Mỹ hạn chế cấp thị thực cho quan chức Trung Quốc vi phạm quyền tự trị tại Hong Kong
Các hạn chế về thị thực sẽ ảnh hưởng đến các quan chức hiện tại cũng như cựu quan chức ĐCSTQ tham gia vào việc phá hoại quyền tự trị, nhân quyền và tự do tại Hong Kong. Thân nhân của các quan chức này cũng có thể phải chịu các hạn chế tương tự, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết.
Ngày 26/6, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tuyên bố Hoa Kỳ sẽ áp đặt các hạn chế thị thực (visa) đối với các quan chức của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vi phạm quyền tự trị và nhân quyền ở Hong Kong. Động thái này được đưa ra vài tuần sau khi Tổng thống Donald Trump cam kết sẽ có hành động để trừng phạt Bắc Kinh vì “bóp nghẹt” tự do tại Hong Kong.
Một phát ngôn viên của Bộ ngoại giao Mỹ cho biết: các cá nhân thuộc các tiêu chí này có thể bị từ chối đơn xin thị thực vào Mỹ. Các tiêu chí về hạn chế thị thực đã được ban hành trong mục 212 (a) (3) (C) của Đạo luật Di trú và Quốc tịch.
Bất chấp sự lên án và áp lực từ quốc tế, Bắc Kinh vẫn tiếp tục áp dụng luật an ninh quốc gia tại Hong Kong, trong đó bao gồm việc thành lập một cơ quan an ninh Bắc Kinh trên lãnh thổ Hong Kong.
Các nhà phê bình lo ngại luật an ninh quốc gia Hong Kong sẽ cho phép ĐCSTQ đàn áp những người chỉ trích chính quyền này; đồng thời cho rằng động thái này sẽ là “dấu chấm hết” cho quyền tự trị của Hong Kong, theo nguyên tắc “một quốc gia, hai chế độ” mà Bắc Kinh đã cam kết duy trì khi nhận lại thành phố từ Anh vào năm 1997. Cam kết này được ghi lại trong Tuyên bố chung Trung-Anh vào năm 1984, hay còn gọi là hiệp ước bàn giao.
Đáp lại các hành động của Bắc Kinh, vào tháng Năm, Tổng thống Trump tuyên bố rằng chính quyền của ông sẽ bắt đầu quá trình loại bỏ các đặc quyền đặc biệt dành cho Hong Kong, từ lĩnh vực thương mại cho đến nhập cư vì thành phố không còn có quyền tự trị trước Trung Quốc, vốn là cơ sở cho việc Hong Kong nhận được các đặc quyền này trước đây. Tổng thống Trump cũng cho biết, Washington sẽ trừng phạt các quan chức Trung Quốc liên quan đến việc vi phạm quyền tự trị của Hong Kong.
Ngoại trưởng Pompeo cho biết: “Mức độ tự chủ cao tại Hong Kong, việc thực thi đầy đủ Tuyên bố chung Trung-Anh, và sự tôn trọng nhân quyền, là điều quan trọng cơ bản. Hoa Kỳ sẽ tiếp tục xem xét các cơ quan chức năng của Hong Kong để giải quyết những quan ngại này”.
Ngày 25/6, Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật áp đặt các biện pháp trừng phạt bắt buộc đối với các cá nhân hoặc tổ chức ủng hộ các nỗ lực của chính quyền Trung Quốc nhằm hạn chế quyền tự trị của Hong Kong. Biện pháp này cũng bao gồm các hình thức trừng phạt thứ cấp đối với các ngân hàng có giao dịch với bất kỳ ai bị phát hiện ủng hộ bất kỳ sự đàn áp nào đối với quyền tự trị của Hong Kong. Các ngân hàng này có thể không được phép giao dịch với các đối tác của Mỹ và bị hạn chế giao dịch bằng đồng đô-la Mỹ.
Tuần trước, ông Pompeo đã có cuộc gặp mặt trực tiếp đầu tiên sau nhiều tháng với nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc Dương Khiết Trì. Trong cuộc họp, ông Dương đề nghị Washington tôn trọng lập trường của Bắc Kinh trong các vấn đề chính và ngừng can thiệp vào các vấn đề như Hong Kong, đồng thời tăng cường hợp tác trong mối quan hệ song phương. Còn ông Pompeo cho biết ông đã phát biểu trong cuộc họp rằng ĐCSTQ “đang hành xử theo cách khiến người dân Mỹ gặp nguy hiểm về an ninh”.
Trong cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh The Hugh Hewitt Show ngày 23/6, Ngoại trưởng Pompeo cho biết chi tiết về cuộc họp: “Những gì chúng ta cần thấy từ họ là một sự thay đổi trong cách cư xử. Khi tôi rời đi vào ngày hôm đó, tôi đã không mấy lạc quan rằng ĐCSTQ sẵn sàng nói về việc thay đổi của họ”. Ông Pompeo cũng cho biết rằng, vài ngày sau Bắc Kinh đã tiến hành các kế hoạch nhằm thắt chặt sự kìm kẹp đối với Hong Kong thông qua luật an ninh quốc gia Hong Kong.