Mỹ và EU lên án việc Bắc Kinh phê chuẩn Luật an ninh quốc gia với Hong Kong
Đó là một ví dụ khác trong “danh sách dài những lần mà ĐCSTQ không tuân theo các nguyên tắc của chính nó hay các các thỏa thuận cũng như những cam kết mà nó tham gia”, Dân biểu Scott Perry nói.
Các nhà lập pháp Hoa Kỳ và các lãnh đạo châu Âu đã lên án việc Bắc Kinh chính thức thông qua luật an ninh quốc gia Hong Kong. Luật này sẽ cho phép Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thắt chặt kiểm soát Hong Kong.
Ủy ban Thường vụ của cơ quan lập pháp Trung Quốc, thông qua các cuộc bỏ phiếu theo nghi thức, đã phê chuẩn luật an ninh quốc gia Hong Kong vào ngày 30/6. Các nhà phê bình quan ngại rằng ĐCSTQ sử dụng luật này để đàn áp những người chỉ trích mình. Một tiếng trước lễ kỷ niệm 23 năm ngày Hong Kong được bàn giao lại cho Trung Quốc, nội dung của luật an ninh quốc gia mới được công bố.
Luật an ninh quốc gia Hong Kong có hiệu lực ngay lập tức.
Theo luật này, những người bị kết tội ly khai, lật đổ chính quyền, khủng bố và thông đồng với các lực lượng nước ngoài phải đối mặt với hình phạt lên đến tù chung thân. Luật này cũng cho phép ĐCSTQ thành lập một cơ quan an ninh của Bắc Kinh trên lãnh thổ Hong Kong để điều tra và thực thi luật. Các thành viên của cơ quan an ninh này “không thuộc quyền tài phán của Hong Kong”, và “không chịu sự kiểm tra, kiểm soát và giam giữ theo pháp luật” của Hong Kong.
Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ, bà Nancy Pelosi cho biết, việc luật an ninh Hong Kong được thông qua chính là đặt “dấu chấm hết” cho nguyên tắc “một quốc gia, hai chế độ” mà Bắc Kinh đã cam kết khi nhận lại Hong Kong từ Vương Quốc Anh. Luật Cơ bản của Hong Kong quy định quyền tự chủ, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và hội họp, và tư pháp độc lập tại Hong Kong; đây là những quyền không tồn tại ở Đại lục.
Bà Pelosi cho biết: “Mục đích của luật an ninh ngang tàn này là để khiến người dân sợ hãi, đồng thời đe dọa và đàn áp những người Hong Kong đang biểu tình một cách hòa bình vì các quyền tự do mà họ đã được cam kết”.
Bà Pelosi kêu gọi chính quyền Tổng thống Trump buộc Bắc Kinh phải chịu trách nhiệm khi ban hành luật an ninh quốc gia này với Hong Kong bằng cách xử phạt các quan chức ĐCSTQ đã lạm dụng quyền tại Hong Kong theo Đạo luật Magnitsky toàn cầu và Đạo luật Dân chủ và Nhân quyền Hong Kong.
Trong tháng Năm, để đáp trả các hành động của Bắc Kinh, Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố rằng chính quyền của ông sẽ bắt đầu quá trình loại bỏ các đặc quyền mà Hoa Kỳ đã thực hiện với thành phố theo luật pháp Hoa Kỳ và thực hiện các biện pháp trừng phạt những quan chức Trung Quốc liên quan đến việc làm xói mòn quyền tự do Hong Kong.
Kể từ đó, Washington đã thực thi các hạn chế về thị thực với các quan chức ĐCSTQ liên quan đến vấn đề này và cảnh báo rằng Hong Kong cũng sẽ phải tuân theo luật kiểm soát xuất khẩu mà trước đây chỉ áp dụng đối với Trung Quốc đại lục.
Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Pat Toomey cho biết rằng hành động này là rất “đáng lo ngại”; người Hong Kong đã bị tước mất quyền tự do cơ bản đã được quy định trong Luật Cơ bản.
Vào tuần trước, Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật có tên là Đạo luật tự trị Hong Kong. Dự luật này đưa ra các biện pháp trừng phạt bắt buộc đối với những cá nhân hoặc công ty ủng hộ chính quyền Trung Quốc trong việc hạn chế quyền tự trị của Hong Kong. Dự luật cũng bao gồm các biện pháp trừng phạt thứ cấp đối với các ngân hàng có giao thương với bất kỳ cá nhân nào bị phát hiện là có liên đới đến việc làm xói mòn quyền tự trị của Hong Kong. Một dự luật song hành cũng đã được trình lên Hạ viện.
Dân biểu Ted Yoho nhận định rằng động thái của chính quyền Trung Quốc sẽ không chỉ mang đến các hậu quả cho người dân Hong Kong mà cả cộng đồng doanh nghiệp quốc tế.
Ông Yoho nhận định: “Họ [các doanh nghiệp] sẽ quan sát hành vi của chính quyền Trung Quốc trước luật pháp và các thỏa thuận quốc tế. Từ đó, họ sẽ hiểu rằng không thể tin tưởng vào những người thuộc ĐCSTQ này. Như vậy, sẽ xảy ra một cuộc thoái vốn lớn khỏi trung tâm tài chính quốc tế trong cả lĩnh vực kinh doanh và thương mại quốc tế”.
Ông Yoho là người đã đề xuất Đạo luật tự trị Hong Kong với Hạ viện. Ông kỳ vọng rằng dự luật sẽ được thông qua và ký thành luật được ban hành trước khi kết thúc phiên họp Quốc hội vào cuối tháng 7.
Dân biểu Scott Perry cho biết rằng ông không ngạc nhiên gì về việc Bắc Kinh hoàn thiện luật an ninh quốc gia Hong Kong một cách nhanh chóng, đồng thời ông nói đó là một ví dụ khác trong “danh sách dài những lần mà ĐCSTQ không tuân theo các nguyên tắc của chính nó hay các các thỏa thuận cũng như những cam kết mà Đảng này tham gia”.
Ông Perry nói thêm: “Chúng ta phải tiếp tục cho Trung Quốc biết, và cả cộng đồng thế giới cũng cần phải cho Trung Quốc biết rằng điều này là hoàn toàn không thể chấp nhận được”.
Ngoài Hoa Kỳ, các nước khác bao gồm Anh và Liên minh Châu Âu, Nhật Bản, Đài Loan… đều chỉ trích việc ban hành luật an ninh quốc gia Hong Kong của Bắc Kinh.
Thủ tướng Anh, ông Boris Johnson, nói rằng Vương quốc Anh “quan ngại sâu sắc” vấn đề thực thi luật an ninh quốc gia, còn Chủ tịch Hội đồng Liên minh châu Âu Charles Michel nói rằng: “Chúng tôi phản đối quyết định này”.
Bộ trưởng Ngoại giao Anh Dominic Raab cho biết động thái này là “một bước đi tai hại gây ra rắc rối sâu sắc”.
Nguyễn Minh