Muốn giảm stress? Hãy thực hành tử tế!
Những nhà nghiên cứu nói rằng giúp đỡ người khác khiến cuộc sống của chúng ta nguôi ngoai và chúng ta chỉ còn lại cảm giác hạnh phúc.
Bạn đã từng thử tất cả mọi cách, từ việc hít thở sâu, chợp mắt một chút, đến việc dốc bầu tâm sự với bạn bè, vậy mà bạn vẫn cảm thấy căng thẳng.
Vậy, bạn hãy thử làm một chút việc tử tế xem sao?
Những ngày này, căng thẳng dường như cũng trở thành dịch bệnh. Và nếu chúng ta không cẩn thận thì những căng thẳng này có thể trở thành chứng rối loạn lo âu, trầm cảm thậm chí còn tệ hơn nữa. Nhưng vào lúc chúng ta tự tìm cách giải thoát cho bản thân thì có lẽ giải pháp thực sự lại nằm ở việc giúp đỡ người khác.
Hóa ra, khi chúng ta gạt mọi vấn đề của riêng mình sang một bên và tập trung năng lượng vào những việc tử tế và giúp đỡ người khác, cấp độ căng thẳng của chúng ta sẽ giảm xuống. Làm việc tử tế có tác động tích cực đến lượng hormone trong cơ thể, đem lại lợi ích về cả sức khỏe và tinh thần.
Ví dụ, những người cố gắng trở nên tử tế có lượng hormone cortisol (hormone gây căng thẳng) ít hơn 23% và tiến trình lão hóa chậm hơn so với người bình thường. Làm việc tốt cũng kích thích cơ thể tiết serotonin (hormone tạo cảm giác dễ chịu), giúp làm dịu tâm trí và cải thiện cảm xúc.
Đối xử tốt với người khác không chỉ giúp giảm căng thẳng mà còn kích thích giải phóng các chất hóa học như endorphin và oxytocin làm giảm huyết áp và cảm giác đau. Oxytocin gây giãn các mạch máu, từ đó làm giảm huyết áp, trong khi endorphin hoạt động như một chất giảm đau tự nhiên của cơ thể chúng ta.
Và nếu bạn cảm thấy mình đang hơi uể oải, hãy thử lan tỏa lòng tốt để gia tăng nguồn năng lượng tự nhiên của chính mình.
Kết quả của một nghiên cứu cho biết khoảng một nửa những người tham gia đã cảm thấy mạnh mẽ và tràn đầy năng lượng sau khi giúp đỡ người khác, và rất nhiều người tham gia nói rằng họ cảm thấy trầm tĩnh hơn, trầm cảm ít hơn, hoặc cảm thấy quí trọng giá trị bản thân hơn.
Một nghiên cứu của đại học Yale được công bố trên trang Clinical Psychological Science nói rằng chỉ cần những hành động lịch sự cơ bản cũng làm giảm stress. Những người tham gia được yêu cầu theo dõi tần suất họ thực hiện các hành vi xã hội (hành vi có lợi cho người khác) hàng ngày trong khoảng thời gian hai tuần. Những hành vi được thực hiện đơn giản như hỏi ai đó khi họ cần giúp đỡ, hoặc mở cửa cho người khác, cũng khiến những người tham gia cảm thấy tích cực hơn so với những ngày họ không có những hành động tử tế này.
Tác giả chỉ ra rằng: “Những kết quả này cho thấy ngay cả việc hỗ trợ hoặc giúp đỡ người khác trong thời gian ngắn cũng có thể giảm thiểu những tác động tiêu cực đến cảm xúc do stress hàng ngày.”
Và còn cách nào tốt hơn để giúp đỡ người khác bằng việc làm tình nguyện viên? Các nghiên cứu cho thấy những tình nguyện viên cũng nhận được nhiều lợi ích như những người họ đang giúp đỡ.
Nghiên cứu cũng phát hiện những người từ 55 tuổi trở lên làm tình nguyện viên cho 2 hoặc nhiều tổ chức giảm tới 44 % nguy cơ chết sớm.
Nhưng khi giúp đỡ người khác, xoay trở lại thì động cơ là một yếu tố quan trọng. Trong một nghiên cứu được xuất bản trên tạp chí Health Psychology, những tình nguyện viên thường sống lâu hơn, nhưng điều thú vị là những lợi ích này chỉ có được nếu họ thực sự tình nguyện giúp đỡ người khác chứ không phải để bản thân cảm thấy tốt hơn hoặc để có được thiện cảm của người khác. Nói cách khác, động cơ của họ phải là vị tha, vì người khác hơn là chỉ để phục vụ bản thân.
Vì vậy, sẽ thế nào nếu bạn nhận thấy có một chút ái ngại khi phô trương lòng tốt của mình? Đừng tuyệt vọng. Lòng tốt có thể được học hỏi.
Helen Weng, một nghiên cứu sinh về tâm lý học lâm sàng và là tác giả chính, đã viết trong một bài báo năm 2013 về não bộ và sự lương thiện: “Nó giống như tập tạ vậy; chúng tôi phát hiện ra rằng mọi người thực sự có thể xây dựng “cơ bắp” của sự lương thiện và thấu hiểu nỗi đau của người khác bằng sự quan tâm và mong muốn được giúp đỡ.”
Và điều tuyệt vời là, lòng tốt rất dễ lan truyền. Những việc làm tốt giống với những cái ngáp, có thể lan truyền như những gợn sóng trong đám đông.
Bạn hãy thử một chút xem sao? Chỉ cần một hành động tử tế có thể tạo ra sự khác biệt giữa một ngày tốt lành và một ngày tồi tệ. Vì vậy, hãy kiến tạo một ngày tốt lành, không chỉ cho bản thân bạn mà còn cho người mà bạn đang giúp đỡ và cho những ai chứng kiến lòng tốt của bạn.
Tiểu Thiên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times