Nga bị loại khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc
Hôm thứ Năm (07/04), Liên Hiệp Quốc đã biểu quyết để đình chỉ Nga tham gia Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc sau các tin tức cáo buộc quân đội Nga thực hiện tội ác chiến tranh trong những ngày gần đây. Sau đó, một quan chức Nga thông báo rằng nước này sẽ rút khỏi Hội đồng.
93 quốc gia đã bỏ phiếu ủng hộ việc loại Nga khỏi Hội đồng, trong khi 24 quốc gia bỏ phiếu phản đối và 58 quốc gia bỏ phiếu trắng. Trung Quốc, Iran, Syria, và Belarus nằm trong số những quốc gia đã bỏ phiếu chống lại nghị quyết này.
Nga hiện là quốc gia thứ hai bị loại khỏi Hội đồng Nhân quyền. Năm 2011, Libya đã bị đình chỉ do những hành động của cựu lãnh đạo Moammar Gadhafi trong các cuộc biểu tình Mùa xuân Ả Rập, sau đó biến thành phong trào lật đổ chính phủ của ông.
Một bản dự thảo của nghị quyết đã được biểu quyết cho biết Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc có thể “đình chỉ quyền thành viên trong Hội đồng Nhân quyền của một thành viên Hội đồng vi phạm nghiêm trọng một cách có hệ thống các quyền con người.”
Nghị quyết cũng cho biết các quốc gia thành viên đã bày tỏ “mối lo ngại sâu sắc” về các cáo buộc liên quan đến “những vi phạm và lạm dụng nhân quyền có hệ thống” và “vi phạm luật nhân đạo quốc tế” kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bắt đầu từ ngày 24/02/2022.
Hành động này đã được thúc đẩy bởi những cáo buộc từ phía Ukraine vào cuối tuần qua (02-03/04) rằng quân đội Nga đã hành quyết thường dân ở Bucha, ngoại ô Kyiv, khi họ rút khỏi khu vực này vào tuần trước. Chính phủ Ukraine đã đăng các video và hình ảnh về những cá nhân có vẻ như bị hành quyết, với một số người bị trói tay ra sau lưng.
Các quan chức hàng đầu của Điện Kremlin đã cực lực phủ nhận các tuyên bố trên và cáo buộc Kyiv dàn dựng các bức ảnh và video về những thi thể như một hành động khiêu khích, đồng thời giới lãnh đạo Nga cũng cáo buộc phương Tây dựng chuyện để làm gián đoạn các cuộc đàm phán hòa bình giữa hai bên. The Epoch Times không thể xác minh độc lập các bức ảnh và video xuất hiện từ Bucha trong những ngày gần đây.
Trước cuộc bỏ phiếu hôm thứ Năm, Phó Đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc Gennady Kuzmin đã kêu gọi các quốc gia thành viên bác bỏ nghị quyết này và gọi đây là một “tiền lệ nguy hiểm.”
Ông nói, “Hôm nay không phải là lúc và cũng không phải là nơi dành cho kịch nghệ. Bản dự thảo nghị quyết mà chúng ta đang xem xét hôm nay không có mối liên hệ nào với tình hình nhân quyền thực tế tại hiện trường.”
Sau đó, ông Kuzmin nói rằng Nga sẽ rời bỏ cơ quan nhân quyền của Liên Hiệp Quốc sau cuộc bỏ phiếu, theo Reuters. Ông nói, “Trong hoàn cảnh ngày nay, hội đồng trên thực tế đã bị chiếm hữu độc quyền bởi một nhóm các quốc gia sử dụng nó cho các mục đích ngắn hạn của mình.”
Trong khi đó, Hoa Kỳ đã lập luận rằng vì bị cáo buộc phạm tội ác chiến tranh, Nga không nên giữ vị trí trong cơ quan Nhân quyền này.
“Nga không nên có một vị trí quyền lực trong một cơ quan có mục đích — mà bản thân mục đích này — là thúc đẩy sự tôn trọng nhân quyền. Điều đó không chỉ là đỉnh cao của đạo đức giả mà còn nguy hiểm,” Đại sứ Linda Thomas-Greenfield nói hôm thứ Năm, “Mỗi ngày, chúng ta lại càng thấy Nga ít tôn trọng nhân quyền như thế nào.”
Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmitry Kuleba đã hoan nghênh cuộc bỏ phiếu hôm thứ Năm.
“Tội phạm chiến tranh không có chỗ trong các cơ quan của Liên Hiệp Quốc nhằm mục đích bảo vệ nhân quyền. [Chúng tôi] biết ơn tất cả các quốc gia thành viên đã ủng hộ nghị quyết liên quan của UNGA (Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc) và đã chọn đúng phía của lịch sử,” ông viết trên Twitter.
Nga đang ở năm thứ hai của nhiệm kỳ ba năm trong hội đồng có trụ sở tại Geneva này. Hội đồng không thể đưa ra các quyết định ràng buộc về mặt pháp lý. Tuy nhiên, các quyết định của họ đã gửi đi các thông điệp chính trị quan trọng, và hội đồng có thể cho phép [thực hiện] các cuộc điều tra.
Ông Jack Phillips là một phóng viên thời sự của The Epoch Times tại New York.
Bản tin có sự đóng góp của Reuters
Minh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: