Nền an ninh Hoa Kỳ đòi hỏi Trung Quốc chấm dứt độc quyền về đất hiếm
Theo các chuyên gia, Hoa Kỳ sẽ không thể giữ lợi thế cạnh tranh hoặc bảo vệ an ninh quốc gia của mình chừng nào Trung Quốc vẫn duy trì sự thống trị trong sản xuất đất hiếm.
Ba chuyên gia nói với chương trình “China Insider” của EpochTV rằng Hoa Thịnh Đốn cũng phải làm tốt hơn nữa nhiệm vụ đào tạo chuyên gia cho các nghề nghiệp trong lĩnh vực khai thác mỏ.
Ba nguồn thông tin này là ông Chadwick Hagan, một nhà kinh tế học; bà Ann Bridges, tác giả của cuốn sách “Rare Mettle” (“Khí Phách Hiếm Có”); và ông Rich Trzupek, một nhà hóa học và tư vấn môi trường.
Lời kêu gọi hành động của họ được đưa ra sau bài diễn văn gần đây của Tổng thống Joe Biden vốn làm dấy lên lo ngại về việc Trung Quốc kiểm soát một phần rất lớn thị trường toàn cầu về khoáng sản đất hiếm, chẳng hạn như lithium. Trình bày từ Tòa Bạch Ốc hồi tháng trước (02/2022), ông Biden nói rằng “chúng ta không thể xây dựng một tương lai được tạo ra ở Mỹ” nếu Hoa Kỳ vẫn phụ thuộc vào Trung Quốc về nguyên liệu thô mà nhờ đó rất nhiều thành phần của cuộc sống hàng ngày vận hành, từ iPhone đến phi cơ quân sự.
Ông Hagan khẳng định rằng giống như năng lượng, khoáng sản đất hiếm là một “ngành công nghiệp chiến lược” và thừa nhận rằng phần lớn hoạt động khai thác và xuất cảng các chất như lithium đang diễn ra ở Trung Quốc, mặc dù ông cũng lưu ý rằng sự thống trị của Trung Quốc đối với thị trường này đã giảm nhẹ trong những năm gần đây.
“Tin tốt là thị phần Trung Quốc đã đi từ khoảng 80% trong năm 2014 xuống mức hơn 50% một chút vào năm 2020,” ông Hagan cho biết. “Nhưng sau đó, Trung Quốc gần đây cũng đã thực hiện một số bước đi để tăng thị phần đó và trở lại vị trí dẫn đầu như họ đã từng vào năm 2014,” ông cho biết thêm.
Theo quan điểm của ông Hagan, lập trường cứng rắn của ông Biden về vấn đề này xuất phát từ thực tế rằng sự thống trị của Trung Quốc trong lĩnh vực này là một nguy cơ an ninh. Trong trường hợp xảy ra xung đột, hoặc một kịch bản mà Hoa Kỳ và các quốc gia khác áp đặt các biện pháp trừng phạt nghiêm ngặt đối với Trung Quốc, Bắc Kinh có thể khiến việc nhập cảng các kim loại quý trở nên đắt đỏ hoặc hoàn toàn cấm Hoa Kỳ nhập cảng những kim loại này.
“Tôi không chắc liệu họ có nhất thiết phải làm điều đó với lithium ion và các khoáng chất đất hiếm hay không, nhưng chúng ta vẫn chưa biết,” ông nói.
Ông cho hay căng thẳng gia tăng với Trung Quốc về vấn đề Đài Loan hoặc vấn đề khác sẽ không chỉ dẫn đến “vấn đề chuỗi cung ứng to lớn”, mà còn gây hoảng loạn trên quy mô lớn khi người tiêu dùng lâu nay đã có thói quen mua máy điện toán, tivi, và iPhone đột nhiên không thể làm như vậy.
Mặc định thống trị
Theo phân tích của bà Bridges, Trung Quốc đã đạt được vị trí thống trị trong các ngành này trong vòng hai mươi đến ba mươi năm qua vì đa phần thế giới phương Tây chỉ đơn giản là quyết định sẽ dễ dàng hơn khi để Trung Quốc giải quyết việc khai thác và chế biến các chất như quặng sắt ở Mông Cổ và các khu vực khác. Do đó, các quốc gia phương Tây không còn cạnh tranh hoặc thậm chí là hoạt động trong lĩnh vực này.
Bà nói: “Đối với Canada, ngành này vẫn chiếm khoảng 10% GDP của họ, Úc thì có một số, nhưng Hoa Kỳ thực sự đã thoát ra khỏi lĩnh vực kinh doanh khai thác mỏ.”
Trong khi đó, Trung Quốc đã dẫn đầu bằng cách xử lý một lượng lớn đất và trau dồi chuyên môn của họ trong việc khai thác và tinh chế quặng, mà sau đó họ dùng để hình thành kim loại quý. Bà Bridges cho biết những kim loại này “cung cấp các thành phần cho lối sống công nghệ cao thế kỷ 21 của chúng ta.”
“Tôi đang nói về điện thoại thông minh, MRI, y tế, chụp cộng hưởng, hàng không vũ trụ, quốc phòng, pin. Bất cứ thứ gì thực sự góp phần tạo ra thiết bị di động nhỏ hơn, nhanh hơn, nhẹ hơn đều cần một số loại đất hiếm. Và đó là nơi chúng ta đang ở ngày hôm nay. Trung Quốc là nhà sản xuất và chế tạo thống trị đối với các cấu kiện sử dụng những khoáng chất này,” bà nói.
Đồng thời, Trung Quốc làm tốt hơn nhiều trong việc đào tạo ra những sinh viên tốt nghiệp có chuyên môn về khoáng sản và khai thác mỏ. Theo ước tính của bà, sinh viên Trung Quốc tốt nghiệp trong lĩnh vực địa chất và sản xuất vào khoảng 100,000 người mỗi năm, trong khi Hoa Kỳ chỉ đào tạo được bằng một phần nhỏ con số đó.
Bà Bridges cho biết, khi tầng lớp trung lưu hướng tới tiêu dùng lớn của Trung Quốc tiếp tục phát triển, các nhà sản xuất các khoáng sản này có thể đơn giản quyết định rằng không có lý do gì họ phải tiếp tục xuất cảng sang Hoa Kỳ ở mức cao như vậy vì công dân của họ cần những sản phẩm này nhiều hơn. Nếu không nhập cảng khoáng sản, người Mỹ sẽ “kiểu như bế tắc”, và một số nhà sản xuất Trung Quốc đã phát đi tín hiệu rằng họ có thể thực hiện một sự chuyển đổi như vậy.
Phá vỡ khuôn mẫu
Bà Bridges nói rằng các mỏ đất hiếm tồn tại ở nhiều nơi trên thế giới, nhưng điều đó không có nghĩa là việc có được sự độc lập khỏi Trung Quốc trong lĩnh vực này sẽ dễ dàng.
Bất kỳ hành động nào hướng tới độc lập đất hiếm từ phía Hoa Kỳ sẽ đòi hỏi nỗ lực phối hợp để chống lại các nhóm vận động hành lang môi trường và ngăn cản các quy định hạn chế việc mở rộng khai thác và chiết luyện. Điều quan trọng nữa là phải giáo dục cho những công dân nào tin rằng một số loại hình khai thác là vô trách nhiệm với môi trường.
“Tất nhiên, nhận thức cho là việc khai thác sẽ độc hại. Thực tế là có những công nghệ mới, và những công nghệ mới ra đời hàng ngày, đang làm cho việc khai thác sạch hơn, tốt hơn, nhanh hơn. Nhưng nếu chúng ta bị chặn ở mọi bước trên đường đi, các nhà đầu tư sẽ chỉ giơ tay đầu hàng và nói, thôi vậy, hãy để Trung Quốc làm điều đó,” bà nói.
Ông Trzupek đồng tình với bà Bridges rằng Hoa Kỳ và các đồng minh hoàn toàn có thể đạt được sự độc lập trong lĩnh vực này.
“Chúng ta có các nguồn lực, chúng ta biết những nguồn lực đó ở đâu, chúng ta biết cách khôi phục chúng,” ông nói. Lý do khiến những nỗ lực làm như vậy bị đình trệ là do điều mà ông Trzupek mô tả là “sự cuồng loạn về môi trường”.
Mặc dù việc khai thác và xử lý khoáng sản đất hiếm thực sự đang tạo ra chất thải, nhưng các nhà hoạt động môi trường đã bám cứng lấy điểm này, nhấn mạnh tính độc hại và khả năng gây tử vong của loại chất thải này. Nhưng ông Trzupek mô tả điều này dễ gây hiểu lầm.
“Thông điệp của cánh tả về mặt môi trường là bất cứ thứ gì tạo ra chất thải đều xấu và sẽ sát hại trẻ nhỏ. Trên thực tế, chúng ta biết cách xử lý và quản lý chất thải, từ tất cả các loại hình tinh chế, tốt hơn bất kỳ nước nào trên thế giới. Chúng ta có thể làm điều đó sạch sẽ hơn bất kỳ nước nào,” ông nói.
Ông cho biết thêm, việc không vượt qua được những phản đối về môi trường đã dẫn đến việc thuê ngoài hoạt động sản xuất này cho Trung Quốc, nơi các tiêu chuẩn về độ sạch và trách nhiệm với môi trường thấp hơn rõ rệt.
Ông Trzupek cho biết kịch bản lý tưởng sẽ là Quốc hội Hoa Kỳ có can đảm để thông qua luật có lợi cho việc tinh chế đất hiếm ở Mỹ. Biện pháp này có thể bãi bỏ các yêu cầu cấp phép ngăn cản quốc gia đạt đến tiềm năng của mình. Nhưng hành động liên bang rộng rãi như vậy có thể sẽ không thành công, ông thừa nhận. Một lộ trình khác sẽ dành cho các tiểu bang để đơn giản hóa quy trình cho các nhà máy chiết xuất và tinh chế của họ. Đây là một cách tiếp cận phù hợp hơn với đặc điểm riêng của các tiểu bang khác nhau.
“Quý vị sẽ không xây dựng một nhà máy sản xuất đất hiếm hoặc nhà máy tinh chế ở California, vì họ đã vượt quá quy tắc cấp phép của họ. Nhưng ở một số tiểu bang Cộng Hòa (màu đỏ), tôi nghĩ quý có thể có khả năng làm vậy,” ông nói.
“Có thể mất một vài năm, quý vị có thể phải chi thêm một vài dollar so với khi quý vị làm việc này ở ngoại quốc, nhưng tôi nghĩ rằng sẽ phải chi thêm gấp đôi ở một số tiểu bang.”
Ông Michael Washburn là một phóng viên tự do tại New York, chuyên viết về các chủ đề liên quan đến Trung Quốc. Ông có nền tảng về báo chí pháp luật và tài chính, đồng thời cũng viết về nghệ thuật và văn hóa. Ngoài ra, ông còn là người dẫn chương trình podcast hàng tuần Reading the Globe. Các cuốn sách của ông bao gồm “The Uprooted and Other Stories” (“Những Câu Chuyện Mất Gốc và Những Câu Chuyện Khác”), “When We’re Grownups” (“Khi Chúng Ta Trưởng Thành”), và “Stranger, Stranger” (“Người Lạ, Người Lạ”).
Anh David Zhang là người dẫn chương trình China Insider trên EpochTV. Anh hiện đang làm việc tại New York và thủ đô Hoa Thịnh Đốn, đưa tin về Trung Quốc. Anh chuyên phỏng vấn chuyên gia và bình luận tin tức về các vấn đề Trung Quốc, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến mối bang giao Mỹ-Trung.
Minh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: