Nền kinh tế Nga lung lay sắp đổ và thế giới đang có nhiều thay đổi lớn?
Các biện pháp trừng phạt mà phương Tây áp đặt đối với Nga khi cuộc xâm lược Ukraine xảy ra đã khiến nền kinh tế Nga rơi vào tình trạng khó khăn. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, Nga có vũ khí hạt nhân và nếu Tổng thống Putin phát động chiến tranh hạt nhân, thế giới sẽ lâm vào khủng hoảng lớn.
Cuộc xâm lược Ukraine của Tổng thống Nga Putin đã phá hủy 15 năm tăng trưởng của kinh tế Nga
Hai nhà kinh tế học từ Viện Tài chính Quốc tế (Institute of International Finance) đã viết trong một đánh giá sơ bộ về tác động của cuộc chiến rằng: Dự kiến vào năm 2022, nền kinh tế Nga sẽ giảm 15%; năm 2023 giảm 3%, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) sẽ giảm trở lại mức của 15 năm trước.
Báo cáo cho biết: “Nói tóm lại, các dự đoán của chúng tôi ngụ ý rằng tình hình phát triển hiện tại sẽ phá hủy thành quả kinh tế (của Nga) trong khoảng 15 năm”.
Dữ liệu từ Ngân hàng Thế giới cũng cho thấy vào năm 2020, Nga là nền kinh tế lớn thứ 11 trên thế giới, với GDP là 1.48 nghìn tỷ USD.
Cựu kinh tế gia Jim O’Neill của Goldman Sachs cho rằng, theo tỷ giá hối đoái đồng Rúp vào cuối tháng 2, thì đến cuối năm nay, Nga có thể không được xếp hạng cao hơn thứ 15.
Tổng thống Nga Putin gần đây đã thừa nhận rằng các lệnh trừng phạt của phương Tây đã ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế Nga.
Sau khi Nga xâm lược Ukraine vào ngày 24/02, các quốc gia Âu Châu và Hoa Kỳ đã đóng băng tài khoản ngoại hối của chính phủ Nga và ngân hàng trung ương. Đồng rúp Nga giảm mạnh, khiến chuỗi cung ứng toàn cầu và giá hàng hóa rối loạn, trái phiếu và cổ phiếu của nó cũng bị loại khỏi chỉ số.
Các nhà máy trên khắp nước Nga cũng đã đóng cửa, thất nghiệp, lãi suất tăng gấp đôi, lạm phát vượt quá mục tiêu của ngân hàng trung ương Nga, đồng thời các công ty phương Tây cũng đã rút khỏi Nga.
Suy thoái kinh tế của Nga sẽ mang đến tác động gì cho thế giới?
“Yếu tố quan trọng nhất là vũ khí hạt nhân”, Chuyên gia tài chính kinh tế Hồng Kông Liêu Sĩ Minh (Liao Shiming) cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Epoch Times vào ngày 26/03.
Ông Liêu Sĩ Minh cho biết, Nga đã thừa hưởng các đầu đạn hạt nhân của Liên Xô cũ: “Đây là một điều rất đáng sợ, vì đối với an ninh toàn cầu, vấn đề phổ biến vũ khí hạt nhân được đặt lên hàng đầu”.
Theo ước tính của Liên đoàn Các nhà Khoa học Hoa Kỳ (Federation of American Scientists), Nga có 5,977 đầu đạn hạt nhân, trong đó có khoảng 1,500 đầu đạn đã ngừng hoạt động và sẵn sàng được tháo dỡ. Trong số 4,500 vũ khí hạt nhân còn lại, hầu hết được cho là vũ khí hạt nhân chiến lược như hỏa tiễn đạn đạo hoặc hỏa tiễn có khả năng tấn công tầm xa.
Ông Liêu cho rằng, nếu kinh tế Nga sụp đổ, nước này cũng có thể bán công nghệ hạt nhân, thậm chí là bom hạt nhân, điều này rất đáng sợ đối với an ninh toàn cầu. “Những kẻ khủng bố hoặc tổ chức khủng bố giống như Osama bin Laden, nếu có tiền, họ sẽ mua”.
Kể từ khi nhậm chức vào năm 2013, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga, bà Elvira Nabiullina, đã được các nhà đầu tư ủng hộ. Bà đã được các tạp chí như Euromoney và The Banker ca ngợi là một trong những nhà hoạch định chính sách tiền tệ giỏi nhất thế giới. Thành tựu lớn nhất của bà là đưa lạm phát trong tầm kiểm soát của Nga từ 17% năm 2015 xuống chỉ còn hơn 2% vào đầu năm 2018.
Tuy nhiên, những thành quả đó đã bị phá hủy chỉ trong hơn một tháng. Một nguồn thạo tin đã nói với Bloomberg gần đây rằng, bà Nabiullina đã tìm cách từ chức sau khi Tổng thống Putin ra lệnh xâm lược Ukraine, nhưng lại được ông Putin yêu cầu ở lại. Giờ đây, bà phải đối mặt với một nền kinh tế thời chiến bị cô lập bởi các lệnh trừng phạt quốc tế.
Ông Liêu Sĩ Minh cho rằng, ngay cả khi bà Nabiullina được yêu cầu tại vị, nền kinh tế Nga sẽ rất khó “khởi tử hồi sinh”. Ông cho rằng lợi thế lớn nhất của Nga hiện nay chỉ còn là dầu mỏ, khí đốt tự nhiên, vàng, than, thép, nhôm và các tài nguyên khác.
Ông nói: “Xu hướng mà chúng ta đang thấy hiện nay được gọi là ‘chủ nghĩa dân tộc tài nguyên’. Điều đó có nghĩa là, một loạt xung đột liên quan đến tài nguyên có thể xảy ra trong tương lai, bao gồm nhiều quốc gia Nam Mỹ, Đông Nam Á và Phi Châu, tất cả đều sử dụng tài nguyên như đòn bẩy lớn nhất để thúc đẩy nền kinh tế. Và giờ đây họ đều mong quốc hữu hóa, hy vọng nhà nước có thể độc quyền và kiểm soát việc định giá. Đối với Nga, đây có thể là lợi thế lớn nhất của nước này”.
“Nhưng nếu bây giờ nó [nước Nga] trở thành tội phạm chiến tranh, hoặc xung đột giữa Nga và phương Tây kéo dài, nếu tình trạng này tiếp diễn, Nga sẽ phải đối mặt với khó khăn lớn trong vấn đề này”.
Theo ông Liêu Sĩ Minh, hiện nay nền kinh tế toàn cầu cần phải chuyển đổi và hướng tới một mô hình kinh tế mới. Ví dụ, một khi các quốc gia phát triển chủ chốt trên thế giới quyết tâm thay đổi phương hướng sử dụng tài nguyên, tức là họ không còn sử dụng năng lượng của Nga nữa, và có thể nhiều năm sau vẫn không thay đổi định hướng này. Vậy thì, điều này sẽ có tác động rất lớn đến Nga.
Ký giả Từ Diệc Dương (Xu Yiyang) của Epoch Times đã phỏng vấn và đưa tin
Liên Thư Hoa biên tập
Mai Thanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ
Xem thêm: