Nga kích nổ ‘chiến tranh thế giới ẩn hình’, tình nguyện viên từ 52 quốc gia gia nhập quân đội Ukraine
Cho đến nay, các tình nguyện viên từ 52 quốc gia đã gia nhập Quân đoàn Quốc tế Ukraine. Cuộc xâm lược Ukraine của Nga đã biến thành một cuộc chiến tranh quốc tế trên thực tế.
Hôm 06/03, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba nói với CNN rằng hiện có 20,000 tình nguyện viên đến từ 52 quốc gia trên thế giới đã ghi danh tham chiến. Ông nói: “Hiện nay, cả thế giới đang đứng về phía Ukraine, không chỉ bằng lời nói mà còn bằng hành động”.
Hơn 20,000 người từ 52 quốc gia đã ghi danh tình nguyện chiến đấu tại Ukraine, họ gia nhập Quân đoàn Quốc tế mới được thành lập ở Kyiv. Tuy nhiên, ông Kuleba không tiết lộ chính xác có bao nhiêu tình nguyện viên nước ngoài đã đến Ukraine.
Ông Kuleba không cho biết các tình nguyện viên đến từ quốc gia nào, nhưng nói rằng hầu hết họ đến từ Âu Châu. Ông nói: “Rất nhiều người trên thế giới ghét Nga và những gì nước này đã làm trong những năm gần đây, nhưng không ai dám công khai phản đối và công kích họ”. Vì vậy, khi mọi người thấy rằng người Ukraine đang chiến đấu và không bỏ cuộc, rất nhiều người đã cảm thấy được khích lệ và tham chiến, muốn Nga phải trả giá cho cuộc xâm lược của mình.
Khi Nga xâm lược Ukraine, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã kêu gọi thành lập một “Quân đoàn Quốc tế” vào ngày 27/02. Sau đó, ông đã ký một sắc lệnh, khai triển quy định miễn thị thực đối với những người tình nguyện đến Ukraine tham chiến.
Ông Zelensky kêu gọi người dân nước ngoài đến Ukraine tham gia đội quân tình nguyện chiến đấu chống lại Nga, và đã nhận được sự hưởng ứng nồng nhiệt. Hôm 02/03, Ngoại trưởng Ukraine Kuleba cho biết tại một cuộc họp báo trên truyền hình rằng, hơn 1,000 tình nguyện viên đến từ 16 quốc gia đang cùng quân đội Ukraine chiến đấu chống lại quân Nga xâm lược. Đồng thời, số lượng người nộp đơn vẫn đang tiếp tục tăng lên. Tổng thống Zelensky hôm 03/03 cho biết, 16,000 người nước ngoài đã tình nguyện tham gia chiến đấu chống lại quân Nga tại Ukraine.
Số lượng tình nguyện viên Hoa Kỳ tương đối đông. Một quan chức tại đại sứ quán Kyiv ở Hoa Thịnh Đốn nói với tờ Military Times rằng, họ đã nhận được hơn 3,000 đơn đăng ký từ các công dân Hoa Kỳ, trong đó có nhiều cựu chiến binh. Nhà kinh tế Đài Loan, ông Ngô Gia Long (Wu Jialong) cho biết trên Facebook rằng, năm lực lượng vũ trang của Hoa Kỳ, bao gồm các cựu chiến binh, lực lượng đặc chủng đã về hưu, còn có lính đánh thuê, tình nguyện viên và các đơn vị tấn công mạng, đã tiến vào Ukraine theo từng đợt.
Ngoài các tình nguyện viên đến từ Âu Châu và Hoa Kỳ, còn có các tình nguyện viên đến từ Nhật Bản. Theo Đại sứ quán Ukraine tại Nhật Bản, khoảng 70 người Nhật Bản đã tình nguyện tham chiến ở Ukraine, trong đó có 50 người từng là thành viên của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản.
Nhiều quốc gia gửi vũ khí cho Ukraine
Một quan chức cao cấp của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ nói với CNN hôm 04/03 rằng, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ, Tướng Mark Milley đã đến thăm một phi trường bí mật gần biên giới Ukraine vào tuần trước. Phi trường này đã trở thành trung tâm vận chuyển vũ khí. Ông đã tận mắt chứng kiến các quốc gia tăng tốc cung cấp vũ khí cho Ukraine như thế nào trong bối cảnh Nga xâm lược vô cớ.
Trong những ngày gần đây, phi trường đã trở thành một tổ hợp hoạt động tích cực, từ một số ít các chuyến bay mỗi ngày lên tới 17 chuyến, đây là công suất tối đa của phi trường.
Vị trí của phi trường này vẫn còn là một bí mật, cho phép vũ khí được chuyển đến Ukraine, bao gồm cả hỏa tiễn chống tăng. Quan chức này cho biết sau khi những lô hàng này tiến vào Ukraine, chúng vẫn chưa bị quân đội Nga nhắm tới.
Cho đến nay, Hoa Kỳ và các thành viên NATO khác đã vận chuyển 17,000 tỏa tiễn chống tăng và 2,000 hỏa tiễn phòng không Stinger cho Ukraine, một quan chức cao cấp của Hoa Kỳ nói với CNN.
Đến nay, đã có 15 quốc gia cung cấp thiết bị quân sự cho Ukraine. Các quốc gia này bao gồm Hoa Kỳ, Canada, Đức, Thụy Điển, Pháp, Anh, Bỉ, Hà Lan, Cộng hòa Séc, Ý, Bồ Đào Nha, Hy Lạp, Romania, Tây Ban Nha, và Phần Lan. Hầu hết số vũ khí và vật tư này được vận chuyển qua biên giới giữa Ukraine và Ba Lan.
Hôm 02/03, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã đe dọa các nước phương Tây rằng, nếu xảy ra chiến tranh thế giới thứ ba, sẽ có một “cuộc chiến tranh hạt nhân mang tính hủy diệt”.
Để tránh leo thang và mở rộng chiến tranh, NATO đã dứt khoát bác bỏ yêu cầu của Tổng thống Ukraine về việc thiết lập vùng cấm bay ở Ukraine. Tổng thống Hoa Kỳ Biden cũng đã nhiều lần tuyên bố rằng ông sẽ không gửi quân đội. Nhưng họ đã và đang hỗ trợ Ukraine theo một cách khác.
Chiến tranh tình báo thông tin
Kể từ đầu cuộc chiến Nga-Ukraine, thông tin tình báo mà Ukraine thu được rất kịp thời và được cho là do “những người cấp cao” cung cấp.
Theo tin tức từ tờ Ukrayinska Pravda ngày 05/03, ông Denis Kireev, đại diện Ukraine tham gia vòng đàm phán đầu tiên giữa Ukraine và Nga hôm 28/02, đã bị Cơ quan An ninh Ukraine bắn chết và bị buộc tội phản quốc.
Hôm 01/03, một nhóm sát thủ Chechnya được cử đến để ám sát tổng thống Ukraine cũng bị quân đội Ukraine tiêu diệt ở ngoại ô Kyiv, âm mưu của họ sau đó bị bại lộ.
Nhà bình luận quân sự Hạ Lạc Sơn (Xia Luo Shan) nói với phóng viên The Epoch Times rằng: Ukraine chỉ dựa vào lực lượng của mình thì không thể làm được những việc này, có khả năng là đã nhận được sự trợ giúp từ các cơ quan tình báo Hoa Kỳ hoặc phương Tây. Rõ ràng, tình báo Ukraine cũng đang hoạt động hiệu quả.
Mạng lưới không biên giới
Trên mặt trận trực tuyến, Ukraine thậm chí còn được hỗ trợ nhiều hơn từ các tình nguyện viên trên khắp thế giới.
Hôm 26/02, Bộ trưởng chuyển đổi kỹ thuật số của Ukraine, ông Mykhailo Fedorov, đã đưa ra thông báo tuyển dụng các tình nguyện viên là “nhân tài kỹ thuật số” để thành lập “Quân đoàn CNTT” để thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu chống lại Nga trên mặt trận mạng. Ông Fedorov cho biết các tình nguyện viên được giao nhiệm vụ thông qua một kênh “Telegram” riêng biệt. Tính đến ngày 05/03, nhóm Telegram của Quân đoàn CNTT Ukraine đã có 290,000 người theo dõi.
Hôm 25/02, một tổ chức hacker toàn cầu khác tên là Anonymous phản đối ý tưởng chiến tranh, đã “chính thức tuyên bố” trên Twitter là phát động một cuộc chiến tranh mạng chống lại chính phủ Nga.
Trong cuộc chiến Nga-Ukraine, Anonymous tuyên bố đã tấn công Bộ Quốc phòng Nga, bốn nhà cung cấp dịch vụ mạng, cơ quan truyền thông chính thức của Nga “Russia Today”, đồng thời làm rò rỉ cơ sở dữ liệu của trang web Bộ Quốc phòng Nga, chặn được thông tin liên lạc quân sự của Nga, cũng như xâm nhập vào các kênh truyền hình nhà nước của Nga để phát sóng các bộ phim tài liệu của Ukraine về cuộc chiến.
Anonymous là một tổ chức hacker toàn cầu, những quy mô, quy tắc và quy định, cũng như cơ cấu lãnh đạo và phương thức hoạt động nội bộ của họ, hầu như không được ngoại giới biết đến.
Còn Nga, cũng không phải là hoàn toàn không có người ủng hộ phía sau. Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) mà Nga gọi là “bạn tốt”, luôn từ chối lên án Nga và từ chối tham gia vào các lệnh trừng phạt chống lại Nga. Liệu ĐCSTQ có hoạt động ngầm nào hay không, đây cũng là điều được thế giới quan tâm. Nhiều nhà bình luận đặt ra nghi vấn rằng: Nếu không có sự hỗ trợ bí mật của ĐCSTQ, liệu Nga có dám công khai xâm lược Ukraine?
Liên Thư Hoa thực hiện
Mai Thanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ
Xem thêm: