Năm 2020, các nhà bán vũ khí Trung Quốc phát triển chỉ đứng sau Mỹ
Theo một báo cáo mới của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), năm công ty Trung Quốc đã chiếm khoảng 13% tổng doanh số bán vũ khí của 100 nhà sản xuất vũ khí lớn nhất thế giới trong năm 2020.
Năm công ty đó là NORINCO, AVIC, CETC, CASIC, và CSGC, đã chiếm khoảng 66.8 tỷ USD hồi năm ngoái, tăng 1.5% so với năm 2019. Tất cả năm công ty này đều thuộc sở hữu nhà nước, và thực hiện hoạt động kinh doanh thay mặt cho Đảng Cộng sản Trung Quốc (Trung Cộng). Cả năm công ty này đều lọt vào top danh sách 20, trong đó 3 công ty lọt vào top 10.
Báo cáo này lưu ý rằng năm công ty được liệt kê ở trên có thể không đại diện cho tất cả các công ty Trung Quốc đáng lẽ phải được liệt kê trong top 100, vì các quy định của Trung Cộng thường hạn chế những thông tin nào được công khai liên quan đến những việc như thế này.
“Các công ty Trung Quốc khác có thể có doanh số bán vũ khí đủ cao để đứng trong Top 100,” theo một thông cáo báo chí của SIPRI, “nhưng không có đủ dữ liệu để đưa các công ty đó vào bảng xếp hạng.”
Doanh số bán vũ khí tăng trên khắp thế giới ngay cả khi nền kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Virus Trung Cộng, thường được gọi là virus corona chủng mới. Doanh số bán vũ khí và dịch vụ quân sự của 100 công ty lớn nhất trong ngành này tăng 1.3%, mặc dù nền kinh tế toàn cầu giảm 3.1%.
Bà Alexandra Marksteiner, một nhà nghiên cứu tại SIPRI, cho biết: “Các đại công ty trong ngành phần lớn được bảo vệ bởi nhu cầu không ngừng nghỉ của chính phủ đối với hàng hóa và dịch vụ quân sự.”
“Phần lớn trên thế giới, chi tiêu quân sự tăng lên và một số chính phủ thậm chí còn đẩy nhanh các khoản thanh toán cho ngành công nghiệp vũ khí để giảm thiểu tác động từ cuộc khủng hoảng Covid-19.”
Trong số 100 công ty hàng đầu, thì các công ty Mỹ chiếm khoảng 54% tổng doanh số bán vũ khí, tăng khoảng 285 tỷ USD trong toàn 41 công ty. Nhà bán vũ khí lớn nhất trong danh sách này là Lockheed Martin, với 58.2 tỷ USD doanh thu bán vũ khí trong năm 2020.
Doanh thu chung của những công ty trong danh sách nhưng có trụ sở bên ngoài Trung Quốc, Âu Châu, Nga, và Hoa Kỳ là 43.1 tỷ USD, tương đương 8.1% tổng doanh thu.
Sự tăng trưởng liên tục của lĩnh vực quốc phòng Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh Trung Cộng đang dốc toàn lực thúc đẩy phát triển các công nghệ quân sự mới và mở rộng kho vũ khí hạt nhân của mình.
Báo cáo của SIPRI cho thấy các công nghệ mới, đặc biệt là các hệ thống đặt trên không gian, đang thúc đẩy doanh số bán hàng ở cả Hoa Kỳ và Trung Quốc, và có khả năng là động cơ cho xu hướng mua lại và hợp nhất nổi tiếng ở Hoa Kỳ.
Bà Marksteiner cho biết: “Xu hướng này đặc biệt rõ rệt trong lĩnh vực không gian. Northrop Grumman và KBR nằm trong số các công ty đã mua lại các công ty giá trị cao chuyên về công nghệ vũ trụ trong những năm gần đây.”
Báo cáo cũng lưu ý rằng chính sách hợp nhất quân sự-dân sự của Trung Cộng là một yếu tố dẫn động đẩy các công ty vũ khí của Trung Quốc lên hàng những nhà bán [vũ khí] hàng đầu thế giới.
Ông Nam Thiên (Nan Tian), một nhà nghiên cứu cao cấp của SIPRI, cho biết: “Trong những năm gần đây, các công ty vũ khí Trung Quốc đã hưởng lợi từ các chương trình hiện đại hóa quân sự của nước này và tập trung vào việc hợp nhất quân sự-dân sự.”
“Họ đã trở thành một trong những nhà sản xuất công nghệ quân sự tân tiến nhất trên thế giới.”
Ông Andrew Thornebrooke là một phóng viên của The Epoch Times, chuyên đưa tin về các vấn đề liên quan đến Trung Quốc với trọng tâm là quốc phòng, các vấn đề quân sự, và an ninh quốc gia. Ông có bằng Thạc sĩ lịch sử quân sự tại Đại học Norwich.
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: