Nền kinh tế Trung Quốc suy yếu: do COVID-19, nhưng cũng do các trở ngại căn bản hơn
Tin tức mới nhất về Trung Quốc cho thấy một nền kinh tế đang suy thoái. Các thước đo quan trọng trong tháng Tám của cả ngành công nghiệp và dịch vụ đã xác nhận thực tế này. Không còn nghi ngờ gì nữa, phần lớn thất bại phản ánh sự gia tăng về các ca nhiễm COVID-19 đầu mùa hè và các đợt phong tỏa bị áp đặt theo đó bởi các chính sách “không khoan nhượng” của Bắc Kinh.
Giờ đây, tình trạng nhiễm virus dường như đã giảm bớt, các biện pháp nghiêm ngặt sẽ sớm giảm bớt, và ít nhất là sự tăng trưởng khiêm tốn sẽ có khả năng quay trở lại. Tuy nhiên, sự chững lại gần đây sẽ khiến các doanh nhân, các nhà hoạch định chính sách, và các nhà quan sát xem xét một loạt các trở ngại tăng trưởng căn bản hơn mà nền kinh tế Trung Quốc phải đối mặt.
Một số thước đo nhạy cảm nhất đối với hoạt động kinh tế – ở Trung Quốc cũng như các quốc gia khác – là các cuộc khảo sát định kỳ đối với các nhà quản lý mua hàng của doanh nghiệp. Hai thước đo như vậy cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đã có một tháng Tám tồi tệ. Ngay cả những số liệu chính thức luôn lạc quan của chính phủ cũng cho thấy thiệt hại. Cái gọi là chỉ số quản lý mua hàng (PMI) của Bắc Kinh dành cho các nhà sản xuất đã giảm 0.6% so với tháng Bảy và hiện tại thấp hơn 3.5% so với mức hồi đầu năm. Ở mức chỉ số 50.1, con số chính thức này về mặt kỹ thuật vẫn nằm trong vùng tăng trưởng, vì bất kỳ thứ gì trên 50 trong các thước đo như vậy đều cho thấy tăng trưởng, nhưng bất kỳ nhà quan sát nào cũng phải thừa nhận rằng mức giảm trên là tối thiểu. Trong khi đó, các thước đo khác chỉ ra sự suy giảm trong hoạt động kinh tế một cách rõ ràng. Các số liệu toàn cầu cho cuộc khảo sát Caixin/Markit độc lập cho thấy mức chỉ số là 42.9 cho hoạt động sản xuất Trung Quốc, nằm sâu trong mức tiêu cực, và giảm 7.2% so với mức hoạt động ghi nhận từ đầu năm.
Với các ngành dịch vụ, bức tranh nghiêm trọng hơn. Ở đó, ngay cả biện pháp chính thức của chính phủ Trung Quốc cũng cho thấy sự suy giảm, cho thấy mức chỉ số là 47.5, giảm 10.9% so với mức đo của tháng Bảy và thấp hơn gần 14% so với mức được ghi nhận vào đầu năm nay. Cuộc khảo sát độc lập của Caixin/Markit đặt PMI cho dịch vụ tháng Tám ở mức 46.7, nằm sâu trong vùng tiêu cực, giảm gần 15% so với tháng Bảy và hơn 17% so với mức vào đầu năm nay.
Các bình luận của chính phủ và nhiều hãng thông tấn đã xác định chính xác điểm yếu này do sự gia tăng các ca nhiễm COVID-19 vào mùa xuân và các đợt phong tỏa kèm theo vào đầu mùa hè này. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỷ lệ lây nhiễm trên khắp Trung Quốc bắt đầu tăng nhanh vào tháng Sáu năm ngoái và đến tháng Bảy đã tăng hơn gấp đôi so với tỷ lệ được ghi nhận hồi đầu năm. Theo chính sách chính thức, các trường hợp phong tỏa nghiêm trọng được thực hiện theo chính sách chính thức. Một sự thụt lùi kinh tế là không thể tránh khỏi.
Nếu tốc độ chậm lại của các ca lây nhiễm được biểu lộ vào đầu tháng Chín kéo dài, thì có mọi lý do để Bắc Kinh nới lỏng các biện pháp nghiêm ngặt của mình và để nền kinh tế thể hiện là có một chút sức sống. Chút sức sống này của nền kinh tế có thể sẽ hiển thị trong các báo cáo PMI tháng Mười, cả chính thức và độc lập. Không nghi ngờ gì là Bắc Kinh sẽ thu hút sự chú ý đến những thành quả đó và tuyên bố rằng tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của Trung Quốc trong quá khứ đang trở lại. Những tuyên bố như vậy có thể gây hiểu lầm.
Bên dưới sự gián đoạn của COVID-19, Trung Quốc phải đối mặt với ba trở ngại lớn đối với sự tăng trưởng vốn không tồn tại trong những thập kỷ trước. Những trở ngại này sẽ làm chậm đáng kể tốc độ phát triển của Trung Quốc ngay cả khi COVID-19 bị tiêu diệt, điều rất khó xảy ra.
Trở ngại đầu tiên trong số này là Trung quốc phải đối mặt với các biện pháp của Hoa Kỳ và các nền kinh tế lớn khác nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng của các nền kinh tế này ra khỏi Trung Quốc. Việc Bắc Kinh tích trữ một số mặt hàng quan trọng trong đại dịch năm 2020 đã thuyết phục người mua ở Hoa Kỳ và các nơi khác rằng Trung Quốc là nơi ít đáng tin cậy hơn để cung cấp nguồn hàng như họ nghĩ trước đây. Nhưng ngay cả trước khi có trải nghiệm này, đã có tác động của “cuộc chiến thương mại” năm 2019 giữa Trung Quốc và Tòa Bạch Ốc của ông Trump. Thay vì phải trả mức thuế cao mà Hoa Kỳ áp đặt đối với nhiều hàng hóa Trung Quốc, nhiều nhà sản xuất và bán buôn của Hoa Kỳ đã tìm kiếm các nhà cung cấp, từ các nguồn trong nước, và các nền kinh tế Á Châu cũng như Mỹ Latinh khác. Đồng thời, nhiều công ty Trung Quốc, để loại bỏ các sản phẩm của họ khỏi thuế quan của Hoa Kỳ, đã tạo điều kiện cho sự dịch chuyển hoạt động thuê ngoài của Hoa K bằng cách thiết lập các hoạt động [sản xuất] bên ngoài Trung Quốc, chủ yếu là các địa điểm khác tại Á Châu.
Tác động vào sự thay đổi đang diễn ra này vẫn còn là một cái gì đó căn bản hơn. Mức lương của người Trung Quốc đã tăng nhanh chóng và cùng với đó là chi phí sản xuất ở Trung Quốc. Điều không thể tránh khỏi là khi Trung Quốc thịnh vượng, người lao động sẽ có được quyền thương lượng, và điều này đã xảy ra. Ví dụ, trong 5 năm qua, mức lương trung bình theo giờ của người lao động Trung Quốc đã tăng ở mức 8% một năm. Mặc dù mang lại lợi ích cho người lao động, nhưng xu hướng này đã làm suy yếu vị thế trước đây của Trung Quốc là nguồn cung cấp lao động giá rẻ, khiến cả người mua [hàng] ngoại quốc phải tìm nơi khác để tìm nguồn cung ứng và các nhà sản xuất Trung Quốc hướng ra ngoại quốc khi thiết lập các hoạt động [sản xuất] mới.
Hồ sơ nhân khẩu học già nua của Trung Quốc đứng thứ hai trong ba trở ngại tăng trưởng này. Theo thống kê của Liên hợp quốc, chính sách một con mà Trung Quốc áp dụng từ cuối những năm 1970 cho đến gần đây đã làm chậm dòng người mới [bổ sung] vào lực lượng lao động của Trung Quốc, đến mức họ thậm chí không thể thay thế những người lao động lớn tuổi sắp nghỉ hưu. Các nhà nhân khẩu học của Liên hợp quốc ước tính rằng vào năm 2040, xu hướng này sẽ khiến quy mô dân số trong độ tuổi lao động của Trung Quốc giảm 10%.
Tình trạng thiếu lao động trẻ là một sự thay đổi lớn so với thời kỳ tăng trưởng nhanh của Trung Quốc trong quá khứ, khi tỷ lệ sinh cao của những năm trước đó đã tạo ra một lượng lao động dồi dào cho nền kinh tế. Sự thiếu hụt lao động trong tương lai sẽ thúc đẩy mẫu hình tăng lương của Trung Quốc, khiến nền kinh tế kém hấp dẫn hơn nhiều như một nơi để các nhà sản xuất ngoại quốc tìm kiếm nguồn hàng. Sự thiếu hụt lao động cũng sẽ phủ nhận việc Trung Quốc là nơi có sự dồi dào của bàn tay và khối óc lao động vốn đã giúp thúc đẩy tăng trưởng nhanh chóng và sự linh hoạt của nền kinh tế trong giai đoạn phát triển trước đó của đất nước.
Bắc Kinh chắc chắn đặt mục tiêu chống lại tác động của những xu hướng này bằng kế hoạch “Sản xuất tại Trung Quốc năm 2025”. Bắc Kinh nhấn mạnh vào việc sản xuất các sản phẩm có giá trị cao hơn như xe điện, trí tuệ nhân tạo (AI), và hàng không vũ trụ, cùng những sản phẩm khác. Nếu thành công, và nếu điều gì đó mới ngoài nỗ lực đã định không xuất hiện để làm lu mờ sự quan tâm của thế giới đối với các sản phẩm như vậy, thì sự thay đổi này sẽ giúp Trung Quốc có thể cạnh tranh mặc dù với mức lương cao hơn. Nhưng nỗ lực này vẫn lại tạo ra trở ngại thứ ba đối với khả năng chiếm lại tốc độ tăng trưởng nhanh, sớm hơn của Trung Quốc, vốn là thành công phát triển của đất nước này cho đến nay.
Khi một nền kinh tế kém phát triển, giống như thời kỳ phát triển vượt bậc của Trung Quốc bắt đầu vào cuối những năm 1970, những người lãnh đạo sẽ dễ dàng nhìn thấy những gì được cần đến. Họ chỉ phải nhìn ra ngoại quốc với những nền kinh tế phát triển hơn. Và khi những lãnh đạo của Trung Quốc đáp ứng được những nhu cầu hiển nhiên đó, thì phần thưởng là rất lớn. Chẳng hạn, những con đường dẫn đến các ngôi làng biệt lập, đã đưa những nhà sản xuất tham gia vào nền kinh tế quốc dân, không chỉ giúp nâng cao lợi nhuận cho những nỗ lực của các nhà sản xuất này, mà còn thúc đẩy cả quy mô và phạm vi sản xuất nói chung. Việc mở rộng và hiện đại hóa các cảng biển đã nhanh chóng tăng gấp đôi khả năng xuất cảng ít ỏi trước đây, đồng thời cung cấp các bộ phận và thiết bị để nâng cao năng lực kinh tế trong các lĩnh vực khác. Đây chỉ là hai ví dụ về cách các khoản đầu tư ban đầu vào nền kinh tế kém phát triển của Trung Quốc đã được đền đáp một cách nhanh chóng và tuyệt vời như thế nào. Một vài bước đi theo hướng này sau đó đã chỉ ra cơ hội ở Trung Quốc cho các nhà lãnh đạo kinh doanh trên thế giới, khuyến khích vốn và công nghệ đổ vào các cơ sở sản xuất của Trung Quốc mà trước đây đã bị đóng cửa với thế giới. Dòng chảy [vốn và công nghệ] do đó cũng đã đào tạo ra lực lượng lao động ham học hỏi và có kỷ luật của Trung Quốc thời bấy giờ. Kết quả đã dẫn tới là tốc độ tăng trưởng và phát triển đáng kinh ngạc.
Nhưng những cơ hội rõ ràng này đã biến mất khi Trung Quốc phát triển. Khi nhiều con đường chưa được trải nhựa, thì việc rải đá dăm là điều hiển nhiên. Thế giới phát triển cho thấy ngay cả những nhà quy hoạch dày đặc nhất cũng phải khôn ngoan khi làm như vậy. Nhưng giờ đây, Trung Quốc phần lớn đã bắt kịp các nền kinh tế phát triển trên thế giới, cung cấp một mô hình ít hữu ích hơn. Các bước [đầu tư] tiếp theo ít rõ ràng hơn, và khó đạt được lợi nhuận hơn. Chẳng hạn, việc thêm một làn đường bổ sung vào con đường rải đá dăm đó sẽ nâng cao khả năng sản xuất của nền kinh tế nhưng gần như không quá nhiều so với mức độ mà việc trải nhựa ban đầu đã mang lại. Cùng với nhân khẩu học già hóa và các quyết định được đưa ra ở ngoại quốc nhằm đa dạng hóa nguồn cung khỏi Trung Quốc, thành công phát triển to lớn này trong những năm qua sẽ tự khẳng định rằng nền kinh tế không thể lặp lại những bước tiến trước đây.
Không trở ngại nào trong số này cho thấy nền kinh tế Trung Quốc sẽ không thể phục hồi một khi COVID-19 giảm bớt. Các trở ngại này cũng không nói rằng nền kinh tế Trung Quốc sẽ trì trệ hay tệ hơn là rơi vào suy thoái hơn nhiều. Ngay cả khi đối mặt với những trở ngại tăng trưởng đáng kể này, ít hơn nhiều so với nỗi ám ảnh đáng tiếc của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình về tập trung hóa và kế hoạch hóa, nền kinh tế Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục tăng trưởng. Nhưng mọi dự báo—chính thức hay không chính thức— dựa trên phép ngoại suy về quá khứ đáng chú ý của nền kinh tế này sẽ sai lệch với một biên độ rộng. Những người theo dõi Trung Quốc và giới lãnh đạo đất nước này ở Bắc Kinh sẽ phải quen với thực tế rằng tốc độ phát triển của nền kinh tế trong tương lai sẽ giống với tốc độ phát triển của các nền kinh tế quan trọng khác hơn là bất cứ thứ gì mà Trung Quốc từng được hưởng.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Ông Milton Ezrati là một biên tập viên cộng tác với The National Interest, một chi nhánh của Trung tâm Nghiên cứu Vốn Con người tại Đại học Buffalo (SUNY), và là nhà kinh tế trưởng của Vested, công ty truyền thông có trụ sở tại New York. Cuốn sách mới nhất của ông là “Thirty Tomorrows: The Next Three Decades of Globalization, Demographics, and How We Will Live” (“Ba Mươi Ngày Mai: Ba Thập Kỷ Tiếp Theo của Toàn Cầu Hóa, Nhân Khẩu Học, và Cách Chúng Ta Sẽ Sống.”)
Bình Hòa biên dịch
Quỹ vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: