Nga phạt Facebook và Telegram về nội dung bị cấm
Hôm thứ Năm (10/06), các nhà chức trách Nga đã yêu cầu Facebook và ứng dụng nhắn tin Telegram phải nộp phạt nặng vì không tuân thủ việc xóa các nội dung bị cấm.
Một tòa án ở Moscow đã phạt Facebook tổng cộng 17 triệu rúp (khoảng 236,000 USD) và Telegram 10 triệu rúp (139,000 USD). Hiện chưa rõ ngay là loại nội dung nào mà các nền tảng này đã không gỡ xuống.
Đây là lần thứ hai cả hai công ty nói trên bị phạt trong những tuần gần đây. Vào ngày 25/05, Facebook đã phải trả 26 triệu rúp (362,000 USD) vì đã không gỡ xuống nội dung bị chính phủ Nga cho là bất hợp pháp. Một tháng trước, Telegram cũng được lệnh phải trả 5 triệu rúp (69,000 USD) vì đã không gỡ xuống những lời kêu gọi [tham gia] các cuộc biểu tình.
Đầu năm nay, cơ quan giám sát truyền thông nhà nước Roskomnadzor của Nga bắt đầu làm chậm [tốc độ truy cập của] Twitter và đe dọa nền tảng này bằng lệnh cấm, cũng do cáo buộc không gỡ bỏ nội dung bất hợp pháp. Các quan chức duy trì nền tảng này đã không tuân thủ việc xóa nội dung khuyến khích tự tử trong trẻ em và các nội dung chứa thông tin về ma túy và nội dung khiêu dâm trẻ em.
Chiến dịch đàn áp này diễn ra sau khi các nhà chức trách Nga chỉ trích các nền tảng mạng xã hội đã được dùng để khiến hàng chục nghìn người xuống đường trên khắp nước Nga trong năm nay để đòi phóng thích thủ lĩnh đối lập Nga Alexei Navalny, nhà phê bình nổi tiếng nhất của Tổng thống Vladimir Putin. Làn sóng biểu tình này đã trở thành thách thức lớn đối với Điện Kremlin.
Các quan chức cáo buộc rằng các nền tảng truyền thông xã hội đã không tuân thủ việc xóa bỏ những lời kêu gọi trẻ em tham gia vào các cuộc biểu tình này. Ông Putin đã thúc giục cảnh sát hành động hơn nữa để giám sát các nền tảng truyền thông xã hội và truy tìm những kẻ lôi kéo trẻ em vào “các hành động đường phố bất hợp pháp và không được kiểm soát.”
Những nỗ lực của chính phủ Nga nhằm thắt chặt kiểm soát internet và mạng xã hội bắt đầu từ năm 2012, khi một luật lệ cho phép các cơ quan chức năng đưa vào danh sách đen và chặn một số nội dung trực tuyến nhất định được áp dụng. Kể từ đó, một số hạn chế ngày càng tăng nhắm vào các ứng dụng nhắn tin, trang web và nền tảng truyền thông xã hội đã được áp dụng tại Nga.
Chính phủ đã nhiều lần đưa ra lời đe dọa chặn Facebook và Twitter, nhưng đã dừng lại ngay lập tức các lệnh cấm. Mạng xã hội LinkedIn, vốn không phổ biến tại Nga, đã bị chính phủ nước này cấm vì không lưu trữ dữ liệu người dùng ở Nga.
Vào năm 2018, Roskomnadzor đã chuyển sang chặn Telegram vì từ chối giao các khóa mã hóa được sử dụng để xáo trộn tin nhắn, nhưng lại không thể hạn chế hoàn toàn quyền truy cập vào ứng dụng, thay vào đó đã khiến hàng trăm trang web ở Nga bị gián đoạn. Năm ngoái, cơ quan giám sát này đã chính thức rút lại các yêu cầu hạn chế ứng dụng này, vốn vẫn tiếp tục được sử dụng rộng rãi bất chấp lệnh cấm, bao gồm cả trong các tổ chức chính phủ.
Do The Associated Press thực hiện
Hạo Văn biên dịch
Tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: