Nền kinh tế Trung Quốc đâm phải một bức tường
Các biện pháp trừng phạt, quy định và COVID-19 sẽ khiến kinh tế Trung Quốc bị ảnh hưởng
Trong khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) dự đoán tăng trưởng kinh tế Trung Quốc là 5.5% vào năm 2022, các chỉ số này cho rằng Bắc Kinh đang ảo tưởng về sự mơ mộng.
COVID-19, thị trường địa ốc thất bại, các lệnh trừng phạt do cuộc diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ, các lệnh trừng phạt thứ cấp từ cuộc xâm lược của Nga, cải cách của ông Tập Cận Bình, và các cuộc đàn áp bằng chính sách đang làm ảnh hưởng đến nền kinh tế Trung Quốc và khiến hầu hết các nhà kinh tế dự đoán tăng trưởng kém hơn trong năm nay.
Nhà phân tích Gordon G. Chang từng nói với The Epoch Times qua email: “Năm nay Trung Quốc sẽ là may mắn nếu tránh được sự thu hẹp. Quốc gia này đã kết thúc năm 2021 với tốc độ tăng trưởng lao dốc. Năm nay đã tồi tệ hơn với lượng tiêu dùng giảm, các lệnh phong tỏa COVID lan rộng, và các vụ vỡ nợ gia tăng.”
Ông Chang từng viết “Sự sụp đổ sắp tới của Trung Quốc”, một cuốn sách năm 2003 dự đoán sự sụp đổ về chính trị và kinh tế Trung Quốc do sự ảnh hưởng của chế độ cộng sản Trung Quốc.
Ông nói với The Epoch Times: “Các chính phủ địa phương Trung Quốc đang rất khó khăn về tiền mặt khi lĩnh vực địa ốc rất quan trọng bị sụp đổ. Thêm căng thẳng địa chính trị với các khách hàng quan trọng nhất của Trung Quốc và sự gián đoạn chuỗi cung ứng cũng trầm trọng.”
Sự ủng hộ và ngưỡng mộ của ông Tập đối với Nga, ngay cả khi ông Vladimir Putin phá hủy nền dân chủ láng giềng và chính nền kinh tế Nga trong quá trình này, báo trước sự bất lợi cho Trung Quốc, dưới sự lãnh đạo của một người muốn lặp lại cách tiếp cận của ông Putin ở Đài Loan.
Bà Peggy Hollinger lưu ý trên Financial Times rằng nỗ lực kéo dài hai giờ của Tổng thống Joe Biden để có được sự ủng hộ của ông Tập chống lại ông Putin chỉ đơn giản là kết thúc bằng những lời đe dọa trừng phạt kinh tế lẫn nhau, có vai trò như “lời cảnh tỉnh” cho các công ty ngoại quốc ở Trung Quốc.
Bà Hollinger lưu ý trong bài báo hôm 23/03 của bà rằng, “Rủi ro khi kinh doanh ở Trung Quốc đã leo thang trong một thời gian.”
“Căng thẳng giữa Hoa Thịnh Đốn và Bắc Kinh về xuất cảng công nghệ, việc giam giữ hàng loạt đối với 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm Hồi giáo khác ở Tân Cương, và cuộc đàn áp ở Hồng Kông, đã buộc nhiều công ty phải nghĩ đến các phương án dự phòng. Sự gián đoạn chuỗi cung ứng do đại dịch Covid gây ra sau đó đã dẫn đến nguy cơ phụ thuộc vào Trung Quốc đối với các linh kiện hoặc sản phẩm quan trọng.”
Cuộc xâm lược của ông Putin đã dẫn đến một cuộc di chuyển ồ ạt của các công ty ngoại quốc rời khỏi Nga, vì sợ các lệnh trừng phạt và cả vì rủi ro danh tiếng trong việc kiếm tiền ở một quốc gia đang ném bom vào những người dân thường ở láng giềng. Theo một nghiên cứu của Yale, trong vòng 4 tuần sau cuộc xâm lược, hơn 450 doanh nghiệp đã tuyên bố rút khỏi Nga.
Bà Hollinger viết: “Bài học về cuộc xâm lược của Nga không chỉ là điều không ngờ tới có thể xảy ra mà còn rằng các hậu quả của nó có thể diễn ra với một tốc độ và quy mô mà ít ai có thể tưởng tượng nổi.”
Bà trích dẫn [lời] các luật sư công ty, những người hiện khuyên khách hàng nên xem xét các phương pháp tiếp cận “ít tài sản” tại Trung Quốc, chẳng hạn như nhượng quyền hoặc cấp phép thay vì sở hữu cổ phần cao. “Ít nhất, đa dạng hóa sản xuất ở những nơi khác ở Á Châu, hoặc thậm chí xa hơn, nên được ưu tiên.”
Các nhà đầu tư đang đặc biệt lo ngại về những nỗ lực của ông Tập nhằm cải cách nền kinh tế vì chúng báo hiệu một hướng đi rời khỏi nền kinh tế thị trường hội nhập toàn cầu trong tương lai của Trung Quốc
Mặc dù tuyên bố của ông Tập về tính bền vững môi trường và cải cách bất bình đẳng là [nguyên nhân] bề nổi, nhưng việc trợ cấp không đúng chỗ, các đàn áp bằng quy định đối với các doanh nghiệp thành công và nổi bật gây ra mối đe dọa chính trị đối với ĐCSTQ, và cách tiếp cận mang tính kiểm soát để chống lại đại dịch sẽ dẫn đến những sự cắt giảm tăng trưởng kinh tế sâu hơn của ông Tập. Những biện pháp này tiếp tục trì hoãn ngày phải trả giá thay vì tránh được nó hoàn toàn. Cái giá phải trả này đang kéo dài thêm nỗi đau kinh tế cho nền kinh tế Trung Quốc.
Tencent là một ví dụ gần đây về một công ty công nghệ thành công của Trung Quốc bị ảnh hưởng nặng nề bởi các cuộc đàn áp bằng quy định của Bắc Kinh. Tăng trưởng doanh thu chậm lại 8% trong quý 3, mức thấp nhất của công ty này kể từ khi niêm yết vào năm 2004.
Năm ngoái, ĐCSTQ đã áp đặt các quy định sâu rộng đối với công ty này, bao gồm hạn chế trẻ em chỉ được chơi trò chơi điện tử 3 giờ mỗi tuần. Một số nhóm làm game của Tencent đã buộc phải thực hiện những hạn chế tốn kém hơn là tạo ra các game mới.
Bắc Kinh cũng hạn chế giáo dục trực tuyến cho trẻ em, sự hạn chế này đã góp phần làm doanh thu quảng cáo của Tencent giảm 13% trong quý so với năm ngoái. Các giám đốc điều hành của Tencent dự kiến vào năm 2022 sẽ có ít nhân viên hơn.
Vấn đề căn bản đối với nền kinh tế nhà nước chủ đạo của Trung Quốc là bộ phận do chính quyền chỉ huy. Các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia do các nhà độc tài kiểm soát, có xu hướng tối đa hóa quyền lực của mình hơn là thu lợi về kinh tế và chấp nhận rủi ro lớn hơn nhiều so với các nền dân chủ.
Việc quay trở lại với sự phân quyền và năng động kinh doanh sẽ mang lại cho Trung Quốc một số hy vọng về căn bản là trái ngược với sự chống lại thị trường và lòng tham muốn có nhiều quyền kiểm soát cá nhân hơn đối với sức mạnh kinh tế Trung Quốc của ông Tập. Do quyền lực chính trị đang nổi lên của ông Tập, tham vọng này thể hiện qua việc tiếp tục và gia tăng tập trung hóa nền kinh tế theo sự quản lý tai hại trong lịch sử của ĐCSTQ.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Ông Anders Corr có bằng cử nhân/thạc sĩ khoa học chính trị tại Đại học Yale (2001) và tiến sĩ về chính phủ tại Đại học Harvard (2008). Ông là người đứng đầu Corr Analytics Inc., nhà xuất bản của Tạp chí Rủi ro Chính trị, và đã thực hiện các nghiên cứu sâu rộng ở Bắc Mỹ, Âu Châu và Á Châu. Các cuốn sách mới nhất của ông là “The Concentration of Power: Institutionalization, Hierarchy, and Hegemony” (“Tập Trung Quyền Lực: Thể Chế Hóa, Hệ Thống Phân Cấp, và Quyền Bá Chủ”) xuất bản năm 2021 và “Great Powers, Grand Strategies: the New Game in the South China Sea” (“Các Cường Quốc Lớn, Các Chiến Lược Lớn: Trò Chơi Mới ở Biển Đông”) xuất bản năm 2018.
Chánh Tín biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: