NASA chỉ trích Trung Quốc sau khi mảnh vỡ hỏa tiễn bốc cháy, rơi xuống Ấn Độ Dương
Giám đốc Cơ quan Hàng không Vũ trụ Hoa Kỳ (NASA) Bill Nelson đã chỉ trích Trung Quốc vì tạo ra những rủi ro không cần thiết khi mà một phần module lõi mất kiểm soát từ hỏa tiễn lớn nhất của nước này rơi trở lại bầu khí quyển của Trái Đất và phần lớn đã bốc cháy trên bầu trời Maldives trước khi rơi xuống Ấn Độ Dương hôm 09/05.
“Rõ ràng Trung Quốc đang không đáp ứng những tiêu chuẩn trách nhiệm về các mảnh vỡ không gian,” cựu thượng nghị sĩ Nelson nói trong một tuyên bố.
Việc rác vũ trụ mất kiểm soát rơi trở lại Trái Đất đã làm dấy lên những lo ngại rằng chúng có thể rơi xuống các khu vực đông dân cư, gây thiệt mạng và thiệt hại nghiêm trọng.
Cơ quan vũ trụ Trung Quốc cho biết một tầng của hỏa tiễn dài 100 foot (khoảng 30m), nặng khoảng 40 nghìn pound (hơn 18 tấn) đã bị cháy gần hết trong quá trình quay trở lại Trái Đất. Hãng thông tấn chính thức của Trung Quốc Tân Hoa Xã cho biết sự việc này xảy ra vào lúc 10:24 sáng theo giờ Bắc Kinh (02:24 GMT) hôm 09/04.
“Phần lớn các mảnh vỡ đã bị đốt cháy đến không thể nhận ra trong quá trình rơi trở lại,” báo cáo cho biết.
Người dân ở Jordan, Oman, và Ả Rập Saudi đã thuật lại việc nhìn thấy các mảnh vỡ hỏa tiễn Trung Quốc trên phương tiện truyền thông, với việc rất nhiều người dùng đăng tải cảnh mảnh vỡ bay xuyên qua bầu trời rạng sáng ở Trung Đông.
“Theo thống kê, khả năng cao nhất là mảnh vỡ sẽ rơi trở xuống đại dương. Có vẻ như Trung Quốc đã thắng canh bạc này. Nhưng đó vẫn là một sự liều lĩnh,” nhà vật lý thiên văn Jonathan McDowell của Harvard, người đã theo dõi phần hỏa tiễn đang rơi đó, nói trên Twitter.
Những hỏa tiễn vũ trụ [tên lửa đẩy] bị loại bỏ này thường quay trở lại bầu khí quyển ngay sau khi cất cánh, thông thường rơi xuống biển mà không đi vào quỹ đạo.
Hỏa tiễn vũ trụ này của Trung Quốc là một trong những mảnh rác không gian lớn nhất rơi xuống Trái Đất. Chương trình không gian này của Trung Cộng, với mối liên hệ mật thiết với quân đội, đã không cho biết lý do tại sao họ đưa phần chính của hỏa tiễn này vào không gian thay vì cho phép nó rơi trở lại Trái Đất ngay khi làm nhẹ trọng tải như thường thấy trong các hoạt động như vậy.
Hỏa tiễn Trường Chinh 5B mang theo module chính của trạm vũ trụ cố định đầu tiên của Trung Quốc-Tianhe, hay còn gọi là Thiên Hà-đi vào quỹ đạo hôm 29/04. Trung Quốc có kế hoạch phóng thêm 10 lần nữa để đưa các chi tiết bổ sung của trạm vũ trụ này vào quỹ đạo.
Một hỏa tiễn nặng 18 tấn đã rơi hồi tháng Năm năm ngoái (2020) là mảnh vỡ nặng nhất rơi không kiểm soát kể từ hồi trạm vũ trụ Salyut 7 của Liên Xô cũ vào năm 1991.
Trạm vũ trụ đầu tiên của Trung Quốc, Tiangong-1, đã lao xuống Thái Bình Dương vào năm 2016 sau khi Bắc Kinh xác nhận nó bị mất kiểm soát. Vào năm 2019, cơ quan vũ trụ này đã chỉ huy việc phá hủy trạm thứ hai, Tiangong-2, trong khí quyển. Cả hai trạm đó đều đã được các phi hành gia Trung Quốc sử dụng một thời gian ngắn như là những tiền thân của trạm vũ trụ cố định của Trung Quốc hiện đang trong quá trình xây dựng.
Vào tháng Ba, mảnh vỡ từ hỏa tiễn Falcon 9 do công ty hàng không SpaceX của Hoa Kỳ đã rơi xuống Trái đất tại Hoa Thịnh Đốn và trên bờ biển Oregon.
Trung Quốc đã bị chỉ trích nặng nề sau khi phóng một hỏa tiễn để phá hủy một vệ tinh thời tiết hiện không còn tồn tại hồi tháng 01/2007, tạo ra một trường lớn những mảnh vỡ không an toàn khiến gây nguy hiểm cho các vệ tinh và tàu vũ trụ khác.
Do Ivan Pentchoukov thực hiện
Với sự đóng góp của The Associated Press
Hồng Ân biên dịch
Xem thêm: