắc Hàn, khiến lần đầu tiên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (UNSC) xảy ra sự chia rẽ kể từ năm 2006.
Cuộc bỏ phiếu trong Hội đồng Bảo an gồm 15 thành viên này có kết quả là 13–2 và xảy ra sau một loạt vụ phóng hỏa tiễn đạn đạo của Bình Nhưỡng.
Để được Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc thông qua, thì một nghị quyết cần có chín phiếu “đồng ý” và không có phiếu phủ quyết nào từ các thành viên thường trực gồm Nga, Trung Quốc, Pháp, Vương quốc Anh, hoặc Hoa Kỳ.
Trung Quốc và Nga, cả hai thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an và là các nước láng giềng của Bắc Hàn đã phản đối biện pháp mới nhất này và kêu gọi nới lỏng các biện pháp trừng phạt.
“Chúng tôi không nghĩ rằng các biện pháp trừng phạt bổ sung sẽ hữu ích trong việc ứng phó với tình hình hiện tại. Nó chỉ có thể làm cho tình hình thậm chí còn tồi tệ hơn,” Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc Trương Quân (Zhang Jun) nói với các phóng viên vào hôm thứ Năm (26/05) trước cuộc bỏ phiếu.
Thay vào đó, Trung Quốc đã đề nghị rằng hội đồng nên thông qua một tuyên bố chính thức thay vì một nghị quyết trừng phạt.
Hôm thứ Tư (25/05), Đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc Vassily Nebenzia nói với Reuters rằng ông không tin rằng hành động của Liên Hiệp Quốc sẽ “rất có lợi” cho việc đối phó với Bắc Hàn.
Dự thảo nghị quyết được bỏ phiếu hôm thứ Năm nhằm kêu gọi giảm lượng dầu thô mà Bắc Hàn có thể nhập cảng hợp pháp hàng năm từ bốn triệu thùng xuống còn ba triệu thùng, cũng như giảm xuất cảng các sản phẩm dầu mỏ tinh chế từ 500,000 thùng một năm xuống còn 375,000 thùng, trong số những điều khác.
Dự thảo nghị quyết này cũng sẽ cấm Bắc Hàn xuất cảng nhiên liệu khoáng, dầu khoáng, và sáp khoáng, đồng thời ngừng bán hoặc chuyển giao tất cả các sản phẩm thuốc lá cho Bắc Hàn và thắt chặt các biện pháp trừng phạt hàng hải.
Việc đóng băng tài sản toàn cầu cũng sẽ được áp đặt cho Lazarus Group, Korea Namgang Trading Corporation, và Haegumgang Trading Corporation.
Ông Kim Su Il, được cho là người của Cục Công nghiệp Quân sự (MID), chịu trách nhiệm giám sát quá trình phát triển hỏa tiễn đạn đạo của Bắc Hàn cũng sẽ bị đưa vào danh sách đen trừng phạt.
Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc Linda Thomas-Greenfield cho biết bà rất thất vọng trước các quyết định phủ quyết từ phía Nga và Trung Quốc, vốn đã không ngăn chặn bất kỳ cuộc bỏ phiếu nào trong số chín cuộc bỏ phiếu trừng phạt trước đó được đưa ra kể từ năm 2006.
“Tôi vô cùng thất vọng vì Hội đồng đã không thể thống nhất để chống lại các chương trình hỏa tiễn đạn đạo và vũ khí hủy diệt hàng hoạt (WMD) bất hợp pháp của CHDCND Bắc Hàn. Và thất bại đó chỉ vì phía Trung Quốc và Nga,” bà Thomas-Greenfield nói trong một tuyên bố sau cuộc bỏ phiếu.
Đại sứ Hoa Kỳ này cũng nói thêm rằng cam kết của Liên Hiệp Quốc đối với việc bảo vệ các đồng minh của mình, Nhật Bản, và Đại Hàn Dân Quốc, là “chắc chắn” và cơ quan này khuyến khích các quốc gia thành viên “thực hiện đầy đủ các nghị quyết hiện có và sẽ tiếp tục làm việc với các đồng minh và đối tác của chúng tôi để duy trì các lệnh trừng phạt đối với CHDCND Bắc Hàn.”
Bà Thomas-Greenfield cho biết, “Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm kiếm sự thống nhất và thỏa hiệp ở đây tại Liên Hiệp Quốc để đáp lại những tiến bộ phi pháp về hỏa tiễn đạn đạo và WMD của CHDCND Bắc Hàn. Và trong trường hợp không có sự thống nhất như vậy, thì chúng tôi cũng sẽ tiếp tục xem xét các hành động đơn phương, và những hành động phối hợp cùng với các đồng minh và đối tác thân cận của chúng tôi, bao gồm cả các biện pháp trừng phạt.”
“Hoa Kỳ sẽ không lùi bước chừng nào ông Kim Jung-Un còn tiếp tục chương trình hỏa tiễn đạn đạo và WMD bất hợp pháp của mình và tìm cách đe dọa an ninh khu vực và toàn cầu bằng các vụ phóng hỏa tiễn đạn đạo gây bất ổn hơn.”
Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc, ông Trương Quân, nói rằng “đối thoại và đàm phán” là cách khả thi duy nhất để giải quyết vấn đề này.
Trong khi đó, Đại sứ Nga tại LHQ Vasily Alekseevich Nebenzya nói rằng Hoa Kỳ đã không cân nhắc việc Nga “đã làm rõ nhiều lần” vấn đề liên quan đến dự thảo nghị quyết này tại các cuộc họp gần đây của UNSC, trong đó nước này tuyên bố rằng họ sẽ không ủng hộ các biện pháp trừng phạt như vậy.
Ông Nebenzya cũng tuyên bố rằng phương Tây đã đổ lỗi cho tình hình xấu đi ở Bán đảo Triều Tiên cho chính quyền Bắc Hàn trong khi phớt lờ “vấn đề thực tế là Bình Nhưỡng đã liên tục kêu gọi Hoa Kỳ ngừng các hoạt động thù địch, điều mà sẽ mở ra các cơ hội đối thoại, đã không bao giờ được coi trọng.”
Ông Nebenzya nói, “Tăng cường áp lực trừng phạt đối với Bình Nhưỡng không chỉ vô ích mà còn nguy hiểm về mặt hậu quả nhân đạo tiềm tàng.”
Chỉ riêng trong năm nay, Bắc Hàn đã phóng 17 vụ thử hỏa tiễn.
Cô Katabella Roberts là một phóng viên hiện đang sống và làm việc tại Thổ Nhĩ Kỳ. Cô viết về tin tức nói chung và tin kinh doanh cho The Epoch Times, tập trung chủ yếu vào Hoa Kỳ.