Mỹ-Nhật đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu, quốc phòng giữa sự khiêu khích của Trung Quốc
Hôm thứ Năm (06/01), Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken cho biết, Hoa Kỳ và Nhật Bản sẽ tăng cường hợp tác quốc phòng theo hai thỏa thuận mới sau “các hành động khiêu khích” của Trung Quốc ở vùng Biển Đông (South China Sea) đang tranh chấp và khu vực Eo biển Đài Loan.
Diễn thuyết tại phần khai mạc của cuộc họp trực tuyến giữa các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng hai nước, ông Blinken cho biết hai quốc gia đồng minh này sẽ ký một thỏa thuận 5 năm mới về sự hiện diện quân sự của Hoa Kỳ ở Nhật Bản, điều này sẽ giúp “làm tăng khả năng tương tác và tính sẵn sàng của quân đội chúng ta.”
Theo các điều khoản của thỏa thuận đồn trú này, vốn có hiệu lực đến năm 2026, Nhật Bản sẽ chi khoảng 1.82 tỷ USD hàng năm để tài trợ cho việc duy trì đồn trú cho khoảng 55,000 lính Mỹ tại Nhật Bản.
Ông Blinken cho biết, hai quốc gia đồng minh này cũng sẽ ký một thỏa thuận nghiên cứu và phát triển mới để hợp tác trong các vấn đề liên quan đến quốc phòng mới xuất hiện, bao gồm các cách chống lại những mối đe dọa của hỏa tiễn siêu thanh và nâng cao năng lực dựa trên không gian.
Ông Blinken nhấn mạnh rằng liên minh Nhật Bản-Hoa Kỳ “không phải chỉ củng cố các công cụ mà chúng ta đang sở hữu, mà còn phải phát triển thêm các công cụ mới,” đồng thời trích dẫn sự quyết đoán ngày càng gia tăng của Trung Quốc tại vùng biển tranh chấp và việc tăng cường quân đội của Nga ở biên giới Ukraine.
Ông lưu ý rằng, “Trung Quốc và Nga vẫn tiếp tục vi phạm các chuẩn tắc quốc tế — trên bộ, trên biển, trong không gian, và trong không gian mạng. Các hành động khiêu khích của Bắc Kinh tiếp tục làm gia tăng căng thẳng trên Eo biển Đài Loan, cũng như ở vùng Biển Hoa Đông và các khu vực của Biển Đông.”
Ông Blinken cũng tuyên bố rằng cần phải tăng cường hợp tác quốc phòng Nhật Bản-Hoa Kỳ khi xem xét các chương trình hạt nhân và hỏa tiễn phi pháp của Bắc Hàn, khi viện dẫn vụ phóng hỏa tiễn hướng đông mới đây của Bắc Hàn được cho là đã hạ cánh bên ngoài vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản.
Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Yoshimasa Hayashi trình bày trước hội nghị trực tuyến rằng cộng đồng quốc tế đang đương đầu với những thách thức đa phương diện, bao gồm “nỗ lực đơn phương và cưỡng chế nhằm thay đổi hiện trạng, lạm dụng áp lực không công bằng, và bành trướng chế độ độc tài [nguyên văn].”
Thông báo này được đưa ra sau khi Nhật Bản ký một thỏa thuận tiếp cận đối ứng với Úc. Thỏa thuận này nhằm “củng cố sự kết giao thực tế sâu rộng hơn và phức tạp hơn” giữa lực lượng quốc phòng của cả hai nước.
Thủ tướng Úc Scott Morrison nói rằng hiệp ước Nhật Bản-Úc cũng sẽ đóng góp vào “nghị trình mở rộng” cho Bộ Tứ, một cuộc đối thoại an ninh chiến lược không chính thức giữa Hoa Kỳ, Úc, Ấn Độ, và Nhật Bản nhằm thúc đẩy một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do.
Hồi tháng trước (12/2021), Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Kishi Nobuo đã nói với người đồng cấp Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa (Wei Fenghe) rằng Nhật Bản phản đối các nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng ở Biển Hoa Đông bằng sự cưỡng bách.
Ông Kishi đã bày tỏ lo ngại về tình hình ở Biển Hoa Đông, đặc biệt là Quần đảo Senkaku, nơi Đảng Cộng Sản cai trị Trung Quốc đang không ngừng tiến hành các cuộc xâm nhập. Vị bộ trưởng này kêu gọi Trung Quốc “hãy tự kiềm chế.”
Ông Ngụy đáp lại bằng cách nói rằng Trung Quốc sẽ “kiên quyết bảo vệ chủ quyền lãnh thổ cũng như các quyền và lợi ích hàng hải của mình” ở Quần đảo Senkaku, mà Trung Quốc gọi là Quần đảo Điếu Ngư, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết của đôi bên trong việc cùng hợp lực để duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực biển Hoa Đông.
Aldgra Fredly là một nhà văn tự do sống tại Malaysia, đưa tin về khu vực Á Châu-Thái Bình Dương cho The Epoch Times.
Bản tin có sự đóng góp của The Associated Press
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: