Nền kinh tế Hoa Kỳ rơi vào suy thoái kỹ thuật trong bối cảnh lạm phát đè nặng lên tăng trưởng
Theo Cục Phân tích Kinh tế (BEA), nền kinh tế Hoa Kỳ đang trong giai đoạn suy thoái kỹ thuật khi tốc độ tăng trưởng GDP giảm 0.9% trong quý 2. Thị trường đã ước tính mức tăng 0.5% trong khoảng thời gian từ tháng Tư đến tháng Sáu.
Với GDP giảm 1.6% trong quý đầu tiên, điều này thể hiện hai quý tăng trưởng âm liên tiếp — một định nghĩa phổ biến của suy thoái.
Sự sụt giảm trong GDP phản ánh sự suy giảm trong đầu tư hàng tồn kho tư nhân, chi tiêu của chính phủ, và đầu tư cố định cho dân cư và phi dân cư. Nhưng điều này đã được bù đắp bởi tăng nhập cảng, xuất cảng, và chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE).
“Thông điệp rõ ràng là từ báo cáo GDP tiêu cực của Hoa Kỳ (-0.9%) và việc bỏ lỡ đáng tiếc về số liệu thất nghiệp: Nền kinh tế Hoa Kỳ đang chậm lại với tốc độ đáng kể,” nhà kinh tế Mohamed El-Erian đã tweet ngay sau khi các con số được công bố. “Thêm vào đó là sự thay đổi giá 8.7% trong dữ liệu ngày hôm nay và điểm mấu chốt là rõ ràng: Tình trạng lạm phát đình trệ đang sâu sắc thêm và cho thấy nguy cơ suy thoái ở mức cảnh báo đỏ.”
Báo cáo GDP được mong đợi rất nhiều này cũng cho thấy thu nhập cá nhân thực tế giảm 0.5%. Và tỷ lệ tiết kiệm cá nhân trong thu nhập cá nhân khả dụng giảm xuống 5.2% trong quý 2 từ 5.6% trong quý 1.
Hơn nữa, sự sụt giảm đầu tư vào hàng tồn kho tư nhân là do sự sụt giảm trong thương mại bán lẻ, chủ yếu ở các cửa hàng bán hàng tổng hợp và đại lý xe có động cơ. Việc giảm chi tiêu của chính phủ được cho là do chi tiêu phi quốc phòng giảm, chủ yếu là do việc bán dầu thô từ kho Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược (SPR).
Các chi tiết của báo cáo cho thấy đầu tư vào khu dân cư giảm 14% trong tốc độ hàng năm. Điều này được thúc đẩy bởi việc các cấu trúc “khác” giảm, cụ thể là hoa hồng của các nhà môi giới. Sự sụt giảm trong đầu tư bất động sản phản ánh sự sụt giảm trong hoa hồng của các nhà môi giới.
Các nhà kinh tế của Morgan Stanley đã đưa ra một báo cáo tuyên bố về một “cuộc suy thoái kỹ thuật” đối với nền kinh tế.
“GDP thực tế giảm trong quý 2, đánh dấu một cuộc suy thoái kỹ thuật,” các nhà kinh tế viết. “Chúng tôi đã nhấn mạnh những rủi ro rằng dữ liệu quý 2 sẽ đánh dấu một cuộc suy thoái kỹ thuật chứ không phải suy thoái kinh tế, vì nhu cầu nội địa cuối cùng của khu vực tư nhân vẫn tích cực trong nửa đầu năm nay.”
Morgan Stanley dự kiến sẽ có sự tăng trưởng mạnh hơn trong quý 3 năm nay.
Điểm mấu chốt của báo cáo GDP là sự gia tăng chi tiêu của người tiêu dùng cho các dịch vụ. Tuy nhiên, chi tiêu cho các mặt hàng lâu bền và không lâu bền đã giảm đáng kể. Theo Morgan Stanley, nguyên nhân là do chi tiêu cho hàng bách hóa giảm kỷ lục, do chi phí thực phẩm cao khiến người tiêu dùng mua những mặt hàng ít đắt tiền hơn.
Ông Desmond Lachman, nhà kinh tế học và thành viên cao cấp tại Viện Doanh nghiệp Hoa Kỳ kỳ vọng một “cuộc hạ cánh kinh tế khó khăn” vào cuối năm nay.
“Tâm lý người tiêu dùng đang ở gần mức thấp kỷ lục do lạm phát làm xói mòn tiền lương. Thị trường địa ốc đang sụp đổ do lãi suất thế chấp tăng gấp đôi. Và các nhà xuất cảng của chúng ta đang đối mặt với sóng gió mạnh mẽ do đồng dollar đang mạnh và những khó khăn kinh tế ở Âu Châu, Trung Quốc, và các nền kinh tế thị trường mới nổi,” ông viết trong một ghi chú.
Cổ phiếu đã giảm khi mở đầu phiên giao dịch hôm thứ Năm (28/07) do tin tức về GDP, nhưng đã phục hồi sau đó trong ngày. Chỉ số Trung bình Công nghiệp Dow Jones tăng hơn 300 điểm, trong khi S&P 500 tăng gần 1%. Chỉ số Tổng hợp Nasdaq tăng 0.7%.
Số liệu GDP này đã làm dấy lên một cuộc tranh luận giữa các chính trị gia và các nhà kinh tế về việc liệu Hoa Kỳ có đang trong thời kỳ suy thoái hay không.
“Có một niềm tin phổ biến rằng hai quý liên tiếp GDP thực tế giảm dứt khoát là một cuộc suy thoái,” nhà kinh tế học Ed Yardeni viết trong một ghi chú. “Tuy nhiên, nó sẽ không phải là một cuộc suy thoái chính thức cho đến khi Ủy ban Ấn định ngày của Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia cho biết như vậy, điều này có thể mất một thời gian. … Trong khi chúng ta đang chờ họ quyết định liệu chúng ta có đang ở trong một cuộc suy thoái hay không, hãy cứ gọi tình hình này là ‘khủng hoảng kinh tế.'”
Định nghĩa về suy thoái
Hầu hết các nhà kinh tế thường tìm kiếm hai quý suy giảm liên tiếp của GDP để xác định liệu một nền kinh tế đã bước vào suy thoái hay chưa. Hội đồng Cố vấn Kinh tế của Tòa Bạch Ốc đã thách thức quan điểm này khi trích dẫn định nghĩa chính thức trong một blog gần đây.
Các cuộc suy thoái ở Hoa Kỳ được chính thức tuyên bố bởi một ủy ban gồm các nhà kinh tế tại Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia (NBER). NBER định nghĩa suy thoái là “sự suy giảm đáng kể trong hoạt động kinh tế trên toàn nền kinh tế và kéo dài hơn một vài tháng.”
Theo Tòa Bạch Ốc, các cuộc suy thoái cần được xác định “dựa trên cái nhìn tổng thể về dữ liệu,” bằng cách tính đến thị trường lao động, chi tiêu của người tiêu dùng và doanh nghiệp, sản xuất công nghiệp, và thu nhập, bên cạnh các dữ liệu tăng trưởng kinh tế chỉ trong hai quý.
Trong tuần trước (18-24), Tòa Bạch Ốc đã bị chỉ trích vì đánh giá thấp rủi ro suy thoái và tranh cãi về định nghĩa chung về suy thoái.
“Hai quý tăng trưởng GDP âm không phải là định nghĩa kỹ thuật của suy thoái,” cố vấn Brian Deese của Hội đồng Kinh tế Quốc gia (NEC) cho biết. “Câu hỏi quan trọng nhất về mặt kinh tế là liệu những người đi làm và các gia đình trung lưu có dễ thở hơn hay không.”
Nhưng vào năm 2008, ông Deese lưu ý rằng “các nhà kinh tế học có một định nghĩa kỹ thuật về suy thoái, đó là hai quý liên tiếp tăng trưởng âm.”
Bộ trưởng Ngân khố Janet Yellen đã bác bỏ những lo ngại về suy thoái trong một cuộc phỏng vấn với “Meet the Press” của NBC, ám chỉ đến “một thị trường lao động rất mạnh.”
Bà nói: “Đây không phải là một nền kinh tế đang suy thoái.”
Trong cuộc họp báo sau cuộc họp của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) hôm thứ Tư (27/07), Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell cũng khẳng định rằng Hoa Kỳ đang không ở giữa một cuộc suy thoái kinh tế, dẫn chiếu đến tình hình việc làm.
Ông Powell nói: “Tôi không nghĩ rằng Hoa Kỳ hiện đang trong thời kỳ suy thoái, và lý do là có quá nhiều lĩnh vực của nền kinh tế đang hoạt động quá tốt.”
‘Chu kỳ kinh doanh bất thường’
Theo bản Tóm lược các Dự báo Kinh tế của Cục Dự trữ Liên bang (pdf), nền kinh tế Hoa Kỳ được dự báo sẽ tăng 1.7% trong năm nay, 1.7% trong năm 2023, và 1.9% vào năm 2024.
Hôm thứ Tư, Fed đã bỏ phiếu đồng ý nâng lãi suất cho vay chuẩn thêm 75 điểm cơ bản lên phạm vi mục tiêu từ 2.25% đến 2.5%.
Trong những tuần gần đây, dự báo căn bản ngày càng tăng đối với nhiều nhà kinh tế và các công ty Wall Street là một cuộc suy thoái kinh tế, với một loạt dữ liệu hỗ trợ cho dự báo này. Nhưng thời điểm dự báo là khác nhau, từ cuối năm đến thời điểm nào đó trong 24 tháng tới.
Ông Preston Caldwell, người đứng đầu Bộ phận Kinh tế Hoa Kỳ cho Morningstar, viết trong một ghi chú: “Điều này không có nghĩa là rủi ro suy thoái không có gì đáng lo ngại. Thay vào đó, chúng tôi kỳ vọng rằng rủi ro suy thoái sẽ tăng lên đến đỉnh điểm vào năm 2023, vì đó là thời điểm nền kinh tế sẽ cảm thấy gánh nặng của việc Fed thắt chặt. Đặc biệt, lãi suất tăng đang bắt đầu gây ra suy thoái trên thị trường địa ốc. Chúng tôi dự đoán nhà ở sẽ bắt đầu giảm 10% vào năm 2023, điều này sẽ ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động kinh tế rộng lớn hơn.”
Hiện tại, cuộc tranh luận chính là khi nào nó sẽ xảy ra, mức độ nghiêm trọng của suy thoái và suy thoái sẽ kéo dài bao lâu.
Ông Bryce Doty, giám đốc danh mục đầu tư cao cấp tại Sit Investment Associates, đã tuyên bố trong một ghi chú hôm thứ Tư rằng người Mỹ hiểu khi nào mức sống của họ đang giảm.
“Các nhà kinh tế có một khái niệm ảo tưởng về suy thoái,” ông nói. “Kể từ tháng Tư năm ngoái, tiền lương thực tế đã âm. Người lao động đang đi lùi khi chi phí cao hơn mức tăng tiền lương dẫn đến một sự suy giảm ròng đối với những gì người dân có thể mua được.”
Ông Nick Reece, một nhà quản lý danh mục đầu tư tại Merk Investments, gọi môi trường ngày nay là “một chu kỳ kinh doanh bất thường, theo sau là một cuộc suy thoái bất thường.”
Về quý 3, Fed Atlanta sẽ công bố ước tính GDPNow đầu tiên vào thứ Sáu (29/07).
Ông Andrew Moran đưa tin về kinh doanh, kinh tế, và tài chính. Ông từng là một nhà văn và phóng viên trong hơn một thập niên ở Toronto, với các bài viết trên Liberty Nation, Digital Journal, và Career Addict. Ông cũng là tác giả của cuốn sách “The War on Cash” (“Cuộc Chiến Tiền Mặt”).