Mỹ và Ấn Độ ký hiệp ước hợp tác quân sự, chống lại mối đe dọa từ Trung Quốc
Hoa Kỳ và Ấn Độ đã ký một hiệp ước chia sẻ dữ liệu nhạy cảm từ vệ tinh và bản đồ vào ngày thứ Ba (27/10) khi Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo cảnh báo về mối đe dọa từ thái độ ngày càng hung hăng của chính quyền Trung Quốc.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Michael Pompeo và Bộ trưởng Quốc phòng, ông Mark Esper đã tổ chức các cuộc hội đàm song phương thường niên lần thứ ba với những người đồng cấp Ấn Độ tại New Delhi hôm 27/10 để đối phó với mối đe dọa do chế độ Cộng sản Trung Quốc đối với an ninh và tự do.
Đối thoại chiến lược Mỹ-Ấn diễn ra vào thời điểm căng thẳng gia tăng trong khu vực, khi quân đội Ấn Độ đối đầu với lực lượng Trung Quốc tại biên giới đang tranh chấp trên dãy Himalaya. Hàng chục nghìn binh sĩ đã tham gia vào cuộc xung đột từ tháng 5.
Ông Esper phát biểu trong cuộc họp báo rằng Hiệp ước quốc phòng mới — Hiệp định Trao đổi và Hợp tác Cơ bản về Hợp tác Không gian Địa lý — là một “cột mốc quan trọng” để thúc đẩy sự hợp tác giữa quân đội của cả hai nước.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh gọi thỏa thuận tại cuộc họp báo là “một thành tựu quan trọng” trong hợp tác quốc phòng.
Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết thỏa thuận sẽ mở rộng việc chia sẻ thông tin không gian địa lý giữa các lực lượng quân sự.
Ông Esper cho biết Mỹ đã lên kế hoạch bán thêm máy bay chiến đấu và máy bay không người lái cho Ấn Độ. Hiệp ước sẽ cho phép Ấn Độ tiếp cận với một loạt dữ liệu địa hình, hàng hải và hàng không được coi là quan trọng để nhắm vào các mục tiêu tên lửa và máy bay không người lái có vũ trang.
Hiệp ước cũng sẽ cho phép Hoa Kỳ cung cấp các thiết bị hỗ trợ định vị và thiết bị điện tử hàng không tiên tiến trên các máy bay do Hoa Kỳ cung cấp cho Ấn Độ, nguồn tin từ Bộ quốc phòng Ấn Độ cho biết.
Ông Esper cho biết trong cuộc họp báo của 4 bộ trưởng: “Chúng tôi sẽ sát cánh cùng nhau để ủng hộ một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở cho tất cả mọi người, đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc đang gia tăng các hoạt động gây hấn và gây bất ổn”.
Ông Pompeo nói. “Các nhà lãnh đạo và công dân của chúng ta ngày càng thấy rõ rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc không ủng hộ nền dân chủ, pháp quyền, minh bạch, cũng như tự do hàng hải, vốn là nền tảng của một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở, thịnh vượng,”
“Khi đối đầu với sự chuyên chế của Trung Quốc, chắc chắn Hoa Kỳ sẽ sát cánh cùng các đối tác của mình,” ông Pompeo phát biểu trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Ấn Độ Times Now. Hoa Kỳ sẽ hợp tác với Ấn Độ để mang lại sự an toàn và an ninh cho người dân Ấn Độ, cho Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và thậm chí cho toàn thế giới,” ông Pompeo cho biết thêm.
Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar cho biết tại cuộc họp báo rằng việc duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ đặc biệt quan trọng. Ông nói thêm: “Cùng nhau, chúng ta có thể tạo ra sự khác biệt thực sự khi đối mặt với các thách thức khu vực và toàn cầu, cho dù đó là tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ, thúc đẩy nhận thức về vùng biển, chống khủng bố hay đem lại sự thịnh vượng”.
Cả hai bộ trưởng quốc phòng nhất trí về việc tăng cường tham gia các cuộc tập trận chung và hoan nghênh Úc tham gia Cuộc tập trận Hải quân MALABAR của Mỹ-Ấn-Nhật, sẽ được tổ chức tại Vịnh Bengal và Biển Ả Rập vào tháng 11, tuyên bố chung cho biết.
Ông Pompeo và ông Esper còn tham gia lễ tưởng niệm quân lính Ấn Độ đã thiệt mạng để bảo vệ đất nước mình, trong đó có 20 người đã hy sinh hồi đầu năm nay trong cuộc xung đột với Trung Quốc.
Ấn Độ hiện đang duy trì các phi đội máy bay C-17 và P-8 lớn nhất bên ngoài Hoa Kỳ, và vào năm 2020, Hoa Kỳ đã thông qua đơn hàng bán thiết bị quốc phòng trị giá hơn 20 tỷ USD cho Ấn Độ, tuyên bố cho biết.
Tiềm năng hợp tác Hoa Kỳ-Ấn Độ
Tại cuộc họp báo, ông Singh cho biết Ấn Độ có những điều kiện thuận lợi để “chuyển dịch sản xuất trong chuỗi cung ứng toàn cầu sau những gián đoạn do đại dịch”.
Ông nói thêm: “Chúng tôi đã mời các nhà sản xuất thiết bị nguyên bản, các công ty khác từ Hoa Kỳ, đầu tư vào Ấn Độ” vì quốc gia này có “những yêu cầu rất quan trọng” về quốc phòng mà có thể duy trì các khoản đầu tư trong thời gian dài. Ngoài việc xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ, Ấn Độ đề xuất phát triển các cơ sở bảo dưỡng và sửa chữa thiết bị của Mỹ để phục vụ toàn bộ khu vực, ông Singh cho biết.
Cả hai nước sẽ tiếp tục hợp tác chống khủng bố và chống tài trợ khủng bố, cũng như trao đổi thông tin về các lệnh trừng phạt, tuyên bố chung cho biết. Theo tuyên bố chung, hai bên phản đối việc sử dụng ủy nhiệm khủng bố, lên án mạnh mẽ chủ nghĩa khủng bố xuyên biên giới dưới mọi hình thức và sẽ phối hợp hành động chống lại tất cả các mạng lưới khủng bố như al-Qaeda, ISIS, Hizb-ul-Mujahideen, v.v.
Bốn bộ trưởng cho biết trong tuyên bố rằng họ cũng đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong quan hệ đối tác năng lượng bao gồm dự án xây dựng sáu lò phản ứng hạt nhân tại một nhà máy điện hạt nhân ở Ấn Độ của công ty Mỹ Westinghouse Electric.
Theo tuyên bố chung, Hoa Kỳ cũng tái khẳng định việc tiếp tục ủng hộ mạnh mẽ tư cách thành viên thường trực của Ấn Độ trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã được cải tổ cũng như việc Ấn Độ sớm gia nhập Nhóm các nhà cung cấp hạt nhân (NSG).
Ấn Độ đã nổi lên như một cường quốc hàng đầu trong khu vực và toàn cầu và trong năm tới sẽ trở thành thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc với nhiệm kỳ 2 năm. Nước này cũng tìm kiếm cơ hội để trở thành một thành viên thường trực trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Hai nước cũng đã ký kết các hiệp định về hợp tác trong lĩnh vực khoa học sức khỏe. Theo tuyên bố chung, một cơ sở nghiên cứu của Ấn Độ trong lĩnh vực thanh lọc cơ thể theo trường phái Ayurveda sẽ hợp tác với các tổ chức y tế và nghiên cứu y tế của Hoa Kỳ.
Hai nước cũng sẽ hợp tác trong lĩnh vực giáo dục đại học và khoa học. Số lượng sinh viên Ấn Độ đang theo học tại các trường đại học và cao đẳng của Mỹ đã tăng gấp đôi kể từ năm 2012, đạt 200.000 người trong năm học 2018-19, tuyên bố cho biết.