Nga, Iran, Trung Quốc tập trận hải quân chung ở Ấn Độ Dương
Tư lệnh CENTCOM cho biết, Hoa Kỳ đối mặt với ‘sự cạnh tranh ngày càng gia tăng’ trong khu vực
Nga, Iran và Trung Quốc chuẩn bị tổ chức các cuộc tập trận hải quân chung ở Ấn Độ Dương, khi Tư lệnh Bộ tư lệnh quân sự Hoa Kỳ ở vùng Trung Á và Trung Đông (CENTCOM) thừa nhận rằng Hoa Kỳ đang phải đối mặt với “sự cạnh tranh ngày càng gia tăng” ở Trung Đông.
Diễn biến trên xảy ra khi Hoa Kỳ đang tiến hành riêng các cuộc tập trận chung với Úc và Nhật Bản ở đảo Guam.
Hôm thứ Hai (08/02), trong một cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn RIA, Đại sứ Nga tại Iran, ông Levan Dzhagaryan đã thông báo rằng các cuộc tập trận hải quân ba bên sẽ được tổ chức ở phía bắc Ấn Độ Dương vào giữa tháng Hai. Ông cho biết các cuộc tập trận hải quân chung này sẽ bao gồm cả diễn tập các hoạt động tìm kiếm và cứu nạn, và bảo đảm an toàn hàng hải.
Ba quốc gia này cũng từng tiến hành các cuộc tập trận tương tự ở Ấn Độ Dương trong vùng Vịnh Oman, ngoài khơi bờ biển Iran hồi tháng 12/2019, trong một diễn biến dường như nhằm chống lại hoạt động của Hoa Kỳ trong khu vực. Vịnh Oman là một tuyến đường thủy nối Biển Ả Rập với Eo biển Hormuz, nơi có khoảng 1/5 lượng dầu trên thế giới đi qua.
Vào thời điểm đó, căng thẳng đang leo thang giữa Iran và Hoa Kỳ vì Hoa Thịnh Đốn rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran vào năm 2018 và áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Tehran. Iran đã nhiều lần cảnh báo sẽ phong tỏa Eo biển chiến lược Hormuz nếu nước này không thể bán dầu của họ vì các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ.
Hoa Kỳ khi đó cáo buộc Iran đứng sau nhiều vụ tấn công các tàu chở dầu ở Eo biển Hormuz vào tháng 5 và tháng 6 năm 2019, là các cáo buộc mà Iran đã bác bỏ.
Tổng thống Joe Biden đã nói rằng Hoa Kỳ sẽ tái gia nhập thỏa thuận hạt nhân Iran “nếu Iran tiếp tục tuân thủ nghiêm ngặt.” Gần đây nhất, ông Biden nói với CBS News trong một cuộc phỏng vấn hôm 05/02 rằng nước này sẽ không dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế để đưa Iran trở lại các cuộc đàm phán về cách thức khôi phục thỏa thuận hạt nhân. Ngay sau đó vào hôm 07/02, lãnh tụ Iran Ayatollah Ali Khamenei nói với kênh truyền hình nhà nước rằng, “Nếu Hoa Kỳ muốn Iran quay về với các cam kết của mình, thì họ phải dỡ bỏ tất cả các lệnh trừng phạt hiện hành, sau đó chúng tôi sẽ xác minh … sau đó chúng tôi sẽ quay lại với những cam kết của chúng tôi.”
Thông báo về các cuộc tập trận sắp tới này được đưa ra sau khi ông Biden hồi đầu tháng này (02/2021) ra lệnh cho tàu USS Nimitz, khi đó là hàng không mẫu hạm duy nhất của Hải quân Hoa Kỳ ở Trung Đông, rời khỏi khu vực chịu trách nhiệm và trở về cảng xuất phát của mình ở tiểu bang Washington. Trong khi đó, cựu Tổng thống Donald Trump đầu năm nay cũng đã điều động hàng không mẫu hạm nói trên, nhưng là lệnh cho nó ở lại khu vực này trong bối cảnh căng thẳng với Iran leo thang.
Hoa Kỳ đối mặt với ‘sự cạnh tranh ngày càng gia tăng’ trong khu vực từ Nga, Trung Quốc
Hôm thứ Hai (08/02), Tư lệnh CENTCOM — Tướng Kenneth McKenzie — đã nói rằng các hành động của Iran thể hiện “nhân tố bất ổn thách thức nhất” trong khu vực thuộc trách nhiệm của CENTCOM ở Trung Đông.
Hoa Kỳ “đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng gia tăng trong khu vực từ phía Nga và Trung Quốc, hai nước này đều đang ganh đua [với Hoa Kỳ] về quyền lực và ảnh hưởng thông qua sự kết hợp của các phương tiện ngoại giao, quân sự, và kinh tế,” ông McKenzie cho biết trong một bài diễn văn chủ đạo tại hội nghị trực tuyến của Viện Trung Đông, đây là những bình luận công khai đầu tiên của ông kể từ khi Tổng thống Biden nhậm chức. “Điều này làm tăng thêm một lớp căng thẳng và bất ổn khác cho một khu vực vốn đã phức tạp và đầy thách thức.”
“Trong năm 2020, Nga và Trung Quốc đã lợi dụng các cuộc khủng hoảng đang diễn ra trong khu vực, những nhu cầu tài chính và cơ sở hạ tầng, nhận thức về sự tham gia của Hoa Kỳ giảm sút, và các cơ hội do COVID-19 tạo ra để thúc đẩy các mục tiêu của họ trên khắp Trung Đông. … Nga và Trung Quốc tận dụng sự gần gũi của họ với khu vực này, các mối bang giao lâu đời, và sự suy giảm trông thấy trong sự can dự của Hoa Kỳ để thiết lập và củng cố các mối bang giao mang tính cơ hội,” ông nói.
Nga tìm cách làm suy yếu và phá vỡ ảnh hưởng của Hoa Kỳ trong khi cũng có các lý do kinh tế để tham gia vào khu vực này, “từ việc duy trì các thỏa thuận sản xuất dầu cho đến việc mở rộng khả năng tiếp cận của Nga đối với thị trường năng lượng hạt nhân, thương mại và vũ khí,” ông nói, và nói thêm rằng họ cũng muốn thiết lập các căn cứ quân sự lâu dài ở Syria và Sudan.
Trong khi đó, mối quan tâm của Trung Quốc đối với khu vực này thì “chủ yếu là về kinh tế,” vị tướng này nói, đồng thời lưu ý rằng họ phụ thuộc vào khu vực này cho một nửa lượng dầu thô của mình. Hơn nữa, Trung Quốc “tiếp tục nuôi dưỡng các mối quan hệ thương mại, đầu tư kinh tế, và quan hệ đối tác toàn diện giữa các quốc gia trong khu vực,” ông nói. Ông còn thêm rằng Trung Quốc cũng sử dụng Sáng kiến Vành đai và Con đường và Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan để mở rộng ảnh hưởng của họ trong khu vực này.
“Những nỗ lực phối hợp liên ngành của Hoa Kỳ, những đồng minh mạnh mẽ, và các mối quan hệ đối tác là then chốt trong cuộc cạnh tranh quyền lực lớn này. Những cơ hội để tăng cường các quan hệ đối tác và cạnh tranh với Nga và Trung Quốc trong khu vực này bao gồm cả các biện pháp an ninh biên giới, các nỗ lực chống ma túy, chống khủng bố, quốc phòng, xây dựng thể chế, và thậm chí cả hỗ trợ phát triển. Các chương trình chi phí thấp và thường bị bỏ qua này có tác động vượt trội về mặt xây dựng các mối bang giao và tạo lập niềm tin cho các đối tác chính,” ông McKenzie nói.
Ngoài ra, Hoa Kỳ đang tiến hành cuộc tập trận thực địa ba bên thường niên Cope North cùng với Úc và Nhật Bản tại Guam, một hòn đảo thuộc quần đảo Micronesia.
“Các lực lượng không quân từ Hoa Kỳ, Nhật Bản, và Úc sẽ tham gia tập trận Cope North 2021 tại Căn cứ Không quân Andersen, Guam, từ ngày 03/02 đến ngày 19/02 để tiến hành các hoạt động hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa (HA/DR), cũng như tiến hành khai triển lực lượng lớn và huấn luyện các lực lượng không quân chiến đấu,” Không lực Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương cho biết trong một tuyên bố.
Mimi Nguyen Ly
Cẩm An biên dịch
Xem thêm: