Nên cho trẻ nhỏ làm quen với âm nhạc cổ điển như thế nào?
Người ta thường ca ngợi về sức mạnh và lợi ích của âm nhạc, đặc biệt là âm nhạc cổ điển.Vào thời Trung Quốc cổ đại, người ta tin rằng âm nhạc có thể chữa bệnh. Trong thực tế, từ tiếng Hoa của “thuốc” bắt nguồn từ các ký tự của “âm nhạc”.
“Hiệu ứng Mozart” là một thuật ngữ do nhà nghiên cứu người Pháp Alfred A. Tomatis đặt ra vào năm 1991. Đây là ý tưởng dựa trên một số nghiên cứu rằng việc nghe nhạc Mozart cải thiện khả năng nhận thức.
Cũng trong những năm 1990, Masaru Emoto, một bác sĩ người Nhật chuyên nghiên cứu nền y học thay thế (alternative medicine), đã thực hiện các thí nghiệm với nước. Ông phát hiện ra rằng tinh thể nước khi nghe những lời nói tích cực hoặc âm nhạc cổ điển sẽ tạo thành những tinh thể tuyệt đẹp khi đóng băng; và cũng chính nước đó khi nghe lời nói tiêu cực hoặc nhạc rock mạnh mẽ thì tạo thành các tinh thể dị dạng, không đồng đều.
Một nghiên cứu khác cho thấy nhạc cổ điển làm giảm tỷ lệ tội phạm. Năm 2003, chính quyền London báo cáo giảm 33% số vụ trộm cướp và giảm 37% số vụ phá hoại khi họ phát nhạc cổ điển ở ga tàu điện ngầm Elm Park.
Ngày nay, liệu pháp âm nhạc là một lĩnh vực đang phát triển được sử dụng để điều trị cho bệnh nhân động kinh, tự kỷ, sa sút trí tuệ và vô số các bệnh lý khác. Năm 2016, một nghiên cứu của Đức cho thấy các sáng tác của Mozart và Strauss làm giảm huyết áp và nhịp tim.
Không chỉ đơn giản là giúp chúng ta giải trí, âm nhạc còn tác động rõ ràng đến cuộc sống của chúng ta.
Nhiều bậc cha mẹ muốn cho con cái họ nghe nhạc cổ điển. Tuy nhiên, đó có thể là một viễn cảnh đáng lo ngại, đặc biệt nếu cha mẹ lớn lên không nghe nhạc cổ điển hoặc không biết nhiều về nó.
Anthony Rudel, giám đốc đài 99.5 WCRB Classical Radio Boston và là giám đốc điều hành của Classical.org, cung cấp một số thông tin chi tiết cho các bậc cha mẹ muốn giới thiệu cho con cái họ những lợi ích của âm nhạc cổ điển. Sau đây là những điều anh chia sẻ.
The Epoch Times: Tại sao cho trẻ em tiếp xúc với âm nhạc cổ điển lại quan trọng?
Anthony Rudel: Âm nhạc cổ điển có sự phong phú và sâu sắc giúp trẻ mở mang trí tưởng tượng, sự khám phá và trí tò mò. Ngoài ra, còn có một phản ứng hóa học trong não mà âm nhạc cổ điển tạo ra, khiến bản thân bộ não cởi mở hơn với kiến thức.
The Epoch Times: Anh có lời khuyên nào cho các bậc cha mẹ không biết nhiều về âm nhạc cổ điển nhưng muốn giới thiệu nó cho con cái họ?
Rudel: Âm nhạc cổ điển ở xung quanh chúng ta. Bạn sẽ nghe thấy trong quảng cáo trên TV, trên internet và trên đài. Hãy tìm bản nhạc nào bạn thấy hay và chia sẻ trải nghiệm âm nhạc đó với con bạn. Tôi đề nghị giới thiệu nhạc cổ điển cho trẻ em để giải trí, không phải để giáo dục.
The Epoch Times: Có lời khuyên, các bước tiếp cận hoặc tài nguyên nào mà anh muốn giới thiệu cho các bậc cha mẹ để con cái họ tiếp xúc với âm nhạc cổ điển không?
Rudel: Tìm một dòng nhạc trực tuyến bạn thích và cho phép nó trở thành một phần cuộc sống của bạn. Bắt đầu với ClassicalWCRB.org, trang web chứa âm nhạc qua bốn thế kỷ. Hoặc thử Classical.org mới được tái phát hành của chúng tôi, sáng kiến kỹ thuật số của Tổ chức Giáo dục WGBH để làm cho âm nhạc cổ điển có thể dễ dàng truy cập và phù hợp với tất cả mọi người. Classical.org đã biến thành điểm đến cho âm nhạc ngày lễ, vì vậy ở đó cũng có các dịch vụ tuyệt vời theo mùa.
The Epoch Times: Ban đầu, bạn muốn các bậc cha mẹ tập trung vào những tác phẩm hoặc nhà soạn nhạc nào?
Rudel: Hãy bắt đầu với một số sáng tác ban đầu của Mozart và cho con bạn biết rằng ông ấy đã viết những tác phẩm này khi chỉ còn là một đứa trẻ. Một số nhà soạn nhạc vĩ đại nhất cũng đã sống một cuộc đời tuyệt vời. Nếu con bạn thích lịch sử, đây là một cách khác để bắt đầu khám phá âm nhạc cổ điển.
Tôi cũng khuyên bạn nên chơi một số tác phẩm hợp xướng thú vị, các đoạn nhạc ngắn và thường xuyên thay đổi phong cách để tìm những gì bạn và con bạn thích. Quan trọng nhất, hãy nhớ làm cho nó giải trí và không mang tính giáo dục nghiêm ngặt.
Barbara Danza
Ngân Hà biên dịch