Nam Hàn thâm hụt thương mại kéo dài một năm vì phụ thuộc vào thương mại với Trung Quốc
Xuất cảng của Nam Hàn đã bị kéo xuống do suy giảm kinh tế và giảm nhập cảng của Trung Quốc. Quốc gia Đông Á này đã thâm hụt thương mại liên tục trong gần một năm do phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc cả về nhập cảng và xuất cảng.
Trong hai tháng đầu năm nay, thâm hụt thương mại của Nam Hàn đã gần bằng 40% tổng thâm hụt của năm ngoái.
Theo dữ liệu do Hải quan Nam Hàn công bố hôm 21/02, xuất cảng của nước này từ ngày 01 đến ngày 20/02 đã giảm 2.3% so với cùng thời kỳ năm ngoái, trong khi nhập cảng tăng 9.3% so với năm trước. Nhập siêu trong thời gian đó là 5.987 tỷ USD, gấp 3.3 lần cùng thời kỳ năm trước.
Từ đầu năm nay đến ngày 20/02, thâm hụt thương mại của Nam Hàn đã tăng lên 18.639 tỷ USD, vượt 39% so với tổng thâm hụt của năm ngoái. Trong khi đó, tổng thâm hụt thương mại của cả nước đã là 47.2 tỷ USD vào năm ngoái, thiết lập một mức cao trong lịch sử.
Quốc gia này đã nhập siêu trong 12 tháng liên tiếp.
‘Vi mạch, Trung Quốc, và năng lượng’
Thâm hụt thương mại thường không phổ biến đối với một nền kinh tế định hướng xuất cảng như Nam Hàn. Chỉ có hai năm riêng biệt là đất nước này có thâm hụt thương mại trong thế kỷ 21: năm 2008 trong bối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu và gần đây là năm 2022.
Theo chính phủ Nam Hàn, ba nguyên nhân gốc rễ của tình trạng thâm hụt thương mại tiếp diễn này là “vi mạch, Trung Quốc, và năng lượng”, cụ thể là môi trường kinh doanh xấu đi đối với chất bán dẫn của nước này, sự suy giảm của nền kinh tế Trung Quốc, và sự gia tăng nhập cảng năng lượng.
Trong nhiều năm, chất bán dẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong xuất cảng của Nam Hàn, trong khi Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của nước này.
Tuy nhiên, xuất cảng chất bán dẫn của Nam Hàn và tổng xuất cảng của quốc gia này sang Trung Quốc đều giảm trong những tháng gần đây. Xuất cảng chất bán dẫn của Nam Hàn cũng phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc, với tỷ trọng sang Trung Quốc đạt 40.3% vào năm ngoái (2022).
Từ ngày 01-20/02, xuất cảng chất bán dẫn của Nam Hàn đã giảm 43.9% so với cùng thời kỳ năm ngoái, một xu hướng giảm trong tháng thứ bảy liên tiếp kể từ tháng Tám năm ngoái (2022). Vấn đề này liên quan trực tiếp đến nhu cầu chậm chạp và sự giảm giá của vi mach bán dẫn cho bộ nhớ như DRAM và NAND flash, sản phẩm chính của Nam Hàn.
Xuất cảng của Nam Hàn sang Trung Quốc cũng giảm 22.7% trong thời gian đó. Tính đến tháng Hai, xuất cảng sang Trung Quốc đã giảm tám tháng liên tiếp. Từ ngày 01-20/02, thâm hụt thương mại của Nam Hàn với Trung Quốc là 781 triệu USD, trong khi nước này đã thâm hụt thương mại với Trung Quốc kể từ tháng Mười năm ngoái.
Hồi tháng Một, xuất cảng của Nam Hàn đã giảm 16.6% so với cùng thời kỳ năm ngoái, còn nhập cảng giảm 2.6%, tạo ra thâm hụt thương mại 12.69 tỷ USD, mức thâm hụt lớn nhất trong một tháng.
Trong khi đó, xuất cảng chất bán dẫn của Nam Hàn giảm mạnh 44.5% so với cùng thời kỳ năm ngoái và xuất cảng sang Trung Quốc giảm 31.4%. Tỷ trọng xuất cảng sang Trung Quốc đã chiếm 19.8% tổng kim ngạch xuất cảng của Nam Hàn, lần đầu tiên giảm xuống dưới 20%.
Trong cả năm ngoái, xuất cảng của Nam Hàn sang Trung Quốc đã giảm 4.4% so với năm trước, chiếm 22.8% tổng xuất cảng của cả nước. Trước đó, trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung giai đoạn 2018-2021, tỷ trọng xuất cảng của Nam Hàn sang Trung Quốc vẫn duy trì ở mức trên 25%.
Về thâm hụt thương mại, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Nam Hàn Choo Gyeong-ho cho biết hồi giữa tháng Hai rằng “vấn đề này sẽ được khắc phục bằng cách cải thiện cơ cấu xuất cảng của đất nước.”
Ngoài việc kêu gọi giảm nhập cảng năng lượng và thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn, ông cho biết sẽ “tìm các sản phẩm mới có tiềm năng xuất cảng, thúc đẩy thị trường đa phương, cải thiện dịch vụ xuất cảng, và cải thiện cơ cấu xuất cảng.”
Thừa nhận suy thoái kinh tế
Tạp chí “Xu hướng Kinh tế Gần đây” số tháng Hai, một báo cáo hàng tháng do chính phủ Nam Hàn công bố, lần đầu tiên thừa nhận rằng nền kinh tế Nam Hàn đã tăng trưởng chậm lại do xuất cảng giảm và tiêu dùng giảm. Và rằng những xu hướng này đang trở nên rõ ràng hơn.
Nền kinh tế Nam Hàn giảm 0.4% trong quý 4 năm ngoái (2022), mức tăng trưởng âm đầu tiên kể từ quý 2/2020.
Trong khi đó, giá tiêu dùng của nước này hồi tháng Một đã tăng 5.2% so với cùng thời kỳ năm ngoái và nhu cầu trong nước cũng giảm sau khi nước này có thâm hụt thương mại cao kỷ lục hồi tháng Một do xuất cảng giảm.
Hôm 23/02, Ngân hàng Trung ương Nam Hàn đã tổ chức cuộc họp của Ủy ban Tài chính và Tiền tệ và quyết định giữ nguyên lãi suất căn bản ở mức 3.5%. Ngân hàng trung ương đã tăng lãi suất bảy lần liên tiếp kể từ tháng Tư năm ngoái (2022).
Lần này, Ngân hàng Trung ương Nam Hàn đã quyết định đóng băng lãi suất khi xem xét các yếu tố như suy thoái kinh tế trong nước và giá địa ốc giảm.
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times