Nga phản hồi phúc đáp của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về cuộc khủng hoảng Ukraine
Hôm 27/01, các quan chức Nga cho biết Moscow không thấy có nhiều lý do để Hoa Kỳ và NATO chấp nhận các yêu cầu của mình trong bối cảnh căng thẳng gia tăng gần biên giới Ukraine. Diễn biến này xảy ra sau khi Bộ Ngoại giao đưa ra một loạt đề nghị cho Điện Kremlin.
Cả Hoa Kỳ và NATO đều gửi văn bản phúc đáp Nga về các yêu cầu an ninh của nước này, vốn ngăn Ukraine gia nhập NATO hoặc có các căn cứ quân sự của Hoa Kỳ. Năm 2014, Nga đã xâm chiếm Bán đảo Crimea và bắt đầu hỗ trợ các nhóm phiến quân ly khai ở Donbas.
Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên về các văn bản phúc đáp của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và NATO: “Không có nhiều lý do để lạc quan. Không thể nói rằng những cân nhắc của chúng tôi đã được tính đến hay bất kỳ sự sẵn lòng nào để xem xét những mối quan tâm của chúng tôi đã được thể hiện.”
Ông cho biết, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ dành thời gian phân tích văn bản phúc đáp của Bộ Ngoại giao.
Ông nói: “Cho dù quan điểm của chúng ta có đôi khi đối nghịch cùng cực đến mức nào đi chăng nữa, thì đối thoại luôn là điều cần thiết.”
Những lời phúc đáp bằng văn bản của Hoa Kỳ và NATO không được công khai, nhưng cả hai đều đã bác bỏ yêu cầu của Moscow trong khi bày tỏ sẵn sàng hợp tác ở các vấn đề khác như kiểm soát vũ khí, các biện pháp xây dựng lòng tin, và giới hạn về quy mô và phạm vi của các cuộc tập trận quân sự.
Các quốc gia phương Tây đã cảnh báo về các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga nếu nước này xâm lược Ukraine, dựa trên các biện pháp được áp đặt từ năm 2014 khi Moscow sáp nhập Crimea và lực lượng ly khai do Nga hậu thuẫn bắt đầu chống lại lực lượng chính phủ ở miền đông Ukraine.
Tuy nhiên, Nga coi ý tưởng về một cuộc xung đột vũ trang giữa Ukraine và Nga là “không thể chấp nhận được”, ông Alexey Zaytsev, phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga, cho biết hôm 27/01.
“Chúng tôi đã nhiều lần tuyên bố rằng đất nước chúng tôi sẽ không tấn công bất kỳ ai,” ông Zaytsev nói. “Chúng tôi thậm chí còn coi ý tưởng về một cuộc chiến tranh giữa các dân tộc của chúng tôi là không thể chấp nhận được. Tuy nhiên, những người đứng trên Ukraine ở ngoại quốc lại nghĩ khác. Có vẻ như họ hiện đang dự định tự biên tự diễn theo kịch bản mà họ đã phát minh ra.”
Ông Zaytsev cho biết cách tốt nhất để giảm căng thẳng là NATO rút quân khỏi Đông Âu, nhưng ông cũng tìm cách dập tắt lo ngại về một cuộc xâm lược sắp xảy ra.
Hãng thông tấn TASS dẫn lời một quan chức cao cấp của Bộ Ngoại giao Nga, ông Vladimir Ermakov, cho biết một cuộc khủng hoảng hỏa tiễn hạt nhân giữa Moscow và Hoa Thịnh Đốn là khó tránh khỏi nếu không có các biện pháp bảo đảm sự kiềm chế và tính có thể dự đoán.
Ông Ermakov cho biết Moscow tin rằng Hoa Thịnh Đốn đang chuẩn bị khai triển các hỏa tiễn tầm ngắn và tầm trung tới Âu Châu và khu vực Á Châu-Thái Bình Dương.
Trong khi đó, Tổng thống Joe Biden cho biết ông sẽ không điều quân đội Hoa Kỳ hoặc đồng minh đến chiến đấu với Nga ở Ukraine, nhưng NATO cho biết họ đang đưa các lực lượng vào chế độ chờ và tăng cường thêm tàu và phi cơ chiến đấu cho Đông Âu.
Ông Jack Phillips là một phóng viên tin tức thời sự của The Epoch Times tại New York.
Bản tin có sự đóng góp của Reuters
Minh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: