NATO chính thức mời Thụy Điển và Phần Lan tham gia liên minh
Hôm 29/06, ban lãnh đạo NATO chính thức mời Thụy Điển và Phần Lan trở thành thành viên của khối quân sự này sau khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra tín hiệu rằng ông sẽ không ngăn cản những nỗ lực gia nhập của họ.
“Hôm nay chúng tôi đã quyết định mời Phần Lan và Thụy Điển trở thành thành viên của NATO, và đồng ý ký các Nghị định thư Gia nhập,” NATO cho biết trong một tuyên bố sau các cuộc họp tại Madrid. “Sự gia nhập của Phần Lan và Thụy Điển sẽ khiến họ an toàn hơn, khiến NATO trở nên hùng mạnh hơn, và khu vực Châu Âu – Đại Tây Dương được vững chắc hơn.”
Hôm 28/06, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan sẽ không ngăn cản hai quốc gia đó gia nhập liên minh này nếu họ đáp ứng yêu cầu của ông. Đầu năm nay, cả Thụy Điển và Phần Lan đều công bố ý định gia nhập NATO sau khi lực lượng Nga xâm lược Ukraine.
Tất cả 30 thành viên NATO sẽ phải ký tên cho phép Phần Lan và Thụy Điển tham gia. Cả hai quốc gia này đều là thành viên của Liên minh Âu Châu, và họ có thể đáp ứng hầu hết, nếu không phải tất cả, các yêu cầu của NATO để gia nhập liên minh này.
Phần Lan có đường biên giới trên bộ kéo dài với Nga, trong khi Thụy Điển có đường biên giới trên biển với Nga. Trong nhiều năm qua, các quốc gia Bắc Âu này đã chống lại việc gia nhập khối này ngay cả trong thời kỳ Liên Xô xâm lược. Trong khi đó, Na Uy là một phần của NATO từ năm 1949 và được coi là một nước đồng sáng lập của liên minh này.
Việc phê chuẩn tại các quốc hội đồng minh có thể mất tới một năm, nhưng sau khi việc đó hoàn tất, Phần Lan và Thụy Điển sẽ được bảo vệ theo Điều khoản phòng thủ tập thể trong Điều 5 của NATO, đồng thời đặt họ dưới chiếc ô bảo vệ bằng vũ khí hạt nhân của Hoa Kỳ.
“Quá trình đó thường hay mất một khoảng thời gian. Nhưng tôi [cũng] mong rằng nó sẽ diễn ra khá nhanh chóng,” ông Stoltenberg cho biết hôm 29/06, đồng thời lưu ý rằng các đồng minh đã sẵn sàng thực hiện việc phê chuẩn càng sớm càng tốt. “Chúng tôi sẽ bảo đảm rằng chúng tôi có thể bảo vệ tất cả các đồng minh, bao gồm Phần Lan và Thụy Điển.”
Vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ
Hôm 28/06, ông Erdogan nói với các phóng viên rằng ông đã nói chuyện với Tổng thống Joe Biden qua điện thoại trước khi lên đường tới Madrid, nói rằng các đơn đăng ký gia nhập của Phần Lan và Thụy Điển sẽ được xem xét.
“PKK (Đảng Công nhân Kurd) sẽ có mặt trong chương trình nghị sự của chúng tôi tại các cuộc gặp song phương của tôi,” ông nói, khi đề cập đến Đảng Công nhân Kurd, một nhóm theo chủ nghĩa Marx đã bị Thổ Nhĩ Kỳ, Hoa Kỳ, và nhiều quốc gia khác coi là tổ chức khủng bố.
Trong khi đó, hành động này chắc chắn sẽ khiến Nga khó chịu hơn nữa. Tổng thống Nga Vladimir Putin từ lâu đã nói rằng NATO không chỉ đơn thuần mang bản chất phòng thủ và cho biết liên minh này đã cố gắng mở rộng về phía đông kể từ khi Liên Xô sụp đổ vào đầu những năm 1990.
Cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev nói với thông tấn Nga trong tuần này rằng việc Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO sẽ buộc Moscow phải dàn xếp nhiều vũ khí hơn dọc theo biên giới của mình, bao gồm cả hệ thống vũ khí hạt nhân.
“Trong trường hợp NATO mở rộng như vậy, thì chiều dài đường biên giới trên đất liền của họ với Nga sẽ tăng hơn gấp đôi,” ông Medvedev nói. “Đó không phải là triển vọng tốt nhất để họ có được Iskanders, hỏa tiễn siêu thanh, chiến hạm trang bị vũ khí hạt nhân của chúng ta ở trước cửa nhà họ.”
Ông Jack Phillips là một phóng viên thời sự của The Epoch Times tại New York.