New York: 4,000 người tham dự cuộc diễn hành kỷ niệm 30 năm ngày Pháp Luân Công phổ truyền
NEW YORK – Vào khoảng thời gian này mỗi năm, hàng ngàn người từ New York và trên khắp thế giới sẽ hội tụ tại một số con đường nhộn nhịp nhất của Manhattan để kỷ niệm một ngày mà họ trân quý. Và năm nay cũng không ngoại lệ.
Mặc dù đại dịch đã làm giảm giao thông, nhưng khoảng 4,000 học viên Pháp Luân Công từ New York và các nơi khác đã tụ hội hôm thứ Sáu (13/05) tại thành phố Quả Táo Lớn (Big Apple) để kỷ niệm Ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế Giới. Những chiếc áo T-shirt màu vàng hoặc xanh dương tươi sáng khiến họ nổi bật khi diễn hành từ Đường số 47 phía đông đến Đường số 42 phía tây. Ngày 13/05 cũng trùng với sinh nhật của nhà sáng lập pháp môn tu luyện, Đại sư Lý Hồng Chí.
Năm nay là năm thứ 30 kể từ khi Đại sư Lý phổ truyền pháp môn tu luyện này ở Trung Quốc vào năm 1992. Môn này bắt nguồn từ các hệ thống tín ngưỡng truyền thống của Trung Hoa, dạy các giá trị chân, thiện, và nhẫn để giúp cải thiện toàn diện cả thân lẫn tâm.
Pháp Luân Công đã nhanh chóng phổ biến nhờ người truyền người trên toàn quốc. Trong vòng bảy năm, khoảng 70-100 triệu người đã bước vào tu luyện, đưa môn này trở thành một trong những cộng đồng tâm linh lớn nhất ở Trung Quốc. Nhưng đến năm 1999, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vô thần đã coi sự phổ biến của Pháp Luân Công là một mối đe dọa đối với sự nắm quyền của mình, và đã phát động một cuộc đàn áp tàn bạo nhắm vào môn tu luyện này.
Vẫn tiếp diễn cho đến ngày nay, chiến dịch mở rộng này đã khiến hàng triệu học viên bị đưa vào các trại giam giữ, trại lao động, và nhà tù, nơi họ bị tra tấn, bị bắt làm lao động nô lệ, bị tẩy não, và thu hoạch nội tạng cưỡng bức.
Năm nay, hàng trăm quan chức từ khắp nơi trên thế giới đã công bố các giải thưởng và tuyên bố công nhận sự kiện này, trong đó có gần 300 người đến từ hai tiểu bang New York và New Jersey.
“Trong nhiều thập niên, các học viên Pháp Luân Công đã phải chịu đựng khổ nạn dưới bàn tay của ĐCSTQ chỉ vì niềm tin tín ngưỡng của họ,” Thượng nghị sĩ Marco Rubio (Cộng Hòa-Florida) cho biết trong một tweet hôm thứ Sáu (13/05) khi theo dõi sự kiện này cùng chiến dịch bức hại kéo dài.
Ông nói thêm rằng ông “đứng về phía những người thực hành đức tin của họ một cách ôn hòa và kêu gọi chấm dứt cuộc bức hại Pháp Luân Công và các nhóm tín ngưỡng khác.”
Nghĩ cho người khác
Trong số những người tham dự cuộc diễn hành có cô Triệu Tĩnh (Zhao Jing), 45 tuổi, bị bắt hồi tháng 10/1999 từ lớp học của cô tại trường Cao đẳng Ngoại ngữ thuộc Đại học Nam Khai danh tiếng ở thành phố Thiên Tân, miền bắc Trung Quốc. Cô sinh viên bị đuổi học cùng năm khi cô không chịu từ bỏ đức tin của mình.
Sau đó, cô Triệu đã đến thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc để công khai kêu gọi tự do tín ngưỡng tại Quảng trường Thiên An Môn nổi tiếng. Vì điều này, cô đã bị giam giữ và bỏ tù, đồng thời phải chịu đựng những cuộc thẩm vấn và tra tấn bạo lực trong khi bị giam giữ.
Nhưng đứng giữa một đám đông những người phụ nữ mặc trang phục sáng màu và vận một chiếc áo khoác màu màu lam nhạt tại cuộc diễn hành, khuôn mặt của cô rạng ngời — dường như không có chút vết tích nào của nhiều năm bị bức hại.
Cô cho biết những giá trị được truyền đạt trong các bài giảng của Pháp Luân Công đã mang lại cho cô sức mạnh nội tại và trí huệ để đối mặt với bất cứ điều gì nảy sinh trong cuộc sống.
Lần đầu tiên cô gặp được một cuốn sách Pháp Luân Công là khi đang dạo quanh các kệ hàng của một hiệu sách vào năm 1997. Những bài giảng đã khiến cô Triệu mang trong mình mong ước luôn nghĩ cho người khác khi gặp bất cứ sự tình gì.
Không lâu sau khi cô bắt đầu tu luyện, một chiếc xe hơi đã đâm vào cô khi cô đang đi xe máy. Lúc ngã xuống đất, suy nghĩ đầu tiên của cô không phải là về sự an nguy của bản thân mà là cô đã không đủ cẩn thận và có thể đã gây thiệt hại cho chiếc xe hơi đó. Kết quả là khi người tài xế bước ra để hỏi cô có sao không, những lời đầu tiên cô nói là: “Tôi rất xin lỗi. Xe của anh có sao không?”
Cô đã không bị thương, nhưng có một số vết xước ở cổ tay, đầu gối, và chân.
Chân, Thiện, Nhẫn
Anh Sreedhar Meka, một lập trình viên công nghệ thông tin 48 tuổi ở New Jersey, lần đầu tiên biết đến Pháp Luân Công vào năm 2008 sau khi nhận được một tờ rơi nói về việc thu hoạch nội tạng cưỡng bức của chính quyền Trung Quốc đối với các học viên bị giam giữ. Anh mang tờ rơi về nhà và dán lên tường. Sau đó, vì tò mò, anh đã xem trang web của Pháp Luân Công và bắt đầu đọc cuốn sách của môn tu luyện này.
Anh đã mất một năm để đọc xong cuốn sách từ trang bìa đầu tiên đến trang bìa cuối cùng.
“Tôi chỉ ép mình đọc cuốn sách này. Tôi không thể giải thích được. Nhưng chỉ đơn giản là tôi thích nó vậy thôi,” anh Meka nói với The Epoch Times.
Anh Meka đã đọc nhiều cuốn sách về tâm linh nhưng không có cuốn nào mà anh thọ ích được nhiều như khi anh đọc cuốn sách chính của Pháp Luân Công, cuốn sách tên là “Chuyển Pháp Luân”.
“Cuốn sách giải thích các thuật ngữ khoa học bằng ngôn ngữ thông thường mà một người bình thường như tôi có thể hiểu được. Sau cùng thì tất cả đều rất có đạo lý đối với tôi.”
Anh cũng như cô Triệu và nhiều người khác rất trân trọng các giá trị cốt lõi của môn tu luyện này vì đã mang lại kiến giải minh bạch cho cuộc sống thường nhật của mình. Những khái niệm chính khiến anh cảm thấy chấn động trong tâm là lòng trắc ẩn và sự buông bỏ.
Anh cho biết trước đây, “khi điều gì đó không diễn ra theo cách mà tôi muốn. Tôi đã từng rất căng thẳng và điều đó từng gây áp lực lên sức khỏe của tôi.”
“Giờ thì tôi có thể nhẹ nhàng buông bỏ với một nụ cười.”
“Đó là thứ mà tiền không thể mua được,” anh cho biết thêm. “Ngay cả khi quý vị đến bác sĩ hàng ngày, họ cũng không thể làm được điều đó.”
Cô Triệu đã đang áp dụng nguyên lý tương tự, lòng trắc ẩn, khi làm việc trong bộ phận dịch vụ khách hàng cho một chuỗi khách sạn quốc tế ở New York.
“Nhiều thứ mà mọi người bị cuốn vào, khi quý vị nhìn vào những điều đó, quý vị sẽ nghĩ: có đáng phải vậy không?”
Khi khách hàng bực bội quát mắng cô, thay vì nghĩ là họ đang đối xử không tốt với mình và cảm thấy tủi thân, cô sẽ cố gắng cảm thông cho họ. Bằng cách này, cô Triệu có thể hiểu tại sao khách hàng lại hành động như vậy và nhận ra rằng điều đó thường không liên quan đến bất cứ chuyện gì mà bản thân cô Triệu đã làm.
Cô Triệu cho biết việc nghĩ cho người khác đã giúp cô duy trì một tâm trí không bị ảnh hưởng khi giải quyết các tình huống khó khăn, từ đó giúp “xoa dịu sự bực dọc” của khách hàng.
Tại điểm xuất phát của cuộc diễn hành ở Dag Hammarskjöld Plaza bên cạnh trụ sở Liên Hiệp Quốc, anh Wattana Bo, một nhân viên bưu điện kiêm họa sĩ ở New York, đang lặng lẽ chụp ảnh những người tham gia diễn hành. Anh cho biết anh đang tìm cảm hứng cho bức tranh tiếp theo của mình.
Anh Bo là một học viên Pháp Luân Công kể từ năm 1998 và đang mặc một chiếc áo hoodie trắng in rõ nét các Hán tự chứa đựng các nguyên lý cốt lõi của môn tập, “真, 善, 忍” (“Chân, Thiện, Nhẫn”).
“Nếu quý vị thực sự định làm điều gì đó, theo đuổi điều gì đó, và thực sự có khởi điểm tốt để bắt đầu, thì với Chân, Thiện, Nhẫn, quý vị sẽ không thể đi lệch với điều mà quý vị định làm.”
“Thực ra các nguyên lý này bao hàm hầu hết mọi thứ,” anh nói thêm.
Cô Eva Fu là một phóng viên tại New York của The Epoch Times. Cô chuyên đưa tin về quan hệ Hoa Kỳ–Trung Quốc, tự do tôn giáo, và nhân quyền. Quý vị có thể liên lạc với cô tại [email protected].
Minh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: