Mỹ và Đài Loan bác bỏ tuyên bố của Trung Quốc về Eo biển Đài Loan
Hôm 13/06, nhà cầm quyền cộng sản Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với Eo biển Đài Loan, phủ nhận khẳng định của Hoa Kỳ và Đài Loan rằng eo biển chiến lược này nằm trong vùng biển quốc tế.
Tuyên bố của Bắc Kinh ngay lập tức bị Hoa Kỳ và Đài Loan bác bỏ.
Eo biển Đài Loan ngăn cách đảo Đài Loan, lãnh thổ duy nhất còn sót lại của Trung Hoa Dân Quốc (từ năm 1911 đến nay), và Trung Quốc đại lục, vùng lãnh thổ bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) chiếm giữ vào năm 1949. Các chiến hạm hải quân của Hoa Kỳ đã thường xuyên đi qua eo biển này, vì nó được coi là nằm trong vùng biển quốc tế.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Uông Văn Bân (Wang Wenbin) cho biết tại một cuộc họp báo thường kỳ ở Bắc Kinh hôm thứ Hai (13/06), “Trung Quốc được hưởng quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với Eo biển Đài Loan, đồng thời tôn trọng quyền hợp pháp của các quốc gia khác trong các khu vực hàng hải liên quan.”
Ông nhấn mạnh quan điểm của Bắc Kinh rằng Đài Loan là một phần không thể tách rời của Trung Quốc và nói thêm: “Không có cái gọi là vùng biển quốc tế trong luật hàng hải quốc tế … Các nước liên quan tuyên bố Eo biển Đài Loan thuộc vùng biển quốc tế nhằm mục đích thao túng vấn đề Đài Loan và đe dọa chủ quyền của Trung Quốc.”
Ông Uông cũng viện dẫn Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) và quốc pháp để tuyên bố rằng Eo biển Đài Loan nằm trong lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc.
Hoa Kỳ không phải là một bên tham gia vào UNCLOS.
Hôm 14/06, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Ned Price đã bác bỏ tuyên bố của Bắc Kinh, nói rằng: “Eo biển Đài Loan là một tuyến đường biển quốc tế, có nghĩa là Eo biển Đài Loan là một khu vực mà các quyền tự do biển cả, bao gồm tự do hàng hải và tự do hàng không, được bảo đảm theo luật pháp quốc tế.”
Ông nhắc lại những lo ngại của Hoa Kỳ về “luận điệu hung hăng và hoạt động cưỡng bách đối với Đài Loan” của Trung Quốc và nhấn mạnh Hoa Kỳ “sẽ tiếp tục bay, đi thuyền, và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép, bao gồm cả việc đi qua Eo biển Đài Loan.”
Hôm 15/06, Thủ tướng Đài Loan Tô Trinh Xương cho biết eo biển này “tuyệt nhiên không phải là biển nội hải của Trung Quốc.”
Ông nói: “Tham vọng thôn tính Đài Loan của Trung Quốc chưa bao giờ dừng lại hoặc bị che giấu; Eo biển Đài Loan là khu vực hàng hải theo nguyên tắc tự do hàng hải quốc tế.”
Trong một tuyên bố bằng văn bản hôm 14/06, Hội đồng Các vấn đề Đại lục của Đài Loan nói rằng tuyên bố của Trung Quốc là một nỗ lực nhằm “nội địa hóa Đài Loan và nội địa hóa eo biển,” vốn là một hành vi vi phạm luật pháp quốc tế. “Đây là một hành động khiêu khích làm suy yếu hiện trạng ở Eo biển Đài Loan và làm leo thang thêm căng thẳng trong khu vực, điều mà chúng tôi và cộng đồng quốc tế không công nhận cũng như không chấp nhận.”
Ông Hoàng Giới Chính (Alexander Huang), Giám đốc Ban Quốc tế của đảng đối lập là Quốc Dân Đảng kiêm phó giáo sư của Viện Chiến lược của Đại học Đạm Giang ở Đài Loan, cho biết, “Eo biển Đài Loan là một tuyến đường biển quốc tế quan trọng và Đài Loan sẽ không chấp nhận yêu sách của Trung Quốc.”
Giao thông hàng hải của Nhật Bản phụ thuộc nặng nề vào Eo biển Đài Loan và Biển Đông. Bàn về yêu sách của Trung Quốc, hôm 14/06, một phát ngôn viên của chính phủ Nhật Bản cho biết, “Hòa bình và ổn định ở Eo biển Đài Loan là vô cùng quan trọng không chỉ đối với Nhật Bản, mà còn đối với cộng đồng quốc tế.”
Tuyên bố gần đây của Bắc Kinh mâu thuẫn với tuyên bố trước đó được đưa ra vào năm 2017, khi Bộ Ngoại giao của nhà cầm quyền này nói, “Eo biển Đài Loan là một tuyến đường biển quốc tế nằm giữa đại lục và Đài Loan.”
Luận điệu khiêu khích mới nhất này của ĐCSTQ theo sau phi vụ xâm nhập hôm 30/05 của nước này. Đây là vụ xâm nhập vùng nhận dạng phòng không lớn thứ hai vào Đài Loan trong năm nay.
Hôm 23/05, Tổng thống Joe Biden cho biết Hoa Kỳ sẽ can thiệp quân sự để bảo vệ Đài Loan nếu nước này bị quân đội ĐCSTQ tấn công.
Ông Alex Wu là một tác giả của The Epoch Times tại Hoa Kỳ, chuyên về xã hội Trung Quốc, văn hóa Trung Quốc, nhân quyền, và các mối quan hệ quốc tế.