Nga có thể sa vào vũng lầy chiến tranh ở Ukraine, Hoa Kỳ một lần nữa cảnh báo ĐCSTQ
Nga đã phát động một cuộc tấn công vào Ukraine từ ngày 24/02, và vẫn đang trong tình trạng giằng co với Ukraine tại các thành phố lớn. Theo phân tích của các chuyên gia, cuộc chiến mà ban đầu tưởng chừng là “chênh lệch lớn về sức mạnh” này, có thể sẽ khiến Nga sa vào vũng lầy chiến tranh. Trong khi đó, Hoa Kỳ cũng đang chuẩn bị cho khả năng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ, Trung Cộng) có thể lợi dụng tình thế để thừa cơ xâm lược Đài Loan.
Tổng thống Nga Putin đánh giá sai tình hình, kế hoạch “kết thúc cuộc chiến trong vài ngày” tan thành mây khói
Hôm 04/03 đánh dấu cho ngày thứ chín Nga xâm lược Ukraine, quân đội Nga đã nổ súng vào tất cả các phía của nhà máy điện hạt nhân lớn nhất Âu Châu ở Ukraine, ngọn lửa cuối cùng đã được dập tắt và dự đoán ban đầu là không có bức xạ hạt nhân nào bị phát tán. Liên Hiệp Quốc đã lên án mạnh mẽ hành động của quân đội Nga.
Hiện tại, cuộc tấn công của quân đội Nga vào các thành phố lớn của Ukraine vẫn đang ở thế bế tắc. “Không ai có thể nghĩ rằng tuần đầu tiên của cuộc chiến lại kết thúc như thế này”, ông Pavel K. Baev, chuyên gia tại Viện Brookings, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn, cho biết.
Đài VOA đưa tin, tại hội nghị chuyên đề của Viện Brookings diễn ra mới đây , ông Baev nói: “Cuộc chiến này chưa bao giờ có cơ hội diễn ra theo kế hoạch”.
Sau nhiều tháng tập kết quân sự ở biên giới Nga-Ukraine, cuộc chiến vốn dĩ “mạnh yếu rõ ràng” cuối cùng đã nổ ra, nhưng viễn cảnh “tốc chiến tốc thắng trong mấy ngày” của Nga đã không thể trở thành hiện thực.
Ông Steven Pifer, cựu Đại sứ Hoa Kỳ tại Ukraine cho biết tại hội nghị rằng, Tổng thống Nga Putin đã đánh giá thấp quyết tâm của người dân Ukraine. Ông Putin dường như đã đánh giá sai tình hình, cho rằng quân đội Nga sẽ sớm chiếm được Kyiv, thủ đô của Ukraine.
Tờ AFP dẫn lời các chuyên gia Hoa Kỳ cho rằng, Nga rõ ràng đã mắc sai lầm về chiến lược và chiến thuật trong những ngày đầu tiên của cuộc chiến. Quân đội Nga đã kỳ vọng rằng sẽ nhanh chóng triệt tiêu khả năng phản công của Ukraine, phá hủy khả năng chỉ huy và kiểm soát của quân đội Ukraine, nhưng những kỳ vọng này đã không thành hiện thực.
Chuyên gia: Nga có khả năng rơi vào vũng lầy chiến tranh
Vài ngày trước, các hình ảnh vệ tinh đã chụp được một đoàn xe dài 64 km của quân đội Nga cách Kyiv khoảng 40 km về phía tây bắc, nhưng vẫn chưa chiếm được Kyiv. Các quan chức quốc phòng cấp cao Hoa Kỳ cho biết, đoàn xe của quân đội Nga đã bị dừng lại vì tình trạng thiếu nhiên liệu và lương thực nghiêm trọng.
Nhà phân tích quốc phòng cấp cao của RAND Corporation, ông Scott Boston cho biết, có thể dễ hiểu nếu cuộc xâm lược trở nên tồi tệ sau hai đến ba tuần, “nhưng nếu bạn thất bại ngay khi từ khi bước vào cửa, thì đó lại là một câu chuyện khác”.
Theo Đài VOA đưa tin, có nhiều dấu hiệu cho thấy quân đội Nga đã gặp bất lợi, họ đã đánh giá thấp quyết tâm phản kháng của Ukraine, và cuộc chiến này rất có thể sẽ đẩy Nga hãm sâu vào vũng lầy chiến tranh.
Ông Steven Pifer, người từng là Phó trợ lý Ngoại trưởng Nga và Ukraine (2001-2004) tại Văn phòng Các vấn đề Âu Châu và Á-Âu, cho rằng ngay cả khi Nga chiếm được một số thành phố của Ukraine, giao tranh vẫn rất có khả năng sẽ tiếp tục.
Ông Pifer chỉ ra rằng, Nga vẫn đang duy trì lợi thế đáng kể về quân số và vũ khí hiện đại, quân đội Ukraine khó có thể giành chiến thắng. Tuy nhiên, theo ông, ngay cả khi Nga đạt được mục tiêu lớn nhất là chiếm được Kyiv, lật đổ chính phủ đương nhiệm và thành lập một chính phủ thân Nga, điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?
Ông nói: “Người Nga có thể đang chuẩn bị cho một cuộc chiếm đóng lâu dài, trong nhiều trường hợp, những người Ukraine có vũ trang tràn đầy sự tức giận và thù địch sẽ nhìn không thuận mắt. Tôi nghĩ người Ukraine sẽ tiếp tục kháng cự”.
Thương vong của hai bên là bao nhiêu? Nga bị cáo buộc lừa binh sĩ ra trận
Trong gần 10 ngày giao tranh, Ukraine đã thông báo về thương vong của cả hai bên, nhưng Nga thì luôn im lặng. Tờ The New York Times nói rằng không ai biết có bao nhiêu binh sĩ Nga đã thiệt mạng.
Hôm 02/03, Nga lần đầu tiên công bố số liệu thương vong, cho biết đã có 498 binh sĩ thiệt mạng và 1,597 người bị thương trong quá trình làm nhiệm vụ. Về phía quân kháng chiến Ukraine, đã có hơn 2,870 người thiệt mạng và khoảng 3,700 người bị thương.
Tuy nhiên, Ukraine trước đó đã cho biết quân đội Ukraine đã hạ hơn 5,300 binh sĩ Nga. Cả hai số liệu này vẫn chưa được xác nhận.
Đài VOA cho biết, tinh thần của quân đội Nga được nhiều người đánh giá là rất thấp. Chuyên gia quân sự, ông Baev chỉ ra rằng: Ít nhất một nửa số quân đội của Nga là lính nghĩa vụ trẻ, những người dự kiến sẽ xuất ngũ trong vòng 3 hoặc 4 tháng; Họ được cho biết rằng sẽ tham gia diễn tập quân sự, nhưng bây giờ họ đang tham gia vào cuộc chiến và đối mặt với giao tranh ác liệt trên đường phố.
Tờ The New York Times đưa tin, Đại sứ Ukraine tại Liên Hiệp Quốc, ông Sergiy Kyslytsya, đã đọc tin nhắn cuối cùng của một binh sĩ Nga gửi cho mẹ anh tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc vào hôm 28/02. Ông cho biết những bức ảnh này do quân đội Ukraine thu được sau khi người lính này thiệt mạng.
“Chúng con được thông báo rằng họ sẽ chào đón chúng con, nhưng họ lại ngã vào gầm xe bọc thép của chúng con, chui vào dưới bánh xe, không cho chúng con đi qua”, “Họ gọi chúng con là những kẻ phát xít. Mẹ ơi, khó khăn quá”. Ông Kyslytsya đọc.
Hôm 01/03, một quan chức cao cấp của Ngũ Giác Đài cho biết, một số quân đội Nga đã ngừng chiến đấu và hạ vũ khí sau khi chạm trán với hàng phòng thủ kiên cố bất thường của Ukraine. Có đội quân của Nga thì khoan lỗ trên thùng nhiên liệu của xe, có lẽ là để tránh giao tranh, quan chức này cho biết.
Các quan chức Ngũ Giác Đài và các nhà phân tích quân sự cho biết họ rất bất ngờ, đặc biệt là khi các binh sĩ Nga bỏ lại thi thể của đồng đội.
Hôm 28/02, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine, ông Oleksii Reznikov đã đề xuất khoản tiền thưởng 5 triệu rúp tiền mặt và lệnh ân xá toàn bộ nếu binh sĩ Nga đầu hàng. Chính phủ Ukraine cũng đã thành lập một trang web nhằm giúp các gia đình Nga tìm kiếm thông tin về những người lính có thể đã thiệt mạng hoặc bị bắt.
Cuộc chiến sẽ còn tiếp diễn trong bao lâu? Hoa Kỳ một lần nữa cảnh báo ĐCSTQ
Vừa qua, Nga và Ukraine đã bắt đầu tiến hành đàm phán. Hôm 03/03, Kyiv và Moscow thông báo kết thúc vòng đàm phán thứ hai, họ đồng ý về cơ chế hành lang nhân đạo để hỗ trợ việc di tản công dân.
Tuy nhiên, Tổng thống Nga Putin dường như không quan tâm lắm đến các cuộc đàm phán. Bà Angela E. Stent, cựu thành viên Ban Cố vấn Chỉ huy Tối cao NATO, nói rằng: “Một cựu Bộ trưởng Văn hóa của Nga đã được chỉ định để dẫn đầu phái đoàn, tôi nghĩ đây là điều cho thấy họ nghiêm túc như thế nào trong việc đàm phán”.
Một số nhà phân tích cho rằng Nga đang vấp phải sự phản kháng quyết liệt từ Ukraine và các lệnh trừng phạt quốc tế gay gắt nhất trong lịch sử, Nga sẽ ngày càng gặp khó khăn, còn Ukraine càng cầm cự được lâu thì càng nhận được nhiều sự hỗ trợ từ quốc tế. Có câu nói của Mạnh Tử rằng: “Đắc đạo đa trợ, thất đạo quả trợ” (chính nghĩa thì nhiều người giúp đỡ, bất chính thì ít người giúp đỡ). Nền kinh tế Nga đang gần như quay về thời kỳ Liên Xô sụp đổ chỉ trong vài ngày.
Về cuộc chiến Nga-Ukraine, ĐCSTQ có thái độ mập mờ, một mực không muốn lên án Nga, cũng không có bất kỳ hành động thực chất nào để ngăn chặn cuộc chiến, điều này khiến cho nhiều bên nghi ngờ.
Tờ The New York Times gần đây tiết lộ rằng, ĐCSTQ đã để lộ thông tin tình báo của Hoa Kỳ cho Nga, đồng thời cũng biết trước rằng Nga sẽ xâm lược Ukraine. Ông Trịnh Khâm Mô (Cheng Qinmo), Giám đốc Khoa Đối ngoại và Quan hệ Quốc tế tại Đại học Đạm Giang (Tamkang) ở Đài Loan nói với The Epoch Times rằng, thái độ của ĐCSTQ sẽ khiến mọi người cho rằng ĐCSTQ đã bị ràng buộc với Nga.
Hôm 02/03, một nhóm thượng nghị sĩ của Đảng Cộng Hòa tại Quốc hội Hoa Kỳ đã đề xuất một dự luật mới nhất, nói rằng Hoa Kỳ sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt tài chính nghiêm khắc đối với chính phủ Trung Quốc “nếu ông Tập Cận Bình muốn bắt chước cuộc xâm lược của ông Putin” hoặc phong tỏa Đài Loan, hoặc cố gắng sử dụng vũ lực để thay đổi thể chế hiện tại của Đài Loan.
Đầu tuần này, một phái đoàn lưỡng đảng cấp cao do Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden phái đi đã đến thăm Đài Loan, chứng tỏ rằng cam kết của chính phủ Tổng thống Biden đối với Đài Loan vẫn còn vững chắc, nhằm chống lại việc ĐCSTQ tiếp tục quấy rối và kêu gọi Đài Loan “thống nhất”. Gần như cùng lúc, cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo cũng đã đến thăm Đài Loan để thể hiện sự ủng hộ của ông đối với Đài Loan và cảnh báo ĐCSTQ.
Xuân Hoàng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ
Xem thêm: