Mưu lược của Quản Trọng về phương diện tài chính quốc gia (Phần 2)
Sách lược kinh tế tài chính của Trung Quốc cổ đại
Xem lại Phần 1
Quân Vương cùng các quần thần mặc Hán phục, vui vẻ nghe sáo trúc thưởng huyền cầm, điềm nhiên thả hồn vào trong chén rượu và những bức họa với cổ vận khoan thai, chủ đề họ đang đàm luận là về tiền tệ và tài chính. Thì ra, chủ đề được quan tâm thảo luận của thời đại ngày nay đã xuất hiện tại Trung Quốc cổ đại từ hơn hai ngàn năm trước.
Đọc các sách cổ, chúng ta luôn luôn cảm nhận được sự thần kỳ của chữ Hán, chỉ dùng vài dòng chữ ngắn ngủi là có thể gói gọn mấy ngàn năm thời không, tái hiện trí tuệ của cổ nhân về phương diện kinh tế tài chính, để người thời nay có thể thấy được tư tưởng cao cấp về tài chính kinh tế của con người cổ đại.
Trong “Binh pháp Tôn Tử – Chương Mưu Công” có nói: “Bất chiến nhi khuất nhân chi binh, thiện chi thiện giả dã.” (không đánh mà thắng được quân địch, thì đó mới là giỏi nhất trong những người giỏi). Một khi xuất hiện chiến tranh, bất luận là thắng thua cỡ nào, thì tất sẽ dẫn đến cảnh trăm họ lầm than, tổn thất tài vật đồng thời gây rung chuyển xã hội, do đó phát động chiến tranh là hành động bất đắc dĩ trong tình huống không còn cách nào nữa. Quản Trọng hiểu sâu sắc đạo lý này, về phương diện tài chính quốc gia, ông vận dụng khéo léo các mưu kế, dùng phương thức không đánh mà thắng giúp đỡ Tề Hoàn Công thu hoạch và tích lũy được lượng tài phú khổng lồ, giúp cho thực lực quốc gia về mọi mặt của nước Tề được nâng cao. Cuối cùng nước Tề đã thu phục được các quốc gia khác, Tề Hoàn Công nhờ vậy mà trở thành vị Bá chủ bậc nhất của “Xuân Thu Ngũ Bá” (tức là năm vị Bá chủ thời Xuân Thu). Khi đọc chương “Khinh trọng” trong cuốn “Quản Tử,” thường từ trong những câu chữ, cảm thán trí tuệ tài trị nước an dân của cổ nhân từ hai ngàn năm trước.
Thu hút tài vật trong thiên hạ
Tề Hoàn Công hỏi Quản Trọng, làm thế nào để nắm vững kế sách khinh trọng? Quản Trọng nói: “Kế sách khinh trọng không có định số. Một khi vật tư có biến động, những thứ khác liền phải biến động theo; một khi thu được tin tức, liền phải vận dụng kịp thời. Bởi vậy, trong việc lập quốc nếu mà không thể thu hút tài vật trong thiên hạ, thu hút bách tính trong thiên hạ, ngai vàng liền không thể tồn tại dài lâu.”
Hoàn Công lại hỏi: “Làm thế nào để thu hút tài vật trong thiên hạ?” Quản Trọng thưa: “Thời trước, Hạ Kiệt hoang dâm vô đạo, trong hoàng cung của ông ta riêng cung nữ biết nhạc ca đã có ba vạn người, các nàng đều mặc y phục hoa lệ, sáng sớm xướng ca ngay tại Đoan Môn, diễn tấu âm nhạc, ngay cả ở các khu phố bên ngoài cung cũng đều có thể nghe thấy.
Thế là Y Doãn bèn hạ lệnh cho nữ công nhàn hạ ở các vùng đất cằn cỗi dệt ra các loại gấm tơ tinh xảo. Một cuộn gấm có thể đổi lấy trăm chung lương thực của vua Kiệt. Ở quốc gia của Kiệt, tuy Kiệt là Thiên tử của một nước, nhưng lại không lo lắng cho bách tính của mình, chỉ truy cầu nữ nhân, chơi bời. Nhờ vậy, Y Doãn thông qua việc lấy được lương thực của Kiệt mà khống chế thị trường lưu thông tại quốc gia của Kiệt. Đây chính là thu hút tài vật trong thiên hạ.”
Trong quá trình Thương Thang tiêu diệt nhà Hạ thì mưu kế của Y Doãn đã giúp đỡ, phát huy tác dụng trọng yếu. Trước khi Hạ-Thương quyết chiến, Y Doãn đã thông qua sách lược kinh tế mà đem toàn bộ tài vật lưu thông ở Hạ chuyển dời đến Thương Thang, làm rỗng bên trong nhà Hạ.
Thời điểm Y Doãn di dời tài phú của nhà Hạ, thì Hạ Kiệt hồn nhiên không hề hay biết, ông ta sùng tín kẻ gian nịnh, sát hại trung thần. Đang khi ông ta tự ví bản thân mình như vầng thái dương, thì dân chúng của nhà Hạ oán hận rằng: “Thái dương a, khi nào thì ngươi mới diệt vong, bọn ta nguyện ý sẽ cùng bị diệt vong với ngươi.” Cuối cùng trải qua vài lần chiến tranh, trong sự Thiên nộ dân oán nhà Hạ liền tan rã mà diệt vong. Thương Thang chỉ dùng bảy mươi dặm đất cằn cỗi, liền có thể thôn tính được thiên hạ của Hạ Kiệt.
Mưu sĩ thất
Tề Hoàn Công muốn trợ cấp cho thân nhân của những người tử nạn trong chiến tranh, ông nói: “Nước ta, là một quốc gia nằm ở vị trí bốn mặt lâm địch, là nước phải dựa vào nhập khẩu lương thực của nước khác, lại là vùng nhiều đồi núi nơi sinh sống của loài hổ lang mãnh thú. Hiện nay, mỗi lần chiến tranh đều có binh sĩ tử trận, đối với những đứa con côi vợ góa của họ, không có bất cứ cái gì để có thể cứu tế họ, làm thế nào đây?”
Quản Trọng thưa: “Các hào gia quý tộc ở nước ta, những người làm quan to hiển quý cùng với những người có đất phong tích trữ lương thực tài vật, đều là phú hào của nước chúng ta. Việc bọn họ tích trữ lương thực tài vật như vậy, sẽ khiến cho giá cả của những vật phẩm đó trên thị trường tăng lên, ngược lại thì giá cả thị trường sẽ giảm xuống.”
Ông kiến nghị Tề Hoàn Công mặc quần áo vải bố đến nơi làm việc của các quan lại (nơi làm việc của quan các cấp), triệu tập tất cả công thần thế gia, nói với họ thế này: “Thành quách bảo vệ không kiên cố, liền rất dễ dàng bị quân địch phá vỡ, không có lương thực dự trữ, cũng rất dễ dàng bị quân địch vây khốn. Các nước trong thiên hạ đều đang lo lắng việc này, nước Tề của chúng ta há có thể mặc kệ không xem xét sao? Các vị sĩ phu phàm là người có tồn trữ lương thực, đều không được tự ý định đoạt nữa. Quả Nhân sẽ lấy giá vừa phải để thu mua của mọi người.”
Tề Hoàn Công dùng mưu kế của Quản Trọng, sau khi nói ý này đối với các công thần thế gia, sĩ phu, liền lấy ra văn thư đã chuẩn bị sẵn, tức là hợp đồng, để lần lượt thu mua từ phía họ, không để cho họ thổi phồng hay giảm bớt số lượng lương thực. Thế là lượng lương thực trong quốc khố của nước Tề tăng thêm lên nhiều gấp bốn mươi lần. Tề Hoàn Công lấy số lượng lương thực tăng lên bốn mươi lần này ra cấp cứu tế cho những người neo đơn không nơi nương tựa, nhận nuôi dưỡng dân nghèo đói và bệnh tật, chăm sóc những người già cả mà không có con cháu, để cho những người này không đến mức phải bán thân làm nô, cũng không đến nỗi lẻ loi hiu quạnh chết đường chết chợ.
Các tướng sĩ của nước Tề sau khi nghe nói về những chính sách tốt đẹp của Quốc Quân, thì càng thêm dũng mãnh xông lên khi chiến đấu, họ vì quốc gia mà ra sức không tiếc sinh mạng của mình. “Quản tử” thản nhiên nói, quân sĩ của nước Tề cũng không phải dạng người hiếu chiến, cũng không phải là coi thường mạng sống, mà là bởi vì tác dụng của thuật khinh trọng nên mới được vậy. Quản Trọng giúp đỡ Tề Hoàn Công vừa cứu tế được những người góa bụa neo đơn, điều tiết nền kinh tế, đồng thời còn kích phát được tinh thần bảo vệ quốc gia của các tướng sĩ. Có thể nói một công được ba việc!
Mưu kế xây cầu đào ao
Tề Hoàn Công nói: “Đối với bốn loại chất liệu như da, đồ khô, gân, sừng bị thu thuế quá nặng. Bởi vì bị thu thuế quá nặng cho nên bách tính phải đến chợ mua sắm các thứ này với giá cả đắt đỏ. Đây không phải là đạo trị quốc.” Quản Trọng liền kiến nghị Chủ Quân cho hạ lệnh xây cầu cao, đào ao sâu. Tốt nhất là người đi đường đứng tại đầu cầu phía đông không nhìn thấy đầu cầu phía tây, tại đầu cầu phía nam không nhìn thấy đầu cầu phía bắc. Sau một năm Tề Hoàn Công cho truyền hạ lệnh này, thì mức thu thuế đối với da, đồ khô, gân, sừng đã giảm nhanh xuống còn một nửa, cho nên mức chi phí của bách tính về mặt này cũng tự nhiên giảm bớt đi rất nhiều.
Tề Hoàn Công cho gọi Quản Trọng đến hỏi thăm nguyên nhân trong đó. Quản Trọng đáp: “Thời điểm cầu và ao đều bằng phẳng, hai vợ chồng kéo đẩy xe có thể rất dễ dàng đi qua trăm dặm. Hiện nay dựng cầu cao, đào sâu các ao hồ. Người đi đường ở các phía đông tây nam bắc đều không thể nhìn thấy đối phương ở bên kia. Một khi trời đổ mưa xuống, dù là sức lực của mười người cũng không thể đẩy xe lên đến trên cầu được; ao hồ gặp mưa, dù có sức của mười người cũng không thể làm gì được. Ngoài việc vận dụng sức lực của trâu ngựa ra, thì không còn cách nào khác. Trâu ngựa la lừa bị mệt đến kiệt sức, không ngừng bị chết trên đường, như thế thì những thứ da, đồ khô, gân, sừng của trâu ngựa đem cho không người ta cũng không nhận. Giá cả của trâu ngựa liền nhất định tăng lên gấp trăm lần. Thiên hạ chư hầu nghe được tin tức này, liền sẽ nườm nượp như nước, vội vàng mang trâu ngựa thành đàn đến nước Tề để bán. Thông qua dựng cầu cao, đào sâu ao hồ, áp dụng phương pháp hấp dẫn trâu ngựa trong thiên hạ để giảm nhẹ chi phí thuế má của bách tính.”
Mưu kế xây dựng hồ nước
Tề Hoàn Công muốn bắc phạt Cô Trúc, Li Chi, nhưng rất lo lắng nước Việt sẽ nhân cơ hội ông vắng nhà mà vào. Quốc lực và quân lực của nước Việt lúc ấy đều rất cường thịnh. Thế là Tề Hoàn Công triệu kiến Quản Trọng đến bàn về đối sách. Quản Trọng kiến nghị Tề Hoàn Công chặn dòng chảy Nguyên Sơn, cho người xây dựng thành hồ bơi lớn, để bách tính đến vui chơi bơi lội. Hoàn Công liền hỏi phương pháp tiến hành cụ thể.
Quản Trọng nói: “Mời Chủ Quân hạ lệnh tu sửa ba con sông, tạo thành cái ao hình tròn, còn phải xây dựng hồ nước sâu thuyền lớn có thể đi được, độ sâu của hồ phải đạt 70 thước. Chủ Quân hạ lệnh tiếp rằng ‘người có thể bơi qua được thưởng 10 lượng bạc.’ Chủ Quân tốn chưa đến ngàn lượng bạc, nhưng kỹ năng bơi lội của người dân nước Tề cũng không thua kém với người nước Ngô Việt rồi.”
Tề Hoàn Công dựa theo kế hoạch, đúng hạn bắc phạt Cô Trúc, Li Chi. Nước Việt quả nhiên nhân cơ hội đó mà vào, quân nước Việt đắp đất xây đê, chặn khúc cong của dòng nước nhằm dẫn nước nhấn chìm nước Tề. Mà nước Tề lúc này đã có hơn năm vạn binh sĩ giỏi về bơi lội, họ liền chờ ở khúc cong dòng nước đợi lệnh ứng chiến, đánh bại quân nước Việt.
Do Li Jingcheng thực hiện
Tiểu Minh biên dịch.
Xem thêm: