Nam Hàn biết rằng chiến tranh Triều Tiên chưa kết thúc
Một bài học về cái gọi là chiến tranh vô tận là kinh nghiệm sâu sắc cho lễ kỷ niệm liên minh song phương kéo dài bảy thập niên giữa Hoa Kỳ và Nam Hàn trong tuần này.
Khi Tổng thống (TT) Hoa Kỳ Joe Biden và TT Nam Hàn Yoon Suk-yeol gặp nhau tại Hoa Thịnh Đốn thì quốc gia của họ có lý do để ăn mừng. Xếp hạng các nền kinh tế theo GDP, Hoa Kỳ (dân số 330 triệu) đứng Số 1 và Nam Hàn (52 triệu) đứng Số 12 (có thể là 10).
Thế nhưng, đằng sau cơ hội chụp hình này là các phụ tá đang thảo luận về các mối đe dọa hạt nhân của Bắc Hàn cùng các mối đe dọa khu vực và toàn cầu của Trung Quốc cộng sản.
Sự thật phũ phàng: Chiến tranh Triều Tiên vẫn còn chưa kết thúc. Khi các hãng truyền thông tuyên bố Afghanistan là cuộc chiến dài nhất của Hoa Kỳ, thì họ lại bỏ qua cuộc chiến đóng băng trên bán đảo Triều Tiên và quân đội Mỹ hẵng còn ở đó, kéo theo là nhiệm vụ bảo vệ.
Hiệp định Đình chiến Triều Tiên ngày 27/07/1953 thiết lập một lệnh ngừng bắn. Bảy mươi năm sau không có hiệp ước hòa bình nào.
Khoảng 2.6 triệu người đã thiệt mạng trong trận chiến khốc liệt nhất của cuộc chiến tranh này (từ tháng 06/1950 đến tháng 07/1953). Một triệu dân thường Nam Hàn đã thiệt mạng (ước tính). Bắc Hàn mất một triệu binh sĩ và thường dân. Quân đội Hoa Kỳ tổn thất 37,000 sinh mạng trong khi đang làm nhiệm vụ.
Tháng 11/1950, Quân Giải phóng Nhân dân của Trung Cộng (PLA) xâm lược Bắc Hàn và tấn công các đơn vị Mỹ. PLA ước tính đến tháng 07/1953 có khoảng 600,000 người thiệt mạng.
Vì vậy, đây là một sự thật có liên quan đến năm 2023 và cuộc gặp giữa hai tổng thống Biden và Yoon: Vào thời kỳ đỉnh cao thì Chiến tranh Triều Tiên là cuộc chiến giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc cộng sản.
PLA đã rút lui sau hiệp định đình chiến. Tuy vậy, Hoa Kỳ đã không tháo chạy. Cuộc chiến còn chưa kết thúc. Bắc Hàn, được Trung Quốc cộng sản và Nga hậu thuẫn, đã tiến hành “chiến tranh vùng xám” — khủng bố, đọ súng, và xâm nhập vào những năm 1990. Bình Nhưỡng đã thêm vào các mối đe dọa về chiến tranh hạt nhân.
Chúng ta có một tình huống bế tắc còn sót lại trong Chiến tranh Lạnh. Đằng sau Bắc Hàn là một Trung Quốc cộng sản đế quốc và bành trướng. Hoa Kỳ thì vẫn sát cánh với Nam Hàn.
Ngoài lễ kỷ niệm, thì liệu liên minh Hoa Kỳ-Nam Hàn có an toàn?
Các hãng truyền thông đưa tin TT Biden muốn nhấn mạnh cam kết của nước Mỹ trong việc ngăn chặn cuộc tấn công hạt nhân của Bắc Hàn.
Điều đó là tốt, nhưng đã muộn màng và, theo tôi, là một ví dụ khác cho thấy ông Biden cố gắng trốn tránh trách nhiệm về việc khiến thế giới trở thành một nơi nguy hiểm hơn so với hồi tháng 01/2021. Thảm họa rút quân khỏi Afghanistan của chính phủ TT Biden đã làm tổn hại danh tiếng của nước Mỹ về độ tin cậy, sức mạnh, và khả năng lãnh đạo trong khủng hoảng. Hoạt động răn đe toàn cầu đã bị ảnh hưởng.
Hồi tháng Hai, tôi đã viết một bài bình luận thảo luận về khả năng Nam Hàn và Nhật Bản sở hữu vũ khí hạt nhân. Họ sở hữu kỹ thuật đó.
Khi Nga xâm lược Crimea vào năm 2014 thì họ đã vi phạm một thỏa thuận bảo đảm sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, Bản ghi nhớ Budapest năm 1994. Năm 1994, Ukraine sở hữu kho vũ khí hạt nhân lớn thứ ba thế giới. Ukraine đánh đổi vũ khí hạt nhân của mình để bảo đảm an ninh chung.
Tháng Một năm nay, sau khi các thiết bị bay không người lái của Bắc Hàn xâm nhập lãnh thổ Nam Hàn, ông Yoon cho biết Nam Hàn có thể khai triển vũ khí hạt nhân chiến thuật “hoặc sở hữu năng lực hạt nhân của riêng mình” nếu như các mối đe dọa từ phía Bắc Hàn ngày càng gia tăng.
Tôi chắc chắn rằng thất bại ở Afghanistan đã nói với ông Vladimir Putin của Nga rằng khả năng lãnh đạo kém cỏi, vô trách nhiệm của ông Biden có nghĩa là ông ấy có thể tiến hành một cuộc xâm lược tổng lực vào Ukraine mà không phải gánh chịu hậu quả nghiêm trọng nào.
Hãy nhớ rằng ông Biden đã thúc giục TT Ukraine Volodymyr Zelenskyy bỏ chạy. Đó là một sự thật. Ông Zelenskyy đã không tháo chạy. Người Ukraine đã chiến đấu và vẫn đang chiến đấu.
Sự răn đe ở Đông Âu chắc chắn đã thất bại dưới thời của ông Biden.
Nam Hàn cần sự tương trợ của Hoa Kỳ. Hoa Kỳ cần các đồng minh và Nam Hàn là một đồng minh hạng nhất với một nền kinh tế đẳng cấp thế giới, lực lượng quân sự hùng mạnh, và các ngôi sao nhạc rock (K-pop thống trị Á Châu). Nam Hàn cũng là một quốc gia được vũ trang. Công dân của họ sẵn sàng chiến đấu. Những kẻ xâm lược sẽ phải đối mặt với các lực lượng kháng chiến quần chúng có tổ chức, được huấn luyện tốt, và được cung cấp đầy đủ. (Tôi đánh giá Phần Lan, Israel, và bây giờ là Ukraine là những quốc gia được vũ trang khác đã được thử thách).
Nam Hàn cung cấp rất nhiều cho một khối liên minh hoặc liên minh lớn hơn. Đối thoại Tứ giác An ninh là một liên minh không chính thức giữa Nhật Bản, Úc, Mỹ, và Ấn Độ. Cả bốn nước này đều xem Trung Quốc là “nhân tố gây rối” (cụm từ của Nhật Bản) ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Tháng 03/2020, Nam Hàn đã tham dự cuộc họp “Tứ giác Cộng” đầu tiên. Các nhà ngoại giao từ New Zealand và Việt Nam cũng đã đến.
Rất hứa hẹn, nhưng bất kể thỏa thuận ngoại giao là gì, thì ưu tiên quốc phòng đầu tiên của Nam Hàn là loại bỏ vũ khí hạt nhân của Bắc Hàn.
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times