New York: Người đàn ông tấn công các quầy thông tin Pháp Luân Công đã bị bắt
NEW YORK — Một người đàn ông đã bị bắt sau khi các nhân chứng khai báo đã nhiều lần nhìn thấy anh này phá hoại các quầy thông tin trong khu phố Flushing ở New York, một nỗ lực nhằm làm sáng tỏ cuộc bức hại kéo dài của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đối với nhóm tín ngưỡng Pháp Luân Công.
Nghi phạm Trịnh Bộ Thu (Zheng Buqiu), 32 tuổi, ở Flushing, đã bị bắt vào khoảng trưa hôm 15/02 gần giao lộ giữa Phố Chính và Kissena Boulevard, cách bốn quầy thông tin mà anh ta đã liên tục phá hoại trong bốn ngày kể từ ngày 10/02 không xa.
Cảnh sát đã buộc anh Trịnh tội thù hận và tội phá phách hình sự cấp độ bốn, một sĩ quan nói với The Epoch Times. Cả hai tội đều bị phạt tù lên đến một năm.
‘Sự trơ trẽn’
Người đàn ông, sau đó được xác định là Trịnh, đội mũ lưỡi trai đen và mặc áo T-shirt đen để lộ hình xăm trên cả cánh tay và một phần ngực, bắt đầu hành vi phá hoại của mình trên Phố Chính ở Flushing. Tại một quầy thông tin trước Trung tâm mua sắm Golden hôm 11/02, anh ta đã đấm và đá vào một bảng trưng bày có in dòng chữ “Chân, Thiện, và Nhẫn” — ba nguyên lý của môn tu luyện tinh thần Pháp Luân Công — video quay cảnh vụ việc cho thấy.
Sau đó, anh ta lật tung một chiếc bàn, làm rơi tung tóe các tập thông tin cũng như các khung kim loại dùng để kê các bảng trưng bày, trước khi kéo các tấm bảng đã bị phá hủy đi; anh ta cũng làm vỡ một chiếc loa di động bằng cách dẫm đạp lên nó.
Trước đó trong ngày, các tình nguyện viên cho biết Trịnh đã ném tài liệu thông tin xuống đất và cố gắng đập vỡ một chiếc bàn mà các tình nguyện viên cố gắng lấy thân mình che chắn, tại một gian hàng khác trước Thư viện Công cộng Queens. Người đàn ông đã rời đi trước khi quay lại với chiếc áo T-shirt được cởi nút [để lộ hình xăm trên ngực] của mình, xé toạc một bảng hiển thị trước khi các tình nguyện viên chặn anh này gây rối thêm.
Vụ việc xảy ra tại trung tâm thương mại khiến bà Từ Vệ Quốc (Xu Weiguo), một tình nguyện viên quay lại một phần của vụ phá hoại, mất ngủ vào đêm hôm đó.
“Là một phụ nữ ở đây, điều này thực sự đáng lo ngại,” bà nói với The Epoch Times hôm 11/02. “Tôi chưa bao giờ thấy bất cứ điều gì như thế này kể từ khi tôi đến Mỹ hơn 10 năm trước.”
Bà và các tình nguyện viên khác coi vụ tấn công này là một phần của một chiến dịch đe dọa do ĐCSTQ tổ chức nhằm ngăn chặn họ lên tiếng chống lại các hành vi vi phạm nhân quyền của chế độ này.
“Nó để lại một nỗi sợ hãi âm ỉ trong tôi,” bà nói. Bà cho biết, “sự trơ trẽn của người đàn ông đó ngay cả trên đất Mỹ chỉ đơn giản là không thể hiểu được.”
Các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc đã bị ĐCSTQ bức hại một cách có hệ thống trong hơn hai thập niên. Những người ở ngoại quốc tìm cách nâng cao nhận thức về vấn đề này đã trải qua những nỗ lực nhất quán của ĐCSTQ và các tổ chức thân tín của đảng này nhằm ngăn cản các hoạt động của họ.
Hàng triệu học viên đã bị cầm tù hoặc bị đưa đến các cơ sở khác của chính quyền, nơi họ phải chịu cảnh lao động khổ sai, đánh đập, bức thực, và lạm dụng tình dục nhằm ép họ từ bỏ đức tin của mình. Những người bị giam giữ cũng là nạn nhân của thu hoạch nội tạng cưỡng bức.
Khi Thế vận hội bắt đầu ở Bắc Kinh, Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp có trụ sở tại New York đã xác định được hơn một chục trại tù xung quanh các địa điểm Thế vận hội ở Bắc Kinh và các thành phố lân cận, nơi các vụ giam giữ và tra tấn vẫn đang diễn ra.
Anh Trịnh đã thực hiện nhiều cuộc tấn công trong bốn ngày khác nhau, trước khi bị bắt khoảng một giờ sau khi anh ta đập bàn thông tin Pháp Luân Công ở thư viện và giật những bông hoa sen trang trí trên quầy, khiến các học viên phải báo cảnh sát.
Ít nhất sáu sĩ quan đã có mặt để bắt giữ nghi phạm này, người mặc áo khoác đen trùm đầu và đội mũ lưỡi trai đen, đoạn video quay lại cảnh bắt giữ cho thấy.
Anh Trịnh được tại ngoại hôm 16/02. Tòa án đã ban hành lệnh bảo vệ cấm anh ta tiếp xúc với hai học viên Pháp Luân Công hoặc đến gần các gian hàng của Pháp Luân Công. Lần ra tòa tiếp theo của anh ta được ấn định vào ngày 30/03 tới.
Lời kêu gọi nhận thức
Bà Dịch Dung (Yi Rong), một phát ngôn viên của Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp, bày tỏ sự cảm kích và nhẹ nhõm đối với việc anh Trịnh bị bắt. Bà cảm ơn cảnh sát đã hành động kịp thời để “khôi phục yên bình cho cộng đồng Flushing.”
Bà Dịch cho biết, hành vi quấy rối nhắm vào Pháp Luân Công đã gây ra cảm giác bất an trong cộng đồng người Hoa. Bà đã thúc giục chính phủ Hoa Kỳ tăng cường các biện pháp bảo vệ cộng đồng để những tội ác do thù hận như thế này sẽ không tái diễn một lần nữa.
Nhiều người trong số những tình nguyện viên trực tại gian hàng này đã trải qua cuộc đàn áp của chính quyền Trung Quốc trước khi họ tìm cách tị nạn ở Mỹ, và họ tìm đến chính phủ Hoa Kỳ để bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng của mình, bà Dịch Dung nói với The Epoch Times.
Lãnh đạo Hạ viện tiểu bang Martha Flores-Vazquez cũng chia sẻ cảm xúc tương tự. Tại một cuộc tụ họp mà bà tổ chức hôm 13/02, bà đã chỉ vào một chiếc bàn bị đổ vì kẻ tấn công, gọi đó là “một sự thiếu tôn trọng lớn.”
“Chúng tôi không hoan nghênh những tội ác do thù hận, chúng tôi không hoan nghênh các hoạt động tội phạm đến đây để phá hủy một cái bàn, để phá bỏ một nền văn hóa,” bà nói. “Đây không phải là Trung Quốc, đây là Hoa Kỳ.”
Các quầy thông tin là một trong những cách chính mà các học viên Pháp Luân Công thông báo cho người dân địa phương và khách du lịch về hoàn cảnh của các học viên là đồng môn của họ ở Trung Quốc. Điều đó cũng khiến họ trở thành một mục tiêu tấn công nổi bật.
Trong nhiều tháng trong năm 2008, đám đông người Trung Quốc đã vẫy cờ đỏ của cộng sản và nhạo báng, chửi bới và tấn công các học viên Pháp Luân Công ở Flushing, những người đang phát tài liệu in ấn liên quan đến Pháp Luân Công. Các sự cố tương tự đã xảy ra ở nhiều nơi khác, bao gồm ở Úc, Nhật Bản, và gần đây hơn là ở Hồng Kông.
Tháng Tư năm ngoái (2021), các thủ phạm đeo khẩu trang đã phá hoại sáu quầy thông tin ở một số quận của Hồng Kông khoảng một chục lần, dùng dao và sơn xịt làm hỏng các biển báo tại các quầy này. Thiệt hại ước tính khoảng 30,000 HKD (khoảng 3,845 USD).
Bà Dịch khẳng định rằng các học viên Pháp Luân Công sẽ không ngừng lên tiếng.
Bà nói: “Chúng tôi đã chưa bao giờ từ bỏ niềm tin của mình ở Trung Quốc đại lục, thì thậm chí sẽ càng không bao giờ có chuyện chúng tôi từ bỏ ở đây.”
Cô Eva Fu là một phóng viên tại New York của The Epoch Times. Cô chuyên đưa tin về Hoa Kỳ–Trung Quốc, tự do tôn giáo, và nhân quyền. Quý vị có thể liên lạc với cô tại [email protected].
Bản tin có sự đóng góp của Linda Lin
Minh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: