NASA phóng thành công tàu thăm dò Hỏa tinh để tìm kiếm sự sống ngoài hành tinh
Tàu thăm dò Hỏa tinh phóng lên hôm 30/7 là tàu lớn nhất từng được Nasa tạo ra với kích thước một chiếc xe ô tô có gắn camera, micro, khoan và laser. Nó là một phần của một dự án đầy tham vọng nhằm mang các mẫu đá Hỏa tinh đầu tiên trở lại Trái đất để phân tích và tìm bằng chứng về sự sống cổ xưa.
Tên lửa Atlas V mang theo tàu thăm dò Perseverance của NASA là tên lửa thứ 3 và cũng là cuối cùng được phóng lên Hỏa tinh vào mùa hè này. Trước đó, Trung Quốc và Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất đã phóng tên lửa đầu tuần trước. Cả ba nhiệm vụ cần đạt được điểm đến của họ trong tháng 2/2021 sau một hành trình 7 tháng và 300 triệu dặm (480 triệu km).
Sứ mệnh tìm kiếm dấu vết sự sống trên Hỏa tinh
Chiếc Perseverance gồm 6 bánh chạy bằng plutonium sẽ khoan sâu và thu thập các mẫu vật địa chất nhỏ để mang về Trái đất vào khoảng năm 2031 trong một chặng bay tiếp sức liên hành tinh liên quan đến nhiều tàu vũ trụ và các quốc gia. Tổng chi phí: hơn 8 tỷ USD
Trưởng nhóm nhiệm vụ khoa học của NASA, Thomas Zurbuchen, tuyên bố vụ phóng khởi đầu cho “chuyến đi vòng quanh đầu tiên của loài người đến hành tinh khác”.
Ngoài việc giải quyết câu hỏi về sự sống trên Hỏa tinh, sứ mệnh này sẽ mang lại những hiểu biết để có thể mở đường cho sự xuất hiện của các phi hành gia sớm nhất là vào những năm 2030.
Quản trị viên của NASA Jim Bridenstine nói trước khi tên lửa cất cánh: “Có một lý do chúng tôi gọi robot là Perseverance (sự kiên trì). Bởi vì đi đến Hỏa tinh rất khó khăn. Trong trường hợp này, nó khó hơn bao giờ hết vì chúng tôi đang làm điều đó giữa đại dịch”.
Hoa Kỳ, quốc gia duy nhất đưa tàu vũ trụ lên Hỏa tinh một cách an toàn, đang tìm kiếm cuộc đổ bộ thành công thứ 9 lên hành tinh đỏ, được xem là Tam giác quỷ Bermuda về thám hiểm không gian khi đã khiến hơn một nửa các tàu thăm dò thuộc các nhiệm vụ của thế giới bốc cháy, vỡ vụn hoặc kết thúc trong thất bại.
Trước đó, Trung Quốc cũng gửi cả một tàu thăm dò và một tàu quỹ đạo; và UAE, một quốc gia mới, cũng có một tàu quỹ đạo đang trên đường đến Hỏa tinh.
Tháng này có số lượng vụ phóng tàu lên Hỏa tinh nhiều nhất trong lịch sử vũ trụ. Cơ hội bay giữa Trái đất và Hỏa tinh chỉ xuất hiện một lần trong vòng 26 tháng khi các hành tinh ở cùng một phía của Mặt trời và ở gần nhất có thể.
Những người điều khiển vụ phóng phải đeo khẩu trang và ngồi cách nhau tại trung tâm điều khiển Cape Canaveral do sự bùng phát của dịch virus corona Vũ Hán. Dịch bệnh cũng khiến hàng trăm nhà khoa học và các thành viên khác trong nhóm tránh xa khỏi điểm phóng lên của Perseverance.
Khoảng một giờ sau chuyến bay, những người điều khiển đã vỗ tay mừng rỡ khi tên lửa hoàn toàn thoát ra khỏi quỹ đạo quanh Trái đất và bắt đầu lao về phía Hỏa tinh.
Kỹ sư trưởng của Perseverance, Adam Steltzner, cho biết từ Phòng thí nghiệm Động cơ phản lực của NASA ở Pasadena, California: “Tàu đã rời khỏi Trái Đất và đang trên đường tới Hỏa tinh”.
“Thật quá sức tưởng tượng!”, Alex Mather, cậu học sinh 13 tuổi ở Virginia, người đã đề xuất cái tên Perseverance trong một cuộc thi của NASA nói trong khi theo dõi buổi phóng tàu vũ trụ với bố mẹ.
Vụ phóng đã diễn ra vào lúc 7:50 sáng (giờ địa phương) mặc dù trận động đất mạnh 4,2 độ richter đã xảy ra 20 phút trước khi tên lửa bay lên làm rung chuyển Phòng thí nghiệm Động cơ phản lực.
Nếu mọi việc suôn sẻ, tàu thăm dò sẽ rơi xuống bề mặt Hỏa tinh vào ngày 18/2/2021, theo cái cách mà NASA gọi là 7 phút khủng khiếp, khi đó tàu bay với vận tốc 12,000 dặm/giờ (19,300 km/h) đến điểm dừng hoàn toàn mà không có sự can thiệp của con người.
Cách thức thu thập mẫu vật
Perseverance sẽ nhắm đến lãnh thổ Hỏa tinh chưa được khám phá: Miệng núi lửa Jezero, với những tảng đá, vách đá, cồn cát. Có thể là những tảng đá mang dấu hiệu hóa học của vi khuẩn từ nơi từng là một hồ nước cách đây hơn 3 tỷ năm. Tàu thăm dò sẽ lưu trữ các mẫu đá có trọng lượng nửa ounce (15 g) trong hàng chục ống titan siêu tiệt trùng.
Nó cũng sẽ giải phóng một máy bay trực thăng mini để thực hiện chuyến bay thử đầu tiên trên hành tinh khác và thử nghiệm các công nghệ khác để chuẩn bị cho các phi hành gia trong tương lai, bao gồm thiết bị trích xuất oxy từ bầu khí quyển carbon dioxide mỏng của Hỏa tinh.
Kế hoạch là NASA và Cơ quan Vũ trụ châu Âu sẽ phóng một chiếc xe địa hình (dune buggy) vào năm 2026 để lấy các mẫu đá, cùng với một tàu tên lửa để đưa các mẫu vật lên quỹ đạo quanh Hỏa Tinh. Sau đó, một tàu vũ trụ khác sẽ lấy các mẫu trên quỹ đạo và mang chúng về nhà.
Các mẫu được lấy thẳng từ Hỏa tinh từ lâu đã được coi là “Chén Thánh của khoa học Hỏa tinh”, theo Scott Hubbard, giáo sư đã nghỉ hưu từ Đại học Stanford.
Ông Hubbard cho biết, để trả lời dứt khoát câu hỏi sâu sắc về việc liệu sự sống có tồn tại hay không tồn tại ngoài vũ trụ, các mẫu phải được phân tích bằng kính hiển vi điện tử tốt nhất và các thiết bị khác, nhưng chúng quá lớn để cho vừa vào tàu vũ trụ.
“Từ khi tôi 9 tuổi, tôi đã muốn biết liệu có sự sống ở nơi nào khác trong vũ trụ không. Đó là hơn 60 năm trước”, Hubbard, 71 tuổi, nói từ cabin phía Bắc California của mình. “Nhưng có thể, tôi sẽ sống để thấy dấu vết của sự sống được mang về từ Hỏa tinh trong một trong những mẫu đá đó”.
Bridenstine cho biết: “Không có gì tốt hơn là mang các mẫu về Trái đất nơi chúng ta có thể đặt chúng trong phòng thí nghiệm và chúng ta có thể áp dụng mọi yếu tố công nghệ lên các mẫu đó để đưa ra quyết định về việc sự sống có tồn tại trên bề mặt của Hỏa tinh hay không”.
Hai tàu đổ bộ khác của NASA cũng đang hoạt động trên Hỏa Tinh: tàu InSight 2018 và tàu thăm dò Curiosity của năm 2012. 6 tàu vũ trụ khác đang khám phá hành tinh từ quỹ đạo: 3 từ Mỹ, 2 từ châu Âu và một từ Ấn Độ.
Theo: The Associated Press