Năm Dần nói chuyện Hổ
“Với khi thét khúc trường ca dữ dội,
Ta bước chân lên, dõng dạc, đường hoàng,
Lượn tấm thân như sóng cuộn nhịp nhàng,
Vờn bóng âm thầm, lá gai, cỏ sắc.
Trong hang tối, mắt thần khi đã quắc,
Là khiến cho mọi vật đều im hơi.
Ta biết ta chúa tể cả muôn loài,
Giữa chốn thảo hoa không tên, không tuổi.
(Nhớ rừng-Thế Lữ)
Năm Dần với biểu trưng là con Hổ đứng hàng thứ ba trong 12 con Giáp. Đây không phải là một loài vật thông thường, mà là một vị chúa tể rừng xanh đầy uy mãnh vẫn luôn tồn tại trong tâm trí mọi người qua nhiều thế hệ với những truyền thuyết bất tận. Hổ quả thật là một chủ đề rất đặc sắc không chỉ ở khía cạnh sinh học, mà còn ở tất cả các mặt văn hóa đời sống của không chỉ người dân nước ta mà còn ở rất nhiều nước khác trên thế giới. Hãy cùng tìm hiểu một số thông tin lý thú về Hổ trong năm của Hổ nhé. Có lẽ đây sẽ là một trải nghiệm rất thú vị cho những ngày đầu năm.
Nhâm Dần, nói chuyện Hổ và nước
Theo tín ngưỡng dân gian Tứ Phủ thờ Thần Ngũ Hổ thì Ngũ Hổ Tướng Quân là năm vị thần Hổ cai quản ngũ phương. Các Ngài là chư vị sơn thần biểu tượng cho sức mạnh thiêng liêng, là bộ hạ của Mẫu giữ vai trò gác cổng cho các đền phủ, tiêu diệt tà ma, đem lại sự cân bằng cho ngũ phương trời đất. Ngũ Hổ Thần Quan bao gồm năm vị với năm màu sắc khác nhau, danh xưng cấu trúc theo thứ tự:
Đông Phương Giáp Ất Mộc Đức Thanh Hổ Thần Quan
Nam Phương Bính Đinh Hỏa Đức Xích Hổ Thần Quan
Trung Ương Mậu Kỷ Thổ Đức Hoàng Hổ Thần Quan
Tây Phương Canh Tân Kim Đức Bạch Hổ Thần Quan
Bắc Phương Nhâm Quý Thủy Đức Hắc Hổ Thần Quan.
Năm Nhâm Dần với Thiên can Nhâm là năm của Hắc Hổ Thần Quan trấn nhậm phương Bắc. Mà phương Bắc thuộc hành Thủy, Nhâm Thủy là nước lớn, sông hồ biển nên có lẽ nước và Hổ cũng có sự liên quan với nhau. Đây là điều khá thú vị vì trong khi Mèo nhà lại kỵ nước nhưng Hổ đối với nước không những không kiêng kỵ mà nó còn có thể săn mồi trong nước và thích nô đùa nơi những dòng suối. Sự thực là hổ dành phần nhiều thời gian trong ngày có khi lên đến nhiều giờ để bơi lội. Từ khi còn bé, hổ mẹ đã khuyến khích các con mình làm quen với nước và hầu hết hổ trưởng thành đều có khả năng săn mồi dưới nước khá điêu luyện. Sức mạnh và khả năng bơi lội của hổ còn là điều gây kinh ngạc cho chúng ta khi chúng có thể bơi hàng chục km, và có con đã từng bơi xa đến 30 km.
Hổ nước ta là loài hổ nào?
Hổ dĩ nhiên là một con vật nổi tiếng khắp nước ta cũng như trên toàn thế giới. Thế nhưng có khá nhiều loài hổ khác nhau phân bố khắp từ Nga cho đến Ấn Độ và Đông Nam Á. Loài hổ sống ở nước ta còn gọi là Hổ Đông Dương vốn phổ biến ở Đông Nam Á tại các nước thuộc bán đảo Đông Dương như Campuchia, Lào, Malaysia, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam. Dù trong huyền thoại nước ta có khá nhiều câu chuyện về những con hổ hung hãn to lớn ăn thịt người, nhưng trên thực tế hổ Đông Dương lại là loài hổ có thể coi là nhỏ trong các chủng loài hổ, chỉ to hơn hổ Sumatra. Nó có kích thước bé hơn hổ Bengal và hổ Siberia. Hổ Đông Dương đực trưởng thành dài khoảng 2,55 – 2,85m (8,37-9,35 ft), cân nặng khoảng 150-195 kg (330-430 lb), và có chiều dài hộp sọ tối đa khoảng 319-365 mm (13-14 inch). Tuy vậy thực tế trong lịch sử có những cá thể dài đến 3m hay 4m và cân nặng trên 200 kg.
Do nạn phá rừng ở nước ta đã làm mất đi khu vực sinh sống tự nhiên của hổ, hiện nay số lượng hổ Đông Dương ở tự nhiên tại nước ta còn rất ít. Đây là bảng thống kê dự đoán số lượng hổ Đông Dương còn lại ở tự nhiên (Wikipedia, trích GTRP (2011). Global Tiger Recovery Program 2010–2022. Global Tiger Initiative, Washington, DC).
Tập quán thờ Hổ của dân ta
Ở Việt Nam,người ta cho rằng, hổ là chúa tể của muôn loài thú, thậm chí uy lực của hổ còn trấn ngự được cả những linh hồn người đã chết do nó ăn thịt, gọi là ma trành. Những hồn ma này sẽ giúp hổ dễ dàng vồ người hơn. Trong văn hóa, hổ xếp hàng thứ ba trong mười hai chi, năm Dần đối với người Việt thì nó vừa là mãnh thú hung hãn, vừa là thần thú. Uy lực của mãnh hổ lại có thể làm tà ma không dám xâm nhập nên người ta vẽ bùa con Hổ (hổ phù) hay tranh hổ dán trước cửa nhà để trừ tà yểm quái, coi hổ như một vị thần bảo hộ. Miền Bắc nước ta đến nay còn có tập quán thờ Ngũ Hổ trong tín ngưỡng Tứ phủ dân gian. Dù ở miền Bắc, miền Trung hay miền Nam đều có tục lệ thờ Thần Hổ như một biểu tượng của con vật dũng mãnh, uy linh tượng trưng cho sức mạnh có khả năng trấn tà. Trên phương diện này hổ đã hoá thành vật linh thiêng với những cái tên trong huyền thoại dân gian thường gọi: Thần Hổ, Sơn quan thần Hổ, Lý nhĩ tướng quân, thần hộ vệ Thành Hoàng, chúa Sơn Lâm, ông Ba Mươi trong khi đó ở miền Nam Việt Nam còn có tên ông Cả hổ, Thần Bạch Hổ.
Nhiều nơi trong miền Nam cho đến ngày nay vẫn còn miếu thờ Hổ. Điều này bắt nguồn từ thời khai phá miền Nam vào thế kỷ 16, 17, khi lưu dân đến khai phá đất Nam Bộ, một vùng hoang dã mà có thời dưới sông sấu lội, trên rừng hổ đua, thì việc thờ hổ được xem là một việc bắt buộc để cầu sự bình an. Nên thời bấy giờ ở Nam Bộ có rất nhiều miếu thờ hổ, quanh năm khói hương nghi ngút. Ở vùng sông nước miền Tây, lại có đình, đền, miếu thờ ông hổ hay ông Cả hổ (phong cho hổ làm chức Hương cả) và thay vì thờ thần thánh, người ta lại khói hương nghi ngút, khấn vái thành kính loài vật được cho là thú dữ, sợ hãi và tôn kính hổ, nên người dân lập đình, miếu thờ hổ hằng năm làm heo cống nạp, cầu được bình an, không bị loài hổ trả thù, có dòng họ còn đổi cả họ vì kinh sợ hổ bắt người để trả thù mà lập miếu thờ phụng cầu an. Ở miền Điện Trường Bà (thị trấn Trà Xuân, Huyện Trà Bồng, Quảng Ngãi) thờ chánh thần Thiên Y A Na cùng với tùy tướng Bạch Hổ Sơn Quân hay còn gọi là “ông Hổ đi tu”. Hổ trắng này vốn là tùy tướng thân cận nhất của Thiên Y A Na. Tương truyền, những khi có giặc đánh tới vùng đất này, quân Bà Thiên Y A Na là bầy ong hàng vạn con từ đâu lũ lượt bay đến tấn công khiến địch nằm la liệt. Sau đó, tùy tướng Bạch Hổ sơn quân xuất hiện đến kết liễu rồi mang đầu giặc treo ở một cây đa trong vùng. Bây giờ, người dân địa phương vẫn gọi cây đa ấy là “cây đa treo đầu giặc”. Khi hết giặc, Bạch Hổ sơn quân vào núi đi tu. Nhớ ơn Bạch Hổ sơn quân, người dân ở Trà Bồng còn lập miếu thờ riêng cách điện Trường Bà chừng 2 km về phía đông.
Đông Phong
Xem thêm: