Nam Hàn tiết lộ kế hoạch tái hợp với Bắc Hàn trong bối cảnh căng thẳng leo thang
Hôm thứ Sáu (27/01), Nam Hàn đã tiết lộ một đề án tái hợp với Bắc Hàn, bao gồm các kế hoạch cung cấp cho Bắc Hàn viện trợ nhân đạo, trong một nỗ lực nhằm khôi phục các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa bị đình trệ trong bối cảnh căng thẳng ngày càng leo thang giữa hai quốc gia đối nghịch.
Bộ Thống nhất Nam Hàn đã đệ trình một báo cáo lên Tổng thống Yoon Suk-yeol trình bày các kế hoạch và triển vọng trong năm 2023, trong đó nêu rõ bảy mục tiêu chính sách then chốt nhằm cải thiện bang giao giữa hai miền Triều Tiên.
Kế hoạch này được đưa ra nhằm mục đích củng cố tư thế phòng thủ của Nam Hàn trước các hành động khiêu khích của Bắc Hàn thông qua liên minh với Hoa Kỳ đồng thời theo đuổi các nỗ lực nhằm thiết lập một hoàn cảnh thuận lợi cho đối thoại.
Chính phủ Nam Hàn sẽ tìm cách “tiếp xúc trực tiếp và gián tiếp” với Bắc Hàn thông qua các tổ chức dân sự và các tổ chức quốc tế như một phần trong nỗ lực bình thường hóa bang giao với chế độ này.
Bộ này cam kết giải quyết các vi phạm nhân quyền và các vấn đề xuất phát từ sự phân chia giữa hai miền Triều Tiên — chẳng hạn như các gia đình bị chia cắt và việc giam giữ người Nam Hàn ở Bắc Hàn — nếu các cuộc đối thoại liên Triều được nối lại.
Bộ này cũng có kế hoạch xuất bản một báo cáo thường niên nêu chi tiết về tình hình nhân quyền ở Bắc Hàn và công khai nội dung của tờ Lao động Tân văn (Rodong Sinmun), cơ quan ngôn luận của đảng cầm quyền Bắc Hàn.
Bộ trưởng Bộ Thống nhất Kwon Young-se nói với các phóng viên, “Chúng tôi dự định tạo điều kiện để Bắc Hàn, vốn đang nhắm mắt làm ngơ trước sinh kế của người dân và tiếp tục chấp nhận rủi ro, không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải bước vào cuộc đối thoại phi hạt nhân hóa.”
Nhật báo Korea JoongAng Daily dẫn lời ông rằng, “Bây giờ là lúc dựa vào liên minh Hoa Kỳ-Nam Hàn để đưa ra hành động đáp trả mạnh mẽ, để khiến Bắc Hàn nhận ra rằng các hành động khiêu khích quân sự sẽ không giúp họ đạt được điều gì.”
‘Việc tái hợp có thể đến bất ngờ’
Đáp lại báo cáo trên, ông Yoon đã ra lệnh cho Bộ này tiến hành nghiên cứu và chia sẻ những phát hiện của mình với cộng đồng địa phương cũng như cộng đồng thế giới về tình hình chính trị, kinh tế, xã hội và nhân quyền của Bắc Hàn.
Ông Yoon nói rằng cả Nam Hàn và Bắc Hàn đều phải trải qua những thay đổi để có thể tái hòa hợp với nhau.
“Việc tái hợp có thể đến bất ngờ, vì vậy chỉ khi chuẩn bị sẵn sàng, chúng ta mới có thể nhận ra điều đó,” ông nói, theo văn phòng của ông. “Hãy chuẩn bị với sự phán đoán dựa trên lý tính thay vì bằng một biện pháp cảm tính.”
Bắc Hàn đã đình chỉ hầu như mọi hoạt động hợp tác với đối thủ Nam Hàn kể từ khi các cuộc đàm phán hạt nhân với Hoa Kỳ đổ vỡ vào năm 2019 do hai bên không đạt được đồng thuận rằng các lệnh trừng phạt do Hoa Kỳ lãnh đạo phải được dỡ bỏ để đổi lấy việc Bắc Hàn thực hiện các hành động cắt giảm chương trình vũ khí hạt nhân và hỏa tiễn đạn đạo của mình.
Nhà lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un tiếp tục gia tăng căng thẳng vào năm 2022, phóng thử hơn 70 hỏa tiễn, bao gồm cả các loại vũ khí có khả năng hạt nhân ở nhiều tầm bắn khác nhau nhắm vào Nam Hàn và lục địa Hoa Kỳ.
Hồi tháng Tám năm ngoái (2022), ông Yoon đã đưa ra lời đề nghị với Bắc Hàn, đó là đổi các lợi ích kinh tế lấy các hành động phi hạt nhân hóa, nhưng chính quyền Bắc Hàn đã từ chối. Ông Kim nói rằng sẽ không có các cuộc đàm phán, thương thuyết, hay “quân bài thương lượng” nào về vấn đề phi hạt nhân hóa trong quá trình đó.
Tháng 09/2022, Bắc Hàn đã thông qua một bộ luật mới cho phép nước này tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân “tự động” chống lại bất kỳ “thế lực thù địch” nào đặt ra mối đe dọa cấp bách đối với quốc gia.
Bản tin có sự đóng góp của The Associated Press
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times