Ngã rẽ lịch sử cho giáo dục tư nhân: Bùng nổ hay thoái trào?
Bài viết này là phần 15 trong loạt bài nghiên cứu nguồn gốc của nền giáo dục công lập ở Hoa Kỳ.
Mời quý vị xem trọn bộ loạt bài này tại đây:
1,2,3,4,5,6,7,8,9,10,11,12,13.1,13.2,14,15,16.1,16.2
Giáo dục tư nhân ở Hoa Kỳ đang ở trước ngã rẽ lịch sử, và kết quả của cuộc chiến sẽ có ảnh hưởng sâu sắc đến tương lai.
Những người ủng hộ hàng đầu trong việc mở rộng các lựa chọn giáo dục tư nhân nói với The Epoch Times rằng phán quyết gần đây của tòa án cấp cao và các chương trình “lựa chọn” khác nhau của chính phủ như tín dụng thuế có thể thúc đẩy đáng kể việc đăng ký học tại các trường tư thục.
“Đó là bước đột phá quan trọng nhất đối với nền giáo dục Cơ Đốc trong hơn 150 năm ở đất nước này,” cựu Dân biểu Trent Franks (Cộng Hoà – Arizona) cho biết. Ông cũng là người đã soạn chương trình tín dụng thuế đầu tiên ở Arizona hơn hai thập kỷ trước.
Tuy nhiên, nó có thể “có khả năng để lại một kẽ hở để chính phủ cố gắng kiểm soát các trường tư,” ông nói.
Thật vậy, nếu Liên Hiệp Quốc và cơ sở giáo dục phụ trách các trường học của chính phủ Hoa Kỳ làm theo cách của họ, các trường tư thục độc lập sẽ không thực hiện được bất kỳ ý định và mục đích nào bởi sự tài trợ của chính phủ cuối cùng sẽ dẫn đến sự kiểm soát của chính phủ. Các chuyên gia nói rằng đó là một kế hoạch.
Những vấn đề còn lại chỉ là ai sẽ đứng đầu.
Cùng với giáo dục tại nhà, giáo dục tư thục trở nên phổ biến ở Hoa Kỳ trong nhiều thế kỷ. Trên thực tế, cho đến giữa những năm 1800, nền giáo dục do chính phủ kiểm soát chưa từng có ở Hoa Kỳ hoặc hầu hết trên thế giới.
Theo tác giả và nhà sử học thời thuộc địa Louis Booker Wright, tại thành phố Philadelphia, các ghi chép lịch sử cho thấy từ năm 1740 đến năm 1776, hơn 125 hiệu trưởng trường tư đã quảng cáo dịch vụ của họ.
Các cơ sở của họ dạy mọi thứ từ tiếng Latinh và tiếng Hy Lạp đến toán học, khoa học, ngoại ngữ, hàng hải và kinh doanh. Hầu hết trẻ em đến trường có thể đọc.
Hệ thống giáo dục thị trường tự do sôi động ở Hoa Kỳ, kết hợp với nhà thờ và phụ huynh đã hoạt động vô cùng hiệu quả, đặt nền móng để tạo ra quốc gia tự do và thịnh vượng nhất trong lịch sử nhân loại.
Trẻ em trong nhiều học viện tư và trường tôn giáo trên toàn quốc thường nhận được một nền giáo dục vượt trội hơn hẳn so với những gì được cung cấp ngày nay ở các trường công lập, bằng chứng có thể thấy từ các sách giáo khoa và bài kiểm tra từ thời đó. Tất cả đều được thực hiện với một phần nhỏ chi phí.
Ngay cả trẻ em nghèo cũng có thể nhận được một nền giáo dục miễn phí hoặc chi phí thấp từ một loạt các tổ chức từ thiện, nhà thờ, chương trình học bổng, v.v.
Sau đó, những người theo chủ nghĩa tập thể, chủ nghĩa nhân văn và xã hội chủ nghĩa sử dụng chính phủ để tiếp quản giáo dục, như đã đề cập trong các bài trước của loạt bài này về lịch sử của giáo dục công lập.
Và tất cả đã xuống dốc từ đó.
Sự hồi sinh của các trường tư thục
Khi chính phủ chiếm quyền kiểm soát giáo dục bắt đầu từ giữa những năm 1800 ở Massachusetts dưới sự lãnh đạo của những người theo chủ nghĩa tập thể như Horace Mann, Cơ Đốc Giáo Tin Lành cho đến nay vẫn là tôn giáo thống trị ở Hoa Kỳ.
Và vì vậy, ít nhất là trên bề mặt, các trường công lập mới ra đời mọc lên trên khắp Hoa Kỳ với danh nghĩa đạo Tin Lành.
Trên thực tế, do lượng người Công Giáo nhập cư ồ ạt, nhiều người Mỹ theo đạo Tin Lành đã hy vọng sử dụng các trường công lập để hòa nhập những người mới đến Hoa Kỳ. (Phần lớn những người theo đạo Tin Lành đó vẫn vui vẻ không biết rằng các nhà nhân văn và xã hội chủ nghĩa đang lên kế hoạch sử dụng các trường công lập không phải để duy trì và quảng bá đạo Tin Lành, mà là để phá hoại nó.)
Vào những năm 1900, những người Công Giáo vì lo lắng bảo vệ đức tin và truyền thống của riêng mình nên đã tạo ra một mạng lưới rộng lớn gồm hàng nghìn trường “giáo xứ” trên khắp Hoa Kỳ nằm ngoài sự kiểm soát của chính phủ. Ở đó, học sinh học đạo Công Giáo dưới sự dạy dỗ của các nữ tu và các thành viên của Giáo hội khác và được Giáo hội Công Giáo trợ cấp.
Những người theo đạo Tin Lành và các lực lượng chống Công Giáo đã tìm cách ngăn chặn sự lan rộng này, thậm chí thông qua luật tiểu bang và các tu chính án của tiểu bang nhằm ngăn chặn các trường giáo xứ, hoặc ít nhất là từ chối cấp cho họ bất kỳ khoản tài trợ công nào.
“Bản Sửa Đổi Blaine” đối với Hiến Pháp Hoa Kỳ nhằm cấm các tiểu bang sử dụng tiền thuế cho các trường “giáo phái” (có nghĩa là Công Giáo) do Thượng nghị sĩ James Blaine (Cộng Hòa – Maine) đệ trình lên vào giữa năm 1870 đã không được Quốc hội thông qua.
Tuy nhiên, hầu hết các tiểu bang rốt cuộc cũng đã ban hành một số hình thức của “Bản Sửa Đổi Blaine”. Những điều đó đã cấm mọi hỗ trợ trực tiếp hoặc gián tiếp cho các trường tôn giáo (Công Giáo) cho đến giữa năm 2020, khi Tòa án Tối cao giải quyết các biện pháp này.
Không giống như người Công Giáo, những người theo đạo Tin Lành chủ yếu bằng lòng ở lại các trường học do chính phủ kiểm soát miễn là người ta cầu nguyện và thỉnh thoảng đọc Kinh Thánh. Vào đầu thế kỷ 20, những người theo đạo Tin Lành phần lớn đã từ bỏ giáo dục tư thục, có một vài ngoại lệ đáng chú ý.
Tuy nhiên, bằng một loạt những thay đổi dần dần, các trường học chính phủ đã lặng lẽ chuyển đổi từ các học viện lấy Chúa Kitô làm trung tâm trên danh nghĩa thành những cơ sở theo chủ nghĩa nhân văn và chủ nghĩa tập thể, tìm cách biến đổi cơ bản xã hội. Đó là kế hoạch được John Dewey, “cha đẻ” của hệ thống trường học công lập hiện đại của Hoa Kỳ vạch ra.
Chỉ cho đến khi các phán quyết tệ hại của Tòa án Tối cao năm 1962 và 1963 chính thức cấm đọc Kinh Thánh và cầu nguyện tập thể, nhiều nhà thờ Tin Lành và các nhà lãnh đạo mới nhận ra nhu cầu cấp thiết phải tạo ra trường học của riêng họ một lần nữa.
Nhưng không phải lúc nào điều này cũng dễ dàng. Ví dụ, vào cuối những năm 1970 và đầu những năm 1980, tiểu bang Nebraska đã cố gắng bắt giữ những đứa trẻ mà cha mẹ nhất quyết cho con họ được giáo dục tại một trường học Cơ Đốc độc lập. Một số bậc cha mẹ thậm chí còn phải ngồi tù.
Nhưng cuộc chiến giành quyền giáo dục trẻ em bằng chi phí tư nhân, ngoài tầm kiểm soát của chính phủ, phần lớn đã thắng – ít nhất là cho đến thời điểm hiện tại.
Ngày nay, ước tính cho thấy có hơn 20,000 trường tôn giáo tư nhân ở Hoa Kỳ, hầu hết là Công Giáo hoặc Tin Lành, cùng với một số trường Do Thái. Khoảng 10% học sinh Mỹ đang theo học tại các trường tư thục Cơ Đốc Giáo, với khoảng 3% học tại nhà. Tuy nhiên, những con số đó có thể tăng vọt rất sớm.
Sự hồi sinh của giáo dục tư thục?
Vào ngày 30/06/2020, Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ đã ra phán quyết 5–4 về vụ Espinoza kiện Sở Doanh thu Montana: Sự phân biệt đối xử của tiểu bang đối với các trường tôn giáo trong chương trình học bổng về thuế là vi hiến.
Cựu Tổng thống Donald Trump, người đã nhiều lần bày tỏ mong muốn giải cứu trẻ em khỏi “các trường chính phủ thất bại” đã rất vui mừng với quyết định này.
“Phán quyết của SCOTUS hôm nay là một chiến thắng lịch sử cho các gia đình muốn LỰA CHỌN TRƯỜNG HỌC NGAY BÂY GIỜ!” ông nói trong một tweet, lặp lại các bình luận của Bộ trưởng Giáo dục Betsy DeVos. “Lựa chọn Trường học (School Choice) là một vấn đề dân quyền và không phụ huynh nào phải gửi con mình vào một trường không đạt yêu cầu. Tôi sẽ tiếp tục đấu tranh cho Lựa chọn Trường học và sẽ luôn bảo vệ Tự do Tôn giáo!”
Ông Franks, người ở trung tâm của cuộc chiến này trong hơn 30 năm qua, đã soạn các luật tín dụng-thuế học phí đầu tiên ở Arizona, vốn đóng vai trò là mô hình cho các chương trình tương tự được triển khai ở hơn 15 tiểu bang khác cho đến nay, bao gồm cả luật ở Montana trong vụ kiện ở Espinoza.
Ông nói, những chương trình đó đã giúp giải thoát hơn nửa triệu trẻ em khỏi các trường công và có thể là hàng triệu trẻ em nữa trong những năm tới.
Trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại với The Epoch Times, ông Franks cho biết ông tin rằng phán quyết này sẽ tạo ra một sự thúc đẩy chưa từng có đối với giáo dục tư thục và Cơ Đốc Giáo. Điều này sẽ giúp một số lượng lớn các gia đình có thu nhập thấp được tiếp cận với nền giáo dục chất lượng cao phù hợp với giá trị của họ.
Ông nói: “Tôi thực sự tin rằng có một tương lai tươi sáng hơn cho trẻ em Mỹ”, và nói thêm rằng tầm quan trọng cũng như “tác động tích cực và ấn tượng” của phán quyết này cũng dễ dàng bị đánh giá thấp.
“Toàn bộ tương lai có thể bị ảnh hưởng sâu sắc bởi người nắm quyền giáo dục con cái của chúng ta”.
Ông Franks cho biết, mục tiêu là để cho phép những người theo và không theo đạo kiểm soát việc giáo dục con cái của họ, thay vì để quyền lực đó rơi vào tay các quan chức chính phủ. Điều đó sẽ dẫn đến một nền giáo dục tốt hơn cho tất cả mọi người.
“Cuối cùng chỉ có hai người có thể đưa ra quyết định về việc giáo dục của một đứa trẻ – cha mẹ hoặc quan chức cao cấp. Không phải ý bôi nhọ giới giáo dục, nhưng sớm hay muộn, quý vị phải đặt quyền quyết định đối với trẻ em hoặc vào tay của những người không hiểu trẻ em, hoặc vào tay cha mẹ chúng, những người yêu thương những đứa trẻ đó và sẽ làm bất cứ điều gì vì chúng.”
Trong số các lợi ích khác, ông Franks cho biết phán quyết sẽ “mở rộng đáng kể giáo dục tư nhân và tôn giáo” ở các tiểu bang có các chương trình tín dụng-thuế như Arizona và Montana.
Ông cũng nói rằng, bằng cách cho phép phụ huynh giữ tiền của riêng họ và lựa chọn các phương án giáo dục khác, chính quyền các tiểu bang sẽ tiết kiệm được một khoản tiền khổng lồ. Ở nhiều tiểu bang, các trường tư thục cung cấp một nền giáo dục ưu việt với chi phí chỉ bằng một nửa, ông Franks lấy ví dụ ở tiểu bang Utah.
“Chỉ từ khía cạnh tài chính, điều này sẽ giảm bớt gánh nặng cho người nộp thuế,” ông Franks nói, đồng thời thêm rằng sự cạnh tranh sẽ buộc các trường công lập cũng phải cải thiện.
Gọi phán quyết Espinoza là “cuộc cải cách giáo dục quan trọng nhất mà chúng tôi có kể từ trước khi có Bản Sửa Đổi Blaine”, ông Franks nói rằng ông không thấy “có điều gì đã dẫn chúng ta đi đúng hướng trong 150 năm qua”.
Nói tóm lại, kết hợp với sự ghê tởm ngày càng tăng đối với những gì đang được dạy trong các trường công lập và “sự bùng phát coronavirus”, quyết định này giúp chúng ta được hưởng lợi từ giáo dục tại gia, có nghĩa là giáo dục phi chính phủ có thể lại lên ngôi – ít nhất là nếu các cơ sở giáo dục không được nắm quyền kiểm soát đối với trường học tư thục, cũng như giáo dục gia đình. Đó là một rủi ro thực sự.
Đe dọa đối với độc lập và tự do
Ông Franks, người xây dựng chương trình tín dụng-thuế lo ngại về triển vọng tăng cường kiểm soát của chính phủ. Khi được hỏi về khả năng chính phủ tìm cách điều chỉnh việc các trường hưởng lợi từ chương trình tín dụng-thuế, ông thừa nhận rằng điều đó không có gì ngạc nhiên.
“Tôi tin rằng một số yếu tố của quyết định này có thể để lại một kẽ hở và tôi lo ngại rất sâu sắc về điều đó,” ông nói.
Tuy ông cũng ủng hộ các chương trình tài trợ thuế cho các trường tư vì “chúng là một bước đi theo hướng tránh khỏi sự kiểm soát hoàn toàn của chính phủ”, nhưng các chương trình này “không lý tưởng lắm, vì chúng cho thấy mối nguy hiểm rằng tiền thuế có thể thay đổi bản chất của các trường.”
Dù vậy, cựu nghị sĩ vẫn kiên quyết rằng phán quyết Espinoza và các chương trình tín dụng-thuế được đề cập hoàn toàn khác với các chương trình trợ cấp ở một số điểm then chốt.
Ông nói: “Đây không phải là vấn đề liệu tiền công có thể tài trợ cho giáo dục tôn giáo hay không. Đây không phải là tiền công và chúng chưa bao giờ là như vậy, mặc dù đó là điều mà phe cánh tả muốn mọi người tin.”
Thay vào đó, chương trình tín dụng thuế chỉ đơn giản là cho phép các bậc cha mẹ và các nhà tài trợ giữ lại một số tiền của riêng họ và tránh “gánh nặng kép” khi phải trả tiền cho một trường tư trong khi cũng phải bỏ ra một số tiền tương đương hoặc nhiều hơn để gửi một đứa trẻ vào trường công.
“Điều đó không công bằng,” ông nói.
“Đây là những đồng tiền tư nhân dành cho học bổng tư nhân thuộc về các phụ huynh chọn trường tư, và cá nhân mà nói nó khiến tôi phát điên.”
Ở một số tiểu bang có tiền trợ cấp của chính phủ cho trường học hoặc gia đình, chính phủ đã vào cuộc để kiểm soát các trường tư thục. Điều đó chưa bao giờ xảy ra cho đến nay theo hệ thống thuế-tín dụng, ông cho biết.
Ông Franks nói: “Đồng tiền đi kèm với xiềng xích. Đó là lý do tại sao tôi kiên quyết thuyết phục rằng đây là một cơ chế tốt hơn”.
Ông so sánh hệ thống tín dụng-thuế cho các trường tư thục với các khoản đóng góp được khấu trừ thuế cho một nhà thờ.
“Sẽ là một con đường thực sự đen tối nếu đi xuống để nói rằng bất cứ thứ gì ảnh hưởng đến số tiền bạn nợ thuế đều trở thành tiền công,” ông Franks lưu ý những tác động đối với các nhà thờ.
“Trừ phi tất cả tiền của chúng tôi là của chính phủ, thì những khoản đóng góp này không phải là tiền công.”
“Tôi ước tôi có thể nói rằng mỗi USD mà tôi không bao giờ nhận được là chi phí, nhưng rõ ràng là không phải như vậy,” ông cho biết rằng ngay cả một số phương tiện truyền thông lớn đã đưa tin sai lệch về bản chất của cuộc tranh luận và phán quyết này.
Tuy nhiên, ông Franks thừa nhận rằng có những âm mưu nguy hiểm nhằm cố chiếm quyền kiểm soát tất cả các nền giáo dục, bao gồm cả các trường tư thục.
“Điều quan trọng là mọi người phải nhận ra, đó hoàn toàn là mục tiêu của phe cánh tả: Tiếp quản các trường Cơ Đốc Giáo và biến chúng giống như các trường công lập,” ông nói.
“Đó là những gì mà các tổ chức cánh tả như: NEA [Hiệp hội Giáo dục Quốc gia] và ACLU [Liên minh Tự do Dân sự Hoa Kỳ] đều mong muốn. Họ không muốn mất kiểm soát.
“Chúng ta cần phải cảnh giác vĩnh viễn. Có một mối nguy hiểm lớn và con cái của chúng ta là phần thưởng dành cho người chiến thắng trong cuộc tranh luận đó.”
Những điều đã xảy ra
Trong nhiều chương trình phiếu thưởng cấp tiểu bang, nơi các tiểu bang sử dụng quỹ thuế để hỗ trợ các trường tư thục và tôn giáo, chính phủ đã điều tiết và tìm cách kiểm soát các trường này. Tòa án Tối cao cũng đã phê duyệt các kế hoạch như vậy.
Tất cả mọi thứ từ tuyển dụng và tuyển sinh đến các chương trình giảng dạy và tiêu chuẩn đều nằm trong tầm ngắm. Các nhà phê bình còn cảnh báo rằng khi các chương trình “lựa chọn trường học” phổ biến trên khắp Hoa Kỳ, các trường tư thục và nhà trẻ mẫu giáo sẽ bị “mắc câu” bởi tiền tài trợ của chính phủ và sau đó rốt cuộc cũng buộc phải tuân theo chính phủ.
Hãy coi tài trợ thuế, chương trình tài trợ, viện trợ, trợ cấp, hoặc bất cứ thứ gì như miếng pho-mát trong bẫy chuột. Lúc đầu, pho-mát trông miễn phí. Nhưng sau khi con chuột chộp lấy nó, cái bẫy đóng lại với kết quả thật thảm khốc.
Cựu cố vấn giáo dục cao cấp Charlotte Iserbyt, người từng phục vụ tại Bộ Giáo dục trong thời chính phủ Reagan trước khi thổi còi về những gì bà nhìn thấy ở đó đã cảnh báo rằng: Phán quyết của vụ Espinoza sẽ dẫn đến việc chính phủ tiếp quản “những tàn tích cuối cùng của trường học tại gia, giáo dục tư nhân và tôn giáo cho con cái của chúng ta.”
“Bất kỳ tổ chức nào, kể cả trường học công hay tư mà thu một xu tiền thuế cho hết thảy thứ được quý vị đặt tên bao gồm xe buýt, bàn làm việc, tranh ảnh trên tường, bữa trưa ở trường, sách giáo khoa đều sẽ bị kiểm soát và sẽ phải tuân theo các quy định của liên bang,” bà nói với The Epoch Times.
Bà Iserbyt, người đã viết cuốn sách gây chấn động, “Sự Xuống Dốc Có Chủ Đích Của Hoa Kỳ” (The Deliberate Dumbing Down of America) nói rằng đối với các trường tư thục, sự kiểm soát cuối cùng cũng sẽ mở rộng sang chương trình giảng dạy và đào tạo giáo viên.
Trích dẫn một loạt các vụ án, quy định và tuyên bố của các quan chức trong nhiều năm, bà Iserbyt cảnh báo rằng quỹ tài trợ hoặc hỗ trợ của chính phủ sẽ dẫn đến cái chết của một nền giáo dục độc lập phi chính phủ. Bà còn cảnh báo trong nhiều thập kỷ rằng đây là kế hoạch của các cơ sở giáo dục.
Trong những năm gần đây, cuộc chiến về các trường tư thục ở Hoa Kỳ và trên toàn thế giới đã tăng tốc và đang trở nên rõ ràng.
Ví dụ, ở New York, các trường yeshiva của người Do Thái được hưởng một số tài trợ thuế, hiện đang bị chính quyền nhắm mục tiêu vì bị cáo buộc không cung cấp đủ nền giáo dục “thế tục”.
Ở Thụy Điển, chính phủ đã sử dụng kế hoạch “lựa chọn trường học” để tất cả các trường tư thục và tôn giáo phụ thuộc vào chính phủ. Sau đó, nó buộc tất cả các trường này phải dạy chương trình đang gây tranh cãi của chính phủ, trong đó cấm cầu nguyện hoặc đọc Kinh Thánh trong giờ học. Giáo dục tại nhà cũng bị cấm.
Ở cấp độ toàn cầu, “Hội đồng Nhân quyền” của Liên Hiệp Quốc, bao gồm Trung Cộng và các chế độ độc tài giết người khác cũng đang kêu gọi sự kiểm soát của chính phủ nhiều hơn đối với các trường tư thục.
Vào năm 2015, hội đồng đã kêu gọi các chính phủ trên toàn thế giới “thực hiện quyền với giáo dục”, bên cạnh các chương trình khác, bằng cách “đưa ra một khuôn khổ pháp lý được định hướng bởi các nghĩa vụ nhân quyền quốc tế dành cho các nhà cung cấp giáo dục mà hỗ trợ việc thiết lập các quy định tối thiểu và các tiêu chuẩn thành lập và hoạt động của các cơ sở giáo dục.”
Tách biệt trường học và nhà nước
Cuối cùng, để bảo vệ quyền tự do giáo dục, một số người ủng hộ đang kêu gọi tách biệt hoàn toàn giữa trường học và nhà nước.
Trung tá E. Ray Moore, Giám đốc điều hành của Exodus Mandate đã thúc giục các tín đồ Cơ Đốc thoát ra khỏi hệ thống trường học của chính phủ trong nhiều thập kỷ.
Gần đây, nhà giáo dục tại gia tiên phong đã tán dương Tòa án Tối cao vì đã bảo vệ quyền sử dụng chương trình tín dụng-thuế trên cơ sở tôn giáo của những người theo tôn giáo.
Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo về viễn cảnh phán quyết của Espinoza sẽ mở ra cánh cửa cho các chương trình phiếu tài trợ từ tiền thuế trong tương lai, hẳn sẽ gây nguy hiểm cho sự độc lập của giáo dục tư nhân và giáo dục Cơ Đốc Giáo.
Ông nói với The Epoch Times: “Sự tách biệt hoàn toàn giữa trường học và nhà nước là cách an toàn nhất cho giáo dục tôn giáo tư nhân,” và Hoa Kỳ đang đứng trước một cơ hội đáng kinh ngạc để lấy lại tự do trong giáo dục.
Trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại với The Epoch Times, Giáo sư luật Jeffrey Tuomala của Đại học Liberty cũng bày tỏ lo ngại về tiềm năng của việc chính phủ kiểm soát và điều hành giáo dục tư nhân.
Trong nhiều trường hợp, điều đó đã xảy ra, ông nói – đặc biệt là khi chính phủ cung cấp các phiếu tài trợ hoặc viện trợ trực tiếp khác.
Tuy nhiên, khi được hỏi liệu Tu chính án thứ nhất có thực sự nhằm hỗ trợ các trường công lập thế tục trong khi cấm các trường tôn giáo hay không, ông đã chia sẻ nghiên cứu của mình về những câu hỏi hiến pháp quan trọng này.
Ông nói: “Tòa án tối cao chưa bao giờ định nghĩa về tôn giáo. Tuy nhiên, nó đã tạo ra sự khác biệt căn bản giữa thế tục và tôn giáo.”
Sau đó, câu hỏi đặt ra là làm sao người ta có thể biết liệu chính phủ có “thành lập” một tôn giáo hay không nếu các thuật ngữ thậm chí không được xác định.
Trong vụ 10 Điều Răn liên quan đến Chánh án Alabama Roy Moore, trong đó Thẩm phán đặt một tượng đài của Decalogue trong tòa nhà tư pháp, các tòa án liên bang đã bác bỏ định nghĩa do Moore đưa ra vốn đã được Virginia lưu giữ vào năm 1776 dưới sự lãnh đạo của James Madison và Thomas Jefferson.
Định nghĩa của Virginia gọi tôn giáo là “nghĩa vụ mà chúng ta phải chịu trước Đấng Tạo Hóa của mình và cách thức thực hiện nghĩa vụ này”.
Các tòa án liên bang trong vụ án 10 Điều Răn đã bác bỏ điều đó, và thậm chí còn nói rằng việc đưa ra một định nghĩa về tôn giáo là “không khôn ngoan và thậm chí nguy hiểm”.
“Quý vị nhìn vào đó và nói rằng điều đó thật nực cười,” ông Tuomala nói. “Nhưng đó là trạng thái của nó.”
Trên thực tế, những người sáng lập coi việc đi học và giáo dục là một phần quan trọng của “nghĩa vụ mà chúng ta phải chịu trước Đấng Tạo Hóa của mình”.
Và do đó, “giáo dục nằm trong định nghĩa của Madison và vì vậy, đó cũng là định nghĩa của Hiến pháp về tôn giáo,” ông Tuomala trình bày rõ hơn về quan điểm của mình về chủ đề này tại hội nghị quốc gia hàng năm của Hiệp hội Pháp lý Cơ Đốc Giáo.
“Về cơ bản, như tôi thấy, tiểu bang đang vi phạm điều khoản thành lập khi thành lập trường học – bất kỳ trường học nào – bởi vì chúng định hình tâm trí của trẻ em,” ông nói.
“Nhà nước không có quyền bảo mọi người phải nghĩ gì. Chúng ta là một nước cộng hòa. Chúng ta phải nói với các quan chức của mình những gì lẽ ra họ nên nghĩ. Việc chính phủ cho chúng tôi biết những gì chúng tôi phải làm và suy nghĩ là hoàn toàn trái ngược với hệ thống nhà nước của chúng ta.”
Con đường phía trước
Vào thời điểm này, rõ ràng là giáo dục tư nhân và giáo dục tại nhà sẽ chiếm tỷ lệ ngày càng cao trong bối cảnh giáo dục ở Hoa Kỳ những năm tới.
Những người ủng hộ tự do giáo dục cũng như những người ủng hộ sự kiểm soát hoàn toàn của chính phủ đều công nhận điều này.
Đối với những người hy vọng bảo vệ quyền của cha mẹ, quyền tự do tôn giáo, tự do giáo dục và sự độc lập của các trường tư thục và trường học tại gia, sẽ có một trận chiến lớn sắp xảy ra.
Tuy nhiên, vì lợi ích của trẻ em Mỹ – và nền cộng hòa lập hiến vững chắc của quốc gia – đó là cuộc chiến mà những người Mỹ có tư tưởng tự do phải chiến đấu bằng tất cả sức lực của mình.
Tương lai của tự do và văn minh đang bị đe dọa theo đúng nghĩa đen.
Ông Alex Newman là một cộng tác viên tự do. Ông Newman là một ký giả, nhà giáo dục, tác giả, và nhà tư vấn quốc tế từng đạt giải thưởng, người đã đồng sáng tác cuốn sách “Tội Ác của Các Nhà Giáo Dục: Cách Những Người Theo Chủ Nghĩa Bình Quân đang Sử Dụng Trường Học của Chính Phủ để Hủy Hoại Trẻ Em Mỹ” (“Crimes of the Educators: How Utopians Are Using Government Schools to Destroy America’s Children”). Ông là giám đốc điều hành của Public School Exit cũng như của Liberty Sentinel Media, và viết cho các ấn phẩm đa dạng ở Hoa Kỳ và ngoại quốc.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.