Nga cảnh báo khai triển vũ khí hạt nhân gần Phần Lan, Thụy Điển nếu họ gia nhập NATO
Hôm 14/04, Cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev cảnh báo rằng khu vực Biển Baltic có thể sẽ không còn là khu vực “phi hạt nhân hóa” nếu Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO.
Ông Medvedev, một trong những đồng minh thân cận nhất của Tổng thống Vladimir Putin, hiện là Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, đã đưa ra lời đe dọa hạt nhân một ngày sau khi Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin cho biết Helsinki đang tiến gần hơn tới khả năng gia nhập NATO và sẽ đi đến một kết luận “trong vòng vài tuần.”
“Trong trường hợp này, sẽ không thể nói về tình trạng phi hạt nhân hóa của vùng Baltic nữa. Sự cân bằng phải được khôi phục,” ông Medvedev nói trên kênh Telegram cá nhân của mình.
Phần Lan có chung đường biên giới dài nhất của Liên minh Âu Châu với Nga, dài 832 dặm (1,339 km). Cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine đã gây ra một làn sóng ủng hộ gia nhập NATO ở Phần Lan và Thụy Điển, hai quốc gia Bắc Âu không liên kết với nhau về mặt quân sự.
“Nếu Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO, thì chiều dài đường biên giới trên bộ của liên minh này với Liên bang Nga sẽ tăng hơn gấp đôi,” Thủ tướng Medvedev nói, đồng thời lưu ý rằng Moscow sẽ buộc phải “tăng cường nghiêm túc” hệ thống phòng thủ trên bộ, hải quân, và phòng không trong vùng biển của Vịnh Phần Lan.
“Đương nhiên, chúng tôi sẽ phải củng cố những đường biên giới này,” ông nói. “Cho đến nay, Nga đã không thực hiện các biện pháp như vậy và sẽ không áp dụng chúng. Nếu chúng tôi bị ép buộc — thì … chúng tôi không phải là người đã khởi xướng việc này.”
Đây không phải là lần đầu tiên Moscow đưa ra những lời đe dọa hạt nhân, mặc dù những bình luận của một quan chức nổi bật của Điện Kremlin này là một trong những bình luận cứng rắn nhất.
Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên sau khi được yêu cầu đưa ra bình luận về tuyên bố của Thủ tướng Medvedev rằng “điều này đã được nói đến nhiều lần” và ông Putin đã ra lệnh “củng cố sườn phía tây của chúng tôi,” do NATO đang mở rộng về phía đông.
“Tôi không thể nói. … Sẽ có toàn bộ danh sách các biện pháp, các bước cần thiết,” ông Peskov nói sau khi được hỏi liệu việc khai triển thêm cơ sở hạ tầng quân sự ở khu vực Biển Baltic có bao gồm vũ khí hạt nhân hay không. “Điều này sẽ được đề cập trong một phiên họp riêng của tổng thống.”
Ông Arvydas Anusauskas, Bộ trưởng Quốc phòng Lithuania, đã nhanh chóng bác bỏ những bình luận của Thủ tướng Medvedev, nói rằng chúng không có gì mới và Nga đã khai triển hỏa tiễn hành trình trang bị vũ khí hạt nhân trong khu vực này suốt nhiều năm qua.
“Các mối đe dọa hiện tại của Nga nghe khá kỳ lạ khi chúng ta biết rằng, ngay cả khi không có tình hình an ninh hiện tại, họ vẫn giữ các vũ khí đó [ở khoảng cách 60 dặm (96 km)] từ biên giới của Lithuania,” Bộ trưởng Quốc phòng này nói. “Vũ khí hạt nhân luôn được cất giữ ở Kaliningrad. … Các quốc gia trong khu vực này hoàn toàn nhận thức được điều này.”
Kaliningrad
Kaliningrad là một vùng đất trên Biển Baltic nằm giữa các thành viên NATO là Lithuania và Ba Lan và có một tầm quan trọng đặc biệt đối với chiến trường ở vùng Bắc Âu. Trước đây, cảng Koenigsberg thuộc nước Phổ, thủ phủ của Đông Phổ, nằm cách London và Paris chưa đầy 870 dặm (1,400 km) và cách Berlin 310 dặm (498 km).
Năm 2018, Nga cho biết họ đã khai triển hỏa tiễn Iskander tới Kaliningrad, nơi bị Hồng quân chiếm vào tháng 04/1945 và nhượng lại cho Liên Xô tại hội nghị Potsdam.
Iskander, được NATO gọi là SS-26 Stone, là một hệ thống hỏa tiễn đạn đạo chiến thuật tầm ngắn có thể mang cả đầu đạn hạt nhân và thông thường. Tầm bắn chính thức của nó là khoảng 300 dặm (482 km) nhưng một số nguồn tin quân sự phương Tây nghi ngờ tầm bắn của nó có thể xa hơn nhiều.
“Không một người lành mạnh nào lại muốn giá cao hơn và thuế cao hơn, căng thẳng gia tăng dọc theo biên giới, các hệ thống Iskander, các vũ khí siêu thanh, và các chiến hạm có vũ khí hạt nhân ở sát vách nhà họ chỉ trong gang tấc theo đúng nghĩa đen,” ông Medvedev nói trong bình luận của mình về việc Phần Lan và Thụy Điển có khả năng gia nhập NATO.
Theo NTD News
Bản tin có sự đóng góp của Reuters
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: